[Dịch]Tiếu Ngạo Giang Hồ - Sưu tầm
Chương 66 : Lục Tiên Xé Xác Thành Bất Ưu
.
Nhạc phu nhân tính khí hãy còn cương cường nóng nảy hơn chồng nhiều. Bà thấy Thành Bất Ưu lấn át uy hiếp không thể nhịn được nữa liền rút thanh trường kiếm đánh soạt một cái.
Bà chưa kịp lên tiếng thì Lệnh Hồ Xung đã cướp lời:
- Bẩm sư nương! Phe "kiếm tông" đã luyện công đi vào đường rẽ thì tỷ đấu với võ học chính tông của bản môn thế nào được? Sư nương hãy để cho đệ tử đấu với Thành sư bá. Nếu khí công của đệ tử chưa luyện được đến nơi khi đó sư nương sẽ phát lạc sư bá cũng chưa muộn.
Hắn chẳng chờ Nhạc phu nhân có ưng thuận hay không đã vọt người ea đứng chắn trước mặt bà.
Tiện tay hắn vớ cái chổi cùn dựa ở bên tường. Hắn vung chổi cùn lên nhìn Thành Bất Ưu nói:
- Thành sư phó! Sư phó đã không phải là người trong sư môn nữa mà tại hạ cứ xưng hô sư thúc, sư bá gì gì hoài thật là miễn cưỡng. Bây giờ nếu sư phó ra khỏi đường mê muội trở về qui đầu bản môn, biết đâu chẳng được sư phụ tại hạ ưng thuận thu nạp. Trường hợp được tệ sư phụ thu nạp, sư phó phải tuân theo qui củ bản môn là ai vào cửa trước làm anh. Vậy lão hãy kêu ta một tiếng "sư huynh" đi! nào xin mời!
Hắn vừa nói vừa xoay ngược cán chổi trỏ vào Thành Bất Ưu.
Thành Bất Ưu nổi giận quát mắng:
- Thằng lỏi thối tha kia! Sao dám ăn nói càn dỡ? Mi mà chống đỡ được bốn nhát kiếm vừa rồi thì Thành Bất Ưu nầy sẽ bái mi làm thầy.
Lệnh Hồ Xung lắc đầu đáp:
- Ta không thu nạp lão làm đồ đệ đâu...
Hắn chưa dứt lời thì Thành Bất Ưu đã thét lên:
- Rút kiếm ra mà hứng lấy cái chết .
Lệnh Hồ Xung đáp:
- Lúc chân khí đã nổi lên thì cây cỏ cũng thành lợi kiếm. Hà tất phải dùng kiếm mới đối phó được với mấy chiêu mèo què của Thành huynh?
Thành Bất Ưu cười gằn nói:
- Giỏi lắm! Mi đã ngông cuồng tự đại thì đừng oán ta ra tay tàn nhẫn!
Nhạc Bất Quần cùng Nhạc phu nhân vốn biết võ công Thành Bất Ưu cao thâm hơn Lệnh Hồ Xung rất nhiều. Chiếc chổi cùn phỏng có ích gì , khác nào tay không chống với kiếm báu, nguy hiểm vô cùng.
Lão vội quát lên:
- Xung nhi! Hãy lùi ra ngay!
Nhưng ánh bạch quang lấp loáng. Thành Bất Ưu đã phóng kiếm đâm tới Lệnh Hồ Xung.
Quả nhiên lão sử chiêu thứ nhất mà vừa rồi lão đã phóng ra đâm Nhạc Bất Quần. Sở dĩ lão không biến đổi chiêu thức một là mấy chiêu này đều là tuyệt chiêu lão sử dụng rất tinh thục, hai là lão đã nói trước như vậy, ba là lão sử chiêu cũ cho đối phương có đường chuẩn bị, để mọi người biết hai bên cùng có lợi, chứ không phải là mình lão chiếm lấy tiện nghi vì trong tay cầm binh khí.
Lệnh Hồ Xung ngỏ lời khiêu chiến với Thành Bất Ưu, hắn đã nghĩ tới cách chiết chiêu theo đồ hình khắc trên vách đá trong hậu động. Trong đó người ta toàn dùng những binh khí kỳ lạ để phá kiếm. Nếu hắn sử kiếm mà môn "Ðộc cô cửu kiếm" lại chưa luyện thành thì không nắm chắc được phần thắng. Hắn liền sử dụng cây chổi cùn nầy giả làm "lôi đình đáng" để chống chọi.
Hắn vừa thấy Thành Bất Ưu phóng kiếm đâm tới, liền đưa chổi cùn quét vào mặt lão.
Lệnh Hồ Xung chơi kiểu này thật là nguy hiểm!
Nên biết rằng nếu là cây "lôi đình đáng" đúc bằng thép nguyên chất mà quét trúng mặt thì đối phương chẳng chết cũng bị trọng thương nhưng cái chổi xể thì có uy lực gì mà kiềm chế được đối phương?
Mặt khác nội lực hắn hãy còn tầm thường. Những câu hắn nói một khi chân lực phát huy thì cỏ cây cũng thành lợi kiếm gì gì chẳng qua là buột miệng ba hoa. Cái chổi xể có quét trúng mặt Thành Bất Ưu chăng nữa thì giỏi lắm chỉ gây nên mấy đường sứt da, chảy máu là cùng, phỏng có chi đáng ngại? Còn mũi kiếm của Thành Bất Ưu có thể xuyên qua ngực hắn. Có điều hắn chắc đối thủ là bậc tiền bối nổi danh, quyết không chịu để cái chổi xể quét phân gà và đất cát chạm vào mặt lão. Dù cho lão có đâm chết được cũng khó lòng rửa sạch cái nhục để chổi cùn quét vào mặt.
Quả nhiên mọi người vừa bật tiếng la hoảng. Thành Bất Ưu quay mặt đi né tránh đồng thời xoay kiếm chặt cây chổi.
Lệnh Hồ Xung hất chổi lên để tránh lưỡi kiếm.
Thế là Thành Bất Ưu bị đối phương mới ra một chiêu đã bức bách lão phải quay về tự cứu. Bất giác mặt lão nóng bừng. Lão biết đâu Lệnh Hồ Xung cầm chổi quét coi hời hợt như không thực ra đó là một chiêu mà mười mấy vị trưởng lão Ma giáo đã mất rất nhiều thời giờ cùng tâm huyết mới sáng chế được.
Thành Bất Ưu lại tưởng Lệnh Hồ Xung múa chổi bừa bãi may mà phá giải được chiêu kiếm của mình nên tức giận vô cùng lão lại phóng chiêu thứ hai đâm tới. Lần này lão không theo thứ tự. Ðây là chiêu thứ tư mà vừa rồi lão đã thi triển để đâm vào nách Nhạc Bất Quần.
Lệnh Hồ Xung né mình đi đưa chổi sang tay trái tựa hồ để tránh chiêu kiếm của Thành Bất Ưu.
Nhưng cây chổi cùn lại phóng nhanh như chớp tới trước ngực lão.
Chổi dài kiếm ngắn, chổi phát ra sau mà đến trước.
Thanh trường kiếm của Thành Bất Ưu chưa kịp xoay chuyển thì mấy nan chổi bằng tre đã đâm tới trước ngực lão.
Lệnh Hồ Xung la lên:
- Trúng rồi!
Véo một tiếng! Thanh trường kiếm đã hớt đứt đầu chổi rớt xuống.
Những tay cao thủ bàng quan ai cũng nhìn rõ Thành Bất Ưu bị thua chiêu này rồi. Giả tỷ Lệnh Hồ Xung sử cây "lôi đình đáng" bằng thép đúc hoặc cây "nguyệt nha san" hay bất cứ một loại khí giới nào có răng sắc chứ không phải cây chổi tre thì Thành Bất Ưu đã bị trọng thương trước ngực rồi.
Mặt khác nếu đối thủ là tay cao thủ hạng nhất thì lão đành buông kiếm chịu thua chứ không tiếp tục đánh nữa. Nhưng Lệnh Hồ Xung chỉ vào hàng đệ tử mà lão bị bại dưới cây chổi của hắn thì còn đâu là thể diện?
Thành Bất Ưu không nghĩ ngợi gì nữa đâm veo veo luôn ba kiếm và toàn những tuyệt chiêu của phái Hoa Sơn.
Trong ba chiêu nầy thì hai chiêu đã khắc trên vách đá hậu động. Chỉ có một chiêu Lệnh Hồ Xung chưa thấy qua, nhưng từ khi hắn đã học "phá kiếm thức" trong "Ðộc cô cửu kiếm" thì bất cứ đối với cách phá kiếm nào, hắn đều có thể tự mình xoay xở được.
Lệnh Hồ Xung né tránh xong một chiêu của đối phương, liền thi triển cách dùng côn bổng để giải phá kiếm pháp như đã khắc trên vách đá. Hắn dùng cán chổi làm côn bổng gạt thanh trường kiếm của Thành Bất Ưu sang bên. Tiếp theo hắn giơ côn lên đâm thẳng vào mũi kiếm.
Giả tỷ trong tay hắn cầm cây côn sắt thì côn cứng mà kiếm mềm. Khi kình lực hai bên đụng nhau, lập tức thanh trường kiếm phải gãy rời. Ðây là một chiêu phá giải tuyệt diệu khiến cho người sử kiếm không còn đường giải cứu. Chẳng ngờ trong lúc nguy cấp, hắn sử đây lại là một cây gậy trúc. Gậy trúc mà gặp lưỡi kiếm bén thì đúng là thế như chẻ tre.
Roạc một tiếng khẽ vang lên. Thanh trường kiếm đã đâm tọt vào trong cán chổi ngập đến tận chuôi.
Lệnh Hồ Xung xoay chuyển ý nghĩ rất mau. Tay mặt hắn thuận thế phóng ra một chưởng đánh tạt ngang vào cán chổi. Lưỡi trường kiếm giắt trong chổi cũng bị văng đi theo.
Thành Bất Ưu vừa hổ thẹn vừa tức giận xoay chưởng đập đánh chát một tiếng trúng vào trước ngực Lệnh Hồ Xung.
Lão đã tu luyện mấy chục năm trời mà Lệnh Hồ Xung bất quá mới học hết mấy chiêu biến hóa.
Còn về nội lực thì đối chọi với lão làm sao được? Người hắn ngã ngửa về phía sau, miệng phun máu tươi như suối.
Bất thình lình bóng người chuyển động. Hai tay hai chân Thành Bất Ưu bị người nhấc lên.
Bỗng nghe một tiếng rú rùng rợn! Máu tươi lênh láng đầy mặt đất, ruột gan tung tóe coi mà phát khiếp. Thân người Thành Bất Ưu bị xé thành bốn mảnh. Bốn quái nhân tướng mạo cực kỳ xấu xa, mỗi người cầm một tay hay một chân của Thành Bất Ưu.
Những quái nhân chính là Ðào cốc tứ tiên đã xé xác Thành Bất Ưu.
Biến diễn chớp nhoáng này khiến mọi người đều khủng khiếp đứng thộn mặt ra.
Nhạc Linh San coi thảm trạng máu thịt bầy nhầy. Mắt mũi tối sầm lại rồi ngất đi.
Biến cố xảy ra đột ngột quá chừng khiến cho bọn Nhạc Bất Quần, Phong Bất Bình đều là những tay đại cao thủ thấy nhiều hiểu rộng cũng không khỏi rùng rợn sửng sốt.
Trong khi Ðào cốc tứ tiên xé xác Thành Bất Ưu thì đồng thời quái nhân mặt xám tức Ðào Căn Tiên và quái nhân mặt ngựa tức Ðào Thực Tiên chạy đến bên Lệnh Hồ Xung, cắp hắn lên, chạy xuống núi một cách mau lẹ dị thường.
Nhạc Bất Quần và Phong Bất Bình đều phóng kiếm nhằm đâm vào sau lưng Ðào Hoa Tiên và Ðào Diệp Tiên.
Bỗng nghe hai tiếng "kịch, kịch". Hai thanh kiếm tựa hồ đâm vào gang thép. Tiếp theo là hai tiếng lách
cách. Cả hai thanh kiếm liền gãy ngay khúc giữa.
Ðào cốc tứ tiên thi triển khinh công chạy như bay không ngoảnh cổ lại.
Nhạc Bất Quần và Phong Bất Bình lúc gãy trường kiếm đều cảm thấy cánh tay rung động và tưởng chừng thân thể đối phương không phải bằng xương bằng thịt thì trong lòng cực kỳ kinh hãi. Nhưng hai người tỉnh ngộ ngay, cho là hai quái nhân trong mình có mặc thép giáp hoặc đeo thiết bản hộ thân, nếu không thì chẳng tài nào chống nổi với hai nhát kiếm của hai tay đại cao thủ.
Một tay hảo thủ khác phe kiếm tông phái Hoa Sơn là Cao Bất Hoặc phóng ra một mũi thủ tiến, và lão già râu xanh phái Tung Sơn Thang Anh Ngạc liệng ra một mũi phi trùy. Hai thứ ám khí này lao đi rất nhanh.
Bỗng nghe hai tiếng lát chát. Ðào cốc nhị tiên tuy bị trúng vào sau lưng mà chẳng tổn thương chút nào.
Chỉ trong chớp mắt, sáu quái nhân cùng Lệnh Hồ Xung đều mất hút.
Bọn Thang Anh Ngạc, Nhạc Bất Quần, Phong Bất Bình, Cao Bất Hoặc ngơ ngác nhìn nhau vì thấy Ðào cốc lục tiên khinh công mau lẹ vô cùng, dù có rượt theo cũng không kịp được.
Mọi người nhìn máu tươi lênh láng trên mặt đất và thân thể Thành Bất Ưu bị xé làm bốn mảnh thì vừa khiếp sợ vừa hổ thẹn. Hồi lâu Thang Anh Ngạc mới lên tiếng:
- Nhạc huynh! Nhạc huynh cũng không biết lai lịch sáu lão quái này ư?
Nhạc Bất Quần lắc đầu, đưa mắt để hồi lại thì Thang Anh Ngạc và Phong Bất Bình đều lắc đầu.
Nhắc lại Lệnh Hồ Xung bị Thành Bất Ưu đánh cho một chưởng thành trọng thương rồi được Ðào cốc nhị tiên cắp đem đi.
Lúc xuống đến lưng chừng sườn núi hắn đã ngất đi.
Sau hắn tỉnh lại thì thấy một bộ mặt đỏ và một bộ mặt ngựa đang chăm chú nhìn mình. Cả hai cùng lộ vẻ cực kỳ tha thiết.
Ðào Hoa Tiên thấy Lệnh Hồ Xung mở bừng mắt thì cả mừng nói:
- Gã tỉnh lại rồi! Tỉnh lại rồi! thằng nhỏ này chết thế nào được.
Ðào Thực Tiên nói:
- Dĩ nhiên là gã không chết được. Mới bị người ta đánh cho có một phát chưởng nhè nhẹ thì khi nào đã mất mạng.
Ðào Hoa Tiên nói:
-Ngươi nói coi bộ tầm thường quá. Phát chưởng đó mà đánh trúng ngươi thi dĩ nhiên ngươi không chết, nhưng đánh vào gã tiểu bối nầy thì gã chết thật không chừng.
Ðào Thực Tiên nói:
- Rõ ràng gã còn sống đó mà sao ngươi cứ nói là đánh chết gã?
Ðào Hoa Tiên cãi:
- Ta có nhất định bảo gã chết đâu mà chỉ nói gã có thể chết được.
Ðào Thực Tiên nói:
- Gã đã sống lại thì không thể nói là có thể chết được.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Cái gì đáng nói ta đã nói rồi, ngươi còn muốn gì nữa?
Ðào Thực Tiên nói:
- Ta chỉ chứng minh là mắt ngươi nhìn không thật, có thể nói là ngươi chẳng nhìn thấy gì hết.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Mắt ngươi tinh biết gã quyết không chết mà sao vừa rồi ngươi lại thở dài mặt buồn rười rượi?
Ðào Thực Tiên nói:
- Một là ta thở dài không phải do ta lo gã chết mà ta băn khoăn về nỗi tiểu cô nương thấy gã ở trong tình trạng này tất cô lo lắng cho gã. Hai là từ thủa nhỏ ta sinh ra với bộ mặt ngựa. Mặt ngựa là cái mặt dài thườn thượt. Mặt dài thì không muốn cười đùa chớt nhả.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Ngươi đã biết nhất định gã không chết thì rồi ta bảo cho tiểu cô nương hay để cô khỏi lo. Tiểu cô nương không lo thì ngươi còn lo cái gì?
Ðào Thực Tiên đáp:
- Một là vì tuy ta bảo tiểu cô nương đừng lo, nhưng vị tất cô đã chịu nghe lời ta. Dù cô có nghe lời ta làm bộ thản nhiên mà thực ra cô vẫn băn khoăn trong dạ, như thế thì ta không lo sao được? Hai là thằng nhỏ này tuy không chết nhưng bị thương rất nặng, e rằng khó lòng khỏi được, nên tự nhiên ta chẳng yên tâm.
Lệnh Hồ Xung nghe hai anh em quái nhân cãi nhau hoài, tuy có vẻ buồn cười, nhưng hiển nhiên hai người rất quan tâm đến sự sống chết của hắn, nên lòng hắn không khỏi cảm kích. Hắn lại nghe cả hai lão nhắc đi nhắc lại tiểu cô nương lo lắng vì mình. Hắn đoán chắc vị tiểu cô nương đó là Nghi Lâm tiểu sư muội ở phái Hằng Sơn.
Lệnh Hồ Xung liền tủm tỉm cười nói:
- Hai vị cứ yên tâm. Lệnh Hồ Xung nầy không chết đâu.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Ngươi nghe đó. Gã bảo không chết đó, thế mà ngươi vừa nói có khi gã chết được.
Ðào Thực Tiên nói:
- Lúc ta nói câu đó thì gã chưa mở miệng nói được.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Gã đã mở mắt tráo trưng thì dĩ nhiên gã có thể mở miệng nói được. Còn ai không biết thế?
Lệnh Hồ Xung tự nghĩ: Nếu hai người còn tranh biện hoài thì chẳng biết bao giờ mới chấm dứt.
Hắn liền nói:
- Chính ra thì tại hạ muốn chết lắm, nhưng thấy hai vị mong mỏi cho tại hạ đừng chết. Tại hạ nghĩ rằng Ðào cốc lục tiên oai danh lừng lẫy đã muốn mình sống thì còn chết thế nào được?
Ðào Hoa Tiên và Ðào Thực Tiên nghe Lệnh Hồ Xung nói vậy thì sướng như mở cờ trong bụng liền bảo nhau:
- Chúng ta đi nói cho các đại ca hay.
Hai người chạy đi một lúc bọn Ðào Căn Tiên bốn người đều tiến vào phòng. Cả sáu người thi nhau nói mỗi người một câu không bao giờ hết. Người thi khoe công lao mình, người thì khen Lệnh Hồ Xung không chết là hay. Có người lại lo cho thương thế Lệnh Hồ Xung. Việc cứu trị khẩn cấp hơn, không rảnh để đi rửa hận với lão chó má phái Tung Sơn được. Nếu không thì họ phải đi xé xác kẻ thù ra bốn mảnh mới hả giận.
Lệnh Hồ Xung bị phát chưởng của Thành Bất Ưu, thương thế thiệt không phải tầm thường. Hắn cao hứng gắng gượng phấn khởi tinh thần cười nói với Ðào cốc lục tiên mấy câu nhưng rồi lại ngất đi.
Những lúc mơ màng, hắn cảm thấy trong ngực nhộn nhạo, khí huyết toàn thân chạy ngược đường, nỗi khó chịu không sao nói xiết được.
Hồi lâu thần trí tĩnh lại, hắn cảm thấy trong người nóng như một lò lửa thiêu. Hắn không nhịn được cất tiếng rên la.
Bỗng nghe có tiếng quát:
- Ðừng lên tiếng!
Lệnh Hồ Xung mở bừng mắt ra thì thấy trên bàn có đặt một ngọn đèn lửa đỏ như hạt đậu. Còn hắn thân thể lõa lồ nằm dài dưới đất. Hai chân hai tay bị Ðào cốc tứ tiên chia nhau nắm giữ. Còn hai người nữa thì một người đè bụng dưới, một người đưa tay ra đặt vào huyệt bách hội trên đỉnh đầu hắn.
Lệnh Hồ Xung cực kỳ kinh hãi. Hắn thấy một luồng nhiệt khí từ lòng bàn chân trái đưa lên qua chân trái, bụng, ngực rồi sang cánh tay phải xuống tới lòng bàn tay phải. Một luồng nhiệt khí khác lại từ lòng bàn tay trái qua cánh tay trái vào trước ngực xuống bụng rồi xuống đến lòng bàn chân phải.
Hai luồng nhiệt khí giao thông quấn quít lấy nhau khiến cho toàn thân nóng bỏng cực kỳ khó chịu, mồ hôi toát ra đầm đìa.
Lệnh Hồ Xung biết là Ðào cốc lục tiên đang phát huy nội công thượng thặng để trị thương cho mình thì trong lòng cảm kích vô cùng. Hắn ngấm ngầm vận nội công tâm pháp của phái Hoa Sơn do sư phụ truyền thụ cho để tăng cường luồng lực đạo. Không ngờ luồng nội lực của hắn vừa từ huyệt đan điền bốc lên thì đột nhiên cảm thấy bụng dưới đau đớn kịch liệt, chẳng khác gì bị một lưỡi dao nhọn đâm vào. Hắn ọc lên một tiếng rồi phun máu tươi ra ồng ộc.
Ðào cốc lục tiên đồng thanh la hoảng:
- Nguy to rồi!
Ðào Diệp Tiên xoay tay lại đánh một chưởng vào đầu Lệnh Hồ Xung khiến cho hắn phải chết giấc.
Từ đó Lệnh Hồ Xung mê man. Người hắn lúc nóng lúc lạnh. Hai luồng nhiệt khí vẫn chạy quanh trong bách thể tứ chi. Thỉnh thoảng lại có mấy luồng nhiệt khí phát ra xung đột. Những luồng nhiệt khí này càng phát huy lại càng khó chịu.
Trong ngày hôm đó, có lúc đầu óc hắn đột nhiên trở lại tỉnh táo.
Bỗng nghe thanh âm Ðào Cán Tiên cất lên:
- Các anh em coi! Mồ hôi gã ra được nhiều phải chăng là thủ pháp của ta? Luồng chân khí nầy từ huyệt Dương Dao ra đến huyệt Dương Quang trong người gã. Tựu trung vào huyệt Phong thị, huyệt Hoàn khưu rồi trở về Uyên Dịch là có thể trị được nội thương cho gã.
Ðào Căn Tiên nói:
- Ngươi còn ba hoa cái gì? Nếu hôm trước không có thủ pháp của ta phát huy chân khí cho chạy vào các mạch "Túc quyết âm can kinh" thì thằng nhỏ này chết rồi còn đâu để bữa nay cho ngươi chữa gã.
Ðào Chi Tiên nói:
- Phải rồi! Có điều thủ pháp của đại ca tuy chữa được nội thương cho gã. Nhưng hai chân tê liệt không đi lại được thì cái đó chưa đủ. Cần phải thủ pháp của tiểu đệ mới xong. Nội thương thằng nhỏ này ở màng trái tim, cần phải đưa chân khí, cần phải đưa chân khí vào tam tiêu.
Ðào Cán Tiên tức giận hỏi:
- Ngươi có chui vào mình gã không mà biết nội thương gã nhất định ở màng trái tim? Ngươi chỉ bộ nói nhăng.
Ba người tiếp tục tranh chấp nhau hoài. Ðào Diệp Tiên nói:
- Kiểu này thì dùng chân khí thúc đẩy Uyên dịch e rằng không ổn, trước hết phải trị "túc thiếu âm thận kinh" của gã là hơn.
Y không chờ mọi người có đồng ý hay không đã đưa tay ra ấn vào huyệt âm cốc ở đầu gối bên trái Lệnh Hồ Xung. Một luồng khí theo huyệt đạo chạy vào.
Ðào Cán Tiên cả giận quát:
- Hừ! Ngươi lại mâu thuẫn với ta rồi. Chúng ta thử coi ai nói đúng.
Ðoạn hắn thúc đẩy nội lực tăng gia chân khí.
Lệnh Hồ Xung vừa nôn ọe lại vừa muốn thổ huyết. Hắn la thầm trong bụng:
- Hỏng bét! Hỏng bét! Sáu lão nầy có lòng hảo tâm muốn cứu mạng ta nhưng ý kiến bất đồng. Lão nào cũng theo phương pháp của mình đồng thời thi triển thủ pháp. Lệnh Hồ Xung này đến mạt vận mất rồi.
Hắn định lên tiếng kháng cự, bảo bọn lục tiên dừng lại nhưng khôn bề mở miệng.
Bỗng Ðào Căn Tiên nói:
- Gã trúng chưởng bị thương ở trước ngực, dĩ nhiên phải lấy việc trị "Thủ thái dương phế kinh" làm gốc. Vậy ta thúc đẩy chân khí vào những huyệt Trung phủ, Xích trạch, Khổng tối, Liệt khuyết, Thái uyên, Thiếu thương trong người gã là rất đúng.
Ðào Cán Tiên nói:
- Ðại ca! Về những môn khác tiểu đệ phục đại ca thật, còn về việc dùng chân khí trị thương thi nhất định đại ca phải thua tiểu đệ. Từ Thủ dương, Minh thái Dương kinh vào tay gã, tiểu đệ nhất quyết có thể đả thông những huyệt đạo Thương dương, Hợp cốc, Thủ tâm lý, Khúc trì, Nghinh hương....
Ðào Chi Tiên nói xen vào :
- Lầm rồi! Lầm rồi! Thật lầm to lắm rồi.
Ðào Cán Tiên tức giận hỏi:
- Ngươi còn biết chó gì mà nói? Ngươi bảo ta lầm to thì lầm ở chỗ nào?
Ðào Căn Tiên lại lấy làm thích chí nói:
- Tam đệ tinh thông y lý, nên biết rõ ta làm đúng còn thuyết của nhị đệ là sai trật.
Ðào Diệp Tiên cướp lời:
- Nhị ca cố nhiên là trật rồi, mà đại ca cũng không đúng. Các vị hãy coi kìa. Thằng lỏi này mắt trợn ngược, môi miệng mấp máy mà chẳng muốn nói ...
Lệnh Hồ Xung mắng thầm:
- Sao ta lại không muốn nói? Chỉ vì các ngươi thúc đẩy nội lực chân khí vào cho trong mình ta nhộn nhạo, toàn thân ta đau như dần, thì còn thốt nên lời thế nào được?
Bỗng nghe Ðào Diệp Tiên lại nói tiếp:
- ... Thế là đầu óc gã mê man, tâm trí hồ đồ, vậy phải trị Dương minh thận kinh cho gã.
Lệnh Hồ Xung lại mắng thầm:
- Chính ngươi mới đầu óc tối tăm, thần trí hồ đồ.
Ðào Diệp Tiên vừa dứt lời, Lệnh Hồ Xung liền cảm thấy huyệt Tứ bạch trong khóe mắt đau nhói lên, cả huyệt Ðịa thương ở ngoài miệng cũng tê nhức. Tiếp theo huyệt Ðại nghinh trên má, huyệt Ðâu duy trên đầu và các huyệt ở hạ quan cũng đau đớn kịch liệt ngứa ngáy khó chịu. Da thịt trên mặt co quắp không ngừng.
Ðào Chi Tiên nói:
- Ngươi chữa đi chữa lại mà gã vẫn không nói được, ta xem chừng bệnh không ở đầu óc. E rằng đầu lưỡi gã cứng đơ, đó là chứng hư hàn bên trong, ta phải dùng nội lực để trị các huyệt đạo ẩn bạch, Thái bạch, Công tôn, Thương khâu, Ðịa cơ. Nhưng... nhưng nếu chữa không khỏi, các vị cũng đừng trách tiểu đệ.
Ðào Cán Tiên nói:
- Trị không khỏi tất người ta bị uổng mạng về tay ngươi, thì không trách ngươi sao được?
Ðào Chi Tiên bản tính nhút nhát, liền hỏi:
- Sao lại trị không khỏi được? Nhị ca cũng cho là gã bị bệnh ở đầu lưỡi mà không trị Túc thái âm tỳ kinh, thì phỏng có khác gì thấy người chết mà không giải cứu?
Ðào Cán Tiên đáp:
- Nếu trị bệnh không đúng đường, cũng nguy hiểm vô cùng.
Ðào Hoa Tiên nói:
- Chữa lầm là hỏng bét mà chữa không khỏi cũng là hỏng bét. Gã tiểu tử này mà bị ngoại thương thì chẳng có quan hệ, nhưng chúng ta chữa tốn không biết bao nhiêu thì giờ và hơi sức, thủy chung vẫn
chẳng ăn thua gì. Tiểu đệ chắc gã bị tâm bệnh, cách trị phải đi từ "Thủ thiếu dương tâm kinh" và bốn
huyệt đạo Thiếu hải, Thông lý, Thần môn và Thiếu xung là những chỗ quan hệ.
Ðào Thực Tiên nói:
- Hôm qua ngươi bảo trị Tục thiếu âm thận kinh cho gã, nay ngươi lại nói chữa Thủ thiếu dương tâm kinh. Huyệt thiếu dương là chỗ khí dương bắt đầu thịnh vượng, còn thiếu âm là nơi khí âm vừa nảy nở. Một đằng là âm, một đằng là dương, hai bề tương phản nhau, biết đằng nào trúng?
Ðào Hoa Tiên đáp:
- Âm sinh ra dương. Ðó là hai mặt của một vật. Hợp lại là một, phân ra thì thành hai, khác nào Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi hợp lại thành thái cực. Xem thế thì đủ biết có lúc một chia ra làm hai, có khi hai hợp thành một. Thiếu dương và Thiếu âm nương tựa lẫn nhau cũng như mặt trong mặt ngoài vậy. Ta chẳng thể lý luận một chiều.
Lệnh Hồ Xung la thầm:
- Các ngươi chỉ cãi chầy cãi cối, lý thuyết hoang đường, đem tính mạng ta ra làm trò đùa.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện