Truyện Cổ Việt Nam - VI (1987)

Chương 7 : Ngoảnh Mặt Bên Nào

Người đăng: SemiNoob

Ngày đăng: 23:27 22-02-2018

NGOẢNH MẶT BÊN NÀO (Dân Tộc Kinh) Xưa có một anh hai vợ. Cứ đến đêm vợ nhớn nằm trong, vợ bé nằm ngoài, còn anh ta thì chen vào nằm giữa. Ai chẳng bảo thế là sướng! Nhưng khốn nỗi vợ nhớn thì muốn anh ta ngoảnh mặt vào trong thì vợ bé lại đòi anh ta ngoảnh mặt ra ngoài. Lúng túng không biết ngoảnh về bên nào là phải, anh ta mới bảo hai vợ rằng: Bây giờ ai mà ví được câu gì thật hay, thì ta ngoảnh mặt về bên ấy. Vợ nhớn nghe nói, liền ví rằng: Anh có thương em Thì anh ngoảnh mặt vào trong Đến mai em đi chợ Em mua bún với lòng về anh ăn. Anh đã toan giở mình ngoảnh mặt vào trong, thì lại nghe thấy vợ bé ví luôn rằng: Anh có thương em Thì anh ngoảnh mặt ra ngoài Đến mai em đi chợ Em mua mật với khoai mài anh xơi. Anh kia nghe ví, nghĩ bún ăn với lòng cũng thú, mà khoai mài chấm với mật cũng ngon, nên anh ta lại vẫn lúng túng không biết ngoảnh mặt về bên nào. Chẵng nhẽ lại một đêm cứ nằm ngửa mặt mà trông lên đỉnh màn sao! Anh ta mới cũng lên giọng ví một câu rằng: Trông cho giời để lâu dài Bún lòng thì bún, khoai mài thì khoai! Rồi đành cứ ngoảnh vào bên trong một tí, rồi ngoảnh ra bên ngoài một tí. Nguyễn Văn Ngọc (Truyện cổ nước Nam – Thăng Long, 1952) Chú thích: Hát ví • Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...) • Tính biểu cảm của hát ví tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ. • Hát ví hát giao duyên nam nữ được phổ biến vùng Nghệ Tĩnh, các thể kỷ trước dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái. Vào các đêm trăng sáng thường đi ngắm trăng. Hát theo lối tường thuật ngẫu hứng một câu chuyện nào đó trong quá trình lao động và nông nhàn, trong lối sống thường nhật lâu dần được dân gian hóa • Thể hát ví: Ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo...
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang