[Việt Nam] Thuận Thiên Kiếm: Rồng Không Đuôi

Chương 38 : Thuận Thiên Kiếm tiền truyện - Hồi một (3)

Người đăng: 

Ngày đăng: 18:05 30-04-2018

.
Bên bờ hồ Tây, dưới gốc cây si cổ thụ nơi bà hàng nước mở quán ban sáng, bốn đệ tử sơn trang Bách Điểu đã có mặt chờ nhóm Hồ Xạ từ trước. Giờ hẹn đã gần đến, nhưng ba người Lục Bình hãy còn say sưa trong tiếng nhạc, nhác thấy e là không đến kịp. Bốn tên này, thì có một bộ ba anh em ruột. Chúng hợp xưng là Hùng Kê Tam Kiệt của sơn trang Bách Điểu, xét về bối phận thì ở hàng thứ ba, dưới trang chủ và bốn Tinh – tức bốn phó trang chủ: Tinh Gà Trắng, Tinh Đại Bàng, Tinh Quạ Đen, Tinh Phượng Hoàng. Trong ba tên, lớn nhất là Kim Kê Trần Gia Lễ, thứ hai là Ngân Kê Trần Gia Nghĩa, ba là Đồng Kê Trần Gia Tín. Đúng như những gì Phạm Lục Bình e ngại, Hùng Kê Tam Kiệt chủ yếu luyện ngón hợp kích thuật của võ gà. Gã còn lại thì là đệ tử của Đại Bàng Tinh, Lí Trường Thọ. Nhưng dân giang hồ hay gọi hắn là Thọ cú. “ Xem ra là chạy rồi. ” Ngân Kê cười khảy, khinh công một cú từ trên tàng cây xuống. Trong ba người Hùng Kê Tam Kiệt, khinh công của hắn là cao cường nhất. Kim Kê Gia Lễ – cũng là anh lớn trong chuyến này – lên tiếng: “ Sơn trang Bách Điểu bọn ta võ công cao cường nổi danh khắp cả một phủ Thiên Trường, ai mà lại không sợ? Bọn chúng chạy cũng chẳng có gì lạ. ” Đồng Kê đáp lời ngay: “ Ai dám đối đầu với Hùng Kê Tam Kiệt ta kia chứ? Trừ phi chúng bị điên, hoặc ngu si bẩm sinh, bằng không thì sao lại đến đây? ” Chỉ có Lí Trường Thọ là khoanh tay, làm như không nghe thấy ba con gà khoác lác. [ Đối phương là chủ nhân của Thư Hùng kiếm, ắt phải có liên hệ gì đó với Điện Suý thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão năm xưa. Trên giang hồ này, trang chủ ta ai cũng chọc được, chỉ không dám động vào hậu duệ của anh hùng cứu quốc. Ba tên này xem ra phải thảm. Song đám người Bách Điểu Sơn Trang ta mới đến kinh kì mà đã co vòi rút cổ thì về sau làm chuyện gì cũng khó. Lát nữa tìm cách hoà giải là được. ] Thùng! Thùng! Thùng! Trống canh vang lên, văng vẳng cả một xóm. Vậy là đã qua một canh nữa. Mấy thuyền lâu neo trên Tây Hồ cũng bắt đầu xuống đèn. Đám công tử con quan lại theo thuyền nhỏ về bến, hồi phủ. Im ắng lạ. Dòng người vãn dần. Chỉ có mấy con chó thi thoảng lại sủa ma. Bốn tên đệ tử của sơn trang Bách Điểu chờ mãi, đâm chán. Kim Kê gắt: “ Hừ! Anh em mau quay về, mai chúng ta quay lại lấy bạc! Trong đám kia có một thằng dùng quái kiếm hai đầu, một trắng một đen. Vũ khí kì lạ như thế, muốn tìm không khó đâu! ” Hai con gà còn lại cũng cho lời ấy là phải, bèn lục tục muốn về nhà trọ đánh một giấc. Đúng lúc này thì Lí Trường Thọ lên tiếng. “ Có người! ” Cả đám nhìn về hướng Thọ Cú chỉ. Quả nhiên, một con thuyền con vừa mới đụng mũi vào bờ hồ nghe thịch một cái. Liền ấy có tiếng hài dẫm lên cỏ, nhẹ và êm lắm. “ Cảm ơn bác Hộ đưa con về, bác cũng về ngủ đi. Canh ba đến nơi rồi chứ sớm sủa gì nữa đâu. ” “ Tiện đường thôi. Tôi còn phải tát nốt mẻ cá nữa cho kịp phiên chợ sáng. Cô Xuân quan tâm là quý hoá lắm rồi. Đàn bà con gái, đi đêm về hôm nhớ phải cẩn thận. ” Giọng đầu tiên chắc chắn là giọng nữ, trong trẻo và thanh ngọt như hương sen vậy. Ba con gà chưa nghe mà đã ngất ngây, tự nhủ không biết nếu người có chất giọng ấy mà cất tiếng ca lên thì còn hay đến cỡ nào nữa. Không khéo nghe được ba câu là xương cốt cả lũ rụng rời. Giọng thứ hai rắn và khoẻ, là giọng đàn ông. Cứ như cách xưng hô của hai bên thì y cũng phải tứ tuần trở lên. “ Bác cứ khéo lo, thành nội kinh kì chứ có phải là rừng hoang núi vắng đâu mà sợ? Hoàng thành cách đây có mấy bước chân. Trộm cướp có hành nghề thì cũng biết mà tránh cái chỗ này ra chứ. ” “ Cẩn thận vẫn là hơn cô ạ. Chỗ này xa, không có hàng xóm tắt đèn tối lửa. Thôi tôi đi kẻo lỡ. “ Kim Kê nghe rõ tiếng mái chèo khua nước, chắc mẩm người chài lưới đã đi khỏi bèn ra dấu cả đám thò mặt ra. Bình bịch. Ba tên đàn ông lực lưỡng nhảy phốc từ trên tàng cây si xuống, khiến cô thiếu nữ giạt mình đánh rơi cả cái đèn chưa kịp thắp. Đêm nay trăng không sáng lắm, nhưng cặp mắt người học võ bao giờ cũng tinh tường hơn người thường. Ba con gà lại phục ở đây từ canh hai, cặp mắt đã kịp điều tiết nên càng nhìn rõ hơn. Ngân Kê tập trung ánh mắt, nhìn kỹ người thiếu nữ đang ngã sõng soài trên đất. Thật khó mà diễn tả vẻ đẹp của nàng ta bằng lời văn thô lậu. Đại thi hào Nguyễn Du từng tả nàng Vân bằng bốn câu:“ Vân xem trang trọng khác vời Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang Hoa cười ngọc thốt đoan trang Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da ” Thuý Vân đẹp mười, thì nàng Xuân cũng phải chín. Lúc này nàng ta đang vận một bộ áo tứ thân, trong lót bảy lớp vải lụa. Loại áo này dân gian ta gọi là áo mớ ba – mớ bảy. Ngày trước các cô thiếu nữ, đặc biệt là thiếu nữ Kinh Bắc, thường mặc kiểu trang phục này đi trảy hội. “ Đẹp! Đẹp lắm các anh ạ! ” Ngân Kê chép chép miệng, liếm môi cho dãi không chảy xuống. Nhờ ánh trăng mờ mờ, màu váy lụa ẩn hiện dưới cánh áo nâu nhấp nháy lúc hiện lúc tắt, như phủ lên nàng Xuân một vầng huỳnh quang. Ba con gà đã say như điếu đổ rồi. “ Chờ chút! Con này là ả đào con hát thì cũng thôi, nhưng mà vớ phải tiểu thư nhà nào đi chơi xuân là rách việc đấy. ” Thọ Cú vội lên tiếng can, sợ ba tên này nghĩ bằng cái chân giữa thì lại hỏng hết việc. Phải biết đất Đại Việt rất khác Trung Hoa. Thời phong kiến, do kết cấu làng xã với hệ thống tôn ti chặt chẽ, quy chuẩn đạo đức và thuần phong mỹ tục nghiêm ngặt, nên mại dâm ở Việt Nam dường như không chính thức tồn tại. Các bộ luật Việt Nam thời phong kiến đều không thấy nhắc đến vấn đề này. Tất nhiên, vẫn có một bộ phận làm chui dưới dạng cô đầu, ả đào hát. Họ được gọi là đào rượu, hay hoa nương, hoa mại nương, gái bán hoa. Thọ Cú e rằng ba tên kia xem cô gái là đào rượu hay gái bán hoa, hành xử theo bản năng thì chết dở. Gì chứ cái loại cưỡng hiếp con gái nhà lành khéo bị dân làng vây đánh. Mỗi người một cái đòn gánh cứ thế nện thì dù biết võ công cũng phải chết. Huống hồ cô gái này ăn mặc rất sang. Không khéo là con của địa chủ phú hộ nào đấy. “ Sợ chó gì? Dăm thằng phú hộ chả sợ trang chủ mình một phép đấy à? ” Đồng Kê lên tiếng, trong khi Kim Kê nhảy phốc tới điểm luôn mấy huyệt đạo của nàng Xuân khiến nàng không cục cựa gì được. Thấy ba tên này đã nổi máu hiếu sắc, nhưng Lí Trường Thọ vẫn phải cắn răng mà can: “ Triều đình mà nhúng tay vào thì khó lòng yên thân. Việc lớn không thành, trang chủ trách tội xuống thì tôi với mấy anh khó gánh nổi. Đây lại không phải phủ Thiên Trường, trên đầu còn có thánh thượng với bá quan. Vuốt mặt cũng nên nể mũi, đừng có quá phận. Trang chủ ta võ công xét da chỉ thua mấy vị tông sư, nhưng vua mà phái thiên quân vạn mã tới thì sơn trang Bách Điểu chỉ có nước bị san phẳng. ” Hùng Kê Tam Kiệt cũng không phải mấy tên ngốc. Nghe Thọ Cú nói thấy cũng có lí, bèn giải huyệt đạo cho nàng Xuân. Vì các huyệt này ở vùng xương quai, bụng nên khó tránh khỏi có mấy động tác không đẹp. Nàng Xuân bị đối phương dùng hai ngón tay rờ rờ nắn nắn, uất mà không nói gì được vì đã bị điểm huyệt câm. Nước mắt nàng chảy chan hoà, nhục không biết cất đâu cho hết. Cũng may đêm vắng trăng thanh, bà con chòm xóm chẳng ai nhìn, không thì đến đào hố chui xuống đất. Vút! Bỗng nhiên, một mũi tên từ đâu bay tới, nhắm thẳng vào đầu Đồng Kê. Y đang loay hoay giải huyệt cho nàng Xuân, không chú ý tới xung quanh. Lúc ngẩng đầu thì mũi tên đã bay tới sát mặt, chỉ cách trán y chừng gang tay thôi. Rắc! May phúc cho y là Kim Kê kịp ra tay. Y luồn tay xuống dưới thân tên, vận lực phát chưởng đẩy một cái. Nhờ thế đầu mũi tên bị chếch lên cao, xẹt ngang mái tóc của Đồng Kê. Chứ nếu không chắc chắn nó phải bắn thủng trán của Đồng Kê. Gia Tín – Đồng Kê – thoát chết trong gang tấc, lập tức nhảy ra sau thủ thế, miệng thì quát oang oang: “ Thằng nào dám đánh lén ông?! ” Thì ở đằng xa, vang lên ngay tiếng cười giễu cợt: “ Ai da, đêm trăng thanh gió mát, có ba con gà chưa bị luộc làm giỗ Tết xổng chuồng đi áp bức một con se sẻ. Thế nên mới ra tay bắn một con định nhắm rượu, có ngờ đâu run tay bắn chệch mất. ” Hùng Kê Tam Kiệt cùng cười khẩy, nói: “ Tưởng ai, hoá ra là cái lũ thỏ đế sợ chiến đấy à? Bây giờ là canh mấy hả? ”
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang