Ngục Thánh Ngoại Truyện - Chuyện Của Hoa

Chương 3 : Trà Kép (4-1)

Người đăng: Get_Backer

Ngày đăng: 22:58 12-12-2017

Lễ tang của quý tộc Băng Thổ là chỗ người ta đánh giá cái được mất do người chết mang lại, nước mắt chỉ rơi nơi huyệt mộ, còn cách đó dăm bước chân là tiếng thì thầm bàn tán đổi chác. Ông bà nội tôi, bạn của cha tôi, người chú trong họ, vị hoàng thân… tất cả đều ra đi trong khung cảnh như thế. Nó là một trong nhiều lý do làm tôi chán nản thân phận quý tộc. À, chào các vị, chúng ta lại cùng ngồi với nhau, tôi là Khai Y. Xin lỗi, tôi cần chút rượu, mong các vị thông cảm. Thật khó để nhớ về Khai Nhạn mà không có rượu, vả lại tôi cũng cần rượu cho câu chuyện sắp kể dưới đây. Hôm tang lễ Khai Nhạn, mặt trời ló đầu qua mây hé tia ấm áp còn tuyết mơn man lạnh – quá đẹp cho một cuộc hẹn hò nhưng quá nhẫn tâm cho một cái chết. Giữa làn khói nồng gắt mùi thảo dược bốc ra từ chiếc lư hương đeo dây xích trên tay vị thánh sứ và lời cầu nguyện của ông ta, quan tài Khai Nhạn dần hạ huyệt mang theo trảng nắng vàng vọt ban trưa, bụi tuyết lơ thơ lẫn tiếng nức nở từ mẹ hai. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình gần mẹ hai đến vậy. Hai người đàn bà luôn né tránh nhau suốt ba mươi năm giờ cùng khóc, cùng chung nỗi đau mất con. Tôi vẫn nhớ mẹ mình luôn vuốt tóc và hôn lên trán Khai Nhạn mỗi khi cậu về nhà, ở mặt nào đó mẹ yêu thương cậu hơn đứa con đẻ ngỗ ngược như tôi. Ngày ấy, vợ Khai Nhạn khóc ngất mấy lần còn con trai cậu vô cảm trong vòng tay tôi, thằng bé Khai Giã đang cứng rắn quá mức. Tôi dự cảm nếu không ở bên Khai Giã thường xuyên, đứa nhỏ sẽ trở thành khối băng vĩnh cửu, mãi mãi không thể tan dưới ánh mặt trời. Người tham dự hôm ấy khá đông, một phần vì bạn bè lẫn đồng đội Khai Nhạn, phần khác là những con người muốn thấy viễn cảnh sau đám tang. Gia đình tôi thuộc chi trưởng họ Xuy Hạ, một lúc nào đấy tôi hoặc Khai Nhạn sẽ nắm quyền lãnh đạo dòng họ, dù mang thân phận con hoang song Khai Nhạn vẫn đầy đủ quyền thừa kế. Nhưng hiện người ta có thể chắc chắn rằng tôi sẽ tiếp quản cái ghế trưởng tộc trong tương lai gần. Quan tài yên vị, dòng người nối chân nhau bước quanh huyệt rồi thay phiên ném những cành Khúc Hối – một loại hoa nở ba bông trên một cành, mỗi bông hai tầng cánh màu huyết dụ – lên quan tài. Hoa lấp tuyết lấp nắng, lấp tấm kính che đi gương mặt Khai Nhạn như máu đổ, như đàn ông Băng Thổ chết nơi sa trường. Xong nghĩa vụ bày tỏ thương tiếc, đám người bắt đầu xì xầm về tôi. Cha tôi thường đảm nhận vai chính mỗi dịp tang gia nhưng hôm nay ông vắng mặt, chiến trường đang cần ông nên tôi bất đắc dĩ thế chỗ. Từng cá nhân rồi từng nhóm bắt đầu tiến về phía tôi, chìa tay cùng một nụ cười nhẹ “Thiếu gia Khai Y, tôi là…”. Họ, quý tộc, thương gia giàu có, tướng lĩnh quân đội, tiểu thư quyền quý… tất cả đều muốn tôi nhớ mình. Khung cảnh tang gia quen thuộc tái diễn, tôi phát điên và muốn đấm vỡ mặt từng kẻ bất kể đàn ông hay đàn bà. Điều duy nhất ngăn tôi làm vậy là Mục Á, em đứng phía xa, nép mình dưới tán cây bạch dương cùng ánh mắt luôn trông chừng tôi. Em sợ tôi phá hỏng tang lễ. Rốt cục ngày đó chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau lễ tang, gia đình tôi cùng về ăn tối. Nhưng sắp xếp hậu sự chu toàn cho Khai Nhạn chưa phải đã yên, một căn nhà với những người đàn bà buồn khổ mới là vấn đề. Bữa tối đầy lời than tiếng khóc, tôi nuốt không trôi. Những lời an ủi chỉ như liều thuốc giảm đau hiệu nghiệm trong ít phút để đánh lừa bộ não mà cơn đau vẫn ở nguyên đó. Tôi bắt đầu trách cứ ngôi nhà nơi mình sinh ra và lớn lên. Giá như nó bé như bao căn nhà truyền thống của người Băng Hóa với lò sưởi, bàn gỗ cho gia đình quây quần và những tấm thảm ấm áp lót sàn gỗ, hẳn không khí gia đình đã bớt tang tóc. Đằng này nó bề thế như một cung điện, nỗi buồn thảm được thể xô vào những cửa phòng mạ đồng, lan trên cầu thang khảm ngọc rồi tràn xuống phòng khách nguy nga cổ vật. Nó lênh láng khắp tòa biệt thự, bì bõm trên mặt sàn, ủng ùng ục dưới chân các cột trụ chống trần. Bất chấp tôi động viên khuyên nhủ, vợ Khai Nhạn không thôi thương nhớ người chồng và bỏ bữa suốt ngày hôm sau. Khai Giã chẳng nghe lời tôi nữa, rồi mẹ tôi, mẹ hai, họ không buồn trò chuyện dù tôi cố gợi. Rốt cục sự giàu sang chỉ cứu được khốn khổ thể xác chứ không cứu được khốn khổ tinh thần. Mọi sự cứ vậy bốn ngày liền chưa kể mấy bận thành viên họ hàng qua hỏi thăm, người thực lòng, kẻ dò xét. Tôi phát chán ngôi nhà mà không thể bỏ đi. Nếu cha ở đây, cha sẽ làm gì? Ngày ông nội tôi bị ám sát, cha làm thế nào để giữ yên gia đình? Ngoài kia tôi là chiến binh tài năng, ở đây tôi chỉ là thằng nhóc Khai Y lóng ngóng việc nhà. Nếu không nhờ người quản gia sắp xếp công việc, tôi đã gục xuống từ lâu. Mệt mỏi lẫn chán chường, tôi tìm đến rượu và khói thuốc. Mục Á thì không muốn tôi trượt dài trong những chất kích thích. Em ôm vai tôi khuyên nhủ: -Nhà chỉ còn đàn bà trẻ con, anh phải cứng rắn lên, Khai Y. Mẹ anh, mẹ hai, vợ con Khai Nhạn đang dựa vào anh đấy! -Biết sao đây? – Tôi bóp trán – Mẹ hai khóc suốt, vợ Khai Nhạn nữa. Hình như Khai Giã ghét tôi rồi, thằng bé nghĩ tôi không có mặt đúng lúc để cứu cha nó. Tôi bất lực quá! Em bảo tôi phải làm gì đây, Mục Á? Mục Á cười: -Khai Giã không ghét anh, không ai ghét anh cả. Đừng tự trách mình. Vấn đề là anh không chỉ sống với nỗi đau của mình, anh phải học cách sống với đau đớn của người khác. Chúng sẽ vĩnh viễn ở cùng ngôi nhà này, anh không thể làm khác. -Vĩnh viễn? Vậy phải làm sao? An ủi họ? An ủi làm gì khi nỗi đau là vĩnh viễn? -Nhưng anh vẫn phải làm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác cho tới hết đời. Anh cần làm quen với nó. Tôi ôm đầu còn Mục Á ôm lấy tôi vỗ về. Được một lát, em nhỏ giọng: -Hai tháng nữa em mới phải về Cao Lầu, còn nhiều thời gian, em sẽ giúp anh. Cơ mà đừng uống rượu, được chứ? Tôi gật gật rồi ôm Mục Á ngủ trên sô-pha dù không chắc em sẽ giúp thế nào. Nhưng tôi thừa nhận Mục Á hiểu nỗi đau hơn mình vì em đã sống với nó quá lâu, gần như là quen thuộc. Hôm sau tôi nhận ra Mục Á không ở bên mình. Em dậy từ sớm và xin phép mẹ tôi chuẩn bị bữa sáng. Dưới bàn tay Mục Á, bữa sáng hôm đó lạ mắt và đầy màu sắc thay vì những món ăn đơn điệu từ nền ẩm thực nghèo nàn của Băng Thổ. Khí hậu Diệp quốc ôn hòa nên người xứ ấy dùng nhiều gia vị, thức ăn vì thế đậm đà hơn trong khi người Băng Thổ quen ăn nhạt. Nhưng ở chừng mực nào đó, nó làm cổ họng của người đau buồn đương lạt lẽo khô khốc bỗng chốc có sinh khí. Mọi người hỏi chuyện Mục Á, em cười tươi, trả lời thành thực rồi gợi ý những người đàn bà trong gia đình cùng chuẩn bị bữa trưa. Mọi người nghe theo em. Sau chuỗi ngày im lìm như bãi nghĩa trang, ngôi nhà xuất hiện tiếng nói dưới khu bếp, nỗi đau mất mát nhường chỗ cho đồ ăn cùng mấy chuyện phiếm kiểu phụ nữ, nỗi buồn khổ ảm đạm tạm rút khỏi mẹ hai lẫn vợ Khai Nhạn. Tôi bớt bận tâm về hai người. Nhưng vẫn còn đó Khai Giã. Thằng bé ngày càng ương bướng. Nó liên tục bỏ bữa, cả ngày tha thẩn với đám chim chóc chó mèo ở khu vườn sau nhà. Mọi người hết nói nổi Khai Giã, mẹ nó quát tháo thì may ra. Chẳng ai muốn nặng lời với đứa nhỏ mất cha nhưng cũng chẳng ai tìm được cách dỗ dành. Biết tôi phiền lòng với Khai Giã, Mục Á bèn nhận trông nom nó. Không nhắc nhở cũng không khuyên nhủ, Mục Á làm bạn cùng thằng bé, hết đắp người tuyết lại trốn trong chiếc lều mà thằng bé gọi là “căn cứ”. Dĩ nhiên Khai Giã không thích, thậm chí to tiếng nhưng Mục Á chỉ cười và kiên nhẫn chờ đứa nhỏ chấp nhận mình là một “phần tử” trong trò chơi phiêu lưu quanh khu vườn. Rốt cục Khai Giã phải chịu, nó thà ở đây với người xa lạ còn hơn trở vào nhà. Thay vì nhọc công lôi kéo Khai Giã vào bữa như mẹ nó thường làm, Mục Á mang đồ ăn tới rồi cùng thằng nhỏ ăn trong cái lều “căn cứ” nọ, cười đùa đủ thứ chuyện linh tinh kiểu trẻ con. Tôi nể Mục Á, nếu là tôi thì chắc không chịu nổi quá hai ngày. Độ non một tuần, tôi ngạc nhiên khi thấy Mục Á dắt thằng bé dạo phố, bằng một cách thần kỳ nào đó mà đứa nhỏ chịu để em bồng bế. Có vẻ Khai Giã quấn em. Sau đấy không lâu, Khai Giã cũng chịu vào nhà và xin lỗi mọi người. Nó vẫn không cười nhưng ít nhất đã biết nghe lời. Tôi hỏi chuyện Mục Á, em thở dài: -Ngôi nhà đầy kỷ vật của Khai Nhạn, mọi người đều nói về cậu ấy trong nước mắt, anh nghĩ thằng bé chịu nổi không? Ngoài kia khác… – Em ngoảnh đầu về khu vườn phía sau nhà – …ở đấy toàn trò chơi vui vẻ, nó không vào nhà cũng phải. -Em hiểu trẻ con nhỉ? – Tôi nói. -Vì em cũng từng như thế sau đợt mẹ mất. – Mục Á thở dài – Em thường loanh quanh con sông gần nhà vì mẹ hay đi qua đấy. Cha dỗ dành nhiều lắm em mới chịu thôi. Tôi mỉm cười. Nỗi đau sẽ lưu trú nơi đây vĩnh viễn nhưng chúng tôi bắt đầu chấp nhận nó như một thành viên gia đình. Tôi ôm lấy Mục Á thay lời cảm ơn. Em vuốt tóc vỗ về tôi “Được rồi Khai Y, khách đang tới kìa. Đừng để họ chờ.”. Có Mục Á ở đây, căn nhà lạnh lẽo này dần chấp nhận một cuộc sống không có Khai Nhạn. Tạm yên chuyện gia đình, tâm trí tôi có chỗ trống để lo đám họ hàng phiền phức. Nhiều năm lưu lạc nên tôi chẳng rõ ai chú ai bác ai cô ai dì, ấy thực là cái tội cho đám họ hàng chì chiết. Chì chiết chán, họ ưỡn ngực cao giọng khuyên tôi phải gia nhập quân đội để rửa hận cho em trai như người họ Xuy Hạ đích thực. Nực cười ở chỗ mấy lời lẽ thống thiết đó lại tuôn ra từ miệng những kẻ thường coi khinh Khai Nhạn – mẹ tôi kể rằng họ luôn thì thầm gọi cậu là “con hoang”. Chẳng có thứ báo thù nào trong chiến tranh, họ chỉ muốn ngôi nhà này nhận thêm một chiếc quan tài nữa. Dù vậy tôi không muốn sinh sự lúc tang gia. Nhưng có mấy thứ trên đời luôn quá đà: một là xe mất phanh, hai là những buổi nhậu nhẹt và ba là lời lẽ của đám họ hàng. Bao nhiêu người đến, bấy nhiêu người thọc mạch chuyện tôi yêu một Hạ Nga Chi, thậm chí họ không thèm gọi chữ “Hạ Nga Chi” hay “Hattabi”. “Yêu gái điếm thật sao, Khai Y? Cha con giống nhau vậy?” – Họ nói thế cùng cái vênh vênh cong cong khinh thường nơi khóe miệng. Cũng chừng ấy lần tôi kết thúc cuộc gặp theo cùng một lối: -Vấn đề Khai Nhạn, quân đội sẽ lo, chiến trường không phải chỗ báo thù. Còn sống thế nào thì tự chúng tôi sắp xếp, không mượn mấy người quan tâm. Nếu đã hết chuyện thì xin mời về! Đám họ hàng phát điên trước cái cách tôi tống tiễn họ, cãi vã nảy sinh, mỗi ngày dăm ba vụ lùm xùm. Đỉnh điểm là một tối nọ, tôi đấm lệch hàm người anh họ khi gã lẩm bẩm “Cha con giống nhau, đều lấy điếm làm vợ!”. Xui cho người anh họ là giọng gã hơi to, tôi nghe được hết. Đáng lẽ gã đã bệt xê lết trong bệnh viện nếu Mục Á không ngăn tôi lại. Dù không rõ ràng nhưng Mục Á cũng phong phanh hiểu tại sao tôi làm thế. Tôi liền trấn an Mục Á, khẳng định sẽ cưới và yêu em đến hết đời. Em cười thật tươi, nhưng đâu đó trong ánh mắt em có tia lo nghĩ. Tang lễ Khai Nhạn được ba tuần thì cha tôi trở về. Ông tới nghĩa trang cùng bó hoa, cung cách giống chuyến viếng thăm của người xa lạ hơn một ông bố tiếc thương cho đứa con xấu số. Gương mặt sắt đá, ánh mắt cứng rắn, cha tôi là thế. Ngày ông nội mất, cha cũng như vậy, không chút đổi khác. Bởi cha quá tôn thờ tính cách mạnh mẽ kiểu Băng Thổ nên mọi sự xung quanh ông bị bê tông hóa từ đám vệ sĩ đến vật vô tri vô giác. Ví như khi ông ở nhà thì cả tòa biệt thự sẽ biến thành lô cốt, nên tôi lắm lúc khó chịu với ông. Lần này cũng vậy. Không thèm hỏi han chuyện gia đình và mặc định rằng tôi đã lo liệu ổn thỏa, cha gọi tôi ra một chỗ nói chuyện. Ông vẫn thế, vẫn lời lẽ chắc nịch cùng cái nắm đấm nhấn mạnh câu chữ, nhìn chẳng khác vị đại thống lĩnh đang ra quyết sách quân sự: -Ta quyết định rồi, Khai Y. Anh phải cưới tiểu thư Xa Hạn Lý, Hạn Lý sẽ là con dâu chính thức họ Xuy Hạ. Nhưng ta không phản đối nếu anh mang Mục Á về đây làm vợ hai. Đó là một vinh dự… à không, đó là chuyện vui! Ta đảm bảo nhà này đối xử với Mục Á như con ruột và anh sẽ chẳng bao giờ phiền lòng chuyện bên trọng bên khinh. Ta thề trên danh dự, con trai à! Cha khiến tôi khó hiểu. Cha có hàm ý gì trong từ “vinh dự”? Tại sao ông nói đối xử với Mục Á như con đẻ mà em không thể làm con dâu chính thức? Cha luôn rõ ràng song đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy lời của ông mập mờ bất nhất. Tuy vậy tôi không thắc mắc, chỉ đáp: -Lần trước con nói rõ rồi. Con chỉ yêu một người, lấy một người và sống chung với người đó đến hết đời. Chuyện giữa con và tiểu thư Hạn Lý đã hết, không còn gì cả. -Không được, anh phải nghe ta! – Cha cao giọng rồi chống tay xuống bàn – Anh thừa kế họ Xuy Hạ và sẽ là nhân vật lớn ở đất nước này, anh không thể đi khắp nơi với một người vợ có quá khứ là Hạ Nga Chi. Ta đâu ép buộc anh bỏ Mục Á? Ta nói rồi, ta chấp nhận cô gái đó, chỉ là Mục Á không thích hợp cho vị trí con dâu chính thức. Bớt cứng đầu đi con trai, anh không thể khư khư mãi một niềm tin được! Ta đang lo cho tương lai của anh! -Con không cần tương lai đó. – Tôi giơ tay – Số phận của con không phải gia nhập quân đội hay làm nhân vật lớn gì gì đấy! Con thuộc về thế giới ngoài kia, chiến đấu cho ngài đại thánh sứ Tây Minh. Cha nghe thằng anh họ bị con đấm chưa? Đó! Mấy chuyện dòng họ gia tộc con không thạo! Cha tìm người khác đi! Cha nghe xong liền nổi cơn tam bành, tôi không quá bất ngờ. Nhưng cứ trông ông tóc tai dựng ngược, răng nghiền kèn kẹt, bàn tay gân guốc bóp vụn chai rượu vang, hẳn rằng tâm trí cha tôi đã sôi sủi và chẳng còn vệt cặn kiên nhẫn nào kết tủa ở vỏ não. -Đồ ngu! Anh là thằng ngu! – Cha tôi to tiếng – Biết ai giết em trai anh không? Là người Phi Thiên quốc! Bọn Sukka đó! Chúng đem đám chó săn Thổ Hành hỗ trợ bọn Mù Thủy để lục địa này luôn bất ổn. Chúng luôn thọc ngoáy chuyện người khác rồi rao giảng bài ca hòa bình nhân nghĩa. Người Phi Thiên là thế! Chúng giết Khai Nhạn! Chúng giết em trai anh! Chúng giết con trai ta! Anh muốn phục vụ kẻ thù hay sao? Nhìn mắt cha long sòng sọc mà đỏ ngầu, tôi mới thấy nỗi đau của người đàn ông bị kẹt giữa công việc và đám tang con mình. Trái tim ông chưa hóa đá như vẻ bề ngoài. Ông căm thù người Phi Thiên, tôi thông cảm cho ông. Nhưng chừng ấy không thể khiến tôi ghét bỏ thầy Tây Minh vì nó quá cảm tính. Hôm ấy chúng tôi cãi nhau to, tưởng chừng có bão tố làm ngả nghiêng những cột chống trần. Mấy ngày sau, thầy Tây Minh cùng Đại Bác qua thăm viếng (vì quá nể tôi nên Đại Bác mới đến, gã có thù với hầu hết gia đình quý tộc ở Băng Hóa thành). Tuy vẫn giữ cung cách lịch sự song cha tôi kém nhiệt thành với thầy Tây Minh, khác một trời một vực so với lần đầu gặp gỡ. Dù tôi không diễn giải quá nhiều vì sợ thầy khó nghĩ, nhưng thầy chỉ nhìn qua đã biết sự tình. Ngày ấy tóc thầy còn lâm râm đen chứ chưa trắng toát, râu chưa dài tới ngực, dáng điệu vẫn phong độ và chưa mắc bệnh tuổi già, chỉ duy giọng nói hóm hỉnh chẳng bao giờ thay đổi ở bất cứ thời gian hay không gian nào: -Nghỉ việc hộ vệ thánh sứ đi, Khai Y. Đang thời điểm nhạy cảm, cứ thế này thì không tốt cho anh. Ta không muốn mang tiếng làm “hư hỏng” người thừa kế họ Xuy Hạ. Anh và Đại Bác làm hư hỏng các cô gái, ta thì làm hư hỏng các anh. Chúng ta là bộ ba tuyệt vời nhỉ? Tuy đang buồn chuyện Khai Nhạn nhưng nghe vậy thì tôi phì cười, thầy Tây Minh luôn biết cách động viên người khác. Đáp lại, tôi viện đủ lý do nhằm giữ lấy công việc hộ vệ thánh sứ. Thầy không để ý lắm mà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ rồi trông xuống khu vườn sau nhà, ở đấy thằng bé Khai Giã đang chơi trò đắp người tuyết với Mục Á. Nhìn một hồi, thầy cắt ngang lời tôi: -Ta có nghe Đại Bác kể chuyện của anh. Làm hộ vệ cho ta, anh sẽ đỡ vướng bận trách nhiệm gia đình và thoải mái cưới cô Hạ Nga Chi đó, đúng không? Nói rồi thầy hướng về phía Mục Á. Tôi cười trừ. Thầy nói không sai. Tuy không phải chính yếu nhưng “cưới Mục Á” là một lý do quan trọng để tôi tiếp tục công việc hộ vệ. Lát sau Mục Á mang trà vào phòng; vừa nhận ra thầy, em cả mừng đoạn cúi thấp người bày tỏ lòng ngưỡng mộ lẫn kính trọng. Thầy cũng đáp lễ bằng cách hôn tay Mục Á như đối xử với một tiểu thư quyền quý. Hai người trò chuyện ít lâu, thầy Tây Minh chợt hỏi: -Tôi có hơi tò mò về xuất thân của cha cô. Khai Y kể với tôi cha cô từng là quý tộc tự thân trước khi chuyển sang nghề Đạo Chích Không Trung, vậy ông ấy là người Băng Hóa hay đến từ đâu? Thứ lỗi về sự đường đột này, chỉ là tôi lo lắng cho học trò. Khai Y với tôi như con đẻ vậy, thằng nhóc hay làm người khác phiền lòng lắm! Mục Á cúi đầu cười song im lặng. Em luôn tránh đề cập thân thế cha mình với bất cứ ai kể cả tôi, dường như là muốn đem nó vùi sâu vĩnh viễn dưới dòng chảy thời gian. Nhưng có vẻ vì quá ngưỡng mộ thầy Tây Minh mà em phá lệ: -Thưa ngài, cha tôi thực ra không phải người Băng Hóa chính gốc mà là dân nhập tịch. Ông đến từ một vùng hẻo lánh ở miền tây bắc lục địa. Cha kể nơi ấy toàn núi tuyết, những ngọn núi… chúng không hẳn là núi mà giống những phế tích. Người ở đấy thường sống trong những hang núi, đôi khi tụ tập dưới những phế tích… Xin lỗi đại thánh sứ, cha không kể rõ ràng nên tôi cũng không rõ lắm. -Đó là “Vương Quốc Cũ”… – Thầy Tây Minh gãi cằm, chòm râu rung rung theo ngón tay – Nơi ấy từng là một đất nước cổ thời phi cơ giới, sau này bị chiến tranh hủy diệt. Các nhà thám hiểm hoặc dân khảo cổ thường đến đó nghiên cứu. Nhưng khí hậu khắc nghiệt nên ít người sống ở Vương Quốc Cũ, chỉ có vài bộ tộc nhỏ. Cha của quý cô thú vị đấy! Mục Á mỉm cười, trông không có vẻ gì là muốn nghe tiếp về mảnh đất Vương Quốc Cũ. Thầy Tây Minh cũng không căn vặn thêm. Họ trò chuyện vui vẻ rồi kết thúc bằng việc chụp hình lưu niệm. Từ hồi quen tôi, Mục Á luôn hỏi về thầy và giờ em được toại nguyện. Sau cuộc gặp, thầy Tây Minh chẳng đả động chuyện Mục Á cũng không đưa ra lời khuyên nào cho tôi. Thầy im lặng. Giảng giải mấy triết lý huyền bí sâu xa khó hiểu rồi liên hệ cuộc sống thực – thầy luôn như thế mỗi khi dạy dỗ hoặc giúp tôi gỡ rối. Nhưng biểu hiện lúc này của thầy làm tôi khó hiểu. Về nhà ít hôm, cha trở lại chiến tuyến và phó mặc toàn bộ việc nhà cho tôi. Họ hàng khách khứa nườm nượp ra vào tòa biệt thự, tôi hầu như chẳng có thời gian ngơi nghỉ. Họ tiếc thương Khai Nhạn thì ít mà tra tấn tôi thì nhiều, hỏi han đủ thứ chiến tranh chính trị, nhỏ to chuyện hôn nhân, thậm chí nhờ cậy việc quan trọng dù tôi chẳng có mối quan hệ quyền lực nào tại Băng Hóa thành. Qua vài ngày tôi chợt hiểu vấn đề. Không tự dưng cha rời đi dù vẫn còn ngày nghỉ phép, ông ngầm ý rằng chính tôi sẽ thừa kế họ Xuy Hạ mà thái độ của các vị khách là minh chứng. Cha đang ép tôi vào khuôn khổ bằng cách quàng lên cổ tôi trách nhiệm gia đình. Nhưng mọi nỗ lực của ông đều vô ích, tôi sẽ đưa Mục Á quay lại Hoàng Hôn Cảng và tiếp tục làm hộ vệ thánh sứ. Gia đình phiền lòng về tôi, ngay cả Mục Á cũng không đồng tình: -Em thấy không ổn, Khai Y à… – Mục Á thỏ thẻ – Khai Nhạn mất rồi, cha anh ngoài mặt trận, giờ anh đi nốt thì lấy ai quán xuyến gia đình? Ngôi nhà cần người đàn ông, anh đi như vậy… -Đã có người quản gia. – Tôi ngắt lời Mục Á – Toàn là bác ấy sắp xếp mọi việc, tôi chỉ làm theo mà thôi! Bác phục vụ ba đời họ Xuy Hạ rồi, coi như là người thân trong gia đình vậy. Đừng lo, Mục Á, đâu sẽ vào đó. Đợi chuyện buồn qua đi, tôi sẽ cưới em. Khai Nhạn từng nhờ chúng ta phải làm cha mẹ đỡ đầu cho Khai Giã, tôi phải giữ lời với cậu ấy. Tôi cũng phải giữ lời với em nữa. Mục Á toan nói song ngừng lại. Em cười hiền rồi dịu dàng vuốt tóc tôi tỏ ý hoàn toàn tin tưởng, nhưng ánh mắt em lại hơi lệch nhịp với những cử chỉ đó. Lo âu, suy nghĩ, tính toán… nhiều thứ cứ tràn ra từ đôi mắt của Mục Á. Chúng bao lấy em, xô đẩy quần áo lẫn thân thể em thành những hình hài bồn chồn ở ngón tay xăn văn nhau hay đôi chân nhấp nhôm thấp thỏm. Chợt nhớ Mục Á hay quy kết chính mình là nguyên nhân rắc rối, tôi vội lảng chủ đề khác nhằm ngăn suy nghĩ đó sinh sôi trong đầu em. Những ngày tháng yên bình trôi qua, sự hiện diện của Mục Á khiến gia đình tôi vơi bớt nỗi tiếc thương Khai Nhạn. Thằng bé Khai Giã thì quấn chân Mục Á cả ngày, thậm chí nó còn giành giật em khỏi tay tôi và coi đấy như thú vui. Vài lần tôi thoáng thấy Khai Giã nhếch mép cười. Thằng lỏi láu cá! Ha ha! Nhưng tôi không giận đứa nhỏ, nó cần được bù đắp sau nỗi đau mất cha. Vả lại thời gian của Mục Á không còn nhiều, em sắp phải về Cao Lầu như thỏa thuận hợp đồng. Mấy ngày đó, tôi cũng nói rõ ý định tương lai với gia đình. Dĩ nhiên chẳng ai đồng tình nhưng tôi thây kệ. Phiền nỗi tôi không hề biết đó là khởi nguồn cho cơn bão sắp ập xuống ngôi nhà. Mà cơn bão nọ chẳng phải thứ nào khác ngoài cha tôi. Dù luôn ủng hộ tôi hết mực nhưng người quản gia không thể làm ngơ, bác gọi điện cho cha để thông báo tình hình. Nhanh hơn cả tố lốc, cha tức tốc quay về nhà chỉ sau nửa ngày. Ông vẫn mặc quân phục, chẳng mang theo bất cứ hành trang nào ngoài những lời chửi mắng thậm tệ dành cho tôi. Tòa biệt thự rung chuyển vì tiếng quát tháo. Tuy đã cố nhún nhường nhưng khốn thay, tôi thừa hưởng nhiều đặc tính từ cha mà thứ tệ nhất là “mất bình tĩnh”. Và chẳng gì tệ bằng việc người cha sỉ nhục quan điểm sống lẫn ước mơ của đứa con trai. Hai cha con tôi to tiếng rồi cãi nhau ầm ĩ, tiếp đến đồ vật xung quanh đổ vỡ loảng xoảng tựa thể có giông bão quét qua. Những người phụ nữ, người quản gia rồi đám vệ sĩ cố gắng can ngăn nhưng chẳng ai có thể chen giữa chúng tôi, càng không thể ngăn cú đấm của cha. Cha đấm tôi. Đấm thật. Cú đấm nặng nề, đau đớn và không chút do dự như dành cho kẻ thù, tuyệt không phải dạy dỗ đứa con trai. Tôi bắn vào góc tường, sách vở trên giá đổ ập xuống người, đầu óc lơ mơ nghe thấy tiếng hét của mẹ và Mục Á. Mắt tôi lem nhem máu, khung cảnh trở nên nhập nhòe, chỉ thấy cha đang vùng vẫy giữa những cánh tay của đám vệ sĩ lẫn bác quản gia. Cha chỉ mặt tôi, không ngừng rủa xả: -Mày là thằng ngu, Khai Y! Tao muốn tốt cho mày nhưng mày chẳng hiểu gì hết! Tại sao mày luôn cãi lời người cha này? Em mày bị người Phi Thiên giết, giờ mày muốn phục vụ kẻ thù? Thằng ngu! -Vì tôi không giống cha! Ông già chết tiệt! – Tôi nổi khùng – Cha chỉ quan tâm thể diện thôi! Cha cố tình đưa Khai Nhạn vào đội viễn chinh để tỏ ra không thiên vị người nhà, để tỏ ra công tâm chính trực! Biết gì không, cha yêu quý? Cha dùng mọi người như miếng đánh phấn, như chiếc son môi, như gương trang điểm, như bút chì tô vẽ lông mày, như hộp kem dưỡng da để trang điểm mặt mình cho bóng bẩy hào nhoáng. Cha như mụ đàn bà ngày ngày chỉ quan tâm mình trong mắt người khác có đẹp hay không. Ông già chết tiệt! Cha điên tiết, mắt mũi trợn ngược như thú dữ lồng lộn phá cũi, người quản gia lẫn đám vệ sĩ cố lắm mới ghì được ông xuống. Ông vùng vằng bước vào phòng làm việc, lát sau trở ra cùng mảnh giấy có đóng dấu triện gia huy họ Xuy Hạ bằng sáp nến. Cha vứt nó trước mặt tôi, rít lên: -Ký vào, nhanh lên! Ký vào, mày sẽ được tự do như mày muốn! Nhưng cả đời này mày đừng hòng bước về nhà! Ký nhanh, ký nhanh, mày sẽ không mang họ Xuy Hạ nữa! Ký rồi cút khỏi đây! Chẳng cần đọc tôi cũng biết nó là giấy từ mặt. Kết cục xấu nhất đã xảy ra, tôi sẽ mất tất cả tài sản liên quan đến gia đình lẫn danh hiệu quý tộc. Nhưng chỉ bọn công tử bột mới sợ hãi chuyện đó, tôi khác họ. Đọc mảnh giấy xong, tôi liền đặt bút ký roẹt bất chấp mọi người can ngăn. Chữ ký rõ ràng thẳng tắp cắt ngọt quan hệ giữa cha con. Ngay hôm ấy tôi thu dọn đồ đạc rồi đưa Mục Á về Hoàng Hôn Cảng. Một ngày rối bời lộn xộn, cả gia đình tôi lẫn ngôi nhà tưởng chửng đổ sụp. Tòa biệt thự, tiếng mẹ gào thét với cha, người quản gia hối hả chạy theo tôi khuyên can, những cung đường rủ tán bạch dương trĩu tuyết, ga tàu điện vắng người, đôi mắt lo lắng của Mục Á, tường thành cổ cùng những ngọn tháp pháo khổng lồ bao quanh Băng Hóa thành… mọi thứ ào ào trôi qua mắt tôi như cơn lũ trong khi máu vẫn chảy lèm nhèm nửa mặt. Ở khoảnh khắc ấy, tôi hoàn toàn không hối tiếc. Nực cười ở chỗ sự hối tiếc chẳng bao giờ quan tâm kẻ nóng giận. Chỉ khi người ấy bình tĩnh thì sự hối tiếc mới đến hỏi thăm, nó gõ cửa rồi tự động bước vào mà chẳng quan tâm chủ nhà đồng ý hay không. Nếu được, có lẽ tôi đã không ký vào tờ giấy nhàu nhĩ đầy những con chữ nguệch ngoạc nọ. Mẹ và mẹ hai hẳn lại khóc hết nước mắt như hồi làm tang Khai Nhạn, cả thằng nhóc Khai Giã… Có lẽ thằng bé vẫn không hiểu tại sao ông nội lại đấm bác nó giữa phòng khách. Nhưng cứ nghĩ đến căn nhà rộng khủng khiếp cùng đám khách khứa cười nói như cái máy, tôi không thể chịu nổi. Từng cung bậc cảm xúc trải dưới chân tôi mà mỗi lần bước là mỗi lần thêm chông chênh, chỉ chực rơi xuống vực thẳm đầy mùi rượu bia. Có lẽ tôi đã rơi thật nếu Mục Á không ở bên. Cả ngày hôm ấy em chăm sóc tôi, băng bó vết thương hoặc ngăn tôi tìm đến quán rượu. Em không nói nhiều cũng không bảo tôi nên quay lại Băng Hóa thành nhưng đôi mắt rơm rớm suốt, đôi lần khóc thành tiếng. Cơ mà sự đã rồi thì chẳng thể thay đổi, tôi cần cuộc sống mới. Giấy từ mặt chỉ tước đi danh hiệu quý tộc chứ không làm mất những mối quan hệ hay số dư tài khoản của tôi. Tôi không có đám bạn bè quyền lực như cha, nhưng tôi có những người sẵn sàng giúp đỡ mình lúc khó khăn và không đòi hỏi kiểu bánh ít cho đi bánh quy cho lại. Sau dăm cuộc gọi nhờ người quen, tôi tìm được một căn hộ ở Hoàng Hôn Cảng. Nó thậm chí chẳng bằng một nửa phòng ngủ ở tòa biệt thự nhưng tôi thích sự nhỏ nhắn này. Bớt chút thời gian dọn dẹp, căn hộ hiện lên với vẻ ấm cúng mà tôi hằng khao khát. Ở căn nhà nhỏ, niềm vui luôn lớn hơn và nỗi buồn sẽ thu bé lại. Mục Á cũng tới giúp tôi khi xong việc ở Cao Lầu. Em tự tay trang trí căn hộ bằng những gam màu mà em thích và dĩ nhiên không thể thiếu hoa trà. Đang mùa trà kép, căn hộ lúc nào cũng tràn đầy sắc rực rỡ, niềm vui dần quay trở lại trái tim tôi. Một tối nọ, tôi ôm Mục Á, ngắm hoa trà kép nở sắc đỏ rực giữa mưa tuyết trắng bên ngoài cửa kính. Hợp đồng của Mục Á chỉ còn tính từng ngày, tôi bắt đầu nghĩ về tương lai: -Vậy là em không thể làm “bà Khai Y” rồi, Mục Á. Em phải chờ tôi trở thành quý tộc tự thân thôi. Mười năm, thậm chí hai mươi năm, lâu đấy! Mục Á lặng lẽ trông chốn xa xăm vô định giữa màn đêm thành phố. Được một lát thì em ôm lấy tay tôi, từng ngón tay bấu chặt như muốn tôi, thời gian, không gian hay cả khung cảnh này dừng lại. Rồi Mục Á quay vào lòng tôi khóc rấm rứt, tôi ngạc nhiên: -Sao vậy? Em sao thế? -Không, chỉ là vui quá thôi! – Em cười, giọng nghèn nghẹn – Chúng ta kết hôn rồi sống ở đây nhỉ? -Ừ! – Tôi bật cười đoạn vuốt tóc Mục Á – Tôi sẽ đến gặp ông chủ Cao Lầu và chuộc em. Từ giờ em cứ sống ở đây… -Để sau khi anh trở về, được không? Anh trở lại làm việc, giờ lo cả chuyện của em thì cập rập lắm! – Mục Á chen ngang – Đợi anh về, lúc ấy thừa thời gian, chúng ta sắp xếp chu đáo hơn. Nhìn xem, căn hộ còn thiếu nhiều thứ lắm, mình em ở đây không lo hết được. Với cả… chuộc xong rồi, em phải chờ mấy tháng nữa mới đến lễ cưới sao? Khó chịu lắm! -Tôi biết ghen đấy, Mục Á! – Tôi nhíu mày – Tôi muốn đưa em ra khỏi Cao Lầu càng nhanh càng tốt. Em cứ làm Hạ Nga Chi mãi, tôi đau lắm! Mục Á cười rũ, dụi đầu vào ngực tôi rồi nài nỉ dời ngày chuộc em khỏi Cao Lầu. Nghe em nói, tôi mới thấy lắm chuyện bất cập. Hiện giờ Mục Á là người của Đông Môn Cao Lầu, không ai ở Hoàng Hôn Cảng được phép chạm vào em. Nhưng khi rời khỏi đó, tin tức một Hạ Nga Chi được giải phóng sẽ lan truyền khắp nơi và Mục Á dễ gặp nguy hiểm với lũ đàn ông háo sắc. Khéo thay Vạn Thế sắp đặt, nơi an toàn nhất là nhà tôi thì tôi chẳng thể về. Tôi định đưa Mục Á quay lại quê hương Diệp quốc nhưng em từ chối, nói rằng lúc này chưa thích hợp. Hết cách, tôi đành nghe theo Mục Á. Dù sao tôi cũng đã quen việc chờ đợi. Nghĩ ngợi vẩn vơ một lúc, tôi nói: -Tôi để ý thành phố này có một nhà hát nhạc kịch. Em không thích mấy thứ nghệ thuật, đúng không? Nhưng thử một lần xem sao? Có một vở tên là “Trà Hoa Nữ” dựa theo câu chuyện cổ xưa, tôi nghĩ em sẽ thích. -“Trà Hoa Nữ”… nó kể cái gì vậy? – Mục Á hỏi. -Giống chuyện của chúng ta. – Tôi nháy mắt – Em sẽ biết thôi! Em đồng ý, hẹn khi tôi trở về sẽ cùng xem. Mấy ngày kế tiếp, Mục Á đòi tôi ở lại căn hộ thay vì đi chơi, chừng như muốn tận hưởng sớm cuộc sống gia đình. Một đám cưới, vài vật dụng linh tinh và thêm một đứa trẻ con, nơi này sẽ trở thành “nhà” thực sự. Trước hôm tôi đi, em có tặng tôi một đóa trà kép màu đỏ rực. Tôi liền ép khô cánh hoa và đặt nó ở ngăn bìa cuốn nhật ký hành trình làm vật trang trí. Nửa tháng sau, tôi theo chân thầy Tây Minh đến vùng đất hoang vu phía tây lục địa Hoa Thổ để giúp một tiểu quốc tái thiết sau thời kỳ chiến tranh tài nguyên. Như thường lệ, mỗi khi rảnh rỗi là tôi gọi điện cho Mục Á. Nhưng đợt này, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cùng lắm chỉ được năm, sáu phút, không hơn. Mục Á nói đang là cuối năm 7502, Hoàng Hôn Cảng nhiều khách gấp đôi bình thường nên em không thể trò chuyện lâu. Thực tình tôi khá khó chịu nhưng vì hạnh phúc tương lai nên tạm cho qua. Đại Bác có hỏi chuyện tôi chuộc Mục Á hay chưa, tôi trả lời thành thực. Nghe xong, gã gãi gãi chiếc cằm lún phún râu: -Kỳ quặc nhỉ?! Sắp được ra khỏi Cao Lầu mà cô ấy không muốn? Cổ đâu phải trẻ lên ba không biết tự lo cho mình, sao phải sợ mấy thằng háo sắc? Cậu làm như cả thế giới này suy đồi lắm không bằng! Mà nếu cậu sợ thì đưa cổ về Diệp quốc. Sao? Không được á? Thế mấy ông bạn đàng hoàng của chúng ta đâu? Cậu có thể gửi Mục Á ở chỗ bọn họ, họ nợ cậu kia mà?! Thế còn tôi thì cậu để đâu? Ồ, cậu sợ “thằng ngựa giống” này đánh chén bạn gái mình à? Cậu làm tôi tổn thương đấy, hi hi hi! Được rồi, đừng làm bộ mặt đó, tôi đùa thôi! Nhưng có chắc Mục Á muốn cưới không vậy? Có chắc Mục Á muốn cưới hay không? – Tôi lặp lại. Tuy Đại Bác không có ý xấu nhưng gã vô tình làm tôi băn khoăn. Nghĩ lại mấy cuộc gọi điện chóng vánh gần đây rồi cả thái độ khó hiểu của Mục Á khi ở căn hộ, tôi bỗng bứt rứt khôn tả. Suốt đợt đó tôi chỉ mong ngóng công việc kết thúc nhanh để mau chóng trở về. Sự nôn nóng ấy không qua được mắt thầy Tây Minh, nhưng thầy không dạy dỗ hay quở trách tôi điều gì. Cùng thời gian, mẹ gọi điện cho tôi đôi lần và có hỏi thăm Mục Á, không quên khuyên tôi trở về. Bà nói sau đợt đuổi tôi ra khỏi nhà, cha suy sụp tới nỗi bên quân đội phải ép ông nghỉ dưỡng nửa tháng. Cả ngày ông chỉ quanh quẩn với rượu, mọi việc giao hết cho người quản gia. Dù chạnh lòng nhưng bởi cái tôi quá lớn, tôi từ chối về nhà để xin cha tha thứ. Bốn tháng làm việc kết thúc, tôi vội vã trở lại Hoàng Hôn Cảng. Đang dịp lễ hội, cả thành phố hầu như không ngủ, đêm nào cũng rực rỡ ánh đèn lẫn người qua lại. Trước lúc về căn hộ, tôi ghé qua khu chợ trời mua hoa trà làm quà cho Mục Á. Tôi không gọi điện báo trước vì muốn làm em bất ngờ. Tiền chuộc Mục Á, nơi tổ chức lễ cưới, những đồ đạc còn thiếu cho căn hộ – mọi thứ cho cuộc sống mới, tôi đều chuẩn bị đầy đủ. Khốn thay, mọi chuyện không như tôi nghĩ. Vạn Thế vẫn thích trêu ngươi con người như vậy. Khi nói về dự định tương lai, Mục Á luôn đề cập căn nhà sáng sủa với những bình hoa trà, em muốn tự tay chăm sóc và tô điểm chúng. Nhưng khung cảnh đang ập tới mắt tôi hoàn toàn trái ngược. Bước vào căn hộ, tôi ngửi thấy mùi ẩm thấp lẫn bụi bặm như thể lâu lắm không ai ghé thăm. Bụi khắp nơi, cuộn thành mảng trên sàn nhà hoặc đóng tầng đóng tảng ở góc phòng lẫn đồ đạc. Tấm rèm che cửa sổ vốn trắng tinh đã ngả màu nhờ nhợ, gian bếp sạch sẽ cáu cạnh cách đây mấy tháng giờ đầy mạng nhện lẫn phân chuột phân gián. Quan trọng hơn: ở đây không có hoa trà hay bất cứ sự hiện diện nào của Mục Á. Thất vọng lẫn bực bội nhảy chồm vào tâm trí rồi quậy phá lung tung viễn cảnh tươi đẹp mà tôi luôn mường tượng từ khi về đây tới lúc bước vào căn hộ. Cảm giác có chuyện không ổn, tôi liền gọi điện cho Mục Á. Hai cuộc gọi bất thành, tôi vừa lo lắng vừa tức giận. Mãi cuộc gọi thứ ba và nghe được giọng Mục Á, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đầu dây bên kia đầy tiếng nhạc chát chúa của hộp đêm, tôi lớn giọng mấy lần, em mới nghe rõ. Tôi hẹn gặp ở nơi cũ.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang