[Dịch] Say Mộng Giang Sơn (Túy Chẩm Giang Sơn)

Chương 9 : Cô chủ quán mì

Người đăng: Ooppss

Giang cô nương nhanh nhẹn làm một tô mì lớn cho vị khách người Oa, chưa kịp cho gia vị vào thì nghe một giọng nói sang sảng vang lên: - Ninh tỷ, cho tiểu đệ một tô mì lớn nhe, cho thêm vào chút dầu ớt, tiểu đệ đói bụng quá. Giang đại cô nương nghe giọng nói liền biết là ai vừa tới, nàng cũng không ngẩng đầu lên gắt: - Tên tiểu tử thúi nhà ngươi, chờ một chút cũng không chết đói, nhằm lúc đông khách lại tới hối tỷ tỷ, cứ như quỷ chết đói đầu thai không bằng. Nói thì nói, nàng gắp thêm một gắp mì cho vào tô, bỏ chút ít hành thái nhỏ, chút hẹ, đổ lên một vài giọt dầu ớt chế từ cây thù du, sau đó liếc trộm mẹ già đang ngồi lúi húi canh lò lửa ở dưới, thấy bà không để ý liền vội lôi ra một bầu hồ lô nhỏ trong tạp dề, mở nắp rắc một ít tiêu vào tô mì. Tiêu xay lúc đó tương đối quý hiếm và mắc mỏ, ở mấy quán nho nhỏ ven đường không phải ai cũng được ăn, vị khách người Oa ở bên cạnh nhìn với ánh mắt thèm thuồng. Cô chủ quán mì và Mã Kiều là hai người đầu tiên Dương Phàm quen biết khi dọn đến ở Lạc Dương. Khi còn chân ướt chân ráo, hai người họ giúp đỡ chàng rất nhiều, nào mua đất dựng nhà, nào xin vào làm phường đinh... quan hệ của bọn họ rất tốt. Giang cô nương yêu thương coi chàng như em ruột, nhìn nàng Dương Phàm thấy thấp thoáng hình bóng của người chị yêu, do đó cũng coi nàng như chị ruột của mình. Cô chủ quán mì sau khi nhanh chóng rắc tiêu vào tô, nhìn mẹ già vẫn lúi húi châm củi không thấy hành động lén lút của mình, vừa đưa tô mì vừa dí dỏm le lưỡi nhìn Dương Phàm. Dương Phàm nhận tô mì, nói nhỏ tiếng cảm ơn, rồi lấy ra ba văn tiền đập lên bàn nói lớn: - Ba văn tiền! Mặt cô chủ quán sa sầm, nàng trừng mắt nhìn vẻ oán trách. Dương Phàm làm phường đinh tiền lương không nhiều, lại còn là trai độc thân nên không biết lo toan cuộc sống, chi tiêu hàng ngày không hề có kế hoạch, chật vật lắm mới không lâm vào cảnh túng quẫn, bởi vậy Giang Húc Ninh rất chiếu cố chàng, có thể phụ lo cho Dương Phàm được bữa nào hay bữa đó. Chàng thường đến quán ăn mì, Giang Húc Ninh hễ thấy mẹ không chú ý thì không thu tiền của chàng. Dương Phàm cũng không coi nàng là người ngoài, chàng vui vẻ nhận lãnh tấm lòng của tỷ tỷ, nhưng gần đây khi nói chuyện với Mã Kiều chàng biết được Ninh tỷ tỷ chịu khó vất vả mỗi ngày sớm tối chẳng qua là vì muốn dành dụm một chút của hồi môn. Theo tập tục thời Đường, nhà gái khi thành thân phải có của hồi môn thật hậu, gái nhà nghèo rất khó gả đi, cho dù xinh đẹp nết na, trừ phi gả cho người thô kệch nơi sơn dã nghèo rớt mùng tơi, còn không của hồi môn ít quá sẽ không tránh được việc nhà chồng xem thường, rồi làm khó làm dễ này nọ. Từ sau khi cha qua đời, cuộc sống hai mẹ con Giang Húc Ninh khá chật vật, gia cảnh vì đó sa sút. Cuối năm nay nàng muốn kết hôn, nhà chồng là Liễu gia ở phường Vĩnh Khang tuy không có công danh nhưng cũng là nhà dòng dõi Nho học. Hai mẹ con sợ của hồi môn ít nhà chồng sẽ xem thường, cho nên ba năm trước bắt đầu lo làm ăn buôn bán, dành dụm tiền bạc làm của hồi môn để khi nàng xuất giá không mất thể diện. Làm ăn buôn bán nhỏ kiếm tiền cũng không dễ dàng, Dương Phàm sao có thể nhắm mắt ăn chùa hoài cho được. Chàng cố ý nói lớn tiếng để Giang mẫu chú ý, miễn cho Giang tỷ tỷ khỏi phải đẩy đưa trả tiền lại. Dương Phàm cảm nhận được ý tốt của tỷ tỷ, bởi vậy nhìn Giang Húc Ninh mỉm cười như xin lỗi, sau đó mới bưng tô mì nóng hổi thơm ngào ngạt đến ngồi ăn trên một tảng đá dưới gốc cây. Có nhiều tảng đá được đặt dưới gốc cây, mấy quán nhỏ ở ven đường không có chỗ kê bàn để ngồi ăn, khách ở quán mì tự do muốn bưng đi đâu ăn thì đi. Mọi người đến quán đều là bà con láng giềng, mọi người vừa ngồi ăn vừa đấu láo đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, Dương Phàm rất ít nói chỉ chú ý lắng nghe, chàng là người rất biết lắng nghe. Tưởng cũng nên nhắc lại, Trương Bạo, cháu nội Cầu Nhiêm Khách, trong cơn giận đơn thân độc mã sấm sét đánh vào phủ đô đốc, chém đầu đô đốc Quảng Châu Lộ Nguyên Duệ, rồi ung dung cắp kiếm rời khỏi phủ lên thuyền ra khơi. Chẳng mấy chốc vụ việc lan truyền như sấm động, trở thành một trong những mẩu chuyện hành hiệp trượng nghĩa nổi danh trong lịch sử Đại Đường, nhưng tiếc là không ai biết tên tuổi của y, sách sử đời sau có ghi chép lại sự kiện này nhưng chỉ nói về một hiệp khách người Côn Luân vô danh. Trương Bạo đi lại vô tung vô ảnh, con người phóng khoáng tiêu sái, lại bị một tên ăn mày nhỏ Dương Phàm làm vướng bận. Y là con người thẳng thắn hào sảng, gặp chuyện bất bình ra tay nghĩa hiệp, nhưng cũng là một con người coi nặng thanh danh, không muốn vì chuyện của mình mà hại đến tánh mạng người khác, vì vậy đành phải mang theo Dương Phàm về Nam Dương. Dương Phàm ở Nam Dương vài năm theo sư phụ học tập võ nghệ, học chẳng bao lâu thành công, chàng gấp rút từ biệt sư phụ về lại Đại Đường. Sau khi trở lại Đại Đường, Dương Phàm trước tiên đi đến phủ Quảng Châu, tìm được một viên quan nhỏ ở trong phủ đô đốc Quảng Châu năm xưa, đáng tiếc thân phận của Bùi đại nương vô cùng thần bí, viên quan này chẳng biết gì. Hôm đó Lộ đô đốc tự mình đưa Bùi đại nương ra khỏi cửa phủ, cũng đúng ngày hắn bị vị hiệp khách người Côn Luân chặt đầu, bởi vậy cũng có một ít người nhớ mặt vị phu nhân kia, nhưng lại không biết rõ thân phận của bà ta. Dương Phàm bất đắc dĩ tạm phải bỏ qua việc tìm kiếm Nữu Nữu mà quay trở lại phủ Thiệu Châu. Nữu Nữu tuy làm nô tỳ, nhưng ở trong nhà giàu có, cơm áo không đáng lo, hơn nữa mẹ con Bùi đại nương nhìn cũng không phải là hạng chủ nhân đối đãi tàn khốc với hạ nhân, do đó tạm thời chắc cũng không sao. Tuy trước mắt không tìm được em, nhưng vừa vặn chàng sẽ không bị vướng bận tay chân vì còn có một chuyện khác phải làm, chàng phải tìm hiểu ngọn nguồn nợ máu toàn thôn bị sát hại vào năm Vĩnh Thuần thứ hai. Đầu mối duy nhất của chuyện xảy ra năm xưa chính là tướng mạo tên quan lại ác ôn cưỡi ngựa trên sườn núi lạnh lùng ra lệnh tàn sát toàn thôn. Tên quan mũi quặp như mũi ưng có hai nếp nhăn hằn thật sâu từ hai cánh mũi. Ở Thiệu Châu, chàng cũng không thu hoạch được gì, những năm gần đây các thế lực trong triều đấu đá khốc liệt, bên này thất thế bên kia thắng thế thay đổi xoành xoạch, quan lại bị bãi chức thậm chí mất mạng xảy ra thường xuyên. Viên thứ sử Thiệu Châu, người cho ra thông cáo tuyên bố toàn vùng núi quanh thôn Đào Nguyên phát sinh ôn dịch bị chém bêu đầu vì bị kết án có liên quan đến cuộc mưu phản của Từ Kính Nghiệp. Viên thông phán ở phủ Thiệu Châu năm đó cũng bị liên lụy, phải treo ấn từ quan trở về cố hương. Dương Phàm lần đến cố hương của y thăm hỏi, nhưng y lại hoàn toàn không biết tí gì về chuyện đã xảy ra, y chỉ biết duy nhất một chuyện: đám quan binh kia đến từ Lạc Dương, có lai lịch cực lớn đến nỗi thứ sử đại nhân cũng phải chùi đít thu dọn chiến trường cho bọn họ, tuy biết rõ huyết án thôn Đào Nguyên toàn bộ thôn dân bị tàn sát, nhưng phải dùng lý do ôn dịch bộc phát để che lấp, không dám báo cáo chi tiết về triều. Về phần lai lịch của mười một gia đình trong thôn, người nhà chưa bao giờ nói cho Dương Phàm biết, chàng cũng chưa bao giờ hoài nghi. Khi bé chàng chưa từng rời khỏi thôn nhà cho nên không hề cảm nhận được bản thân và sơn thôn của mình có gì khác lạ, chàng trước sau vẫn chỉ biết mình là một sơn dân bình thường. Khi lớn lên hiểu biết hơn đôi chút, Dương Phàm dần dần phát hiện mình sinh ra và lớn lên cùng cuộc sống của sơn thôn có nhiều điểm đáng ngờ, không bình thường chút nào. Không phải khi xảy ra vụ tàn sát chàng mới nhận ra điều đó, chàng thấy cuộc sống của cư dân trong thôn khác hẳn cuộc sống những cư dân của các sơn thôn chung quanh. Sơn cốc vô danh dường như chôn giấu rất nhiều bí mật, cha mẹ chàng, bà con hàng xóm láng giềng, mỗi người đều có xuất thân rất bí hiểm. Hơn nữa chiếu theo tài liệu hộ tịch chính thức, chàng hoàn toàn không tra được lại lịch trước đó của các trưởng bối trong thôn, hầu như hộ tịch của họ đều đã bị sửa đổi, thân phận kể cả tên họ đều là giả mạo. Tất cả mọi thứ đều do viên thứ sử đại nhân năm xưa một tay thu xếp sắp đặt, ngay cả vị thông phán mà Dương Phàm tìm thấy cũng không biết tình hình cụ thể, việc an trí mười một hộ gia đình đều do viên thứ sử một mình xử lý, không để bất cứ ai nhúng tay vào, điều này cho thấy có nhiều chuyện kỳ lạ ẩn giấu đàng sau. Người ở trong quan trường cũng không làm gì hơn được, với nguyên tắc biết thêm một chuyện không bằng biết bớt đi một chuyện, không viên quan nào chủ động đi tìm hiểu, mua thêm chuyện vào người. Dương Phàm không hỏi thêm được gì từ viên thông phán kia ngoại trừ tin tức hữu dụng duy nhất là lai lịch của đám quan binh kia. Đó chính là Long Vũ quân, cánh kỵ binh duy nhất trong cấm vệ quân của Đại Đường. Chính vì thế chàng tìm đến Lạc Dương, bỏ tiền ra mua một cái hộ tịch, dọn vào ở phường Tu Văn nơi có nhiều gia đình quan lại triều đình sinh sống và trở thành một phường đinh. Sau hơn nửa năm, chàng dần thích ứng với thân phận mới của mình, trở nên quen thuộc với hoàn cảnh cuộc sống ở Lạc Dương, nhưng việc trọng yếu là dò la tin tức vẫn không có kết quả gì. Tên quan văn mặc thanh bào để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí chàng, nhưng những người mà chàng tiếp xúc có thể không nhiều, hay có thể có địa vị không cao, do đó việc truy tìm tung tích không đi đến đâu. Chàng có thể dựa vào trí nhớ vẽ lại hình ảnh tên quan văn mà chàng khắc cốt ghi tâm kia, nhưng không thể cầm nó đứng ngay giữa phố mà hỏi thăm. Chàng hồi xưa không biết tí gì về cánh kỵ binh kia, điều tra manh mối từ giáp trụ của bọn họ, chàng có thể khẳng định đó là Long Vũ quân, khớp với tin tức thu được từ viên thông phán. Một cánh quân từ đông đô Lạc Dương ngàn dặm xa xôi lặn lội tới Thiệu Châu để tàn sát một cái thôn nhỏ, nhất định phải có một nguyên nhân trọng đại, một mục đích mà không thể để lộ cho ai biết, kẻ chủ mưu đàng sau nhất định phải là người quyền cao chức trọng. Nhưng kỳ lạ là sau hơn nửa năm điều tra nghe ngóng, chàng không tìm được một tí manh mối nào, chưa từng nghe nói tới một đám người có liên quan hay làm những chuyện táng tận lương tâm như vậy. Chàng cũng từng hoài nghi huyết án năm xưa là do triều đình gây ra, nhưng theo kết quả điều tra cẩn thận từng bước một, chàng từ từ loại bỏ khả năng này. Tất cả dấu vết đều không còn tồn tại, mọi đầu mối đều biến mất. Với sự quyết đoán của Vũ Hậu đương triều, vương gia tôn thất Lý Đường nhiều như vậy bà nói giết là giết, tịch thu tài sản, tàn sát cả nhà từ trên xuống dưới kể cả phụ nữ và trẻ em. Bà chưa từng cau mày nhăn mặt làm vẻ ta đây lần đầu giết người, cũng không cần che lấp giấu diếm việc tàn sát của mình. Thời gian qua, chàng vừa điều tra từ phía quan lại triều đình vừa nghe ngóng thêm tin tức từ phía dân chúng. Có nhiều chuyện không thể điều tra từ phía cửa quan, nhưng dân chúng trên phố đều biết tường tận. Đừng xem thường những người dân có thân phận hèn kém này, một số ít bọn họ có thể làm thuê, ở đợ, hay trông nom nhà cửa cho các gia đình quan lại giàu có, có người làm quản gia, có người làm đầu bếp, làm bà mụ... cho nên biết rất nhiều chuyện mà người ngoài không biết. Ngươi nghe ngóng điều tra ở chung quanh nhà của đám quan lại cũng không tìm được gì, nhưng lại có thể biết được từ miệng của những người dân hèn kém kia. Hứa Tiểu Kiệt, người dắt lừa thuê gõ "coong coong" hai cái vào chén cơm rồi bắt đầu hắng hắng giọng. Hứa Tiểu Kiệt là "người dắt lừa thuê", nhà có nuôi một con lừa đực, mỗi ngày y dắt lừa đến những chỗ phồn hoa náo nhiệt hay chờ ở cổng thành cho người khác thuê lừa để cưỡi hay chuyên chở hàng hóa, hành lý còn y thì đi bộ theo phía sau, vì vậy mọi người gọi y là "người dắt lừa thuê" Do công việc hàng ngày tiếp xúc với đủ mọi hạng người, Hứa Tiểu Kiệt thấy nhiều biết rộng, mỗi ngày y thường có một mẩu chuyện mới lạ kể cho mọi người nghe, y thường là người đầu tiên kể lại những câu chuyện trên trời dưới đất nghe được ngày hôm qua. - Khụ, khụ! Ngày hôm qua trong lúc dắt lừa mỗ nghe được một chuyện lý thú... Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang