Truyện Cổ Việt Nam - VI (1987)

Chương 2 : KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ

Người đăng: SemiNoob

Ngày đăng: 22:41 17-02-2018

KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ (Dân Tộc Kinh) Ngày xưa có một tay ăn trộm lành nghề. Lão ta thấy mình tuổi già sức yếu nên muốn truyền cái bí quyết của lối sinh nhai « trèo tường khoét vách » cho một vài đồ đệ. Có nhiều người tới xin nhập môn, nhưng đối với ai lão cũng buộc một điều kiện là phải chịu một cuộc thử thách bằng cách đi « ăn sương » với lão một đêm để cho lão xem thử bản lĩnh ra sao rồi mới chịu dạy. Cách xã có một anh chàng tên là Được mang một mâm xôi gà tới xin theo học. Thấy hắn có vẻ khờ khạo, chậm chạp, lão ăn trộm không muốn nhận. Nhưng vì hắn nài nỉ dữ quá nên lão bảo: - Thôi được! Tối nay con đến đây, chúng ta cùng đi một chuyến. Có thế nào sẽ hay. Tối hôm ấy, thầy bảo trò nai nịt chỉnh tề rồi dẫn nhau sang thôn bên cạnh. Sau khi cắt giậu, hai người lẻn vào một nhà nọ. Thầy ghé vào tai trò: - Đây là nhà một người đàn bà góa. Nhà có buôn vải. Hôm nay chúng nó đi vắng cả, chỉ có một người con gái giữ nhà. Cái bọc vải để ở đầu giường, con tha hồ mà chọn. Thế rồi thầy khoét vách cho trò chui vào. Được ta quả tìm thấy chỗ cất vải. Nhưng giữa khi hắn đang sờ soạng để phân biệt giá trị từng tấm, thì bỗng nghe tiếng thầy ở ngoài cổng kêu toáng lên « Có trộm! Có trộm! » Hắn hết hồn, toan tìm đường tháo thân thì cô gái đã choàng dậy ôm chặt lấy hắn. Hắn chống cự lại, nhưng cô gái đã kịp thời nắm lấy búi tóc hắn vừa xõa ra, đồng thời kêu cứu rất dữ dội. Được bối rối không biết làm thế nào cả, đành mếu máo gọi thầy. - Thầy ơi! Nó nắm lấy tóc con rồi! - Con đừng sợ! – tiếng lão ăn trộm trả lời – chỉ sợ nó nắm lấy mũi không cắt được, còn như nắm tóc, con cứ cắt phăng đi là thoát. Nghe nói thế, cô gái vội buông tóc mà nắm lấy mũi. Nhưng cũng chính nhờ thế, Được đã giật ra được ngày, và hắn vùng trốn thoát một cách dễ dàng. Bấy giờ, nghe tiếng kêu cứu, bốn phía đổ ra rất đông đuổi theo tên trộm. Trong lúc nguy cấp, Được không quản gai góc chạy tuông vào một bụi tre bên vệ đường. Tuy bị gai tre cào rách cả da thịt nhưng Được yên tâm vì chẳng một ai tìm thấy mình cả. Khi yêu lặng đã trở lại với hắn, hắn tìm lối ra, nhưng bụi tre kín quá không tài nào lách mình được. Mấy lần hắn toan liều chui ra, nhưng thấy gai tre tua tủa đâm rất đau, lại thụt trở vào. Cuối cùng hắn đành chịu nằm chết dí trong đó suốt đêm. Tờ mờ sang hôm sau, hắn vẫn không dám chui ra. May làm sao bỗng thấy vợ thầy học đi chợ qua đó, hắn bèn ra hiệu cho vợ thầy lại gần, rồi nói nhỏ nhờ về báo tin cho thầy biết để tìm cách cứu mình một tý. Chẳng ngờ lão ăn trộm tới, đã chẳng giúp được hắn chút gì, lại còn đột ngột la làng mấy tiếng: « Ối làng! Có tên trộm trốn ở đây! ». Thấy thế, Được không còn hồn vía nào nữa, chui nhào ra khỏi bụi tre và lủi về nhà một mạch. Người thứ hai thứ giáo với lão ăn trộm là một chàng thông minh lanh lợi tên là Lâu. Tuân theo đúng thể lệ của thầy, hắn vui lòng chịu trải qua một cuộc thử thách như những kẻ khác. Đêm ấy, hai thầy trò dắt nhau đến rình ở nhà một phú ông gần miền. Nhờ có tài nghệ của thầy nên mặc dầu nhà phú ông tường cao cửa kín, Lâu cũng lọt vào buồng một cách dễ dàng. Khi đã vào đến nơi, Lâu thấy thầy cầm chiếc chìa khóa mở một cái rương sập (chú thích: Một thứ hòm lớn trên mặt rộng bằng tấm phản có thể nằm để giữ, bề dưới có bốn bánh xe để đi chuyển nên cũng gọi là: rương xe) rồi bào mình chui vào: « Đấy! Đồ quí vật lạ của nhà nó đều để ở trong đó cả, con muốn chọn thứ gì thì chọn! ». Lâu nghe lời chui vào. Nhưng khi Lâu đang sờ soạng thì bỗng nhiên thầy đã đậy nắp rương lại. Hắn chưa hiểu thế nào cả thì đã nghe tiếng chìa khóa rút khỏi ổ và tiếng chân thầy lui gót. Không ngờ thầy lại thử mình một cách ngược đời như thế, Lâu điếng người, thầm nghĩ đến những hình phạt sẽ đón chờ mình chỉ vì ông thầy lập tâm chơi ác. Nhưng sau một lúc lâu ngồi thừ trong rương, hắn bỗng nghĩ ra được một kế để thoát khỏi chốn nguy hiểm. Hắn bèn lấy một cái thụng mặc vào, trên đầu trùm một cái mũ quan viên che lấp cả mặt. Thế rồi Lâu co chân đạp đùng đùng vào thành rương, vừa đạp vừa thét theo bộ điệu của con đồng bị thánh ốp: - Hỡi hỡi gia chủ! Mau mau dậy cho ta truyền bảo. Nghe tiếng động cả nhà phú ông hoảng hốt tỉnh dậy và chạy đến một bên rương. Họ rất lấy làm kinh ngạc khi nghe trong đó có tiếng nói huyền bí phát ra « Ta là thần tài từ lâu nay đã làm cho chúng mày giàu có… Nay ta hiện về đây ban lộc cho chúng mày… Chúng mày hãy mở khóa rương đón ta ra… ». Phú ông chưa bao giờ lại thấy có sự lạ lùng như thế, vừa sợ vừa mừng, vội vái lấy vái để, khấn xin tài thần hãy lưu lại một chốc để mình biện cỗ bàn rước đi. Nói xong, một mặt hắn hối hả giục người nhà giết lợn, đồ xôi, một mặt cho con đi mời làng tới dự. Người ta đổ xô tới đông nghịt. Ai nấy đều hồi hộp đợi chờ, trong lúc cả nhà phú ông mỗi người một nén hương cầm tay hướng về phía rương mà vái lạy xì xụp. Và khi nắp rương vừa mở, thì anh chàng Lâu khăn đỏ trùm kín mặt, nhảy phóc ra, thét với mọi người « Hãy theo ta ra đình! ». Đoạn hắn khoa chân mua tay rồi chạy một mạch ra khỏi cổng, có cả đoàn người theo sau với một dáng điệu vô cùng kính cẩn. Đến đình làng, Lâu ung dung bước vào thượng điện, rồi nhảy lên ngồi trên ngai thờ, mặt vẫn trùm khăn kín mít. Hắn phán: « Đặt cổ xuống đấy, rồi lui ra ngoài ăn. Đứa nào vào trong điện sẽ phạt hộc máu tức khắc! ». Nghe nói thế, mọi người chen nhau ra ngoài. Bấy giờ trong đám đông có anh chàng Được thấy chuyện lại cũng tìm đến xem. Nhưng khi nghe giọng nói tài thần thì hắn lấy làm ngờ, đoán chắn là bạn học của mình ở đây thôi, mới chạy vào để xem cho biết. Tuy mọi người can gián, nhưng Được không nghe, quyết vào cho được. Khi thấy rõ tài thần chẳng phải ai khác, mà là Lâu, hắn cười hì hì, đòi chia phần. Lâu ra hiệu bảo im và nói: – « Được rồi. Anh đừng làm ầm ĩ lên. Tôi thề rằng thế nào cũng chia cho anh một phần » – « Thề thế nào? » – « Anh thè lưỡi tôi liến, rồi tôi thè lưỡi anh liếm. Nếu kẻ nào làm sai thì trời chu đất diệt ». Nhưng Được vừa kịp trèo lên bệ và thè lưỡi ra thì đã bị Lâu dung răng cắn cho hắn một cái rất mạnh. Mọi người thấy hắn hốt hoảng từ trong điện chạy ra mồm nói ú ớ, máu trào đỏ ngầu, thì lại càng bội phần sợ hãi, cho là thần rất thiêng, vội chạy tản tác mỗi người một nơi. Nhờ thế Lâu thừa cơ trống về nhà vô sự. Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam –Tập III Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1976)
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang