[Dịch] La Thông Tảo Bắc

Chương 15 : Núi Hạ Lam Giảo Kim làm mai, Chốn động phòng Đồ Lư tận tiết

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:13 08-01-2019

Khi ăn uống, Thái Tôn phán hỏi Trình Giảo Kim rằng: - Khi Trình vương huynh vâng lệnh trẫm, một mình xông pha trùng vây, trẫm thấy binh nó im lìm, liền ngỡ là vương huynh đã đi đời rồi, thiệt lúc đó hồn vía trẫm lên mây, vậy chớ làm sao mà vương huynh về Trường An đặng mà viện cứu binh, hãy thuật hết lại cho trẫm nghe với. Trình Giảo Kim tâu rằng: - Nay nhờ có bệ hạ nhắc lại, không thôi cũng quên lửng rồi, việc ấy nhờ có Từ quân sư bảo cử tôi đi, mà tôi cũng muốn tận trung báo quốc liều mình đi đại, chớ có chắc gì ra khỏi vòng binh nó đâu, vả chăng đang khi bối rối, thiệt cái búa đồng của tôi hay lắm, gặp Tô Xa Luân cũng không nao núng chút nào hết, làm như hồi đó có thánh thần chi trợ lực tôi vậy đó, nó chém tôi một búa cũng bị tôi trả lại một búa làm cho nó lộn mèo xuống đất. Lúc ấy Phiên binh thấy vậy đều ngơ ngác, tránh ra hết ráo cho tôi đi, mới về được Trường An mà viện binh cứu giá, tôi quyết làm cho nên việc để lãnh đặng cái chức nhất tự Tịnh Kiên. Từ Mậu Công tâu rằng: - Trình Giảo Kim có tội dối vua, xin bệ hạ lấy phép công xử trị, để răn chúng về sau. Trình Giảo Kim giận lắm nói rằng: - Thiệt cái lão thầy chùa lỗ mũi trâu này khó chịu quá, cứ kiếm cớ mà giết tôi hoài, nào tôi có tâu dối ở đâu mà anh buông lời như thế? Từ Mậu Công cười gằn nói: - Tới phiên tôi hỏi thì phải nói thiệt đa! Làm sao mà ngươi ra khỏi vòng binh? Chớ khá nói gian, đừng thấy không chứng mà buông lời xảo trá! Ngươi có tài đánh ngả Tô Xa Luân? Té ra bị nó đánh nhào lăn sao còn kiếm điều nói ngược? Trình Giảo Kim nói: - Ấy là Từ quân sư muốn nói ngược, đặng khỏi phong chức nhất tự Tịnh Kiên. Thôi tôi chẳng cần tiếc làm chi, xin quân sư đừng kiếm lời đâm họng, nếu tôi không ra khỏi làm sao có cứu binh; còn quân sư nói: Tô Xa Luân đánh tôi nhào xuống ngựa thì bị chúng nó giết rồi, đâu còn đến ngày nay mà nói chuyện dông dông dài dài? Từ Mậu Công hỏi rằng: - Vậy chớ ngươi có thấy Tạ Ánh Đăng hay không? Trình Giảo Kim nghe quân sư hỏi thì thất kinh, gắng gượng đáp rằng: - Quân sư hỏi điều chi lạ vậy? Làm sao mà thấy Tạ Ánh Đăng cho đặng, bộ anh chẳng nhớ năm xưa đi thí võ, người biệt tin từ ấy đến nay, ai nấy kiếm hoài không gặp, mà bây giờ anh còn giả bộ hỏi nữa chớ! Từ Mậu Công nói: - Mắt ta đã thấy rõ ràng, sao ngươi còn kiếm lời dối gạt? Vả ngươi tuổi quá lục tuần, có tài chi mà đánh ngã Tô Xa Luân? Nếu chẳng có Tạ Ánh Đăng cứu, thì ngươi đâu còn tánh mạng, làm sao về Trường An mà thảo cứu, đem binh đến đây giải vây? Hôm nay lại khoe tài dối tâu cùng thiên tử, thiệt tội nọ khó dung. Quân đao phủ! Hãy dẫn Giảo Kim ra chém phức cho rồi, đặng trị tội khi quân. Tả đao quân vâng lệnh áp vào, lúc ấy Trình Giảo Kim chết điếng, vội quỳ xuống tâu rằng: - Cúi xin bệ hạ dung tha tử tội, để tôi cứ lời thiệt tâu ngay. Thiệt có Tạ Ánh Đăng cứu tôi, nên mới về Trường An đặng mà viện binh cứu giá. Thái Tôn truyền tả đao lui ra và phán hỏi rằng: - Thôi Trình vương huynh hãy đem hết những chuyện trước sau tâu thuật lại cho trẫm nghe với. Trình Giảo Kim đặng xá tội thì mừng quýnh, bèn tâu hết chẳng dám dấu nửa lời. Người người nghe qua đều lấy làm lạ, Từ Mậu Công tâu rằng: - Trình Giảo Kim tâu dối, tội nặng muôn phần, song nghĩ công khó đi viện binh, đường xá xa xôi ngàn dặm, xin bệ hạ chiết tội của va, chớ khá gia phong. Trình Giảo Kim nói: - Vì tôi không có số phong vương nên khiến cho thần khẩu buông lời bất phải. Ai nghe nói đều tức cười nôn ruột, khi tiệc mãn rồi ai lui về dinh nấy. Qua ngày thứ, Trình Giảo Kim thức dậy sớm kêu La Thông nói rằng: - Để bác tâu với bệ hạ, cho bác qua núi Hạ Lam nói với Phiên vương, đặng làm mai Đồ Lư công chúa cho cháu nghe! La Thông nghe nói hoảng kinh thưa rằng: - Con khốn nạn ấy giết em tôi, tôi đương tính kế báo thù mà chưa đặng, sao bác lại muốn cầu thân làm chi vậy? Trình Giảo Kim nói: - Nếu cháu không phải lòng với nó, sao cháu còn thề độc như thế? Bởi nó quá tin cháu, nên mới lập công mà chuộc tội, vả cháu lại đường đường là một vị anh hùng, nỡ nào đi gạt một viên nữ tướng, thế cháu chẳng biết hổ thầm hay sao? La Thông thưa rằng: - Trong cơn ngộ biến thì phải tùng quyền, lúc đó tôi kiếm lời gạt nó đặng mà cứu giá thôi, chớ không phải quyết trăm năm vì nó, lẽ nào phải làm theo một mực vậy hay sao? Trình Giảo Kim nói: - Này cháu! Nếu cháu nói như vậy là sai rồi, vì con người ở đời phải biết giữ năm đạo hạnh, nếu cháu tính phục thù báo oán, thời lúc nọ chẳng nên thệ hải minh sơn, còn Đồ Lư công chúa thiệt người hữu tình với cháu, nên mới ra công như vầy, nay đang trên núi Hạ Lam trông chờ tin cháu, sao cháu nở đem lòng bạc đãi, ngoảnh mặt làm thinh, như muốn trọn niềm huynh đệ, chẳng là thất tính, vậy thời làm người sao đặng? Bác lấy lẽ công bình, quyết đứng ra làm mai cho hai trẻ vầy duyên cầm sắc, hảo hiệp trăm năm. Giảo Kim nói dứt lời bèn vào điện quỳ xuống tâu rằng: - Kẻ hạ thần xin tấu một việc, thiệt cam lỗi muôn phần. Thái Tôn phán hỏi rằng: - Chẳng hay vương huynh có việc chi thì hãy tâu đi, trẫm không bắt tội đâu mà sợ. Trình Giảo Kim tâu rằng: - Vua Khương Vương có một vị công chúa tên gọi Đồ Lư, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, hình dung yểu điệu phương phi, ngày trước người ra trấn ải Huỳnh Long thì người có giao ước thề nguyền với La Thông, nên quăng cặp phi đao xuống suối, mở cửa thành chạy về Mộc Dương thành, khi La Thông đánh cửa Tây môn, bị Tô Xa Luân đốc quân binh vây phủ, tánh mạng kể chết đến chín phần, may nhờ có Đồ Lư công chúa trở lòng, chém Xa Luân rụng hết một tay, nên La Thông mới hại va đặng, Đồ Lư công chúa lại dẫn binh mình đến phá binh Phiên đại bại, cúi xin bệ hạ xét tình mà sai thiên sứ đến Hạ Lam sơn cầu hôn, cho đôi lứa phỉ nguyền cầm sắc, kẻo anh hùng thất tín! Thái Tôn nghe tấu mừng lắm phán rằng: - Thiệt trẫm cám ơn công chúa chẳng cùng, sao không tâu trước cho trẫm hay, để trẫm tính chuyện đền ơn trả nghĩa, vậy vương huynh hãy mau qua núi Hạ Lam, híup lời mai mối cho hai đàng. Trình Giảo Kim mừng rỡ tâu rằng: - Tôi xin lĩnh mạng! La Thông nghe rồi sửng sốt, lật đật quỳ xuống tâu rằng: - Con Đồ Lư giết em tôi là La Nhơn tuổi vừa lên chín, thiệt em tôi có công lớn lắm, giết Thiết Bối Bửu Bửu cứu tôi, sau, ra trận bị Đồ Lư quăng phi đao bầm nát thây, tôi chưa trả đặng thù em, lẽ nào lấy cừu nhân làm vợ cho đành! Nếu tôi kết duyên Tấn Tần cùng Đồ Lư, chắc là La Nhơn ngậm hờn nơi chốn suối vàng, cúi xinh vua cha thương tình xét lại, đừng sai sứ qua đó cầu hôn. Thái Tôn phán: - Nếu vương nhi quyết trả thù cho em, sao còn hò hẹn với người ta chi vậy? La Thông tâu rằng: - Vì tôi sợ cặp phi đao của nó, nên kiếm lời thề nói dối cho xong, bảo nó liệng cặp phi đao xuống suối, chời tôi cứu giá rồi sẽ cậy mai đến nói, nó tin lời tôi, mở cửa ải kéo binh về Mộc Dương thành, nội công ngoại kích cả đêm, mới phá tan đặng Phiên binh, vì lòng tôi gấp lo việc cứu giá, nên phải dùng chước quỷ mưu thần, chớ có lý đâu quên lãng cừu em, trở lại mê sa gái địch cho đành! Thái Tôn phán rằng: - Vương nhi nói vậy chẳng là sai lắm sao?, như muốn trả thù cho em thì đừng thệ hải với gái lành, nay người đã trao thân gởi phận cùng vương nhi, nên mới giúp Nam dẹp Bắc, thiệt ơn ấy trẫm chẳng dám quên, nếu trẫm không dạy đến đó làm mai, thì sao khỏi Đồ Lư công chúa trách vương nhi bạc tình, phiền trẫm làm vua thất đức, thêm đêm ngày tựa cửa ngóng trông, bằng có theo lẽ chánh chi nữa, thì công ấy cũng chuộc đặng cừu riêng kia, còn việc nhị ngự điệt liều mình, thời được trọng nghĩa quân vương, danh thơm ngàn thuở. Vả chăng hai nước tranh cường, ai vì chúa nấy, tướng binh xuất trận thì phải một mất một còn cùng nhau, chớ nào phải sự cựu thù mà vương nhi hòng cố oán. Lúc vương nhi bị Tô Xa Luân vây, nếu không nhờ tay Đồ Lư ắt tánh mạng nan tồn. Thiệt cừu nọ cũng sâu mà ơn kia cũng nặng, hai phần trừ nhau cũng đặng, còn lời hứa thì phải nhớ, đôi lứa hòa hiệp đã đành, vậy tử nay trở về sau chớ nên bảo tấu chi nữa, trẫm nhất định sai Lỗ Quốc Công qua đó làm mai dong, đặng lo cho xong mọi việc. Trình Giảo Kim lãnh chỉ ra đi, còn La Thông đứng bực mình, vì vua cấm không cho tâu nữa, nên chẳng biết làm sao. Trình Giảo Kim vâng lệnh lui ra, thay đổi y phục xong rồi lên ngựa dắt theo bốn tên gia tướng, nhắm Hạ Lam sơn thẳng tới. Phiên binh ngó thấy nói với nhau rằng: - Coi kìa! Ai đang cỡi ngựa tới mà coi bộ nửa văn nửa võ, hay là tướng Đường muốn vào phá doanh trại của mình chăng? Đứa khác nói: - Bộ mi điên sao chớ? Hễ ra đánh giặc thì binh mã đao thương chơm chởm, đi đứng rầm rầm rộ rộ, có lẽ nào năm tướng tay không đến phá dinh nổi gì? Chúng ta đừng sợ, hãy chận đường hỏi thử cho rõ kiết hung! Chúng Phiên quân bàn luận xong rồi kéo nhau ra chận đầu ngựa hỏi lớn rằng: - Tướng cỡi ngựa kia! Chẳng hay ngươi là ai? Đi đâu đó vậy? Hãy thông tên họ cho rành, không thôi ta bắn chết đa! Trình Giảo Kim dừng ngựa lại nạt rằng: - Phiên đầu chớ nên vô lễ, bây mau vào thông báo Lang vương bây rõ, nói có ông là Lỗ Quốc Công xin ra mắt. Quân Phiên lật đât chạy riết vào ngự dinh báo lại. Vua Khương Vương nghe báo cả kinh hỏi rằng: - Vậy chúng nó đi đông hay ít? Bây có coi cho kĩ lưỡng hay không? Quân tâu: - Chúng tôi chẳng thấy binh mã chi hết, chỉ thấy một thầy bốn tớ mà thôi. Khương Vương hỏi: - Chúng nó có nai nịt cầm binh khí gì không? Hay là bận áo rộng đội mão văn? Quân tâu: - Tướng đó đầu đội mão tú tài, chân đi dài, mình bận áo rộng màu đỏ, tay cầm quạt lông, ăn bận thì giống quan văn, ngặt mặt mày thì giống tướng võ. Lang vương hỏi tiếp: - Nó nói với chúng mày sao đó? Quân tâu: - Tướng ấy xưng là Lỗ quốc công, nói xin vào ra ắmt Lang vương! Vua Khương Vương nghe nói ra mắt thì trong lòng bớt sợ, mới hỏi Đồ thừa tướng rằng: - Đường binh thế mạnh tựa hổ, còn quân ta như bún thiu, ta có ý trông binh mã đến đây đặng đầu hàng luôn thể, sao nó lại làm nhu như vậy? Chắc cũng cò duyên cớ chi đây, xin thừa tướng chịu khó ra nghênh tiếp, song chớ nên khinh dễ. Đồ thừa tướng lãnh lệnh, xốc bâu sửa áo đàng hoàng, dẫn bốn đứa Phiên binh ra khỏi núi. Đây nhắc qua Giảo Kim đang dừng ngựa đứng chờ, xảy nghe quân Phiên kêu nói: - Bớ ông Lỗ quốc công nước Đường! Xin người giục ngựa lên núi, có ông tôi là thừa tướng vâng lệnh tiếp nghinh tại đây. Trình Giảo Kim nghe nói liền giục ngựa đến trước. Đồ thừa tướng nói: - Tôi không hay thiên tuế đêế nên trễ tiếp nghinh, xin ngài miễn chấp. Trình Giảo Kim lật đật bước xuống ngựa nói rằng: - Tôi có việc sở cầu nên mới đến đây, làm cho ngài phải nhọc công ra tiếp. Rồi đó hai người dắt tay đồng vào trại. Bốn đứa gia tướng thì hai đứa theo Giảo Kim còn hai đứa đứng ngoài giữ ngựa. Khi vào đến ngự dinh, Trình Giảo Kim bước tới tâu rằng: - Tôi là Lỗ quốc công Trình Giảo Kim ở bên thiên trào, chúc Lang chúa vạn vạn tuế. Vua Khương vương vội vàng bước xuống ngai đỡ Giảo Kim dậy, và mời ngồi nơi long ỷ. Trình Giảo Kim tâu: - Tôi vì có lênh vua sai, lã ra phải quỳ tâu mới phải, song nhờ Lang chúa hậu đãi, cho đứng thì cũng đã đủ rồi, chớ tôi đâu dám ngồi e khi thất lễ. Vua Khương vương nói: - Xin vương huynh tạm ngồi, chắc vương huynh đến đây cũng có điều chi dạy bảo? Vậy hãy phân hết lại tôi nghe. Trình Giảo Kim tâu rằng: - Tôi xin vâng lệnh Lang vương. Giảo Kim tâu dứt lời liền leo lên ngồi ngang với Đồ thừa tướng, vua Khương vương truyền lệnh cho quan đương giá đem trà rượu mời thiên sứ dùng giải khát. Lang vương ngồi một chập lâu mới nói với Giảo Kim rằng: - Bởi tôi nghe Tô Xa Luân, mà phạm đến thiên trào thánh chúa, hại hao binh tổn tướng chẳng biết bao nhiêu, chừng ăn năn việc đã lỡ rồi, nay thấy mặt vương huynh, thiệt hổ thẹn muôn phần. Trình Giảo Kim tâu rằng: - Lang chúa nói chi tiếng ấy, vì binh ròng tướng mạnh vây chúa tôi không nẻo mà ra nên phải ráng sức về Trường An mà viện binh cứu giá. Bởi tiểu tướng chủ còn thơ ấu nên phạm đến oai hùm, làm hao binh tổn tướng của Lang chúa rất nhiều, thiệt tôi cam chịu lỗi. Vua Khương vương nói: - Vương huynh chớ khiêm nhường thái quá, tôi cũng muốn dâng biểu đầu hàng, nhưng còn hồ nghi, vì sợ đại bang chẳng khứng, hôm nay vương huynh vâng chỉ đến đây, vậy có điều chi dạy bảo chăng? Trình Giảo Kim nói: - Tôi vâng chỉ đến đây là có ý sở cầu một việc. Nguyên thiên tử tôi có nuôi một vị càng điện hạ, tên gọi La Thông, nay kiêm lãnh chức tiểu nguyên soái, tuy vừa hai bảy xuân thu, nhưng vóc vai cao lớn cũng bằng hăm bốn hăm lăm, tài cao sắc lịch, văn võ song toàn., chưa có chỗ se tơ, vẫn còn đang lựa nơi kết tóc. Nay nghe Lang vương có một vị càng công chúa, sắc tợ Tây Thi, võ chẳng kém chi Thiền Ngọc, nên sai tôi đến làm mai, nếu Lang vương khứng lòng kết nghĩa sui gia Tần Tấn, thì hai nước ắt đặng giao hòa, song chưa rõ Lang vương định đoạt lẽ nào? Vua Khương vương nghe tâu mừng quýnh nói rằng: - Này vương huynh, nước man di bại quốc là nước Bắc Phiên, thì càng công nương như thể gà rừng bị gió, còn thiên tử là vua Đại Đường Trung Nguyên, càng điện hạ tợ phụng núi rõ ràng. Nay tôi e cho phụng lộn gà chẳng xinh, nhưng cũng bạo gan vâng chỉ thiên tử đưa công nương đến thành, đặng theo sửa tráp nâng khăn càng điện hạ. Trình Giảo Kim nghe nói mừng lắm mà rằng: - Nay Lang vương đành kết nghĩa Tấn Tần, xin cho canh thiếp đặng chọn ngày lành, rồi sẽ đem trọng lễ rước về. Vua Khương vương truyền đem văn phòng tứ bửu ra, Đồ Lư công chúa cầm đề rõ ràng tám chữ rồi giao cho Lỗ quốc công. Trình Giảo Kim tiếp lãnh danh thiếp, xơi một chén trà, mới từ tạ trở gót lui ra, Đồ thừa tướng theo đưa ra tới chân núi. Trình Giảo Kim nói: - Xin thừa tướng trở vào phủ an nghỉ, để tôi về thành sẽ tâu lại. Giảo Kim nói dứt lời liền nhảy thót lên ngựa, dẫn bốn tên gia tướng hồi dinh. Đường Thái Tôn đương ngự trong Mộc Dương thành, văn võ bá quan đứng hai bên chầu trực, xảy thấy Trình Giảo Kim vào điện quỳ xuống tâu rằng: - Tôi vâng lệnh bệ hạ qua núi Hạ Lam, nay trở về xin lạy ra mắt. Thái Tôn phán rằng: - Trình vương huynh hãy đứng dậy, chẳng hay Lang chúa có khứng cùng chăng? Trình Giảo Kim tâu rằng: - Tôi qua đó nói rành rẽ lắm, nên Phiên vương nghe rồi thì chịu liền, duy còn chờ bệ hạ chọn ngày lành, người sẽ đưa đến tức thời. Thái Tôn nghe đặng mấy lời Giảo Kim tâu thì mừng lắm nói rằng: - Vậy khâm thiên giám hãy chọn ngày giá thú cho mau. Khâm thiên giám xem rồi tâu rằng: - Rằm tháng tám là ngày lành, giờ tuất thì bửu quan nhất hiệp. Thái Tôn phán rằng: - Thôi Trình vương huynh phải chịu nhọc mà đi phen nữa, sang dâng sính lễ. Rồi đó thiên tử bãi chầu, bá quan văn võ ai lui về phòng nấy. Bóng quang âm thấm thoát, ngày tháng tợ thoi đưa, lật bật đã tới tiết Trung Thu là rằm tháng tám, Thái Tôn thăng điện truyền sắm sửa đuốc hoa cho sẵn, cùng dọn yến tiệc đâu đó sẵn sàng. Đây nhắc qua Phiên vương cũng vậy, Đồ thừa tướng dọn kiệu đưa dâu, khi đến cửa thành thì có Tần nguyên soái ở tại cửa nghênh tiếp, rước Đồ thừa tướng vào điện, quỳ xuống tâu rằng: - Tôi là thừa tướng Đồ Phong, kính chúc bệ hạ vạn vạn tuế. Thái Tôn phán rằng: - Đồ thừa tướng hãy đứng dậy. Thái Tôn phán rồi liền truyền lệnh cho quân sĩ dọn tiệc đãi đằng, dạy Uất Trì Cung ngồi uống rượu cùng Đồ thừa tướng, còn Lỗ quốc công, Tần nguyên soái thì sửa soạn cho La Thông. La Thông quỳ xuống tâu rằng: - Đồ Lư giết em tôi, thiệt thù ấy lờn bằng trời, lẽ nào kết nghĩa phu thê cùng nó cho đành, xin phụ vương thứ tội, chuyện ấy con chẳng dám vâng. Thái Tôn mặt có sắc giận quở rằng: - Lệnh trẫm đã phán, nay ngươi muốn nghịch chỉ hay sao? La Thông thấy Thái Tôn giận quở, nên không dám tâu nữa, cúi đầu nối gót theo sau Lỗ quốc công và Tần nguyên soái. Lúc bấy giờ cả thành đèn đuốc sáng lòa, tiếng đàn khảy giọng cao giọng thấp, nghe thật êm tai, kế Đồ Lư công chúa bước xuống kiệu, hai mươi Phiên nữ theo hầu, đi thẳng vào cung cúng mâm tơ hồng, lạy ông Nguyệt lão, rồi lạy ra mắt ông mai là Trình thiên tuế, lạy bác là Tần nguyên soái. Kế đó hai vợ chồng làm lễ với nhau, khi xong việc rồi Trình thiên tuế và Tần nguyên soái trở ra nhập tiệc, chuyện vãn với Đồ thừa tướng, hai bên chén tạc chén thù, ý hiệp tâm đầu thiệt vui hết sức. Nói qua La Thông khi trở về phòng huê chúc, thấy mặt Đồ Lư công chúa thù bắt nhớ tới thù em, nghĩ tới chừng nào càng giận thêm chừng ấy, ý La Thông muốn chém một đao chết phức cho rồi, mới bớt sự tức giận ôm ấp trong mình bấy lâu, nên vùng đứng dậy hét lớn lên rằng: - Bớ con khốn nạn kia! Em ta nhỏ dại thơ ngây, tuổi mới vừa lên chín, bị mi dùng phi đao bầm thây nát tan như tương, thiệt thù sâu tợ biển, oán chất tợ non, đáng lẽ phải bắt mi mổ bụng, đặng lấy tim gan tế em ta mới phải nghĩa, song ta cũng khá khen cho đó mặt dày mày dạn chẳng biết hổ ngươi, nếu mi trả em ta lại, thì ta mới khứng làm chồng, bằng không chớ trông kết nghĩa phu thê, vầy duyên Tần Tấn. Đồ Lư công chúa nghe nói hổ thẹn muôn phần, tức mình lắm nói lớn rằng: - La Thông! Thiệt ngươi đã quên ơn bạc nghĩa rồi, chẳng nhớ khi trước giữa trận thề nặng thế nào, nên ta mới thuận tình quăng phi đao xuống suối, mở cửa ải Huỳnh Long mà bỏ chạy, đã nhiều phen ra sức giúp người, chỉ mong nên cuộc nhân duyên, chẳng màng thảo ngay cha chúa. Không ngờ hôm nay người đành trở mặt, chẳng đoái đến chữ ân tình. La Thông nói: - Mi thiệt quê dốt lắm mới tin lời thề dối của ta, chớ ta phải nào loài cây cỏ mà không biết ân tình, ngươi cứu ta đã nhiều phen, thì lấy ơn đó chuộc tội kia, nên ta chẳng nở giết ngươi mà báo oán, đó là nghĩa trả ơn đền, nhưng có lẽ nào lấy đứa mê dâm, bất trung bất hiếu như mi mà làm vợ hay sao? Nay cha mi còn ở đó, vậy mi hãy ra về phức cho rồi, nếu còn lưu luyến trong cung, chọc ta nổi nóng ắt khó dung tính mạng. Đồ Lư công chúa giận lắm hỏi rằng: - Này La Thông! Ta bất hiếu bất trung là làm sao? Vậy ngươi hãy nói cho rành, dẫu thác ta cũng cam lòng, chẳng cần ngươi xua đuổi mất công. La Thông nói: - Mi vẫn là công chúa mà không đợi lệnh mẹ cha mà gả bán, dám chường mặt chai mày đá, một mình thề nguyện thệ hải cùng trai, làm cho xấu hổ tông môn, tội ấy là tội bất hiếu. Còn mi ăn lộc vua mà trở lòng bạc nghĩa, chẳng nhớ ngọn rau tấc đất nhà vua, mở cửa ải cho kẻ giặc vào, rồi nội công ngoại kích, hại tôi lương đống trung thần, lại thêm giết binh chém tướng, lại kêu giặc đến nạp dinh phá trại, làm cho vua phải nước mất nhà tan, ấy là tội bất trung đó. Người mà chẳng thảo ngay thì có khác chi cầm thú. Đồ Lư nghe La Thông kể những tội lỗi của mình, thì tức mình lắm, bứt tóc nghiến răng, giọt thu ba chảy hai má ướt dầm, biết lỗi tại lúc ban sơ, cũng vì thương lầm người bạc nghĩa bạc tình, bèn hỏi rằng: - Nếu lòng người không khứng dụng, thì hãy nói phức đi đặng ta xử phận ta… La Thông nghe Đồ Lư hỏi thì nực cười nói: - Con gái nước ta dung mạo như mi cũng nhiều, tài tình cũng lắm, song còn thiếu có một chuyện nội công ngoại kích, hại cho vua tannhà mất nước như vậy mà thôi. Đồ Lư công chúa nghe nói thì nghĩ thầm rằng: - Trời ơi! Ta đâu có nhè hôm nay ngươi lại trở lòng, lại đem lời biếm nhẻ, thiệt tức chết ta thôi, còn mặt mũi nào mà ngó người cho đặng, chi bằng liều thác phức cho rồi. Đồ Lư công chúa nghĩ xong bèn cất tiếng kêu lớn rằng: - La Thông ơi! Hôm nay ta chết nơi đây cũng tại ngươi, vì ta quá tin lòng người nên ơn trở thành oán, ta quyết xuống chốn tuyền đài, theo đòi mạng ngươi cho đặng mới nghe! Đồ Lư công chúa nói dứt lời, bèn rút gươm chặt đầu mình rơi xuống đất.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang