[Dịch] Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chương 64 : Tính Tương Đối Của Các Thế Giới Quan

Người đăng: Mr. C

Ngày đăng: 10:55 01-09-2019

.
Có vô khối truyện cười minh họa tính tương đối của các quan điểm khác nhau: Một người Pháp bước vào quán rượu. Một con vẹt mặc bộ tuxedo đậu trên vai ông ta. Người pha rượu nói, “Ô, trông ngộ quá ha, ông kiếm được nó ở đâu đấy?” Con vẹt nói, “Ở Pháp. Ở bên đó có hàng triệu gã như gã này.” Nhà triết học Mỹ thế kỷhai mươi W.V.O.Quine viết rằng tiếng mẹ đẻ xác định thế giới quan của chúng ta, chính nó tạo nên khuôn khổ mà chúng ta không thể vượt ra ngoài để nhìn thế giới dưới ánh sáng khác. Chúng ta không thể dịch chính xác sang ngôn ngữ của mình một thuật ngữ từ thứ tiếng xa lạ. Chúng ta có thể thấy một người nói ngôn ngữ khác thốt lên “gavagai” khi chỉ vào vật thể mà chúng ta vẫn gọi là “con thỏ”, nhưng chúng ta không chắc ýanh ta muốn nói đến “món thịt thỏ hầm” hay là “chuỗi tiến hóa thỏ” hoặc cái gì khác liên quan đến thỏ. Hai người Do Thái vào ăn tối trong một tiệm cơm Tàu bán đồ chay. Anh hầu bàn người Hoa nói dăm câu với họ bằng tiếng Yiddish (Tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu.) trong khi họ xem thực đơn rồi sau đó nhận đặt món bằng tiếng Yiddish luôn. Khi ra về, hai người khách nói với người chủ tiệm Do Thái rằng thật là ngạc nhiên thú vị vì họ có thể nói chuyện với người hầu bàn bằng tiếng Yiddish. “Suỵt, khẽ thôi,” người chủ tiệm nói. “Hắn vẫn nghĩ là mình đang học tiếng Anh đấy.” Câu chuyện này minh họa chính xác quan niệm của Quine về các vấn đề căn bản của dịch. Anh hầu bàn người Hoa có thể ghép các từ Yiddish thành câu theo cùng một cách như những thực khách Do Thái. Tuy nhiên toàn bộ hiểu biết tiếng Yiddish của anh ta mắc một khuyết điểm trầm trọng: Anh ta nghĩ đó là tiếng Anh! Thậm chí bản thân quan niệm về cái gì được coi là ngoại ngữ cũng mang tính chất tương đối với người nói. Hãy xem câu chuyện sau đây của giới thương mại quốc tế: Một công ty đa quốc gia đăng quảng cáo tuyển thư ký. Một con chó giống Golden Retriever nộp đơn xin việc, đã qua được phần thử đánh máy, và được đưa vào phỏng vấn. Trưởng phòng nhân sự hỏi, “Mày có nói được ngoại ngữ nào không?” Chó Golden Retriever trả lời, “Meo!” Ở thời đại chúng ta, Michel Foucault tập trung vào một loại tính tương đối khác - tính tương đối của các giá trị văn hóa đối với quyền lực xã hội. Xã hội xác định các giá trị văn hóa của chúng ta, đặc biệt những gì chúng ta coi là tiêu chuẩn, và kiểm soát việc thực hiện chúng. Ai bị coi là mắc bệnh tâm thần? Ai xác định điều đó? Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người bị xác định mắc bệnh tâm thần? Và có ý nghĩa đối với những người kiểm soát họ? Ai là người phải kiểm soát họ? Câu trả lời cho các câu hỏi này thay đổi tùy thời gian, khi thiết chế quyền lực trong xã hội thay đổi. Có thời, việc kiểm soát nằm trong tay giới tăng lữ, ở thời khác, trong tay các bác sĩ. Điều này thể hiện ngụ ý của xã hội về cách chữa trị cái gọi là bệnh tâm thần. Điểm cốt yếu là những giá trị chúng ta vẫn coi như vĩnh cửu và tuyệt đối thực ra chỉ mang tính tương đối trong dòng chảy liên tục của lịch sử, phụ thuộc vào việc quyền lực ở trong tay ai và được họ sử dụng như thế nào. Pat: Milke này, tớ đang chạy xe trên đường cao tốc và gọi cho cậu bằng điện thoại di động mới đấy. Mike: Cẩn thận nhé, Pat. Radio vừa thông báo có một thằng khùng đang chạy ngược chiều trên đường cao tốc. Pat: Một thằng khùng á? Mẹ kiếp, ở đây đang có hàng trăm thằng kia kìa! Xét một cách thuần túy lí trí, thì Pat chính là thằng cha mà radio nhắc đến. Nhưng theo tương quan từ góc nhìn của anh ta, thì hàng trăm người khác mới chạy sai đường. Vậy tại sao câu chuyện trở thành hài hước, mà không chỉ là một minh họa thuần túy về sự va chạm của các quan điểm khác nhau? Bởi vì theo Foucault, nhà nước đã có luật quy định đi theo hướng nào là đúng. Thêm một mối băn khoăn khác của các triết gia từ thời Plato là tính tương đối giữa các giá trị tạm thời và các giá trị vĩnh hằng. Và lần nữa, vấn đề được đặt vào tầm ngắm của truyện cười: Ngày xưa có một ông nhà giàu sắp chết, ông ta hết sức đau lòng vì phải chia lìa với đống tài sản đã khó nhọc cả đời mới kiếm được, nên chỉ ao ước có thể mang chúng theo lên Thiên đường. Bởi vậy, ông ta liền cầu nguyện để xin được phép mang theo một ít của cải. Nghe thấy lời cầu xin đó, một thiên thần hiện ra trước ông ta. “Ta rất tiếc, nhưng ngươi không thể mang của cải theo.” Ông nhà giàu khẩn nài thiên thần hãy nói với Chúa để xem Ngài có thể uốn cong luật lệ một chút không. Thiên thần lại hiện ra và thông báo rằng Chúa đã quyết định ban ngoại lệ và cho phép ông ta mang theo một chiếc vali. Quá vui mừng, ông ta lấy ra chiếc vali to nhất, nhét đầy những thỏi vàng ròng, và đặt nó bên cạnh giường. Ít lâu sau, ông nhà giàu chết và xuất hiện trước cổng thiên đường. Thánh Peter nhìn chiếc vali và nói, “Dừng lại, ngươi không được mang cái đó vào đây!” Ông nhà giàu bèn giải thích với Thánh Peter rằng ông ta đã được phép và xin Thánh hỏi lại Chúa. Lát sau, Thánh Peter quay trở lại và nói, “Ngươi nói đúng, ngươi được phép mang theo một túi xách, nhưng ta phải kiểm tra bên trong trước khi cho nó qua.” Thánh Peter mở vali để kiểm tra những của cải trần thế mà người kia thấy quá quý báu không nỡ bỏ lại, và thốt lên, “Ngươi mang theo đá lát đường à?”
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang