[Dịch]Thiên Mã Hành Không - Sưu tầm

Chương 40 : Vãng sự II

Người đăng: 

.
"Đến năm mười bảy tuổi, gia phụ và Đường bá phụ bắt đầu tính chuyện hôn sự của ta với Đường Lăng, hai nhà tưng bừng sửa soạn cho dịp vui sắp đến. Không nhẫn nhịn được nữa, ta đến thưa chuyện cùng gia phụ, rằng không muốn gả về nhà Đường gia, vì ta không mấy ưa Đường Lăng, và cũng vì không thể sống cùng một nhà với Đường Vân. Gia phụ nghe ta yêu cầu, ông đùng đùng nổi giận, đập bàn thét lớn: 'Hôn nhân con cái xưa nay do cha mẹ định đoạt, có mai mối hai bên, đâu đã đến lượt mi làm chủ? Mi nói thử xem, Đường Lăng có gì không tốt? Mi tìm đâu được một người trung hậu hơn nó? Mi và Đường Vân chơi với nhau từ nhỏ đến giờ, ở đâu mà cừu hận đến thế? Mà nó làm em dâu, sớm muộn gì nó cũng xuất giá, làm gì mi được lâu đâu?'. Gia phụ vểnh râu, trợn mắt nhìn ta, ông giận muốn tắt thở, ta chưa hề thấy ông giận dữ như vậy, ông lại là người nhiều công phu hàm dưỡng". "Sự thực, nửa cuộc đời sau của ta đó, ta không có quyền định đoạt, thân ta bị gả về Đường gia, chớ nào phải gia phụ. Ta không yêu Đường Lăng, khốn khổ vì phải sống chung với y ta gánh,hết, chớ đâu phải gia phụ? Tại sao ta phải tuân lệnh cha mẹ, làm theo ý mai nhân? Ta lập tức cãi lại, nói không gả là không gả, xin ông đừng đưa con gái vào chỗ chết! Gia phụ nghe được, ông càng giận hơn, dí tay vào mũi ta, nghẹn thở, nói không ra lời! Một lúc sau, ông bảo: "Mi chịu gả cũng tốt, không chịu gả cũng phải gả!", Nói xong, gia phụ phất tay áo, tức tốc bỏ đi!". "Ta đã tiên liệu, bất kể ta phản đối mạnh mẽ thế nào, gia phụ sẽ không thay đổi chủ ý. Khuya đó, ngồi lặng yên trong bóng tối, ta nghĩ rồi ra phải chung sống cùng Đường Lăng suốt quãng đời còn lại, ta thấy thà chết ngay đi, còn hơn sống cuộc sống không lạc thú. Nhìn bóng trăng ngoài song cửa, trong lòng ngổn ngang trăm mối, ta nghĩ, từ đây về sau, những cảnh sắc tuyệt đẹp đó, ta sẽ không còn được hân thưởng nữa. Làm theo ý cha, chịu gả về Đường gia, ta sẽ biến thành một cái xác không hồn! Ta tuyệt không cam tâm, vì sao phải chịu bắt buộc giam thân vào nơi bế tắc! Cuộc đời ta, phải do ta quyết định, ta phải tìm cách tranh đấu giành quyền đó, ta chẳng phải một con rối mặc tình người ta nắm dây điều khiển, mặc tình cho người ta sắp đặt mệnh vận. Lấy quyết tâm xong, ta nghĩ cách trốn hôn ước. Từ lúc to tiếng cùng gia phụ, thấy ta không từ bỏ sự phản kháng, ông đã cắt đặt ba, bốn người túc trực giám sát ta, không cho phép ta một mình rời khỏi nhà đi đâu ra ngoài". "Trước mắt, ngày cử hành hôn lễ càng lúc càng gần, ta chưa tìm được cách bỏ trốn. Mấy lần tìm cớ đi mua sắm ngoài chợ, ta dùng đủ cách cắt đuôi lũ người theo giám sát, nhưng họ vốn hiểu rõ ý đồ đó của ta, nên dù ta chửi mắng thế nào, họ tịnh không trả lời, khăng khăng bám sát ta, không rời ta nửa bước. Có một lần, bị ta chửi mắng thậm tệ, mà họ cứ giả ngơ tai điếc, quá sức chịu đựng, ta động thủ bạt tai họ, nhưng họ lờ đi, làm như tuồng đầu đất, trên mặt họ inrành rfnh dấu năm ngón tay ta, vậy mà cũng chẳng thốt một lời phản kháng, vẫn cứ bám sát ta như hình với bóng. Dẫu mang ngoại hiệu Ngọc Diện la sát, nhưng ta chẳng thể nào sử dụng ám khí những chống người hầu cận, đã trông nom ta từ bé đến giờ. Không thể trốn khỏi nhà, ta đành cố gắng tìm cách khác". "Ngày đó đã tới, Đường gia mang quà cáp lễ cưới đến, cha ta cực kỳ cao hứng, ông cho trải chiếu rộng khoản đãi yến tiệc, cho phép toàn thể gia nhân tham dự, uống đến chiều tối hôm đó, nhiều người say khướt, gia phụ cũng say mèm, ta thấy thời cơ bỏ trốn đã tới. Ta cùng người hầu đưa cha về phòng an nghỉ, rồi cho phép bà vú và nha hoàn lui về đi ngủ, ta thăm chừng phòng cha ta lần nữa, thấy ông có ý định ra khỏi rời giường, nhưng vì quá say, ông không đi được. Bình thường, mỗi tối ông đều đến khám phòng ta, chỉ khi thấy ta ngủ rồi, ông mới cắt đặt cho bà vú và nha hoàn ngủ chung phòng với ta, khoá trái cửa phòng ta lại,lúc đó ông ấy mới yên tâm đi nghỉ". "Nhìn mái tóc điểm bạc của cha, nước mắt trào dâng, ta dù trong tim không muốn rời xa chút nào, nhưng vì hết cách, ta quyết định bỏ trốn. Ta viết một phong thư để lại dưới gối ông, sau đó ta rón rén đi lối sau, bình thường, nơi đó luôn đặt người canh gác, khó qua lọt, nhưng tối đó, gia nhân thấy cha cao hứng cho họ mặc sức chè chén, họ lơi lỏng cảnh giác, nên ta thuận lợi vào đến ngõ sau, khinh công ta hồi ấy chưa đủ cao cường để vượt bức tường hậu cao, mà ông lão canh gác cửa sau do đã quá chén, đang say, gục ngủ trên bàn, mà hai ngọn đèn trong trạm vẫn cháy sáng, ý hẳn đẻ giữ quy định, mọi người sau canh ba, không được rời nhà qua cổng trước, phải đi lối cửa sau." "Biết bà vú đang chờ tại phòng, nếu chậm trễ là hết dịp bỏ trốn, ta rón rén đến bên ông lão canh cửa, nhẹ nhàng gỡ chùm chìa khoá ông buộc ngang lưng. Ta mở khoá cổng sau, sắp sang canh ba, sợ bị gia nhân phát hiện, ta nhanh chóng thi triển khinh công chạy thật lẹ. Đi được một lúc, ta có cảm tưởng có người theo sát đàng sau, lúc ngoảnh đầu nhìn thì chẳng thấy bóng Vào lúc mõ điểm canh ba, con đường trống vắng, nhưng rõ ràng ta nghe tiếng cước bộ nhẹ nhàng đằng sau. Ta luyện ám khí, từ nhỏ đã tập dùng tai thay mắt, nghe tiếng đoán hình. tiếng động dẫu nhỏ đến mấy, cũng không thể lọt thoát khỏi bị ta nghe được. Hôm ấy là mười bốn tháng bẩy, sắp sửa vào lễ xá tội vong nhân rằm tháng bẩy, chẳng thấy bóng một ai, ta thấy rợn tóc gáy. ta vội đề khí, vận hết sức lực vào chân chạy nhanh. Thuỷ chung, ta vẫn nghe tiếng cước bộ theo sát đàng sau. Vừa bấn vừa sợ, ta chạy bừa, bất kể đường xá ra sao. Không biết được bao lâu, mỏi nhừ chân cẳng mà ta không dám dừng bước, chỉ sợ ma quỷ đàng sau thừa cơ nhảy xổ vào tóm ta. Đột nhiên, ta vấp chân vào một tảng đá giữa đường, té lăn cù trên mặt đất, nhất thời, vì mỏi mệt quá, ta không sao đứng lên nổi". "Tiếng bước chân đến sát bên mình, ta chẳng dám quay đầu nhìn, oà khóc. Bên tai có tiếng một nam tử ôn tồn hỏi: 'Sao cô nương khóc vậy?'. Ta quay đầu, một cặp mắt ẩn chứa nét cười cợt, tuy trong đêm tối đen mà sáng như ánh sao trên trời đang dòm ta. Đầu mũi ta gần chạm vào mặt người đó, ta hấp tấp đứng dậy, dưới ánh trăng, thấy đó là một nam tử mày kiếm mi thanh, anh khí bức nhân, nhớ tiếng chân vừa rồi hãy còn làm mình sợ, ta nhỏ giọng hỏi y: 'Người vừa rồi chạy theo ta bén gót, phải là ngươi không?'.Y bối rối: 'Dạ phải, ta đã làm cho cô nương sợ sao?' . Nghe y nói, ta giận toé khói, bèn đưa tay đánh y, nhưng ta bị y chụp giữa chừng, y cười hì hì, nói: 'Đánh là làm quen, mắng là yêu thương, chẳng lẽ cô nương mới gặp đây mà đã để ý đến ta rồi sao?'.Ta càng điên tiết, đưa tay kia ra vả y, cũng bị y nắm giữ, y nội lực hiển nhiên hơn ta gấp bội, hai tay bị giữ riệt, ta muốn cục cựa cũng không xong, y kề vào sát mặt ta, đôi mắt cười cợt ta, làm ta vừa giận vừa xấu hổ, thét lên: 'Buông ta ra!', Y đã chẳng buông thì chớ, lại còn đặt môi vào má ta, cười cười 'Thơm thật!'. Ta nằm mộng cũng không dè y lớn mật to gan như vậy, lập tức ta đỏ bừng mặt, quên luôn cả giận dữ!". A Tử cười hì hì, hỏi: - Hi hi . . Ai vậy? Dám giở trò . . . ? Sao dám vô lễ với sư phụ đến thế? A Tử cười thầm "Anh chàng đó chắc mù mắt, mới đưa môi miệng hôn một xú bát quái! Bây giờ bà đã già gần chết rồi, không hiểu hồi bà ít tuổi đẹp cỡ nào ... sao có kẻ liều lĩnh vậy?". Cô nghĩ vậy, nhưng không dám nói ra miệng. Nhìn vẻ hoạt kê của A Tử, Lục La sát cũng bật cười vài tiếng , rồi bà bảo: - Nha đầu , đừng nghĩ bậy! Giờ mặt ta già rồi, thêm nhiều vết sẹo đao cắt, chớ thời trẻ, dung mạo ta cũng đẹp không thua cái mặt ngu ngốc của ngươi chút nào! A Tử nghiêm nét mặt, nói: - Không cần sư phụ giải thích! Sư phụ hiệu xưng 'Ngọc Diện la sát', dĩ nhiên hồi đó là mỹ nhân trên đời rồi! Thời đó, đệ tử chắc sư phụ đẹp mỹ miều, trước đám đông, một nụ cười sư phụ làm cả trăm người điên đảo, nam nhân thiên hạ mất hồn mất vía, ăn không được, ngủ không yên!. Lục La sát ngắt lời A Tử: - Thôi .. thôi ... đừng nói xàm nữa! Chẳng qua, hồi đó, nhiều người theo đuổi ta, mà ta chẳng động tâm cùng ai, vậy mà ta đổ về tay y! Y phong lưu lãng tử thành tính, vừa gặp mặt là bị ngay tiếng sét ái tình, cũng bởi cái phong lưu phóng túng của y đó làm ta bất tự kỷ mà thương yêu y. A Tử chuyển ánh mắt ra chỗ khác, cô hỏi: - Rốt lại, là Nghiêm Phức? - Không sai! Chính y, nghiệt duyên kiếp trước - Lục La sát thở dài - Bây giờ ta oán hận thấu xương, vậy mà hồi đó ta yêu thương y vô cùng, y cũng yêu ta không kém. A tử hỏi tiếp: - Kế đó ra sao? - Sau đó, ta rụt tay ra, vừa bước đi mấy bước, mới nhận thấy ta đã bị bong gân chân, đau thấu trời, rồi sợ bị cha đuổi theo kịp, ta bấn loạn trong lòng, cắn răng bước thêm được vài bước nữa, cuối cùng, không chi trì nổi, ta nhũn chân, ngã lăn quay ra đất. Thấy ta ngã, y chẳng nói chẳng rằng, chạy đến bên, xoa vào chỗ chân đau của ta một thứ nước, một loại rượu thuốc, đến giờ ta hãy còn nhớ cái mùi đó. Xoa xong, y bỗng ôm ta lên, thi triển khinh công nhắm phía cửa thành chạy vù đi. Ta vừa sợ vừa mắc cỡ, giẫy giụa kêu lên: "Buông ta xuống!". Y nói nhỏ: "Đừng làm ồn! Ta không làm gì hại cô nương đâu!". Nghe nói, dẫu chẳng biết y định đem ta đi đâu, ta hết thấy sợ hãi nữa. Rồi ta lại nghe y hỏi: 'Giữa đêm hôm khuya khoắt, cô đi đâu vậy?'". "Ta kể cho y, ta bị cha bắt ép gả, phải bỏ trốn. Y cười ầm, 'Cô gan cùng mình, nhỏ tuổi như vậy mà đã dám đào hôn!' Rồi y bỗng dưng cúi đầu, bảo: 'Nhưng ta rất thích vậy, ta chẳng ưa thứ trò thế tục hủ lậu, ta cùng cô, chắc hẳn một đôi trời sinh!'. Tuy nghĩ rằng y có hơi phóng túng, nhưng trong lòng ta chẳng thấy bực bội, ngược lại ta còn muốn được y suốt đời nâng ta như thế, được nghe y pha trò cười không dứt như vậy. Đến một gốc cây to, y chúm môi huýt sáo, từ trong rừng một con ngựa chạy ra, y đặt ta ngồi lên yên ngựa, rồi tự y lên ngồi phiá sau, choàng tay ra trước cầm cương ngựa, cười cười nói: 'Ta sẽ đưa cô nương chạy thật xa, cha cô suốt đời đừng hòng đuổi theo kịp, vậy được không?'". "Nghĩ đến từ giờ vĩnh viễn không còn gặp lại cha, lòng ta buồn rầu, nhưng ta biết, nếu bị tóm trở lại được, ta nhất định không có đất sống, phải về làm dâu nhà họ Đường, sẽ chẳng còn cơ hội nào bỏ trốn nữa! Ta lại tự hỏi, bây giờ, sẽ cùng người này, đi đến tận chốn đâu đâu nào đây? Bất giác ta đưa mắt liếc nhìn, đúng lúc y cũng cúi trông, trong lòng bối rối, ta vội ngoảnh mặt đi, hỏi nhỏ: "Ừm... mình đi đến chân trời góc biển nào vậy?". Y cười ầm, giật cương, con ngựa phi nhanh, đưa ta và y thẳng tiến!". Nói đến đấy, Lục La sát bỗng ngừng lại, đôi mắt xuất thần, bà nhìn chằm chằm vào ngọn đèn dầu, đầu ngọn bấc đang toả ánh sáng chập chờn. --- Xem tiếp hồi 41 ----
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang