[Dịch] Tầm Tần Ký

Chương 37 : Ðấu khẩu cùng quần hùng

Người đăng: 

.
Khi Hạng Thiếu Long đến tiểu trúc của Kỷ Yên Nhiên ở Nhã Hồ, trước cửa đã có mười mấy chiếc xe ngựa sang trọng. Sau khi báo tên cho bọn giữ cửa, một nô tỳ đã gặp buổi sáng nay bước ra đón, dẫn gã đi ngang qua tòa tiểu lâu mà trưa nay đã gặp gỡ Kỷ Yên Nhiên, trên tay cầm chiếc đèn dẫn đường, băng qua một lối nhỏ trong vườn, phía trước là một gian nhà treo đèn kết hoa, có tiếng người vọng ra. Hạng Thiếu Long nén không được hỏi nữ tỳ ấy, „Ðêm nay có những vị khách nào?" Nữ tỳ ấy đáp, „Ðêm nay là quí khách do tiểu thư đặc biệt mời đến, ngoài Hạng tiên sinh và những người mà người đã thấy lúc trưa là Hàn Phi công tử, Trâu Diễn và Ngao Ngụy Mâu tiên sinh còn có Long Dương quân, Từ Tiết đại phu và Bạch Khuê tướng quân." Hạng Thiếu Long giật mình, thì ra ả Kỷ Yên Nhiên này quen biết rộng rãi, Bạch Khuê chính là người mà Bình Nguyên phu nhân sẽ lấy, quả không phải đơn giản, Long Dương quân là hồng nhan bên cạnh Ngụy vương cũng đến phó hội, có thể thấy địa vị ả ở nước Ngụy cao như thế nào? Gã Từ Tiết ấy tuy không biết là hạng người nào nhưng chắc chắn không phải là hạng vô danh. Rồi Hạng Thiếu Long lấy làm lạ, Long Dương quân chẳng có hứng thú gì với nữ nhân, đến đây không phải vì sắc đẹp của Kỷ Yên Nhiên vậy thì đến đây vì điều gì? Chẳng lẽ tới đây là để đối phó với mình? Nói tới chuyện sánh vở, Hạng Thiếu Long có phi ngựa cũng chẳng đuổi kịp người kia, lại nghĩ đến chuyện mình sẽ phát biểu trước đám đông, tim gã đập thình thịch. Khi bước vào trong sảnh, chỉ thấy đã bày ra một chiếc chiếu, những kẻ mà tên nữ tỳ ấy nói đã đến đầy đủ, đều ngồi vào chỗ. Hai nữ tỳ xinh đẹp bước lên nghinh tiếp, cởi áo ngoài, cởi giày cho gã, may mà đây là mùa đông, có lớp áo bông che đậy, trừ phi lấy tay mò thì sẽ không phát giác những thiết bị trong áo lót của gã. ở trong nhà có lò sưởi, ấm áp như mùa xuân. Long Dương quân vẫn với dáng điệu nam không ra nam, nữ không ra nữ ấy, chủ động giới thiệu gã cho những người khác Lão Bạch Khuê ấy lớn tuổi nhất, xem ra không quá năm mươi nhưng rất khỏe mạnh, hai mắt sáng ngời, để lại cho người ta ấn tượng sâu sắc, thái độ đối với Hạng Thiếu Long rất ngạo mạn, chỉ lạnh nhạt chào hỏi rồi ghé tai qua gã đại phu Từ Tiết bên cạnh nói chuyện riêng. Chỗ ngồi của Hạng Thiếu Long ở giữa Hàn Phi và Trâu Diễn, chỗ ngồi bên cạnh Hàn Phi vẫn còn trống, rõ ràng đó là chỗ của Kỷ Yên Nhiên, tiếp theo là Long Dương quân, Bạch Khuê, Từ Tiết và Ngao Ngụy Mâu. Hạng Thiếu Long không ngồi đối diện với Ngao Ngụy Mâu nên cũng hơi yên bụng. Trâu Diễn hơi lạnh nhạt với Hạng Thiếu Long, chi chào hỏi sơ rồi quay sang nói chuyện với Ngao Ngụy Mâu., không thèm để ý đến Hạng Thiếu Long nữa. Nhưng Hàn Phi vì lời nói lúc ban trưa của Hạng Thiếu Long nên có thiện cảm với gã. Kỷ Yên Nhiên lúc này mới xuất hiện, người mặc bộ đồ trắng như tuyết, nét mặt tuyệt đẹp, sự xuất hiện của nàng lập tức thu hút ánh mắt của mọi người, ngay cả Long Dương quân cũng không ngoại lệ, mắt mở to, miệng há hốc, Ngao Ngụy Mâu suýt tý nữa đã chảy nước dãi. Hàn Phi thì đỏ mặt, nói tóm lại mỗi người mỗi khác, nhưng chắc chắn rằng ai cũng bị nàng thu hút. Kỷ Yên Nhiên mỉm cười nhìn quanh một lượt, ngay cả Hạng Thiếu Long cũng có cảm giác xao xuyến, người nàng thoang thoảng mùi hương càng khiến người ta say đắm hơn. Nàng ngồi xuống cười nói nói, „Trước tiên hãy phạt Hạng tiên sinh một chén, sao buổi trưa tiệc chưa dứt mà đã bỏ đi. Mọi người đều phụ họa với nàng. Lúc ấy có tên nô tỳ rót rượu và bưng thức ăn lên. Hạng Thiếu long vui vẻ đối ẩm cùng nàng, đồng thời nàng mời mọi người nhập tiệc. Nhưng nàng có vẻ coi trọng Hàn Phi, Trâu Diễn và đại phu Từ Tiết hơn, ân cần và vui vẻ hơn với bọn họ, ngược lại không để ý đến Hạng Thiếu Long và Ngao Ngụy Mâu. Thật ra Hạng Thiếu Long đối với chuyện phong nguyệt, thi từ ca phú của bọn họ thì một khiếu cũng không thông, muốn chen vào cũng khó. ăn uống không lâu, được mọi người đề nghị, Kỷ Yên Nhiên thổi một khúc nhạc bằng cây trường tiêu. Hạng Thiếu Long không biết nàng đang thổi khúc nhạc gì, chi biết rằng tài nghệ thổi tiêu của nàng đã đạt tới mức tối cao, tình ý liên miên, như khóc như than, những kẻ khác đều như chìm đắm trong tiếng tiêu của nàng, say mê lắng nghe. Kỷ Yên Nhiên thổi xong khúc nhạc thì quay sang Ngao Ngụy Mâu mỉm cười nói, „Ngao tiên sinh thứ lỗi cho Yên Nhiên vô lễ, to gan thỉnh giáo Ngao tiên sinh một vấn đề." Ngao Ngụy Mâu không biết có phải chịu ảnh hưởng của buổi tiệc hay cố ý làm thân với Kỷ Yên Nhiên tranh thủ thiện cảm, lời nói cũng nhã nhặn hơn nhiều, y dịu dàng nói, „Chỉ cần tiểu thư hỏi, vấn đề gì Ngao mỗ cũng vui vẻ trả lời cả Kỷ Yên Nhiên mỉm cười nói, „Chỗ khác nhau giữa người và cầm thú là có biết hổ thẹn hay không, tiên sinh có cho rằng như thế không?" Mọi người đều biết cuộc khẩu chiến đêm nay đã bắt đầu nên ngừng lại lắng nghe hai người đối đáp. Trước khi Hạng Thiếu Long đến đây vẫn tưởng rằng Kỷ Yên Nhiên sẽ nhìn mình bằng con mắt khác, lúc này thấy nàng vẫn lạnh nhạt với mình nên định tìm cớ chuồn ra để lo công chuyện, nên cũng không để ý lắm đến cuộc đối thoại của họ. Ngao Ngụy Mâu rõ ràng đã chuẩn bị nên cười đáp, „Tiểu thư đã hiểu nhầm ý của tại hạ, tại hạ không hề nói người và cầm thú hoàn toàn không khác nhau, chẳng qua ở một số bản chất như cầu tồn, sinh sản hoàn toàn giống nhau mà thôi Nên cầm thú cũng có nhiều điều cho chúng ta học tập lắm, ví dụ cầm thú không biết nói dối, chân thành hơn chúng ta nhiều, cho nên con người chỉ trung thành với bản tính của mình thì mới có thể sống hết đời." Rồi quay sanh Hạng Thiếu Long lạnh lùng nói, „Hạng huynh có cao luận gì với lời của tiểu đệ vừa nói?" Hạng Thiếu Long đang nghĩ tới chuyện Phù Ðộc, nên giật mình nói, „Cái gì? ô, tại hạ không có ý kiến gì hết." Mọi người bao gồm cả Kỷ Yên Nhiên đều lấy đó làm ngạc nhiên, mặt lộ vẻ khinh khi. Hạng Thiếu Long trong lòng thầm kêu khổ, bản thân vốn chẳng phải nhà hùng biện, dù có nghe rõ lời y, cũng không thể đối đáp gì được. May mà gã không định theo đuổi Kỷ Yên Nhiên. Ðại phu Từ Tiết nhìn Hạng Thiếu Long rồi nói, „Lời Ngao tiên sinh có vấn đề lắm, chỗ khác nhau giữa người và cầm thú là chỗ khác nhau bản chất, bản chất của con người là thiện nên mới có lòng nhân, cầm thú chỉ vì miếng ăn nên không quan tâm đến mọi thứ, nên giết hại các loài khác, ngay cả đồng loại của mình mà cũng không tha. Nếu người học theo cầm thú chẳng phải thiên hạ đại loạn hay sao?" Tên ác ôn Ngao Ngụy Mâu bị gã nho sinh ấy làm bẽ mặt nên lạnh lùng nói, „Con người chẳng phải tàn sát các động vật khác hay sao? Từ đại phu đang ăn món gì thế?" Từ Tiết cười nói, „Ðây chính là chỗ khác nhau giữa loài cầm thú ăn lông ở lỗ và loài người chúng ta. Thứ chúng ta ăn chỉ là những loài gia cầm được nuôi, cầm thú có biết làm điều ấy không?" Ngao Ngụy Mâu rõ ràng không phải là đối thủ của người này, nhất thời cứng họng không nói được gì. Từ Tiết thắng lợi nên uy thế tăng trước mặt Kỷ Yên Nhiên, quay sang Hàn Phi nói, „Trước tác của Hàn công tử, Từ Tiết cũng đọc qua, lý luận rất tuyệt vời, nhưng đáng tiếc cũng phạm phải lỗi lầm như lệnh sư Tuân Huống, cho rằng con người có bản tính là ác, cho nên không thể dùng đạo đức để cải hóa, mà chỉ dùng hình pháp để trị nước, thực hiện ngu dân, với tài hoa của công tử mà lại đi vào con đường như thế thật khiến cho người ta cảm thấy nuối tiếc." Hàn Phi ngẩn người ra, không ngờ Từ Tiết không khách sáo với mình như vậy, phê bình không chút nương tay, trong bụng giận lắm, tuy muốn nói nhiều điều, mà càng giận thì càng lắp bắp, nói không nên lời. Long Dương quân, Bạch Khuê, Trâu Diễn đều cười nhạt, vui sướng nhìn y chịu nhục. Kỷ Yên Nhiên nhíu mày, lấy làm áy náy cho Hàn Phi. Hạng Thiếu Long lúc này mới hiểu ra vì sao Kỷ Yên Nhiên tổ chức buổi dạ tiệc này, đó chính là có thể tìm ra một phương cách trị nước tốt, cho nên mới nhìn Hàn Phi bằng con mắt khác, đồng thời mời luôn những nhân vật quan trọng ở nước Ngụy để cho họ tiếp thu những học thuyết và tư tưởng mới. Từ Tiết thấy Hàn Phi ú Ớ lại càng đắc ý hơn nói, „Cho đến việc công tử phủ định cái đạo tiên vương, đó càng lại là điều quên gốc gác, cũng giống như xây lầu, trước nên phải có nền, không có nền thì lầu không chịu nổi mưa gió, cái nền ấy chính là điển phạm mà người xưa đã lập nên." Lời ấy có nghĩa là không chấp nhận thay đổi phương pháp trị nước. Hàn Phi cho rằng nếu đi theo phương pháp cũ thì cũng giống như ôm cây đợi thỏ, mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của một thời kỳ để chọn lựa phương pháp tương ứng. Cách nghĩ này đương nhiên tiến bộ hơn Nho gia, chỉ là Hàn Phi không nói ra được mà thôi. Hạng Thiếu Long thấy Hàn Phi đang tức giận, lòng nhịn không được vụt ra một câu, „Nói dư thừa!" Lời vừa nói ra khỏi miệng thì mới biết hỏng bét, quả nhiên mọi người đều tập trung ánh mắt về phía gã, Từ Tiết nhìn gã cười lạnh lùng, „Té ra hạng binh vệ ngoài biết cầm quân đánh trận còn có điều tâm đắc về đạo trị nước, hạ quan nguyện lắng tai nghe cao luận." Hạng Thiếu Long cảm thấy Kỷ Yên Nhiên đang ngó chằm chằm về phía mình, nghĩ bụng sao lại làm mất mặt trước mặt mỹ nhân thế nên đáp liều, „Thời đại luôn đi về phía trước, ví như ngày trước chiến tranh thì lấy xe làm chủ lực, giờ đây là chiến tranh tổng hợp với ky, bộ, xa kết hợp, có thể thấy nếu bám víu lấy những điều trước kia là không xong." Kỷ Yên Nhiên thất vọng thở dài nói, „Hạng tiên sinh hình như hiểu nhầm ý của Từ đại phu, ông ta muốn nói về nguyên tắc chứ không phải thủ đoạn, cũng như chiến tranh chính là chiến tranh, còn đánh như thế nào mới là chuyện khác, Long Dương quân nhoẻn cười nói, „Hạng huynh kiếm thuật tuy cao minh, nhưng xem ra đọc sánh không nhiều, hiện giờ chúng tôi đang tranh luận với Hàn công tử giữa đức trị và pháp trị." Từ Tiết nói rành rọt, „Vi chính dĩ đức, tỷ như bắc nông, cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi." Dừng lại một chốc rồi đọc tiếp, „Ðạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, nhân miên nhi vô sĩ. Ðạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ dĩ cách." Mấy câu này là danh ngôn của Khổng Tử, ý nghĩa là đạo trị nước phải lấy đạo đức làm căn bản mới có thể giáo hóa được người dân, khiến cho quốc thái dân an, điều này khác so với luận điểm của những người theo phái pháp trị. Hạng Thiếu Long cảm thấy mất hứng, định tìm cơ hội chuồn sớm. Nên chẳng hiểu gì về những điều này, nghĩ bụng đi sớm thì càng đỡ thẹn, vì thế đứng dậy cáo từ. Mọi người đều ngạc nhiên, không ngờ chưa chính thức vào đề người này đã thối lui. Kỷ Yên Nhiên không vui nhìn gã nói, „Nếu hạng tiên sinh lại nói hai câu rồi bỏ đi như ban trưa, Yên Nhiên sẽ rất không vui Long Dương quân vẫn chưa trêu ghẹo xong, làm sao có thể để gã ra đi, nên cũng lên tiếng giữ lại. Hạng Thiếu long nghĩ bụng ta đâu cần thiết ngươi vui hay không vui, nói thẳng ra gã chỉ là người khách có hay không cũng được Ðang định bỏ đi thì bỗng nhiên phát giác Hàn Phi kéo tay áo gã nên Hạng Thiếu Long mềm lòng ngồi xuống Kỷ Yên Nhiên vui mừng nói, „Ðó mới đúng là nam tử hán đại trượng phu, hình như Hạng tiên sinh có điều gì giấu không muốn nói ra, Yên Nhiên quả thật rất muốn nghe cao luận của tiên sinh." Hạng Thiếu Long gượng cười, quả thật Kỷ tiểu thư đã quá khen mình, mình so với bọn họ chỉ là ngọn cỏ, có điều gì đâu mà nói ra cho mọi người nghe. Từ Tiết đêm nay đã chiếm thượng phong, mừng thầm vì nói không chừng sẽ được lòng mỹ nhân, nào chịu bỏ qua cơ hội này, nên cứ nài ép, „Hạng tiên sinh cho rằng pháp trị và đức trị cái nào có ưu thế hơn?" Hạng Thiếu Long thấy ánh mắt gã có ý giễu cợt, trong bụng hơi giận nên nói, „Không phải là vấn đề ưu điểm hay khuyết điểm, hay là có thông hay không, đức trị là một lý tưởng, giả sử trên thế gian này chỉ có thánh nhân và những kẻ lương thiện thì đâu cần dùng bất cứ thủ đoạn gì thì cũng có thể khiến cho mọi người tuân thủ pháp luật. Nhưng sụ thực rõ ràng không như vậy, điều này vĩnh viễn sẽ không trở thành sự thực, cho nên chúng ta phải có tiêu chuẩn về pháp luật để mọi người hiểu rõ, để quản thúc mọi người, khiến cho người ta tuân thủ, sau khi làm được điều này mới nói đến nhân nghĩa đạo đức, lễ nhạc giáo hóa, lời của tại hạ chỉ có thế thôi." Mọi người đều ngạc nhiên, đối với người của thế kỷ XXI mà nói, đó là một đạo lý mà ai cũng biết, nhưng đối với người thời này, điều này còn mới mẻ và triệt để hơn lý luận pháp trị của Hàn Phi tử. Kỷ Yên Nhiên hai mắt sáng lên, nhìn Hạng Thiếu Long như nuốt từng lời của gã. Hàn Phi tử cũng lộ vẻ trầm ngâm suy nghĩ rồi bất giác gật đầu. Trâu Diễn cũng yên lặng, hình như đang nghĩ đến điều gì đó. Từ Tiết đương nhiên không dễ dàng thua, nhưng cũng không dám khinh địch nữa nghiêm mặt nói, „Giả sử một đất nước mà chỉ dựa vào hình phạt để duy trì, vậy thì chẳng phải kẻ cầm quyền có thể tùy ý dùng hình phạt để áp bức người yếu ớt hay sao?" Bạch Khuê nói, „Có lễ tốt thì dân không dám không kính, có nghĩa tốt thì dân không dám không phục, có tín tốt thì dân không dám không dùng tình, đó là đạo làm vua. Nếu dùng hình tốt thì dân sẽ biến thành ra sao? Mong Hạng tiên sinh chỉ giáo cho." Hạng Thiếu Long cười ha ha, nhìn Kỷ Yên Nhiên rồi quay sang nói với Bạch Khuê và Từ Tiết, „Ðó chỉ là pháp trị chưa đủ triệt để mà thôi! Giao quyền thống trị cho quân chủ, giả sử trước pháp luật mọi người đều bình đẳng thì thiên tử thiên tử phạm pháp cũng trị tội như thứ dân, ví dụ bất cứ ai vô cớ giết người cũng đều phải chịu hình phạt, vậy thì còn ai tùy tiện giết người nữa? Tại hạ không phải nói là không cần đến nhân nghĩa đạo đức, những điều này là nền tảng tinh thần phía đằng sau pháp luật, ví như pháp trị và đức trị có thể kết hợp làm một thì mới đúng là đạo trị nước chân chính. Quyền lực tuyệt đối chỉ khiến cho người ta sa đọa tuyệt đối mà thôi." Khi gã nói đến chỗ vua phạm pháp cũng phải trị như thứ dân, Kỷ Yên Nhiên kêu a lên một tiếng. Hàn Phi hai mắt lập tức sáng lên, còn ngay cả những người khác bao gồm cả Ngao Ngụy Mâu trong đó cũng đều lộ vẻ ngạc nhiên. Nhất là hai câu cuối cùng giống như tiếng chuông gióng lên trong tự sâu thẳm lòng họ. Ðối với những người sống ở thời đại quân chủ này, đó quả thật là những lời nói kinh thiên động địa. Hạng Thiếu Long nghĩ bụng kiến thức của mình cũng chỉ đến đó thôi, nói nữa thì sẽ sai nên đứng dậy nói, „Thiển ý của tại hạ chỉ đến đó thôi, tại hạ còn có chuyện phải đi trước, xin cáo từ." Kỷ Yên Nhiên nhíu mày trách, „Tiên sinh vừa nói đến chỗ hay nhất thì lại phải đi à? Phải chăng là ngài đã chán ghét Yên Nhiên?" Trâu Diễn cố kéo gã ngồi xuống cười, „Hạng binh vệ đã khiến tại hạ có hứng thú nói rồi đấy. Trâu mỗ muốn thỉnh giáo cái gọi là pháp trị triệt để ngay cả đấng quân chủ cũng nằm trong số đó có thể thực hiện được không?" Long Dương quân nói, „Ðạo trị nước của Hạng huynh có lý tưởng hơn đạo trị nước bằng nhân nghĩa đạo đức của chúng tôi hay không?" Ngao Ngụy Mâu cười lạnh lùng, „Chẳng thực tế tí nào!“ Hạng Thiếu Long gượng cười, „Phải, bây giờ thì thực hiện không được, nhưng sau này sẽ có xuhướng như vậy, cuối cùng thì sẽ có một ngày xuất hiện cục diện tam quyền phân lập bao gồm lập pháp, chấp pháp và hành chính. Quân chủ đều do dân tuyển ra, lúc đó mới có... e... nước Pháp... ồ! Không, bác ái bình đẳng và tự do thật sự." Gã suýt tí nữa nói ra chuyện đại cách mạng của nước Pháp, may mà ngừng lại kịp. Mấy lời gã nói rất mới mẻ, mọi người nhất thời không tiêu hóa được, đối với những người sống trong chế độ quân chủ tập quyền, quả là những ý nghĩ khó mà chấp nhận được. Hạng Thiếu Long thấy mọi người đang nhíu mày, nghĩ bụng lúc này không đi thì đợi lúc nào, liền rời chỗ ngồi, thi lễ, „Tại hạ hồ ngôn loạn ngữ, mong các vị đừng để trong lòng." Nói xong quay đầu bỏ chạy, Kỷ Yên Nhiên gọi mà gã không thèm để ý.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang