[Dịch] Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar
Chương 59 : Các Triết Thuyết Kinh Tế Học
Người đăng: Mr. C
Ngày đăng: 10:53 01-09-2019
.
Trong câu đầu tiên của cuốn sách kinh điển của Robert Heilbroner về các nhà lý thuyết kinh tế học, Các triết gia thế gian, tác giả thú nhận rằng đây là cuốn sách về “một số người có tham vọng kỳ lạ về danh tiếng”. Đúng thế, ngay cả kinh tế học cũng có các triết gia của riêng nó.
Triết gia kinh tế người Scotland Adam Smith viết cuốn Nghiên cứu bản chất và nguồn gốc tài sản quốc gia trong cùng năm Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Tác phẩm này đã hình thành bản thiết kế cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.
Theo Smith, một trong những sức mạnh của chủ nghĩa tư bản là nó cổ vũ sáng tạo kinh tế. Dường như những lợi ích cá nhân có khả năng kích thích tư duy không kém gì một cảnh tượng tử hình treo cổ.
Một người bước vào ngân hàng nói rằng ông ta muốn vay 200$ trong sáu tháng. Nhân viên tín dụng hỏi ông ta có gì để thế chấp. Người kia nói, “Tôi có chiếc Rolls Royce. Chìa khóa của nó đây. Các ông hãy giữ nó đến khi nào tôi trả xong nợ.”
Sáu tháng sau, người ấy quay lại ngân hàng, trả 200$ nợ cộng thêm 10$ tiền lãi và nhận lại chiếc Rolls Royce. Nhân viên tín dụng hỏi, “Thưa ngài, cho phép tôi hỏi, tại sao một người đi Rolls Royce mà lại cần vay 200$?”
Người kia trả lời, “Tôi phải sang châu Âu sáu tháng, và tôi có thể gửi chiếc Rolls Royce ở đâu trong thời gian lâu như thế mà chỉ mất có 10$?”
Theo lý thuyết của chủ nghĩa tư bản, “nguyên tắc của thị trường” điều tiết nền kinh tế. Chẳng hạn, kiểm soát tốt hàng hóa có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một doanh nghiệp.
Người phỏng vấn: Thưa ngài, ngài đã gây dựng được một sản nghiệp đáng kể trong suốt cuộc đời mình. Ngài làm ra tiền bằng cách nào?
Tỷ phú: Tôi làm ra tất cả số tài sản đó bằng việc kinh doanh chim bồ câu đưa thư.
Người phỏng vấn: Chim bồ câu đưa thư! Thật hấp dẫn! Ngài đã bán được bao nhiêu con?
Tỷ phú: Tôi chỉ bán một con, nhưng nó cứ quay về hoài.
Khi chủ nghĩa tư bản tiến hóa, triết học kinh tế đã phải cố chạy theo để bắt kịp. Đổi mới thị trường đã đưa đến những vấn đề phức tạp mà Adam Smith và các nhà triết gia kinh tế kinh điển chưa tưởng tượng ra. Chẳng hạn, bảo hiểm y tế đã tạo ra một bối cảnh trong đó lợi ích cao nhất của người mua là không nhận về số tiền của mình. Nếu bạn nói với một tay môi giới hàng về việc mua thịt lợn, thì thứ anh ta nghĩ đến sẽ không phải là những con lợn, mà là một hợp đồng giao dịch tương lai. Xổ số là một sự đổi mới tương tự, trong đó các quy luật kinh điển về thị trường dường như không hoàn toàn thích hợp.
Jean-Paul, một người Cajun, chuyển đến Texas và mua một con lừa của một ông già nông dân với giá 100$. Người nông dân đồng ý đem con lừa đến vào hôm sau.
Hôm sau, người nông dân đến và nói, “Xin lỗi, nhưng tôi có một tin xấu: con lừa chết rồi.”
“Thôi được, thế thì trả lại tiền cho tôi.”
“Không được. Tôi tiêu hết mất rồi.”
“Thôi được, thế thì bỏ con lừa xuống đây.”
“Anh định làm gì với nó?”
“Tôi dùng nó làm phần thưởng xổ số.”
“Anh không thể dùng một con lừa đã chết làm phần thưởng xổ số!”
“Chắc chắn tôi làm được. Cứ chờ xem. Tôi sẽ không nói với ai là nó đã chết.”
Một tháng sau, người nông dân gặp lại anh chàng Cajun và hỏi, “Chuyện gì xảy ra với con lừa chết ấy?”
“Tôi dùng nó làm phần thưởng xổ số. Tôi bán 500 vé, mỗi vé 2$ và được lời 898$.”
“Không có ai phàn nàn à?”
“Có anh chàng trúng số. Bởi vậy tôi trả lại anh ta 2$.”
Các nhà kinh tế học cổ điển cũng không chú ý lắm đến cái mà ngày nay chúng ta gọi là “giá trị ẩn”, chẳng hạn như lao động không được trả công của các bà mẹ ở nhà. Cậu chuyện sau đây minh họa khái niệm giá trị ẩn:
Một nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng đang dạo bước trên phố thì chợt thấy có con mèo nhem nhuốc đang liếm sữa trong đĩa bên lối vào một cửa hàng. Nhìn kỹ, ông ta nhận ta cái đĩa rất cổ và rất có giá trị, bèn làm ra vẻ tình cờ bước vào cửa hàng và ngỏ ý muốn mua con mèo với giá hai đô la.
Chủ cửa hàng trả lời, “Xin lỗi, nhưng con mèo đó không phải để bán.”
Nhà sưu tầm nói, “Làm ơn đi, tôi cần một con mèo đó ở nhà để bắt chuột. Tôi sẽ trả ông hai mươi đô la cho con mèo đó.”
Người chủ nói, “Vâng tôi bán,” và đưa con mèo cho nhà sưu tầm.
Nhà sưu tầm tiếp tục, “Này, với hai mươi đô la, không hiểu ông có vui lòng quẳng thêm chiếc đĩa cũ kia không. Con mèo đã quen với nó và tôi đỡ tốn công đi kiếm một chiếc đĩa.”
Người chủ nói, “Xin lỗi, ông bạn, nhưng nó là chiếc đĩa may mắn của tôi. Cho đến tuần này tôi đã bán được ba mươi tám con mèo rồi.”
Xứng đáng với danh tiếng của mình, Adam Smith đã thấy trước những tảng đá ngầm của chủ nghĩa tư bản tự do, chẳng hạn như sự lớn mạnh của các tổ chức độc quyền. Nhưng chỉ có Karl Marx ở thế kỷ mười chín mới có thể xây dựng được triết thuyết kinh tế tấn công vào tình trạng phân phối phúc lợi bất công trong chính hệ thống chủ nghĩa tư bản. Sẽ xảy ra một cuộc cách mạng, và chính quyền của những người vô sản sẽ xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo tác động đến tất cả các lĩnh vực xã hội - từ chế độ sở hữu đến lòng tin.
Cách đây không lâu, chúng tôi sang Cuba để mua một ít xì gà rẻ không được nhập khẩu vào Mỹ vì lệnh cấm vận. Khi dừng chân ở một câu lạc bộ hài kịch ở Havana chúng tôi nghe được mẩu đối thoại sau đây:
José: Một thế giới mới điên rồ làm sao! Người giàu, có thể trả tiền mặt, thì được mua chịu (mua bằng thẻ tín dụng). Người nghèo, không có tiền, lại phải trả tiền mặt. Chẳng phải Marx đã nói cần phải lật ngược lại hay sao? Nên cho phép người nghèo mua chịu, còn người giàu phải trả tiền mặt.
Manuel: Nhưng nếu các chủ cửa hàng bán chịu cho người nghèo thì chẳng bao lâu chính họ cũng sẽ thành người nghèo!
José: Thế càng tốt! Khi đó họ cũng có thể mua chịu!
Theo Marx, chuyên chính vô sản tiếp sau cách mạng sẽ kéo theo “sự suy tàn của nhà nước”. Chúng tôi vẫn nghĩ Marx phải chịu tai tiếng là một kẻ vô chính phủ cực đoan.
___oOo___
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện