[Việt Nam] Nam Ông Mộng Lục

Chương 1 : Truyện Nghệ Vương (Nghệ Vương thủy mạt)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 20:40 14-04-2019

Truyện Nghệ Vương [13] (Nghệ Vương thủy mạt) Vua thứ tám nhà Trần ở nước An Nam húy Thúc Minh [14] là con thứ ba của Minh Vương [15] và do người thứ phi họ Lê sinh ra [16]. Lúc còn làm vương tử, hiệu là Cung Định Vương, tính tình thuần hậu, hiếu thảo, cung kính, cần kiệm, sáng suốt và quả đoán, học khắp kinh sử, không thích phù hoa. Theo lệ cũ nhà Trần, khi Vương tử đã lớn, vua cha bèn cho kế vị, còn bản thân mình thì lui về ở Bắc cung, tự xưng là Vương Phụ [17] cùng con coi việc triều chính, nhưng thực tế chỉ là truyền ngôi trên danh nghĩa [18], để ổn định chuyện về sau, phòng khi vội vã, chứ mọi việc đều do vua cha quyết định hết, vua kế vị không khác gì Thế tử [19] vậy. Nguyên trước kia, khi người con thứ của Minh Vương là Hiến Vương [20] đã lên ngôi, thì những người con đích của Minh Vương mới sinh ra: con trưởng là Cung Túc Vương [21] ngờ nghệch không hiểu về chuyện đời; con thứ là Lộc Tinh [22] tuổi còn thơ ấu thì Hiến Vương mất, lại không có con thừa kế, nên Lộc Tinh đã vâng mệnh vua cha lên nối ngôi, ấy là Dụ Vương. Phong cho hai người anh thứ là Cung Tĩnh Vương [23] làm Thái úy, Cung Định Vương làm Tả tướng quốc. Cung Định Vương là người trung hậu, thành thực, thờ vua thờ cha chu đáo, từng chân tơ sợi tóc không ai chê trách điều gì. Giao thiệp với người thì không thân lắm, cũng không sơ lắm; trước việc chính sự thì không có điều gì quá chê cũng không quá khen. Hồi Minh Vương qua đời, Cung Định Vương để tang ba năm, mắt không lúc nào ráo lệ. Đoạn tang, quần áo không sắm các thứ tơ lụa màu mè; ăn không cần ngon; quả muỗn, cá hồng [24] là những thức ăn quý ở phương Nam từ đấy tuyệt nhiên không tới miệng. Thờ Dụ Vương hơn mười năm. Khi Dụ Vương mất sớm không có con nối nghiệp, các quan đại thần bàn với nhau rằng: Tả tướng quân rất tốt, nhưng không lý anh lại kế ngôi em! Bèn theo lệnh Quốc mẫu đón con của Cung Túc Vương là Vong Danh về lập lên làm vua [25]. Lúc bấy giờ, Cung Túc Vương cũng đã sớm mất. Sau khi con Cung Túc Vương lên làm vua, theo ý kiến quần thần, đã đưa Thái úy [26] lên làm Thái tể, đưa Tả tướng quốc [27] lên làm Thái sư, và đưa em của Tả tướng quốc là Cung Tuyên Vương lên làm chức Hữu Tướng quốc [28]. Con Cung Túc Vương [29] thuở nhỏ không chịu học, chỉ thích chơi bời lêu lổng. Người ta nói bà mẹ đã tư thông với một người họ Dương ngoài hoàng tộc rồi đẻ ra Vong Danh, cho nên Vong Danh thường bị những người trong hoàng tộc khinh rẻ [30]. Sau khi kế vị, Vong Danh để tang cha, không tỏ vẻ đau buồn, cử chỉ phần nhiều thất lễ, cất nhắc bọn tiểu nhân thân cận, miệt thị cha ông, làm cho đám khanh sĩ bất mãn. Được một năm, những kẻ ngang ngạnh trong hoàng tộc cùng nhau làm loạn, bị Vong Danh bắt được đem chém, những người liên lụy bị chết oan trong vụ này rất đông [31]. Vong Danh còn ngầm mưu khử sạch những người có tên tuổi trong họ Trần [32], bèn giết Thái tể ngay tại nhà [33], Thái sư đang đêm phải lẻn trốn [34]. Đến sáng hôm sau, những người cùng làm quan trong hoàng tộc đều mang gia quyến chạy hết, đô thành vì vậy vắng tanh. Thái sư theo đường hẻm tới tận vùng man động xa xôi, ý muốn tự tận, nhưng những kẻ xung quanh đã ngăn lại. Người man động giữ Thái sư ở đây hàng tháng trời, ai cũng biết tiếng Thái sư. Các quan trong tông thất nối nhau tìm tới. Quân lính do con Cung Túc Vương sai đi lùng bắt Thái sư cũng đều chạy về phía Thái sư cả. Hữu tướng quốc đốc thúc các quan khuyên mời Thái sư trở về kinh đô để dẹp yên nơi cung điện. Thái sư sụt sùi thoái thác rằng: - Chư vị sớm... trở lại Kinh thành, khéo giúp minh quân, chuyên loạn thành trị, đặt nước nhà vào thế yên ổn [35] thì ta đến chết cũng vẫn chịu ơn. Ta có tội với Chúa thượng, thoát thân chạy trốn, chờ chết ở chốn núi rừng cũng đã là may, đâu dám có lòng này dạ nọ. Xin chư vị cho nên cố ép. Mọi người đều xôn xao, hết lượt này đến lượt khác khẩn khoản dâng thư, thề chết không đổi ý định, cố nài Thái sư lên đường, rồi dùng vai làm kiệu đưa Thái sư xuống núi. Người gần xa tụ tập đông nghịt, tiếng hoan hô vang động cả một góc trời. Khi về cách đô thành ba trăm dặm, lão tướng Nguyễn Ngô Lang [36] bảo con Cung Túc Vương tự tay viết tội trạng mình và xin thoái vị, xong mang ra để đón xin lỗi Thái sư. Con Cung Túc Vương phục xuống đất xin tha tội. Thái sư cũng xoài ra đất ôm con Cung Túc Vương khóc lóc hết sức thảm thiết mà rằng: - Làm sao Chúa thượng phải đến nông nỗi này? Thật không may cho thần, nào ngờ có ngày hôm nay! Hữu tướng quốc tuốt gươm thét lớn rằng: - Trời sai trị tội, kẻ có tội sao được lắm lời? Thái sư lẽ nào lại vì chút lòng nhân huệ mà bỏ nghĩa lớn? Bèn quát bảo quân tướng lôi con Cung Túc Vương đi, giục người có trách nhiệm chuẩn bị làm lễ rước Thái sư lên ngôi, phế con Cung Túc Vương làm Hôn Đức Công. Vua [37] vào thành yết tông miếu, vừa khóc vừa khấn vái rằng: - Sự việc hôm nay thật ngoài ý muốn của thần. Vì nền xã tắc, thần không thể từ chối. Trái lẽ trung hiếu, thẹn sợ trong lòng. Nguyện từ bỏ sự tôn quý và vinh dự của thần để thực hiện phần nào chí cũ [38]. Bèn hạ lệnh không được dùng xe kiệu của vua, quần áo đồ vật đều sơn đen, không dùng châu báu vàng son. Các thức ăn mặc đều phải tiết kiệm như trước, suốt đời mang tang lễ không chút thay đổi. Bèn chuyển loạn thành trị, noi theo nền nếp cũ, thưởng phạt công minh, dùng kẻ hiền lương. Bởi thấy con mình không có tài năng, khó đương việc lớn, nên được một năm, vua đã cho em là Hữu tướng quốc kế vị để cùng coi việc triều chính, đó là Duệ Vương [39]. Trước đó, Chiêm Thành thừa cơ trong nước có hiềm khích, đã nhiều lần đến cướp phá. Duệ Vương lên ngôi được ba năm, thân chinh đi đánh Chiêm Thành, nhưng bị thua to, không trở về [40]. Nghệ Vương cho con của Duệ Vương là Hiện [41] kế vị. Ít lâu sau, Hiện [42] nghe lời gian thần làm nhiều việc vô đạo, Nghệ Vương lo nước nhà nghiêng đổ, mới than khóc mà phế đi, cho gọi là Linh Đức Công [43]. Nghệ Vương lấy con út của mình là Ngung vào kế vị, đó là Thuận Vương. Được bảy năm, vua cha mất [44]. Bấy giờ là năm Giáp Tuất 45 niên hiệu Hồng Vũ thứ hai mươi bảy 46 . Chôn ở Yên Sinh 47 thụy là Nghệ. Xưa kia hồi Nghệ Vương còn nhỏ, tầm chín tuổi theo hầu Minh Vương, vừa lúc trên giường có chiếc chiếu trúc [48], Minh Vương bảo vịnh thử, Nghệ Vương ứng khẩu đọc rằng: - Hữu vĩ thử quân, Trung không ngoại kính. Tước nhữ vi nô, Khủng thương nhân tính. (Có nàng giỏi giang, trong rỗng ngoài cứng; bắt làm đầy tớ, e chạm nhân tính). Minh Vương rất lấy làm lạ, nhưng vờ mắng rằng: - Chả ra lời lẽ gì, đừng ghi chép lại [49]. Bèn dặn thầy dạy đừng bảo làm thơ nữa. Người quân tử nói "mệnh trời có dấu hiệu, không ai ngăn cản nổi", về sau quả nhiên như vậy. Sau khi lên ngôi, Nghệ Vương đã nhặt hết những đứa trẻ côi cút trong đám con cháu của anh chị em mình đưa vào cung nuôi nấng, coi hệt như con cái mình đẻ ra. Người trong dòng họ xa gần đều được yêu thương đùm bọc. Sau cơn loạn lạc, người nào nghèo khổ không thể cưới xin được, thì lấy vợ gả chồng cho họ; người nào chưa được chôn cất, thì chôn cất cho họ; đến cả những điều vặt vãnh chi tiết, không có cái gì là không thu nhặt chép sao. Xóm giềng hòa hợp, đầm ấm như tiết mùa xuân. Người trong nhà được cảm hóa, phong tục dần dần trở nên thuần hậu. Vua ở đất này cũng có người tốt đến thế ư? __ Chú thích: 13. Tức truyện Trần Nghệ Tông (1322-1395). Vì sợ ảnh hương tới sự "tôn nghiêm" của vua Minh, Hồ Nguyên Trừng đã đổi chữ "Tông" ra chữ "Vương". Đầu đề có thể dịch là "Đầu đuôi truyện Nghệ Vương". Chúng tôi dịch là "Truyện Nghệ Vương" cho dễ hiểu. 14. Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép Trần Nghệ Tông húy là Phú. 15. Tức Trần Minh Tông (1300-1357). 16. ĐVSKTT chép mẹ đích của Nghệ Tông là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu; mẹ sinh là em gái cùng một mẹ với Hiển Từ, tức là Lê thị do con gái của Nguyền Thánh Huấn (ông ngoại thân phụ Hồ Nguyên Trừng lấy chồng người họ Lê sinh ra. 17. Đúng ra phải viết "Thượng hoàng". 18. Nguyên văn là "Truyền danh khí" tức là truyền lại xa giá, lễ phục, tước hiệu... ở đây có nghĩa là chỉ truyền ngôi về hình thức chứ không phải về thực chất, nên chúng tôi dịch là "truyền ngôi trên danh nghĩa" cho dễ hiểu. 19. Thế tử: cũng gọi là "đích tử" (con đích_, tức là người con trưởng của chư hầu được lập nên để nối ngôi, tương ứng với Thái tử của Hoàng đế. 20. Hiến Vương: đúng ra phải viết là Hiến Tông (1319-1341), húy là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ đích là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng Thái hậu, mẹ sinh là Minh Từ hoàng thái phi Lê thị. 21. Cung Túc Vương: tức Nguyên Dục. Tuy là con đích, đáng lẽ được nối ngôi vua, nhưng vì hay chơi bời phóng đãng nên không được Minh Tông tin yêu. 22. Lộc Tinh: sử ta không thấy chép. Nhưng theo lời văn bên dưới, có thể biết Lộc Tinh ở đây chính là Dụ Tông (1336-1369), húy là Hạo, con thứ mười của Minh Tông. 23. Cung Tĩnh Vương: tức Nguyên Trác. 24. Nguyên văn là "hải đồn ngư", chưa rõ là giống cá gì. Chỉ biết có một loại tên là "hải điều ngư" tức là "cá hồng" cũng là một loại cá ngon và lành ở phương Nam.. Vậy tạm dịch là "cá hồng" chờ tra cứu thêm. Có người dịch "hải đồn ngư" là cá hầu hoặc cá cúi (tiểu hải đồn). 25 Theo sử chép, sau khi Dụ Tông mất, vì không có con nối nghiệp nên Hoàng thái hậu Hiển Từ đã sai người đón Dương Nhật Lễ (ở đây gọi là Vong Danh nghĩa đen là không nhớ tên) là con thứ của cố Cung Túc Vương Dục vào làm vua (xem ĐVSKTT). 26. Tức Cung Tĩnh Vương. 27. Tức Cung Định Vương. 28. Cung Tuyên Vương húy là Kính, con thứ mười một của Minh Tông, vì có công giúp đỡ Nghệ Tông giành lại ngôi nhà Trần trong tay Dương Nhật Lễ, nên về sau được Nghệ Tông nhường ngôi cho, tức Duệ Tông. 29 Tức Dương Nhật Lễ. 30. Theo sử chép, Nhật Lễ là con của một người phường chèo tên là Dương Khương. Mẹ của Nhật Lễ từng đóng vai Vương mẫu. Vì ham sắc đẹp, Cung Túc Vương Dục đã cướp "Vương mẫu" về làm vợ, trong khi bà đang có mang. Đến khi đẻ, tuy Dương Nhật Lễ vẫn được Cung Túc Vương Dục nhận làm con mình, nhưng trước sau vẫn bị những người trong hoàng tộc khinh rẻ. 31. Nguyên vào một đêm tháng 9 năm Canh Tuất (1370) , cha con Nguyên Trác và hai con của Công chúa Thiên Ninh, đem người tông thất vào trong thành định giết Nhật Lễ, nhưng Nhật Lễ đã trèo qua tường, nép mình dưới cầu mới, không ai lùng thấy, đều phải bỏ về. Sáng hôm sau, Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt các kẻ chủ mưu, cộng cả thảy 18 người đem giết cả (Xem ĐVSKTT). 32. Dương Nhật Lễ từng bàn mưu tính kế với Trần Nhật Hạch trong việc giết người tông thất họ Trần. Nguyễn Nhiên người huyện Tiên Du, từng giữ chức Chi hậu nội nhân, đã cho Nghệ Tông biết việc này (Xem ĐVSKTT). 33. Thái tể Nguyên Trác bị chết trong vụ mưu giết Nhật Lễ không thành. 34. Trần Nghệ Tông (ở đây gọi là Thái sư) vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình, nên tránh xe trấn Đà Giang. 35. Nguyên văn câu này là "tôn an xã tắc", chúng tôi ngờ chữ "tôn" vốn là chữ "điện" do tự dạng gần giống nhau nên in nhầm. "Điện an xã tắc" có nghĩa là "đặt nước nhà vào thế yên ổn". Còn "Tôn an xã tắc" thì lại có nghĩa là "tôn trọng và làm cho nước nhà yên ổn", câu văn trở nên lủng củng. 36. ĐVSKTT chép là Trần Ngô Lang, lúc này đang giữ chức Thiếu úy. 37. Tức Thái sư Cung Định Vương, bấy giờ là Trần Nghệ Tông. 38. ĐVSKTT chép sự kiện này có khác, nhất là thái độ Trần Nghệ Tông đối với Dương Nhật Lễ. Theo ĐVSKTT, Trần Nghệ Tông sau khi chạy ra trấn Đà Giang, đã ngầm hẹn với em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc Quốc Thượng hầu Nguyên Đán, và Công chúa Thiên Ninh Ngọc Tha cùng họp nhau ở sông Đại Lại (tức sông Lèn, một chi lưu của sông Mã ở Thanh Hóa) để dấy binh chống Nhật Lễ. Bấy giờ Nhật Lễ chuyên dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang, trong khi Ngô Lang đang là "tay trong" của Nghệ Tông. Mỗi lần Nhật Lễ sai tướng đi đánh bắt Nghệ Tông, Ngô Lang đều khuyên họ chạy về phía Nghệ Tông cả. Cuối năm Thiệu Khánh nguyên niên (tức năm 1370) , Nghệ Tông cùng Cung Tuyên Vương và Công chúa Thiên Ninh đem quân về Kinh thành. Ngày 13 tháng 11 năm ấy, đến phủ Kiến Hưng (ở vào miền tây tỉnh Nam Định, nay thuộc Nam Hà , hạ lệnh phế Nhật Lễ Làm Hôn Đức Công. Ngày 15, Nghệ Tông lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nghĩa Hoàng. Sau đó lại tiếp tục tiến quân về Thăng Long. Khi đến bến Chử Gia, người trong tông thất và các quan ra đón mừng, tung hô muôn năm, vì thế gọi Chử Gia là xã Sơn Hô. Ngày 21, xa giá về Bến Đông, Ngô Lang khuyên Nhật Lễ mặc áo thường đến xin nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp. Vua bảo Nhật Lễ rằng: "Không ngờ ngày nay sự thể lại đến thế này" rồi sai đem giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu (nay ở vào khoảng đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội), Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói dối rằng: "Ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi nên về lấy". Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh, bị Dương Nhật Lễ bóp cổ chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, Nghệ Tông sai đánh chết Nhật Lễ và con là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông (Xem Bd, ĐVSKTT, quyển VII). 39. Tức Trần Duệ Tông. 40. Trong chiến dịch này, Trần Duệ Tông đã tử trận. 41. Có nơi đọc là "Nghiễn". Chúng tôi theo Khang Hy tự điển, đục là "Hiện" (Hình điện thiết). 42. Nguyên văn viết là Chiêm, có lẽ nhầm, vì ngay trước đó, đã nói con của Duệ Vương là Hiện. Chúng tôi chữa lại. 43. Tức Phế Đế (1361-1388) 44. Chỉ Nghệ Tông. 45. Nguyên văn chép là Giáp Mậu. Chúng tôi chữa lại. 46. Hồng Vũ: là niên hiệu của Minh Thái Tổ; Hồng Vũ thứ hai mươi bảy, tức năm 1394. 47. Lăng của Anh Tông, Minh Tông và Dụ Tông đều ở đây cả, đất thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. 48. Chiếu trúc: dịch từ chữ "trúc nô", còn gọi là "phu nhân nô", một thứ chiếu đan bằng trúc, người xưa trải nằm vào mùa nóng. 49. Đừng ghi chép lại: đây là lời vua bảo với Sử quan.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang