[Dịch] Kiếm Lai - Tàng Thư Viện
Chương 5 : Vạch trần
Người đăng: fishscreen
Ngày đăng: 14:44 18-03-2021
.
Tống Tập Tân dẫn theo tỳ nữ Trĩ Khuê đến dưới cây hòe già, phát hiện dưới bóng cây đã đầy ắp người. Gần năm mươi người ngồi trên ghế dài từ nhà mình mang tới, còn có trẻ con dắt tay trưởng bối lục tục kéo tới xem náo nhiệt.
Tống Tập Tân và cô đứng sánh vai ven rìa bóng cây, trông thấy một ông lão đứng ở dưới cây, một tay cầm chén trắng lớn, một tay để sau người, vẻ mặt hăng hái lớn tiếng nói:
- Vừa rồi đã nói đại khái về hướng đi của long mạch, bây giờ ta lại nói một chút về chân long này. Chậc chậc, chuyện này đúng là ghê gớm. Khoảng ba ngàn năm trước trên đời xuất hiện một vị thần tiên tài giỏi, ban đầu chuyên tâm tu hành trong một động tiên, sau khi chứng được đại đạo thì một mình cầm kiếm ngao du thiên hạ, trong tay cầm ba thước khí khái bộc lộ tài năng.
- Chẳng biết tại sao người này cứ muốn đối phó với giao long, suốt ba trăm năm hễ thấy giao long là lại xử trảm, giết đến khi thế gian không còn chân long mới thôi, cuối cùng không biết tung tích. Có người nói y đã đi đến nơi đạo pháp đỉnh cao, ngồi luận đạo với Đạo Tổ; cũng có người nói là đi Phật quốc Tây Phương cực lạc ở rất xa, tranh luận phật pháp với Phật Đà; còn có người nói y đã tự mình trấn giữ cửa lớn của Phong Đô địa phủ, ngăn ngừa quỷ quái làm hại nhân gian...
Lão tiên sinh nói đến nước bọt văng tứ tung, nhưng tất cả dân chúng trấn nhỏ bên dưới đều làm thinh, vẻ mặt ai nấy cũng ngơ ngác.
Tỳ nữ hiếu kỳ thấp giọng hỏi:
- Ba thước khí khái là cái gì?
Tống Tập Tân cười đáp:
- Chính là kiếm.
Tỳ nữ bực bội nói:
- Công tử, lão nhân gia này đúng là quá thích khoe khoang học vấn rồi, kể chuyện cũng không chịu nói rõ ràng.
Tống Tập Tân liếc nhìn ông lão, giống như cười trên nỗi đau của người khác nói:
- Trấn nhỏ của chúng ta không có mấy người biết chữ, vị tiên sinh kể chuyện này xem như là liếc mắt đưa tình với người mù rồi.
Tỳ nữ lại hỏi:
- Động tiên lại là cái gì? Trên đời thật sự có người sống đến ba trăm tuổi à? Còn có Phong Đô địa phủ kia, không phải là nơi người chết mới tới được sao?
Tống Tập Tân bị hỏi khó, lại không muốn lòi cái dốt nên thuận miệng nói:
- Đều là nói hưu nói vượn, có lẽ đọc được mấy quyển sách tạp lục vớ vẩn nên mang ra lừa gạt thôn phu quê mùa.
Tại khoảnh khắc này, Tống Tập Tân nhạy bén phát hiện ông lão kia không biết vô tình hay cố ý nhìn mình một cái. Mặc dù chỉ là ánh mắt lướt qua nhanh như chuồn chuồn chạm nước, nhưng Tống Tập Tân vẫn cẩn thận nắm bắt được. Có điều thiếu niên cũng không để bụng, chỉ cho là trùng hợp mà thôi.
Tỳ nữ ngẩng đầu nhìn về phía cây hòe già, tia sáng vụn vặt xuyên qua khe hở của lá cây chiếu xuống, khiến cô bất giác nheo mắt lại.
Tống Tập Tân quay đầu nhìn, đột nhiên ngẩn người ra.
Hôm nay tỳ nữ này của mình có một bên mặt vừa bắt đầu rút đi vẻ phúng phính của trẻ con, cô giống như khác biệt rất lớn với nha hoàn nhỏ gầy tong gầy teo trong trí nhớ.
Dựa theo tập tục của trấn nhỏ, khi con gái lấy chồng sẽ mời một bà thợ phúc khí đầy đủ cha mẹ con cái đều khoẻ mạnh, nhờ bà ta lột lông măng trên mặt tân nương, cắt tóc trước trán và tóc mai chỉnh tề, gọi là mở mặt hoặc lên mày.
Tống Tập Tân còn đọc được trong sách một tập tục mà trấn nhỏ không có, cho nên vào năm Trĩ Khuê mười hai tuổi hắn đã mua rượu mới ủ ngon nhất trấn nhỏ, lấy chiếc bình sứ lén trộm được ra, màu sứ cực đẹp giống như quả mơ, đổ rượu vào trong bình, sau đó cẩn thận dùng bùn đậy kín rồi chôn xuống đất.
Tống Tập Tân đột nhiên nói:
- Trĩ Khuê, dựa theo cách nói của lão tổ tông người đọc sách chúng ta, tuy rằng cái tên họ Trần kia thuộc loại “gỗ mục không thể điêu khắc, bức tường rác rưởi không thể tô trét”, nhưng dù thế nào thì đời này hắn đã làm một chuyện có ý nghĩa.
Tỳ nữ không trả lời, lông mày hạ thấp, có thể loáng thoáng nhìn thấy lông mi hơi run rẩy.
Tống Tập Tân tiếp tục nói ra suy nghĩ của mình:
- Trần Bình An à, con người không xấu nhưng tính tình quá cứng nhắc, làm chuyện gì cũng không biết linh hoạt, cho nên khi làm thợ lò dù hắn có cần cù khổ luyện đến mấy cũng không làm ra được một món đồ tốt nào. Do đó sư phụ của Lưu Tiện Dương là lão Diêu kia luôn nhìn Trần Bình An không thuận mắt, cũng xem như ông ta có ánh mắt đặc biệt, đây gọi là gỗ mục không thể điêu khắc.
- Còn như bức tường rác rưởi không thể tô trét, ý tứ đại khái là tên quỷ nghèo kiết xác như Trần Bình An, cho dù có mặc long bào cho hắn thì vẫn là một kẻ chân đất quê mùa...
Lúc Tống Tập Tân nói đến đây lại tự giễu:
- Thực ra ta còn thảm hơn Trần Bình An.
Cô không biết phải an ủi công tử của mình như thế nào.
Trong trấn nhỏ này, Tống Tập Tân và tỳ nữ của hắn vẫn luôn là chủ đề bàn tán lúc trà dư tửu hậu của đám người giàu có ở đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp, chuyện này phải quy công cho người “cha hờ” kia của Tống Tập Tân là Tống đại nhân.
Trấn nhỏ không có nhân vật lớn nào, cũng không có sóng gió gì, cho nên quan giám sát làm gốm được triều đình phái đến đây chắc chắn là loại thanh thiên đại lão gia trong các vở tuồng.
Trong mấy chục vị quan giám sát từ xưa đến giờ, quan tiền nhiệm Tống đại nhân là người được lòng dân nhất. Tống đại nhân không giống như những quan lão gia trước đó ngồi tít trên cao, ông chẳng những không trốn trong dinh quan tu thân dưỡng khí, cũng không đóng cửa từ chối tiếp khách, một lòng nghiên cứu học vấn ở thư phòng, mà là tự tay làm tất cả công việc ở lò gốm, quả thật còn giống dân chúng thôn quê hơn cả thợ gốm.
Trong hơn mười năm, vị Tống đại nhân vốn đầy vẻ trí thức này đã phơi nắng đến mức nước da đen kịt sáng bóng, trang phục ngày thường không khác gì một anh nông dân, đối nhân xử thế chưa từng lên mặt.
Chỉ tiếc đồ gốm triều đình do trấn nhỏ chế tạo dù là màu men, độ hoàn hảo sau khi cất giữ, hay là hình dạng và cấu tạo của đồ lớn vật nhỏ đều không hoàn toàn được như ý. Nói chuẩn xác là trình độ còn kém hơn trước đây một bậc, khiến cho đám người lão Diêu không thể lý giải được.
Cuối cùng có lẽ triều đình bên kia thấy Tống đại nhân cần cù tận tụy, không có công lao thì cũng có khổ lao, cho nên trong sắc lệnh công văn của Lại bộ điều ông ta về kinh thành cũng ghi đánh giá tốt.
Trước khi Tống đại nhân về kinh đã tiêu hết ngàn vàng, bỏ vốn xây dựng một một cây cầu mái che. Sau đó phát hiện trong đoàn xe Tống đại nhân rời đi không mang theo một đứa trẻ, mấy thế gia vọng tộc trong trấn nhỏ mới chợt hiểu. Có thể nói Tống đại nhân đã tích góp một phần tình hương hỏa không ít cho trấn nhỏ, cộng thêm quan giám sát đương nhiệm tận lực chiếu cố, những năm qua thiếu niên Tống Tập Tân sống ở trấn nhỏ không lo cơm áo, tiêu dao tự tại.
Hôm nay nha hoàn kia đã đổi tên thành Trĩ Khuê, về thân thế lai lịch của cô có rất nhiều cách nói. Người bản xứ ở ngõ Nê Bình nói rằng vào một mùa đông tuyết lớn như lông ngỗng, có một cô gái xứ khác ăn xin dọc đường đến nơi này, bất tỉnh trước cửa nhà Tống Tập Tân, nếu không phải có người phát hiện sớm thì đã đi gặp Diêm Vương chuyển thế đầu thai rồi.
Cụ già làm việc vặt bên phía dinh quan thì lại có cách nói khác, thề thốt rằng năm xưa Tống đại nhân đã bảo người ta mua cô nhi từ nơi khác, tìm cho đứa con riêng Tống Tập Tân một người thân thiết biết nhân tình ấm lạnh, nhằm bù đắp một ít thiệt thòi khi cha con không thể nhận nhau.
Dù sao đi nữa sau khi tỳ nữ được thiếu niên đặt tên là Trĩ Khuê, xem như đã hoàn toàn chứng thực quan hệ cha con của hai người. Bởi vì danh gia vọng tộc trong trấn nhỏ đều biết, Tống đại nhân rất chung tình với một nghiên mực, đã khắc lên đó hai chữ “Trĩ Khuê”.
Tống Tập Tân lấy lại tinh thần, vẻ mặt tươi cười sáng lạn:
- Chẳng biết tại sao, nhớ tới con rắn mối mặt dày mày dạn kia, Trĩ Khuê cô nghĩ xem, ta đã ném nó vào sân của Trần Bình An, nó vẫn muốn chui vào nhà chúng ta. Cô nói xem cái ổ chó của Trần Bình An khó coi đến mức nào, khiến cho một con rắn mối nhỏ cũng không muốn vào?
Tỳ nữ nghiêm túc ngẫm nghĩ, trả lời:
- Có một số việc phải xét đến duyên phận đúng không?
Tống Tập Tân giơ ngón cái lên, vui vẻ nói:
- Chính là đạo lý này! Trần Bình An hắn là một kẻ duyên cạn phúc mỏng, có thể sống sót là đã hài lòng rồi.
Cô không nói gì.
Tống Tập Tân lẩm bẩm nói:
- Sau khi chúng ta rời khỏi trấn nhỏ, đồ đạc trong nhà giao cho Trần Bình An trông coi, tên này có thể biển thủ hay không?
Tỳ nữ nhẹ giọng nói:
- Công tử, không đến nỗi như vậy chứ?
Tống Tập Tân cười nói:
- Ấy, Trĩ Khuê, biết cả ý nghĩa của biển thủ à?
Tỳ nữ chớp chớp cặp mắt như nước mùa thu:
- Chẳng lẽ không phải ý nghĩa trên mặt chữ sao?
Tống Tập Tân cười nhìn về phía nam, lộ ra vẻ mong chờ:
- Ta nghe nói kinh thành cất giữ sách còn nhiều hơn hoa cỏ cây cối ở trấn nhỏ chúng ta!
Ngay lúc này tiên sinh kể chuyện đang nói:
- Trên đời tuy đã không còn chân long, nhưng những loài thuộc họ rồng như giao, cầu, ly... vẫn thật sự sống ở thế gian, nói không chừng đang...
Ông lão cố ý tạo một gút thắt, thấy người nghe đều làm thinh không biết cổ vũ, đành phải nói tiếp:
- Nói không chừng đang ẩn náu bên cạnh chúng ta, thần tiên đạo giáo gọi đó là rồng ẩn dưới vực sâu!
Tống Tập Tân ngáp một cái.
Trên đầu đột nhiên có một chiếc lá hòe rơi xuống, xanh biếc ẩm ướt, vừa khéo rơi vào trên trán thiếu niên.
Tống Tập Tân đưa tay bắt lấy lá cây, hai ngón tay se se cuống lá.
---------
Thiếu niên đang suy nghĩ hay là đi cửa đông thành đòi nợ một lần, khi gần tới cây hòe già cũng nhìn thấy trước mắt có lá hòe rơi xuống, hắn liền bước tới nhanh hơn muốn đưa tay đón lấy.
Nhưng một cơn gió mát thổi qua, lá cây đã lướt khỏi tay hắn.
Thiếu niên giày cỏ thân hình khoẻ mạnh, nhanh chóng lướt ngang một bước, muốn chặn chiếc lá cây này lại.
Nhưng lá cây lại đánh một vòng giữa không trung.
Thiếu niên không tin tà ma, xoay chuyển xê dịch mấy lần, cuối cùng vẫn không thể bắt được lá hòe.
Thiếu niên Trần Bình An bất lực.
Một thiếu niên áo xanh vừa rời khỏi trường làng đi sát qua vai Trần Bình An.
Chính thiếu niên áo xanh cũng không biết, một chiếc lá hòe đã rơi trên đầu vai từ lúc nào.
Trần Bình An tiếp tục đi về phía cửa đông thành, cho dù không đòi được tiền thì hối thúc một chút cũng được.
---------
Tại gian hàng coi bói phía xa, đạo nhân trẻ tuổi nhắm mắt nghỉ ngơi, lẩm bẩm nói:
- Là ai bảo vận trời tuần hoàn không nặng nhẹ?
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện