[Việt Nam] Thượng Kinh Ký Sự

Chương 0 : Giải nghĩa - Điển tích

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:52 03-03-2019

U trai: nhà ở sạch sẽ và tĩnh mịch để học hay để tu luyện. Tương phi: Nga Hoàng và Nữ Anh là hai bà phi của vua Ngu Thuấn. Sau khi vua Thuấn băng, hai bà ở đất Thương Ngô, rồi đến sông Tương, khóc lóc thảm thiết, gieo mình chết. Hương Sơn: tên huyện thuộc tỉnh Nghệ An ở phía nam sông Cả, tức là sông Lam Giang (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Nguyên văn: Vương mệnh bất sĩ giá. Ý nói mệnh của Chúa phải thi hành cấp tốc như ngựa không kịp thắng yên. Quan Chính Đường: Chỉ Huy quận công Hoàng Đình Bảo, trước tên là Đăng Bảo, sau đổi là Tố Lý, lại đổi là Đình Bảo; người xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay; cháu của Hoàng Ngũ Phúc, đậu hương tiến, lại đậu tạo sĩ, lấy con gái chúa Trịnh Doanh. Năm 1777, làm trấn thủ Nghệ An; năm 1778, được Trịnh Sâm cho coi việc phủ chúa và lĩnh chức trấn thủ Sơn Nam. Sau khi Trịnh Sâm mất, giữ chức phụ chính, sau bị quân Tam Phủ nổi loạn giết chết (loạn Kiêu Binh). Đông Cung Vương Thế tử: tức Trịnh Cán, con Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ. Lợi hại: điều lợi và điều hại. Nghĩa bóng : quan hệ, ghê gớm. Tam công: ba chức quan lớn trong triều đình, tức Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Cơ công: chỉ Cơ Đán tức là Chu Công, chú vua Thành Vương nhà Chu, có công dẹp loạn miền đông nam, trở về cải định quan chế, sáng chê lễ pháp; sau lại đóng đô ở Lạc Ấp, gọi là Đông Đô. Hiên Kỳ: Hiên Viên hoàng đế và Kỳ Bá, hai người có công trong y học thời cổ. Đạo đồ: học trò theo học thuốc. Đồ thư: tranh và sách. - Gươm đàn: thanh gươm và cây đàn, đồ dùng của người học trò xưa. Vĩnh Dinh: một địa điểm ở vùng Vinh. Bạt thiệp: đi trên cỏ và lội trong nước, có nghĩa lặn lội khó nhọc. Cấm Giang: sông ở vào hai huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thiết Cảng: có nghĩa cửa Sắt ở đông bắc huyện Hưng Nguyên và phía nam huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Chân độn: việc ẩn náu được tiến hành đúng mức và đúng ý nghĩa của nó. Dưỡng chân: nuôi dưỡng cái tính thành rất mực. Ba sinh: do chữ Hán tam sinh có nghĩa là ba lần sinh ra ở đời để trả cho hết duyên nợ (duyên nợ ba sinh). Đông Lũy: tên làng thuộc huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Vị khí: cái khí trong dạ dầy. Hoàng Mai: tên xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Long Sơn: tên núi ở làng Nhân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Giờ ngọ: khoảng thời gian từ 12 giờ đến hết 14 giờ ngày nay. Theo Trung Quốc Sử Lược của Phan Khoang thì vua cuối cùng nhà Tống dời ra ở đảo Nhai Sơn (Quảng Đông), có đại tướng Trương Thế Kiệt, tể tướng Lục Tú Phu phò trợ. Quân Nguyên đánh Nhai Sơn, Tú Phu cõng vua nhảy xuống bể tự tử (1279). Thế Kiệt đi đường thủy qua Việt Nam mưu sự khôi phục, đi đường gặp bão, thuyền chìm mà chết. Khe Lãnh Thủy, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, về phía bắc. Khe từ trong núi chảy ra, nước lạnh ghê người, nên gọi là thế. Hoan Ái: Nghệ An và Thanh Hóa. Hỗ tống nghênh: thay đổi nhau mà tiễn đưa và nghênh đón (nói về hình trạng núi non). Tiên thạch vân nang: sự tích Tần Thủy Hoàng muốn xây một cái cầu bằng đá ngoài biển để tiện đường đi về phương đông. Một đạo gia học được phép đưa đá ra biển, lấy roi đánh vào những hòn đá, đá cũng phọt máu, rồi dùng bao bỏ đá mà quẩy đi. Thần Phù: tên cửa biển cũ ở chỗ giáp giới tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa (địa hạt huyện Yên Mô và huyện Nga Sơn). Cuối đời Lê, cửa ấy bị đất bồi lấp hết. Nay ờ huyện Yên Mô có một cái tổng tên là Thần Phù. Đài Sước: tên đèo. Nghĩa đen, đèo kinh hoàng. Nguyên thủ: vua một nước. Ngày nay bất luận quân chủ, dân chủ, người nào làm thủ lãnh toàn quốc đều gọi là nguyên thủ. Chu tước, Bạch hổ: hai trong sáu vị thần thuộc Hắc đạo trong tháng. Ở phương nào và ngày nào những vị thần ấy xuất hiện, người ta kiêng việc làm đất cát, nhà cửa, dời chỗ ở, đi xa, làm giá thú, xuất quân. Thanh long: một trong sáu vị thần thuộc Hoàng đạo. Sáu vị thần ấy là Thanh long, Minh đường, Kim quỹ, Thiên đức, Ngọc đường, Tư mệnh. Ngày nào trong tháng gặp vị thần ấy thì nên làm mọi việc,tránh được các điều hung ác. Quý nhân tức là Thiên ất Quý nhân, chia ra Dương quý và Âm quý; thần này có được sự hòa bình của âm dương phối hợp, nên khiến người gặp những điều tốt đẹp. Dịch mã: vị thần ảnh hưởng thích hợp cho việc phong tặng quan tước, đi xa, dời chỗ ở, v.v.. Lục hợp: tên thần lúc nhật nguyệt nhập hội (nhật nguyệt hợp tú chi thời). Ngày có Lục hợp nên hội tân khách, kết hôn nhân, lập khế khoán, hợp giao dịch. Kinh tửu: rượu do người Kinh chế tạo. Dặm: một đoạn đường dài 135 trượng = 540 m (là hơn nửa cây số ngày nay). Ba Dội: vùng núi giáp giới tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình, cũng gọi là núi Tam Điệp. Uẩn súc kinh luân: chứa đựng tài trị dân giúp nước (kinh luân là sợi dọc và sợi xe, nghĩa bóng nói về tài chính trị). Có câu y phục xứng kỳ đức, nói cách ăn mặc tương xứng với cái đức của mình. Cao ẩn: giấu mình nơi hẻo lánh mà không dự vào việc đời. Vàng và đá: Nghĩa bóng nói lời nguyện ước gắn bó với nhau vững bền như vàng và đá. Ở đây nói chí của Lãn Ông không thay đổi. Nối điêu: do câu tục ngữ "Điêu bất túc, cẩu vĩ túc", có nghĩa là đuôi con điêu thiếu, lấy đuôi con chó thế vào. Nghĩa bóng: lời nói khiêm, lấy cái không hay của mình mà tiếp vào cái hay của người. Dương Xuân Bạch Tuyết: khúc ca thời cổ. Vân Sàng: thuộc tỉnh lỵ tỉnh Ninh Bình ngày nay. Thịnh Liệt: tên làng thuộc ngoại ô Hà Nội ngày nay. Nhân Mục: thường gọi làng Mọc, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Đông. Cầu Triền: thường gọi Ô Cầu Dền. Hoàng Mai: tên làng, nay là ngoại ô Hà Nội. Cung tường: nhà bốn bên có tường, chỗ ở và miếu thờ đều ở trong, tường về phía Nam có cửa để thông xuất nhập. Sau người ta dùng hai chữ ấy để gọi sư môn (cửa nhà thầy dạy). Sở tự: nơi thờ phụng. Sinh vị: bài vị thờ người sống. Trường Yên: kinh đô nhà Tây Hán, nay là tỉnh Thiểm Tây, tác giả mượn để chỉ kinh đô nhà vua. Ngọc đường: đền nhà vua, chỗ các quan văn học lui tới làm việc. Túc trực: chầu chực ban đêm. Sơ cuồng: không cẩn thận và rồ dại. Quận hầu: tiếng tôn xưng người có quan tước. Qua vàng: dịch chữ kim qua; qua là cái giáo, tức là thứ khí giới cán dài, mũi sắt nhọn, dùng để đâm. Sông Hán: tức là sông Ngân Hán, tên gọi đường trắng ở trên trời do ánh sáng các tinh tú tạo thành, trông hình như con sông bằng bạc. Liêm mạc: cái rèm và cái màn. Khuê môn: cái cửa nhỏ trong thành. Nghi trượng: đồ trần thiết trang nghiêm nơi vua ngồi hay lúc đi đường. Bồng: thứ cỏ cứ đến mùa thu thì khô héo, gặp gió thì bay tung. Tử Các: gác tía. Thị cận: trông coi gần, đây nói các quan hầu cận. Long kỷ: ghế ngồi của bậc vua chúa. Thánh Thượng: chỉ chúa Trịnh Sâm. Sở bẩm: cũng như nói bẩm thụ, tức là hình hài và tính chất trời cho mình. Phát tán: làm cho cái khí độc nhiễm trong người tan giải ra ngoài. Công phạt: đánh phá, ý nói dùng những vị thuốc có năng hiệu mạnh mẽ và nguy hiểm. Phủ tạng: các bộ phận trong bụng, trong ngực người ta. Vị, đảm, tam tiêu, bàng quang, đại tiểu tràng là lục phủ; tâm, can, tì, phế, thận là ngũ tạng. Tiên thiên: những cái bẩm thụ được trước khi sinh ra. Hậu thiên: đối với tiên thiên. Lập kiến: định rõ, nêu rõ cái quan điểm của mình; ấn định điều gì theo kiến thức của mình. Võng hành: đi đông không trật tự. Câu kè: chức quan đời xưa coi việc tra xét sổ bộ. Quân phù: phù hiệu trong quân làm tin cho các mệnh lệnh, cũng gọi binh phù. Thụ mệnh: nghe theo lời truyền bảo. Thượng trì: ao nước ở nơi cao tuyết, ý nói phép tiên. Phế phủ: phổi và các bộ phận trong bụng người, các bộ phận này gọi là lục phủ. Nham huyệt: núi và hang, ý nói chỗ ở ẩn. Đồng nhan: mặt trẻ con, ý nói nom mặt thì như người còn trẻ trung. Tùng bách: hai loại cây thông, mùa đông tháng giá cũng không vàng lá rụng cành. Hai chữ tùng bách dùng để ví với những người có khí tiết vững vàng. Y-Chu: Y Doãn đời nhà Thương và Chu Công đời nhà Chu, hai người đều là bầy tôi giỏi. Sào-Do: cũng thường nói Sào-Hứa. Tức là Sào Phủ và Hứa Do, là hai người cao sĩ đời Đường Nghiêu. Vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho Hứa Do. Do nghe chuyện ấy, ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai, gặp khi Sào Phủ dắt trâu đến đấy cho uống nước. Sào Phủ sợ nước bẩn miệng trâu, bèn dắt trâu lên quãng sông dòng trên cho uống. Cung đường: một thôi đường đi chừng hết nửa ngày. Hàm Xuyên Hầu: tức Đinh Nhạ Hành, bỏ chúa Yến Đô, phò vua Lê, được làm quản Binh hiệu thị trung, từng vâng lệnh vua đem quân xuống Sơn Nam hạ chống quân Tây Sơn (Vũ Văn Nhậm). Cuối đời Chiêu Thống, Nhạ Hành làm đến Chẩn khấu Đại tướng quân, tước Hàm quận công. Năm Kỷ Dậu 1789, Nhạ Hành đem gia quyến theo vua chạy sang Tàu. Sở tù: tù binh do nước Sở bắt được. Sau dùng để chỉ kẻ ở trong tình trạng quẫn bách mà không có kế gì để mưu thoát. Dịch mục: kẻ đứng đầu mọi việc sai phái trong dinh. Tôn hầu: tiếng tôn xưng người có quan tước. Thù tạc: nói chủ khách mời đãi nhau. Hình quan: quan coi về việc hình. Giám sinh: học sinh nhà Giám. Ở kinh đô có nhà Giám, tức Quốc tử giám, nơi đây quan tế tửu và quan tư nghiệp làm giảng quan. Nộn Liễu: tên xã thuộc huyện Nam Đàn,tỉnh Nghệ An. Viên Hình Công: tức Bùi Bật Trực, làm quan đến thái thường tự khanh; sau này lúc quân Tây Sơn ra Bắc, được vua Lê sai giữ chức than tán quân vụ tại Sơn Nam. Chử thạch: nấu đá. Người đạo sĩ nấu vàng đá làm thuốc; uống thuốc ấy thì thành tiên, đó là kim đan. Ý nói thuốc hay. Tiêu đồng: người ta dùng gỗ đồng làm đàn cầm, nên đàn cầm cũng gọi tiêu đồng. Trí nhân: trích câu Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn trong sách Luận Ngữ; có nghĩa : kẻ trí ưa thích chơi với nước, kẻ nhân ưa thích chơi với núi. Liêm ngoan tục: liêm là trong sạch, trái với ngoan là tham. Làm cho thói tham hóa liêm. Thiên chân: sự chân thành rất mực bởi trời phú cho - cái bản tính thiên nhiên. Cầm hạc: điển Triệu Biện người Tây An đời Tống, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Điện trung thị ngự sử, tính người cương chính. Khi đi chịu chức ở Thành Đô, chỉ đem theo một cây đàn và một con hạc, việc cai trị dân rất giản dị. Hành chỉ: làm quan và thôi việc quan, ý nói làm quan phải tùy thời tiến thoái để bảo toàn danh phận của mình. Bài hát vịnh Hàn Tín đời Hán của Nguyễn Công Trứ có câu : Nếu biết chữ khả hành khả chỉ, thì Năm Hồ một lá cho xong ! Thiên quân: bề tôi và nhà vua (không có tiếng quốc âm dịch được hai chữ thiên quân có nghĩa là lòng người, nên tạm dùng hai chữ thần quân, có sai nghĩa, nhưng để họa nguyên vận). Hạo nhiên chính khí: cái khí tiết ngay thẳng, cứng rắn của những anh hùng, liệt sĩ. Bát trận: tám môn của những phương thuốc trị bệnh đã được chia ra trong sách thuốc Cảnh Nhạc. Thể chế: cách thức chế ra, cách thức xây dựng lên. Tam tài: ba ngôi là trời, đất và người. Khương-Phó: Khương Tử Nha và Phó Duyệt. Tử Nha tuổi già ở ẩn, đi câu. Vua Văn Vương nhà Chu đi săn, gặp Tử Nha ở sông Vị, cùng nhau chuyện trò đắc ý, cho lên xe cùng về, tôn làm thầy, gọi là sư thượng phụ. Vũ Vương diệt Trụ mà có thiên hạ là nhờ mưu chước của Tử Nha. Nguyên tổ tiên của ông được phong ở đất Lữ, nên Tử Nha cũng được gọi là Lữ thượng. - Phó Duyệt : hiền tướng đời nhà Ân. Vua Cao Tông mộng thấy Duyệt, tìm về cất lên làm tướng, nước được thịnh trị. Tam Hoàng: có nhiều thuyết khác nhau. Theo sách Đế Vương Thế Ký thì Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế là tam hoàng. Tứ Thánh: bốn vị thánh trong y học xưa tức là Hoàng Đế, Kỳ Bá, Tần Việt Nhân và Trương Cơ. Khải: Vương Khải, nhà cự phú đời Tấn, cùng với một nhà cự phú khác là Thạch Sùng ganh đua nhau ăn chơi xa xỉ. Nhan: Nhan Hồi, tên một vị trong tứ phối, thường gọi là Nhan tử. Học trò giỏi của Khổng Tử, nhà rất nghèo, chỉ ham học đạo. Linh đan: thuốc luyện của thần tiên. Theo nghĩa rộng, chỉ liều thuốc hay. Lão quân: Lý Nhĩ đời nhà Chu, gọi là Lão Tử, tổ Đạo giáo. Huấn đạo: một chức quan coi việc học trong một huyện hay một phủ. Hà Hoa: tên một phủ. Đời vua Lê Thánh Tông, phủ Hà Hoa thuộc tỉnh Nghệ An. Đời vua Minh Mạng, hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ được đặt làm tỉnh Hà Tĩnh, cho lệ thuộc vào tỉnh Nghệ An, đặt chức An Tĩnh Tổng đốc cùng một Bố chánh, một Án sát để cai trị. Húy gia tiên: giỗ tổ tiên trong nhà. Quận chúa: tiếng gọi con gái các vị có tước vương, thuộc dòng tôn thất. Rau rút cá mè: chữ Hán là thuần lư. Trương Hàn đời Tấn, đến mùa thu, nhớ canh rau rút và gỏi cá mè ở quê mình, liền từ quan mà về. Thiên: thiên lệch, không đồng đều với kẻ khác. Dự Nhượng: người nước Tấn đời Chiến Quốc. Làm tôi Trí Bá. Sau Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt. Nhượng bôi đen mình, lại nuốt than để thay đổi hình trạng, muốn giết Tương Tử, báo thù cho Trí Bá. Bị Tương Tử biết được, Dự Nhượng kêu rằng :"Tội tôi đáng chết, chỉ xin ngài cái áo để cho tôi đâm, dẫu chết cũng không hận gì". Tương Tử bằng lòng, đưa áo cho Nhượng. Nhượng bạt kiếm, nhảy ba lần mà đâm vào áo, rồi tự đâm mình mà chết. Hàn hầu: không rõ nghĩa. Đời Hán Cao Tổ, có Hàn Tín được phong Hoài âm hầu. Đời Xuân Thu, vua nước Hàn cũng gọi là Hàn hầu. Cẩm Giang: tên một huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Tiên Hưng: tên một phủ thuộc tỉnh Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Lương phương: bài thuốc hay. Hàn huyên: Lạnh ấm. Nói hai người xa cách nhau, trong khi được gặp lại, trò chuyện với nhau. Tử Lăng: chỉ Nghiêm Quang ở Đông Hán, mặc áo tơi đi cày ở núi Phú Xuân, cũng là một cao sĩ. Tức Phạm Nguyễn Du, tự Hiếu Đức, hiệu Dưỡng Hiên, trước tên là Phạm Huy Khiêm, người làng Đăng Điền, huyện Châu Thúc, Nghệ An. Ông nổi tiếng văn tài lúc thiếu thời, được tiến dẫn vào triều trước khi đi thi. Ông đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1779), năm Cảnh Hưng thứ 40, khi ông 40 tuổi. Làm quan Học sĩ ở viện Hàn Lâm và chép quốc sử. Lúc Tây Sơn tràn tới Nghệ An, ông đang giữ chức Đốc đồng tỉnh ấy. Theo sách Nghệ An Ký, ông lánh sang huyện Thanh Chương, chiêu mộ hương binh để chống lại Tây Sơn; sức không địch nổi, phẫn uất mà chết. Ông có viết sách Luận Ngữ Ngu Án, phú như Thạch Động Thi Văn Sao. Cai đạo: quan đứng đầu một trấn. Đỗ hoàng giáp: chưa rõ ông nghè họ Đỗ nào (hoàng giáp là tiến sĩ đệ nhị giáp, cũng gọi tiến sĩ xuất thân). Sóng cỏ: Sóng mang theo cỏ. U nhàn: U nhã và an nhàn. Tiểu luật: một bài thơ nhỏ, soạn theo Đường luật. Đây là một bài ngũ ngôn luật thi. Vân hạc lữ: bạn với mây hạc, do câu Cô vân dã hạc, có nghĩa mây đơn hạc nội, chỉ người lánh đời ở ẩn. Thanh nhãn: mắt xanh. Đời Tấn, Nguyễn Tịch tiếp khách, gặp ai vừa lòng mình thì mắt xanh, không vừa lòng mình thì mắt trắng. Nguyên văn: Mỗi dĩ bất thức Hàn vi hận : lấy điều chẳng biết họ Hàn làm hận. Trong bức thư gởi Hàn Triều Tông, trưởng sử Kinh Châu, Lý Bạch có câu : Sinh bất dụng vạn hộ hầu, đãn nguyệt bất thức Hàn Kinh Châu (Sống không cần làm vạn hộ hầu, chỉ mong một lần được biết Hàn Kinh Châu). Xuân phong: gió xuân. Nghĩa bóng : dáng dấp vui tươi, hòa nhã. Giải cấu vong niên: cuộc tình cờ gặp gỡ mà không kể tuổi. Ý nói chơi bời kết bạn cùng nhau mà không kể là già hay trẻ. Thương sơn: tên núi ở tỉnh Thiểm Tây. Cuối đời nhà Tần, Từ Hạo tỵ nạn ở ẩn tại đó, hiệu là Thương Sơn Từ Hạo. Núi này rừng sâu vực thẳm, hình thế u thắng. Kiệm bạc: ít ỏi, nhỏ mọn. Ý nói tuy vui cảnh núi non đẹp đẽ, nhưng sống trong cảnh thanh bần. Đồng quận: Hầu này cùng tôi đều là người phủ Thượng Hồng (lời chú của tác giả Lãn Ông). Điều thang: biến chế, gia giảm các vị thuốc để pha lẫn thành thang. Đông kiều: ở nhờ nơi phía đông. Trạch Ưu: tên riêng chỉ thứ quân ưu binh được kén làm quan túc vệ canh giữ đền vua, phủ chúa : thứ quân này lấy ở ba phủ đất Thanh Hóa và bốn phủ đất Nghệ An. Khổ minh bất tu phanh: trà đắng chẳng nên nấu (phanh : nấu) - Trong quốc âm không gieo được vần phanh để diễn dịch cho đúng nghĩa câu. Ở đây gieo đúng vần thì sai nghĩa. Hương bồi: bồi tiếp chầu chực chốn thơm tho, ý nói được gần gũi người có đức thơm, có phẩm cách quý. Liễu tặng: bẻ cành liễu mà tặng nhau trước khi từ biệt. Nguyên ở phía đông thành Trường Yên có cái cầu tên gọi Bái kiều. Người Hán đưa tiễn khách ở cái cầu ấy thì bẻ cành dương liễu mà tặng nhau. Đồng khoa: cùng thi đỗ một khoa, một năm. Niên gia: Trong thời đại khoa cử, hai người cùng thi đỗ một năm thì gọi là niên gia. Tuần nhật: thời gian mười ngày. Phụng thị: vâng mệnh mà hầu hạ. Tư âm: vun nhuần khí âm. Vật thực thời nghi: những thực phẩm thời nào thức ấy. Ngộ phòng: thứ bệnh do sự giao cấu mà sinh ra, cũng nói là phạm phòng. Vạn lự: lo lắng vạn điều, ý nói phải lo gìn giữ mọi điều. Âm cữu: cái lỗi về việc gần đàn bà (âm là giống cái, cữu là tội lỗi). Cửu dương: bổ cứu chân dương. Khanh tướng: nói chung về các quan có chức vụ cao cả trong triều. Quan khanh giúp vua trong các việc lớn, quan tướng chủ trương việc chính trị trong nước, tì dụ tể tướng, tướng quốc, tướng công. Tinh diệu nhập thần: cái tinh vi màu nhiệm đã thấu đáo đến cùng, như đã nhập vào thần trí mình. Phô diễn khí huyết: ý nói chỉ bổ khí huyết để bày tỏ cái hiệu nghiệm của thuốc bổ mà không biết điều gì khác. Văn lý tự hoạch: ý nghĩa câu văn và các nét của mỗi chữ sách. Tạo sĩ: người đỗ khoa thi võ. Nghĩa điệt: cháu nuôi đối với chú. Duy Tiên: một huyện thuộc tỉnh Hà Nam. Ngoại tộc: họ mẹ. Hoãn cấp: thư thả và vội vã. Văn Quốc Sư: Thời loạn Kiêu Binh có Quốc sư Nguyễn Hoãn. Ông quán làng Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743); làm Thái phó, tước Viên quận công. Ông có trông coi việc làm quốc sử. Trấn Vũ: Tên đền thờ đức thánh Huyền Vũ, ở phía bắc thành Thăng Long và trông ra Tây Hồ. Biện chứng: biện luận và phân tích chứng bệnh. Kiệu hữu: quân Kiệu thuộc cánh hữu. Kiệu và Nhương là tên hai cơ binh trong hàng ngũ Kiêu binh, tức là quân Tam phủ. Quan thuyền: thuyền thuộc công quyền. Tiễn hồi: đưa trở về. Điện các: đền thờ thánh có nhà lầu. Chùa Trấn Quốc: nguyên chùa tên gọi Trấn Bắc, thuộc phường Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, được dựng lên từ đời Trần. Đến đời Hậu Lê, niên hiệu Vĩnh Tộ (1628) đời Lê Thần Tông, chùa được tu sửa lại, đổi tên là Trấn Quốc. Năm 1639, chúa Trịnh Tráng trùng tu lại chùa và đổi tên lại là Trấn Bắc. Ly cung: tên một cái cung của của nhà vua. An Quảng: vùng đất Quảng Yên, thuộc miền trung du Bắc Phần. Làng cũ: làng Liêu Xá, tỉnh Hải Dương, quê cũ của Lãn Ông. Bát Tràng: tên làng thuộc tỉnh Bắc Ninh, gần Hà Nội. Lao dật: mệt mỏi và nhàn hạ. Ý nói đem quân nhàn hạ đánh quân mệt mỏi, theo câu chữ Hán thường nói là dĩ dật đãi lao. Hồng Châu: tên đất thuộc tỉnh Hài Dương. Kim Đôi: địa danh. Hàm Giang: tên trấn thuộc tỉnh Hải Dương, quê quận công Đinh Văn Tả và cháu xa đời của ông là Đinh Nhạ Hành. Hưng Hóa: một khu vực thuộc tỉnh Phú Thọ, ở hữu ngạn Đà Giang. Năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu tục gọi Sử Nhu, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đánh Pháp ở đồn Hưng Hóa, tức là nơi đây. Tri ngộ: biết mình mà hậu đãi mình. Lão ni: người đàn bà đi tu đạo Phật, tuổi đã già. Huê Cầu: tên làng thuộc huyện Văn Giang, Bắc Ninh. Công quả: hiệu quả của một việc đã thành. An Tử Sơn: tên quả núi ở huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Tục truyền rằng An Kỳ Sơn xưa tu ở đấy, nên gọi là An Tử. An Kỳ Sinh là một vị tiên, người đời Chiến Quốc bên Tàu. Sơn Nam: vùng tỉnh Nam Định. Tiểu nhân: tiếng dùng riêng để chỉ người đàn bà mà đối với mình đã có quan hệ về tình cảm. Vấn danh: một lễ trong việc hôn nhân, hai bên trao đổi cho nhau tờ biên tên trai gái. Nạp thái: lễ đưa đồ dẫn cưới. Sinh đồ: người thi đỗ khoa thi hương xưa, nhưng vào bậc dưới. Cô khổ: cô đơn và khổ hạnh. Bảo dưỡng: giữ gìn và nuôi nấng. Cao tiết: cái khí tiết cao quý. Thời vật: phẩm vật trong mùa. Cải táng: thu góp xương cốt người chết đã được táng năm ba năm, lau chùi cho sạch, bỏ vào một cái tiểu bằng sành mà di đi, chôm tại một nơi khác. Ông Mạc: thường gọi là Ô Đồng Mác. Thanh Trì: tên một huyện cách Hà Nội chừng 12 cây số, thuộc tỉnh Hà Đông. Tam Đảo: tên ngọi núi cao thuộc tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Phần. Quan Thống Nhất: chưa rõ vị nào. Hoàng giáp Lê Hữu Danh là thân phụ Lê Hữu Hy, Lê Hữu Mưu và Lê Hữu Kiều. Không rõ đây có phải là Hữu Hy không ? Thử ly: Kinh Thi, thiên Vương Phong nói về điều thương xót nhà Chu. Quna đại phu nhà Chu đi hành dịch (công tác) đến chỗ nhà Chu, đi qua cung thất xưa chỉ thấy đầy dẫy cây lúa và cây kê, thương xót cái cảnh nghiêng đổ của nhà Chu, bàng hoàng không nỡ bỏ đi, nhân đó mới làm ra bài thơ ấy. Khi này nhà Chu đã dời đô về phương đông, nhà Chu tức là Tây Chu trước vậy. Ở đây mượn tích Thử ly để tả cảnh tang thương trước mắt. Yết hạ: đến hầu chuyện và đưa lễ mừng. Lạn Kha: tên núi Lạn Kha ở Triết Giang. Đời Tấn, Vương Chất vào núi kiếm củi, thấy hai đồng tử ngồi chơi cờ. Đồng tử cho Chất một vật như hột táo, ăn vào hết đói. Xong cuộc cờ, đồng tử trỏ tay mà bảo rằng :"Cán búa nhà ngươi hư nát rồi". Chất quay trở về làng thì đã được một trăm năm rồi. Vì thế mới có tên núi là Lạn Kha (lạn là hư nát, kha là cán búa). Bản cảnh thần linh: vị thần cai quản địa phương. Dầm: phiến gỗ bắc ngang để đỡ xà nhà hay sàn gác. Tử lý: quê cũ (tử là cây thị - lý là làng). Cây tử thường được trồng ở đầu làng, dùng để chỉ quê hương. Nhị Độ Mai có câu :"Kẻ về Tử Lý người vào Ngọc Kinh". Đàm Hoa: tên cái sân. Đàm hoa là một thứ cây ba nghìn năm mới trổ, một lượt thì có Phật xuất thế. Thiền phòng: Phòng ốc nhà sư ở. Trần niệm: những mối ưu tư của người đời. Đỉnh chung: cái vạc và cái chuông. Ý nói nhà quyền quý, mỗi bữa ăn, đánh chuông gọi người về ăn, bầy vạc ra cho ăn (vì nhân gia đông đảo). Đỉnh chung do câu "Chung minh đỉnh thực" của Vương Bột. Tứ bảo: Bốn thứ là bút, nghiên, giấy và mực. Thiền tông: tên tông phái Phật Giáo, cũng có tên là Phật tâm tông. Ba đấng: dịch chữ tam hiền, ba nhân vật tài giỏi được thờ phụng trong đền làng. Kiệm phác: cần kiệm và chất phác. Thi lễ môn: Nhà có học Thi học Lễ, ý nói là nhà văn học. Lạc thành: lễ mừng mới làm xong, đền đài, nhà ở - lễ khánh thành nhà cửa. Quan doãn Thừa Thiên: quan đầu phủ Thừa Thiên. Doãn tức là chức quan phủ, huyện cũ (phủ doãn, huyện doãn). Đốc đồng: chức quan phó trấn dưới chức Đốc trấn; đây là người anh họ của Lãn Ông làm Đốc đồng tỉnh Lạng Sơn. Cửa phủ: cửa Phủ liêu - Từ khi họ Trịnh cầm quyền, thì bên nhà vua gọi là Triều đình, bên phủ chúa gọi là Phủ liêu. Thạch Trung Hầu: người xã Yên Thường, huyện Đông Ngạn (nay là phủ Từ Sơn, Bắc Ninh); họ Phạm, làm quan Nội sai, được phong tước Thạch Trung Hầu. Sau khi Tây Sơn dứt nhà Lê, ông khởi binh chống lại, nhưng bị thua. Ông là thân phụ Phạm Thái, hiệu Chiêu Lỳ, tác giả bài Chiến Tụng Tây Hồ Phú. Thang: Vị thuốc thêm ngoài để dẫn những thứ thuốc chính. Định kiến: cái ý kiến đã liệu rõ mà không thay đổi. Chân kiến: cái điều hiểu biết thấu đáo không sai lạc. Búa rìu: hai thứ đồ dùng bằng sắt, có lưỡi để bổ và để đẽo gỗ, bởi chữ phủ việt dịch ra. Đây là nói chung về hình pháp. Bắc khách: người khách phương Bắc, chỉ người Trung Hoa sang ở nước ta. Tam, tứ mạch: mạch là chữ dùng thay cho chữ bách; sáu mươi hoặc bảy mươi đồng tiền là một mạch, cũng gọi là một trăm gián - tam, tứ mạch : ba, bốn trăm gián. Vương đạo: đạo chính theo đời Tam vương. Nghĩa rộng : đạo làm chân chính, ngay thẳng. May áo lá sen lá ấu: nguyên văn, phân hà liệt ky - Sở Từ có câu : liệt ky hà dĩ vi y, có nghĩa cắt lá ấu, lá sen để may áo (lời nói thác về y phục của kẻ ở ẩn) - Ky là cây thuộc loài thảo, lá nổi trên mặt nước, quả (trái) chia ra bốn góc, gọi là quả ấu. Lính thị trú: bọn lính trông coi việc bếp núc. Ngự soạn: đồ ăn của vua chúa. Quế phụ: hai dược phẩm có tính chất tăng nhiệt độ. Hào ly: hào là một phần mười trong một ly - Ly là một phần mười trong một phân. Nghĩa rộng, hào ly là một tí, một chút. Bốn chứng: bốn thứ bệnh. Theo thuyết y học xưa, có bốn thứ bệnh không chữa được là phong (bệnh điên), lao (lao phổi), cổ (bệnh nhiễm độc vật), lại (bệnh hủi). Chữ cổ ở đây mà chúa Trịnh Cán mắc phải được viết ra với ba chữ trùng (trùng là con sâu) trên chữ húc. Thác cô: gửi trẻ mồ côi. Khi nhà vua có con còn nhỏ tuổi thì thường gửi gấm cho một hoặc nhiều đại thần tín cần, để sau ngày vua băng, các người này phù tá con vua mà giữ vững ngôi báu. Trầm hương: thứ gỗ ngâm lâu ngày dưới nước, chỉ còn lõi, sắc đen, thường dùng để làm thuốc. Nhân thuật: nghề làm thày thuốc. Yến giá: băng (Yến có nghĩa là yên nghỉ, giá là được chở đi bằng xe hay thuyền). Đây nói chúa Trịnh Sâm mất. Bất nhật: thế nào cũng có ngày mà không biết đích ngày nào. Trường Tín: không rõ bến sông nào. Cửu bệ: chín bậc thềm. Ý nói bậc cao, chỗ vua ngồi, cũng chỉ nhà vua. Long lâu: cái lầu trên cửa ra vào, có gắn con rồng bằng đồng. Nguyễn Xá: một xã thuộc phủ Ưng Hóa, tỉnh Hà Đông bây giờ. Sinh lễ: đồ cúng tế có con vật sống. Tiên Hưng: tên một phủ nay thuộc tỉnh Thái Bình. Hương Sơn: tên núi thờ Phật, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Giải Oan: tên chùa ở lưng chừng núi, cách chùa Tiêu San độ hai cây số; nơi đây có giếng nước, múc nước mà uống thì oan khổ sẽ được rũ sạch, vì thế mới có tên chùa. Từ đây qua núi Trấn Song là đến chùa Hương Tích. Tiên San: tên động, nơi đây có chùa nên cũng gọi chùa Tiên San. Đường đi Hương Sơn phải đi qua chùa Tiên San. Châu Cầu: tên một làng thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, quê của danh sĩ Bùi Ân Niên, tức Bùi Dị. Quân Tam phủ nổi loạn (loạn Kiêu Binh). Năm 1674, quân Tam phủ giết Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ; năm 1741, chúng lại phá nhà và toan giết Tham Tụng Nguyễn Qui Cảnh. Sau khi chúa Trịnh Sâm mất được ít lâu, chúng nổi lên, giết quận Huy tức quan Chính Đường, phò Trịnh Khải lên làm chúa tức là Đoan Nam Vương. Năm sau, Nguyễn Điều đem quân tứ trấn về dẹp tan. Cái chết của quan Chính Đường đã được tả trong sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Cùng thông: lúc khốn quẩn và lúc hanh thông.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang