[Việt Nam] Thượng Kinh Ký Sự
Chương 4 : Dọn nhà
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 18:43 15-02-2019
.
Lúc ấy tôi ở trong dinh quan Trung Kiên được hơn một tháng. Thân bằng đến thăm hỏi, ngày đêm vãng lai nhộn nhịp, mà lính quan Chính Đường tra hỏi ngáng trở. Kẻ muốn vào phải có người nhận lãnh mới được đi qua. Tôi nghĩ: "Ở trong dinh ra vào khó khăn. Vả lâu ngày, nào gạo nào củi, lại hơn mười người theo hầu, lấy đâu ra cho đủ chi dùng. Có lúc Quận hầu hỏi mình người theo hầu nhiều hay ít, quan Chính Đường muốn cho lẫm cấp, mình chẳng sa vào dàn khóa của người, bền lòng từ chối, nên được miễn. Nay phải tìm ở chỗ khác ngoài dinh, tiện cho khách và bạn lui tới, rồi phát thuốc để cung nhật dụng". Sau khi toan tính ổn thỏa, tôi nói với Quận hầu rằng: "Tôi lưu lạc giang hồ đã hơn ba mươi năm, một sớm đến kinh, thân bằng xa cách nhớ nhung cũng là thường tình, ngày đêm lui tới thành ra có sự đẳng đãi, nay xin được ngụ tại ngoài cửa dinh, cậy Quận hầu bẩm với đại nhân để tôi được tiện khu xử". Lúc đầu ông không thuận cho dời xa. Tôi nài xin mấy lần mới hứa cho. Tôi sai người dò hỏi một nơi trong quân dinh đội Kinh Hữu. Người chủ tên là Biện Đồng. Anh này nửa đời rồi mà chưa có con, nghe vậy cho việc gặp gỡ này là bởi trời, thân hành đến mời mọc. Tôi sai người chuyển vận đồ đạc đến ngụ tại nhà y. Vợ chồng y hoan hỉ và trọng đãi tôi vô cùng. Từ dinh quan Chính Đường đến nơi này ước vài ba cung đường. Cứ ba hoặc năm ngày một lần, Quận hầu đến chuyện trò với tôi, tình thân ái bất tất nói nữa.
Hãy nói chuyện tôi ở kinh chưa được nửa tháng mà từ quan viên, binh lính đến người trong phố phường, phần đông đều biết tôi cả; hoặc đã xin thuốc, hoặc đã xin chẩn bệnh, cho đơn, ngày đêm vô cùng huyên náo. Tôi nghĩ thầm: "Lúc mới những nghĩ kiếm sao cho đủ nhật dụng, chẳng ngờ nay kiếm được gấp bội. Tuy nhiên mình đi chuyến này không để tâm gì đến phú quý mà lại cầu lợi ư ?". Tôi muốn dời chỗ ở nhưng chưa tìm được nơi nào. Lúc ấy có quan Quản Thị Nội Tả Cơ là Hàm Xuyên Hầu, thuở nhỏ theo cử nghiệp đã từng theo trường học ở quận, sau ông theo cha đi đánh giặc có công nên mới tiến thủ trên đường võ bị. Nhưng nhất sinh ông hay đau ốm, nhiều lần đến xin chữa bệnh. Ông thấy tôi thường khi không trị bệnh mà bệnh lại khỏi thì cho là thần dị, mỗi khi có bệnh nguy kịch thì cũng nhờ tôi chữa chạy cho. Ông xin nhập môn học tôi nghề thuốc. Tôi thấy ông là người chân thành nên nhận lời. Ông biết tôi không muốn ở nơi ồn ào, tức thì lẳng lặng sửa sang một sở dinh cũ ở cạnh hồ gần bản dinh; từ nhà ngoài, nhà khách, nhà bếp đều tĩnh mịch. Rồi ông đến mời tôi lại ở. Tôi mừng quá liền dời chỗ trọ. Hai vợ chồng tên Biện Đồng không bằng lòng như vậy. Chỗ ở mới này cùng với dãy nhà phía sau của Biện Đồng cách nhau vài ba trăm bước. Tôi cho đục tường mở một cửa nhỏ, sớm tối ân cần tiếp xúc với nhau.
Kể từ lúc di ngụ tới đây lòng tôi mới được thư thái. Một đêm kia trăng sáng như ban ngày, ngồi tựa câu lan tôi thầm nghĩ : Đến kinh đã hơn hai ba tháng rồi, làng cũ chưa về thăm được, cũng chưa từng rời bước đi đâu được. Tính đốt ngón tay trải ba mươi năm rồi, những tưởng không bước vào cái cuộc danh dàm lợi khóa, ngày nay phải cam làm cái anh Sở tù chăng ? Nghĩ ngợi một hồi, bỗng than dài một tiếng, sai tiểu đồng pha trà uống một mình rồi đi nằm. Tôi chợt nghe từ bờ hồ bên kia nổi lên một tiếng trong trẻo, véo von, trong như ve sầu uống hạt móc, dứt dứt nối nối, trắng như hạt móc kết thành sương. Tôi hốt hoảng trở dậy, ra trước sân nghe ngóng, mới biết là ở tây dinh có người thổi sáo. Khi này mối sầu mới gợi thêm mối sầu cũ, nhân ngâm một bài thơ ngắn tả nỗi lòng:
Ngọc địch thanh du du
Thanh tiêu hứng chuyển u
Suy lai thiên lý nguyệt
Tán tác mãn thành thu
Lạc cực thùy gia thú
Tình đa lữ khách sầu
Tiêu tiêu thiên lại phát
Cấm cố xuất tiều phu
Sáo ngọc thanh nghe vẳng
Đêm trong hứng ngẫu nhiên
Thổi về ngàn dặm nguyệt
Tan nhập khắp thành môn
Vui ấy ai người hưởng
Tình này lữ khách buồn
Sáo trời dào dạt thổi
Trống điểm cấm cung đồn
Ngâm xong, tôi tản bộ trước thềm, đêm khuya mới đi nằm, chiêm bao thấy mình ở quê nhà trong núi, mãi đến khi mặt trời chiếu ngang cửa sổ vẫn chưa trở dậy. Đứa tiểu đồng vội vã chạy lại lay tỉnh, nói rằng Quận hầu chờ đợi ở ngoài cửa đã lâu rồi. Tôi hoảng hốt ra nghênh tiếp, mời vào trong nhà cùng ngồi. Quận hầu nói: "Trước đây vài ba gian quân phòng chật hẹp, cửa trông thẳng ra ngã tư, náo nhiệt khó chịu, nay được chốn này thanh nhàn xứng đáng cho cao nhân tĩnh dưỡng". Tôi thưa: "Cũng là nhờ chủ nhân đây có lòng hậu đãi vậy". Lúc ấy Hàm xuyên hầu thấy Quận hầu đến, cũng tới nơi hầu chuyện. Tô đưa bài thơ Đêm nghe tiếng sáo ra để hai ông bình luận thì đều khen ngợi cả. Quận hầu nói: "câu cực lạc có do mối cảm kích mà ra chăng ?". Tôi thưa rằng: "Có". Hàm xuyên hầu nói: "Thái hết thì đến bĩ, suy tán lắm cũng do thịnh mãn nhiều; cho nên thánh nhân mới giảm cái dư trợ cái thiếu, chính là nói điều ấy vậy". Trò chuyện nửa giờ rồi, hai ông mới ra về. Sáng ngày hôm sau, dịch mục của Quận hầu đưa đến năm người trai tráng, áo khăn chỉnh bị. Tôi thấy thế ngờ rằng có việc gì phải đi xa. Người dịch mục nói :"Quan lớn tôi thấy chỗ ở mới của lão sư rất vắng vẻ, vả lại nơi này có lắm bọn đào tường khoét vách, sợ có điều tai hại xảy ra, mới bẩm với đại quan truyền lấy năm tên lính ở tiền quân thuộc bản dinh cho chúng phục dịch ban ngày, canh gác ban đêm". Tôi bảo rằng: "Thân tôi được nhờ tôn hầu có lòng tốt chu toàn, ơn ấy ghi tạc không quên. Còn việc này ông hãy vì ta hết lời từ tạ". Người dịch mục không nghe, cho bọn lính cư ngụ tại nhà ngoài. Nguyên lai mỗi lần tôi đi đâu đều phải mượn lính hầu của Quận hầu. Những quan viên qua lại cầu thuốc cũng cấp cho tôi lính để sai khiến, được bảy, tám người :
Thị Nội tả quân
2 người
Nhương Trung quân
1 người
Trung Kinh quân
1 người
Hậu Dũng quân
1 người
Tiền Hùng quân
1 người
Phần đông bọn chúng đều lười biếng, chỉ có năm tên lính Tiền Dũng là biết sợ pháp luật, công việc sai khiến đều được vừa ý. Như thế cũng đủ rồi; tôi cảm tạ các quan viên và cho bọn lính kia trở về, chỉ giữ lại một tên của Tiền Ninh, một tên của Trung Kinh, năm tên của Tiền Dũng, phát lương cho chúng và cho chúng ở nhà bếp phục dịch.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện