Tây Sơn Hoàng Triều

Chương 8 : Thần binh

Người đăng: thusinhdalatno1

Ngày đăng: 17:41 21-10-2018

Bên trong HoàngThành có một nơi rất quan trọng không kém phần các cung điện khác đó là Tông Miếu, chính là nơi mà Quang Trung hoàng đế cho xây dựng để thờ phụng tổ tông, nơi đây được canh giữ rất là nghiêm mật ngoại trừ Bùi Thái Hậu và Cảnh Thịnh ngày thường đều có thể lui tới còn những người khác thì tuyệt đối không được béng mảng. Tông Miếu là một tòa điện đường khá lớn được xây dựng trên một mảnh đất trống tương đối rộng rãi, bốn bề trồng rất nhiều tre cao lớn thuần một màu xanh mát. Hôm nay, Cảnh Thịnh đột nhiên nói là nhớ cha cho nên muốn đến thắp hương cho Quang Trung Hoàng Đế, dưới sự dẫn đường của Hòa công công, hắn một thân quần áo gọn nhẹ liền tới nơi đây. Từ xa trông lại, cả ngôi Tông Miếu như lọt thỏm giữa rừng tre xanh với mái ngói cong vút, đỉnh ngói lưu ly, trụ gỗ đen bóng, câu đối thiếp vàng , cổ bài cổ đỉnh, tất cả làm nên một vẻ tĩnh mịch yên bình. Cảnh Thịnh một mình bước vào trong miếu liền thấy nơi giữa phòng có một cái bệ thờ lớn, phía trên đặt bài vị, phía trên mỗi một bài vị đều có treo một bức tranh ở trong đó vẽ lại hình ảnh khi còn sống của những người đã khuất. Cảnh Thịnh đếm kỹ liền thấy số lượng bức tranh không nhiều lắm, lần lượt trên cùng là ông nội Nguyễn Phi Phúc xuống dưới là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Cảnh Thịnh một mình đứng trầm mặc ngắm nhìn mấy bức tranh, hương khói từ chiếc lư hương bốc lên nghi ngút, làn sương mờ ảo chầm chậm lan tỏa tựa như có thể từ trong vẻ tĩnh mịch ấy nhìn thấy những năm tháng hào hùng đã đi qua. Cảnh Thịnh nhìn hình ảnh ba anh em Tây Sơn mà không khỏi bùi ngùi cảm khái, lúc nhìn sang bức hình Nguyễn Nhạc hắn lại không nhịn được mà liên tưởng tới cái chết của người chú này với Trần Quang Diệu. Quang Trung Hoàng Đế đột ngột qua đời mà Cảnh Thịnh thì còn nhỏ khiến cho nhân tâm bất ổn, chính vì vậy Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc ngẫu nhiên trở thành mối uy hiếp lớn nhất đối với triều đình Cảnh Thịnh. Trần Quang Diệu đã sớm nhận ra điều này, y không chấp nhận một tiểu triều tồn tại ở trong đại triều, càng huống chi Nguyễn Nhạc càng là một trong Tây Sơn tam kiệt, nếu như ở trong thời kỳ thái bình thì cũng thôi nhưng mà ở trong thời buổi quần thần đang hoang mang lo sợ, triều chính bất ổn thì thật khó mà không có người đem tâm hướng về Nguyễn Nhạc, chính vì thế Nguyễn Nhạc phải chết, tiểu triều phải bị tiêu diệt. Cảnh Thịnh ngẫm nghĩ, quân Tây Sơn vốn có tiếng từ xưa đến nay là có kỷ luật rất nghiêm minh thì không có lý do gì gì lúc ở thành Quy Nhơn lại có người dám đi sinh sự với người của Nguyễn Nhạc, ở trong chuyện này chắc chắn là có bàn tay của Trần Quang Diệu bày mưu đặt kế, cái chết của Nguyễn Nhạc không chỉ đơn giản là do uất ức mà chết như thế. Cảnh Thịnh nghĩ đến đây lại tự cười giễu, hắn bây giờ tự thân mình còn lo chưa xong, trong tay hiện thời không có bất cứ nguồn lực nào có thể dùng, mà cho dù có biết được chân tướng về cái chết của Nguyễn Nhạc thì sao chứ, nếu đổi lại là hắn ở vị trí của Tràn Quang Diệu vì bảo vệ giang sơn của Quang Trung thì hắn cũng sẽ hành động như thế, điều quan trọng đối với Cảnh Thịnh lúc này chính là phải nhanh chóng diệt trừ Thái sư Bùi Đắc Tuyên cùng vây cánh đồng thời khống chế toàn bộ kinh đô trước khi Đại đô đốc Vũ Văn Dũng kéo binh về kinh, giành lại quyền chủ động ở trong tay, có như vậy hắn mới có thể ổn định triều chính, dẫn dắt những người còn lại vượt qua cơn khốn khó, ít nhất là không để cho nhà Tây Sơn giống như một lâu đài cát bị sụp đổ nhanh chóng trước Nguyễn Ánh. Bước đến bệ thờ, Cảnh Thịnh đốt lên bốn nén nhang, thành tâm quỳ lạy rồi cắm nhang vào chiếc lư hương ở trên bệ thờ, hắn nguyện cầu các bậc khai sáng nên nhà Tây Sơn phù hộ cho hắn để hắn có thể giữ vững cơ nghiệp này. Thắp nhang xong, Cảnh Thịnh rảo bước vào sảnh đường ở phía sau, nơi này là một căn phòng rộng rãi, ở giữa phòng có một cái bệ đá, trên bệ có một cái giá đỡ chạm trổ cầu kỳ đỡ lấy một đao một kiếm. Hai thanh binh khí này đều là hai binh khí tùy thân mà Quang Trung Hoàng Đế yêu thích nhất, chúng đã được trải qua vô số chiến trận và máu tươi tẩy rửa, mặc dù hiện tại hai thanh binh khí chỉ nằm yên trên giá đỡ nhưng cũng tán phát ra một loại khí tức vô cùng nặng nề khiến cho người đến gần có cảm giác hít thở vô cùng khó khăn. Đao tên Ô Long, kiếm tên Độc Thần chỉ là từ khi Quang Trung mất đi, hai thanh thần binh này cũng liền lâm vào ngủ say chờ đợi một lần nữa được thức tỉnh. Cảnh Thịnh đứng trước hai thanh thần khí, thần tình trang trọng, vái dài một vái, đoạn đưa tay định cầm lấy Ô Long đao nhưng mà không có cách chi lấy xuống được, thanh đao này nhìn bề ngoài như có vẻ nhẹ nhàng nhưng thật ra lại rất nặng, Cảnh Thịnh trước kia tuy rằng ham chơi nhưng dù sao cũng là con nhà võ chính tông, căn cơ đánh xuống cũng tương đối khá nhưng cho dù là vậy hắn cũng không có cách nào có thể khiến cho Ô Long đao di chuyển dù chỉ một chút, hắn không khó để có thể tưởng tượng được cảnh tượng năm xưa Quang Trung cầm đao chém giết là bực nào uy phong lẫm lẫm khó mà có kẻ nào dám trực diện đón đỡ phong mang. -Ô Long Đao, cán bằng gỗ mun đen trăm năm, lưỡi được làm bằng kim loại màu đen từ trên trời rơi xuống, để rèn thanh đao này Đặng Văn Long đã phải dùng đến phương thức bí truyền "bách luyện tinh binh" của gia tộc, mất bốn mươi chín ngày mới rèn xong, lúc đao thành hình khí lạnh tỏa ra bốn phương, từ trước đến nay chỉ có tiên đế mới có thể vận dụng nổi thanh đao này. Đúng lúc này đột nhiên có một giọng nói từ phía sau vang lên, Cảnh Thịnh không cần quay người lại cũng biết người lên tiếng là ai. -Thần Lê Văn Hưng ra mắt bệ hạ, bệ hạ vạn tuế! Lê Văn Hưng bước ra từ trong bóng tối, quỳ xuống hướng về Cảnh Thịnh dập đầu làm lễ. -Bình thân! Cảnh Thịnh nhẹ giọng nói, hắn cũng không xoay người lại đối diện Lê Văn Hưng, hắn bỏ tay xuống thôi không còn cố gắng cầm lấy thanh Ô Long Đao nữa, thở dài cảm thán: -Chẳng biết lúc nào Trẫm mới được như phụ hoàng năm ấy, đánh nam dẹp bắc mang lại thái bình cho thiên hạ! Lê Văn Hưng lúc này đã đứng lên, ánh mắt nhìn về phía Cảnh Thịnh có nhiều cảm tình phức tạp, trước kia hắn đã từng nhiều lần gặp qua Cảnh Thịnh trong ấn tượng của hắn Cảnh Thịnh trước kia mặc dù là ở ngôi Vua nhưng thực chất chỉ là một đứa bé ham chơi chưa biết suy nghĩ, không biết tự lập mà chỉ biết dựa vào người khác nhất là Bùi Đắc Tuyên nhưng mà kể từ khi tận mắt chứng kiến Cảnh Thịnh cứu hắn ra khỏi Thiên Lao và liên tiếp bố cục lại khiến cho hắn vô cùng kinh hãi. Lê Văn Hưng còn nhớ rất rõ lúc bị Bùi Đắc Tuyên vu oan nhốt vào thiên lao, trong lòng hắn đã chán nản thoái chí đến cùng cực, cho rằng mình phải chết, nực cười hơn là chính mình không chết ở trên sa trường mà hết lần này đến lần khác lại chết ở trong tay những người mà mình hết lòng tin tưởng phụng sự. Thiên Lao u ám, người bị nhốt tại đây chỉ có bóng tối làm bạn, không rõ ngoài trời là ban ngày hay ban đêm, thời gian trôi qua mỗi khắc đều như kéo dài đến vô tận, Lê Văn Hưng lúc này người mang gông cùm ngồi như chết lặng ở trong một gian ngục tối, hắn thật không ngờ tới là một trong Thất Hổ Tướng lại có một ngày tiến đến nơi này, thà rằng cứ để cho hắn chết trận ở trên sa trường còn hơn. Đương lúc Lê Văn Hưng cảm thấy mê man cùng bất lực thì cửa phòng giam chợt mở ra, hắn nhìn thấy Thượng thư Bộ Hình Bùi Văn Nhật cùng với hai trợ thủ tiến vào: -Bùi Thượng Thư đích thân đến nơi đây chẳng lẽ bệ hạ đã giáng chỉ xử tôi tội chết rồi ư? Lê Văn Hưng mệt mỏi nói, hắn biết Bùi Đắc Chí chính là người cùng hệ phái của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Thượng thư Bùi Văn Nhật cũng không trả lời Lê Văn Hưng, chỉ thấy y đánh mắt ra hiệu, hai gã trợ thủ liền chia nhau ra cảnh giác bốn phía, sau khi xác định không có ai theo dõi thì Bùi Văn Nhật mới chắp tay nói với Lê Văn Hưng: -Vất vả cho Đại đô đốc rồi, tôi vâng lệnh Bùi Thái Hậu đến đây bí mật đưa ngài ra ngoài, mong rằng Đại đô đốc phối hợp. Lê Văn Hưng nghe y nói xong liền lộ vẻ ngạc nhiên, sau một lát hắn liền bật cười: -Ha ha! Bùi Thượng Thư, tôi đã là một người chết thì ông và Thái sư cần gì tốn công bày trò như thế, ông hãy nói với Thái sư hãy nể tình tôi dù sao đã có công lao rất nhiều với nhà Tây Sơn mà ban cho tôi một cái chết thống khoái. Bùi Văn Nhật nghe Lê Văn Hưng nói như vậy không những không có tỏ ra tức giận mà khẽ mỉm cười móc từ trong lồng ngực ra một tờ mật chiếu: -Đại đô đốc quá lời, ông hãy xem đây là gì! Lê Văn Hưng vội vàng nhìn sang, dưới ánh sáng leo lét từ mấy bó đuốc hắn phải căng mắt nhìn hết cỡ, cũng may hắn là người tập võ cho nên tai thính, mắt sáng, không mấy khó khăn liền đọc rõ nội dung ở trên tờ mật chiếu, sau khi xác định đúng là chiếu chỉ của Bùi Thái Hậu, hắn liền xúc động chảy nước mắt: -Trời không tuyệt đường ta vậy! Sau đó, một trong hai gã trợ thủ thân tín của Bùi Văn Nhật liền đóng giả Lê Văn Hưng ở lại trong ngục, Lê Văn Hưng thay quần áo cải trang một phen rồi cúi đầu theo Bùi Văn Nhật đi ra khỏi Thiên Lao. Bùi Đắc Chí lợi dụng đêm tối cùng với việc phụng chỉ điều tra đã thuận lợi mang theo Lê Văn Hưng đi ra ngoài, đoàn người sau khi ra khỏi Thiên Lao cũng không có dừng lại mà đến thẳng Hoàng Cung, đến ngoài cửa cung đã thấy có một vị cung nữ thân tín của Bùi Thái Hậu đang đứng đợi, Lê Văn Hưng chỉ nghe người cung nữ đó nói với Bùi Văn Nhật rằng tối nay quan nội thị Vũ Tâm Can đã đến phủ Thái Sư dự tiệc, kế tiếp người cung nữ đó yêu cầu Lê Văn Hưng lại một lần nữa phải thay đổi sang một thân y phục của thái giám rồi mới tiến cung, có lẽ ở trong đời vị Hổ Tướng này đây chính là lần tiến cung biệt khuất nhất. Lê Văn Hưng gặp được Bùi Thái Hậu nhưng nàng cũng không hỏi han hắn điều gì, nàng chỉ đem theo hắn đi thẳng đến Tông Miếu, ở nơi đó có một người khác đang đợi hắn, đó chính là Cảnh Thịnh Hoàng Đế.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang