[Dịch] Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chương 49 : Triết Học Ngôn Ngữ Thông Thường

Người đăng: Mr. C

Ngày đăng: 10:50 01-09-2019

.
Ludwig Wittgenstein [Ludwig Josef Johann Wittgenstein (1889-1951), nhà triết học người Áo, có đóng góp quan trọng trong triết học tâm thức và triết học ngôn ngữ thế kỷ hai mươi] và các môn đệ của ông ở Đại học Oxford giữa thế kỷ hai mươi tuyên bố rằng những vấn đề triết học kinh điển - ý chí tự do, sự tồn tại của Chúa, vân vân - gây bối rối chỉ vì chúng được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ rắc rối khó hiểu. Công việc của họ với tư cách triết gia là gỡ những nút rối ngôn ngữ, điều chỉnh các câu hỏi, và làm những việc thiết thực nhất có thể làm cho bất kỳ câu đố nào: giải quyết nó. Chẳng hạn, ở thế kỷ mười bảy, Descartes tuyên bố rằng con người được hợp thành bởi tinh thần và thể xác - với tinh thần như bóng ma trong một cỗ máy. Hàng thế kỷ sau, các nhà triết học vẫn bối rối không hiểu bóng ma này là loại sự vật gì. Một học trò của Wittgenstein ở Đại học Oxford là Gilberg Ryle nói thẳng, “Câu hỏi sai! Nó không là loại sự vật nào cả, bởi vì nó không hề là một sự vật. Nếu nhìn vào cách chúng ta mô tả cái gọi là những sự kiện tinh thần, có thể thấy rằng ngôn từ của chúng ta thực sự chỉ là những ký hiệu ước lệ để mô tả hành vi. Không mất mát gì cả, nếu chúng ta quẳng đi từ ngữ dùng để xác định ‘nơi’ được coi là từ đó hành vi xuất hiện.” Gilly thân mến, ông thực sự cho rằng vấn đề đã được giải quyết ư? Đôi vợ chồng trẻ trong câu chuyện sau đây rõ ràng cần điều chỉnh lại câu hỏi của họ: Một cặp vợ chồng son chuyển đến căn hộ mới và quyết định thay giấy dán tường phòng ăn. Họ sang thăm bác hàng xóm có phòng ăn cùng kích thước và hỏi, “Bác mua bao nhiêu cuộn giấy khi dán tường căn phòng này.” “Bảy,” bác hàng xóm đáp. Đôi vợ chồng bèn đi mua bảy cuộn giấy đắt tiền, và bắt đầu dán tường. Mới dùng đến cuộn giấy thứ tư thì các bức tường phòng ăn đã được dán kín. Bực bội, họ chạy sang nhà hàng xóm ca cẩm, “Chúng tôi nghe lời bác, nhưng mới dùng hơn ba cuộn giấy đã dán xong hết cả phòng rồi.” Bác hàng xóm kinh ngạc, “Vậy sao! Các vị cũng bị thế à?” Ôi! ___oOo___ Nhà thơ Gertrude Stein nằm trên giường hấp hối; bạn tình của bà là Alice B. Toklas ghé xuống thì thầm, “Câu trả lời là gì vậy, Gertrude?” Stein đáp, “Thế câu hỏi là gì vậy?” *** Wittgenstein quy kết mọi vấn đề của triết học phương Tây cho cái mà ông gọi là “sự phù phép của ngôn từ”, ý nói ngôn từ có thể khiến chúng ta sa vào lẫn lộn phạm trù hiện tượng. Chúng ta bị che mắt bởi hình thức cú pháp của các câu hỏi triết học. Chẳng hạn trong tác phẩm lớn của mình, Hữu thể và thời gian, Heidegger luận về “hư vô” như thể định danh nó là một sự vật phi thường nào đó. Đây là một thí dụ tương tự về sự rắc rối của ngôn ngữ: “Freddy, chúc anh sống lâu trăm tuổi, cộng thêm khoảng ba tháng.” “Cám ơn anh, Alex. Nhưng sao lại ba tháng?” “Tôi không muốn anh chết đột ngột.” Nếu bạn nghĩ Alex bị ngôn ngữ phù phép, thì hãy xem Garwood trong câu chuyện sau đây: Garwood than thở với bác sĩ tâm thần rằng anh không sao kiếm được bạn gái. “Có gì lạ đâu!” bác sĩ tâm thần nói. “Người cậu hôi quá!” “Ông cứ nói thế,” Garwood phản ứng. “Tại công việc của tôi đấy chứ. Tôi làm ở rạp xiếc, trông voi và dọn chất thải của chúng. Dù tắm rửa kì cọ thế nào đi nữa vẫn cứ bị ám mùi hôi.” “Vậy thì bỏ việc ấy đi và kiếm một việc khác!” bác sĩ tâm thần khuyên. “Ông có điên không?” Garwood cãi. “Thế thì từ bỏ cả nghề diễn à?” Garwood đã lẫn lộn nghĩa rộng của “nghề diễn” là hoạt động dưới ánh đèn sân khấu với trường hợp cụ thể của anh ta là dọn phân voi. Theo các nhà triết học ngôn ngữ thông thường, ngôn ngữ có nhiều hơn một mục đích, và được sử dụng khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau. Nhà triết học John Austin của Đại học Oxford chỉ ra rằng khi nói “Tôi hứa” là hoàn toàn khác về mặt ngôn ngữ với “Tôi vẽ”. Nói “Tôi vẽ” không phải là cùng một sự việc “vẽ”, nhưng nói “Tôi hứa” là cùng một sự việc với “hứa”. Việc dùng ngôn ngữ chỉ thích hợp trong khung ngôn ngữ học vào một khung ngôn ngữ khác là nguyên nhân gây ra những rối rắm triết học và những nan đề giả, cũng có thể gọi theo cách khác là chính lịch sử triết học. Các nhà triết học ngôn ngữ thông thường cho rằng cuộc đấu tranh triết học kéo dài nhiều thế kỷ về niềm tin vào Chúa đã lớn vượt ra ngoài nỗ lực đóng khung vấn đề này như một sự kiện thực tế. Họ nói rằng ngôn ngữ tôn giáo là một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Một số người nói rằng nó là một ngôn ngữ định giá giống như loại mà các nhà phê bình điện ảnh Ebert và Roeper dùng, “Tôi tin Chúa” thật ra chỉ có nghĩa là “Tôi tin những giá trị nhất định mà tôi giơ cả hai tay tán thành”. Những người khác nói rằng ngôn ngữ tôn giáo biểu hiện tình cảm. “Tôi tin Chúa” có nghĩa là “Khi tôi trầm tư về vũ trụ, tôi sởn da gà!” Không ngôn ngữ nào trong hai ngôn ngữ này dẫn đến tình trạng rối ren về triết học mà anh vấp phải vì nói “Tôi tin Chúa”. Phù! Câu đố được giải! Và 2.500 năm triết học tôn giáo đi vào bế tẳc. Trong câu chuyện sau đây, Goldfinger và Fallaux đang nói trong hai ngữ cảnh khác nhau. Việc hai người nói bằng hai ngôn ngữ khác nhau cũng không làm thay đổi ý nghĩa câu chuyện. Goldfinger du ngoạn trên biển. Đêm đầu tiên, anh dùng bữa tối với quý ông Fallaux người Pháp. Ông này nâng ly cụng với Goldfinger và nói, “Bon appétit!” Goldfinger nâng ly đáp, “Goldfinger!” Việc này cứ lặp đi lặp lại, hết bữa này sang bữa khác, trong suốt cả chuyến đi. Cuối cùng người quản lý tàu không chịu nổi nữa, và giải thích với Goldfinger rằng “Bon appétit” tiếng Pháp có nghĩa là “Chúc ngon miệng”. Goldfinger rất xấu hổ và nóng lòng đợi đến bữa ăn sau để chuộc lại sai lầm. Thế rồi trước khi Fallaux cất lời, Goldfinger nâng ly và nói, “Bon appétit!” Và Fallaux đáp lại, “Goldfinger!” Các câu chuyện với những nhân vật có toan tính khác nhau dưới đây cung cấp những tình huống ngốc nghếch tương tự về sự khác biệt khung ngôn ngữ gây rối giao tiếp như thế nào. Tommy đến xưng tội và nói với cha đạo rằng, “Xin hãy cầu nguyện cho con, thưa Cha, vì con là kẻ có tội. Con đã dính vào một ả đàn bà phóng đãng.” “Con ư. Tommy?” cha đạo hỏi. “Dạ, chính con thưa Cha.” “Con dính với ai thế, Tommy?” “Tốt hơn là con không nên nói, thưa Cha.” “Có phải Bridget không?” “Không, thưa Cha.” “Có phải Colleen không?” “Không, thưa Cha.” “Có phải Megan không?” “Không, thưa Cha.” “Thôi được, Tommy. Hãy đọc bốn lần kinh lạy Cha, bốn lần kinh lạy Đức Mẹ Maria.” Khi Tommy ra ngoài, anh bạn Pat hỏi cuộc xưng tội diễn ra như thế nào. “Hay lắm,” Tommy nói. “Tớ được bốn lần kinh lạy Cha, bốn lần kính lạy Đức Mẹ Maria, và ba gợi ý tuyệt vời!” Trong câu chuyện dưới đây, vị linh mục bị nhốt trong hiểu biết riêng của ông về khuôn khổ cuộc trao đổi mà ông tiến hành trong buổi xưng tội và không thấy được khả năng có một khuôn khổ khác. Một người đàn ông bước đến gần bục xung tội và nói với cha đạo. “Thưa Cha, tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi, và đêm qua tôi làm tình với hai cô gái hai mươi tuổi - cùng một lúc.” Cha đạo hỏi, “Ông đến xưng tội lần cuối khi nào?” Người đàn ông nói, “Tôi chưa đi xưng tội lần nào, thưa Cha. Tôi là người Do Thái.” Cha đạo hỏi, “Thế sao ông lại nói với tôi?” Người đàn ông nói, “Tôi nói chuyện này với tất cả mọi người!” Có rất nhiều truyện cười dựa trên nghĩa kép, trong đó một câu được đặt sang khung ngôn ngữ khác sẽ có nghĩa khác hẳn. Trên thực tế, chính độ rung giữa hai khuôn khổ tạo ra tiếng cười. Trong một quán bar, một người chơi piano có một con khỉ đi vòng quanh nhận tiền thưởng. Trong khi nghệ sĩ piano đang chơi, con khỉ nhảy tót lên quầy rượu, bước đến gần một ông khách và ngồi lên ly rượu của ông ấy, để hòn dái nhúng vào rượu, ông khách điên tiết, đến gần người chơi piano và nói, “Anh có biết con khỉ của anh ngâm bi vào cốc martini của tôi không?” Người chơi đàn nói, “Không, anh bạn ạ, nhưng ngân thêm vài nhịp nữa đi, có lẽ tôi sẽ chơi được.” Nhiều câu đố cố gài bẫy làm chúng ta tưởng rằng mình đang ở trong một khung ngôn ngữ, trong khi thực ra chúng ta đang ở trong một khung ngôn ngữ hoàn toàn khác. “Cái gì thừa trong danh sách này: herpes (bệnh mụn rộp), gonorrhea (bệnh lậu), hay một condominium (chung cư) ở Cleveland?” “Rõ ràng là condo.” “Sai, gonorrhea. Đó là cái duy nhất cậu có thể bỏ được.” Triết học ngôn ngữ thông thường bị phê phán như những trò chơi chữ thuần túy, nhưng Wittgenstein tin chắc rằng sự lẫn lộn khung ngôn ngữ có thể dẫn đến hậu quả cực kỳ tai hại. Billingsley đến thăm bạn, Hatfield, đang bệnh nặng ở bệnh viện. Khi Billingsley đứng bên giường, bệnh trạng của Hatfield trở nên xấu đi, và anh ta rối rít ra hiệu lấy cái gì cho anh viết lên. Billingsley đưa cho anh ta một chiếc bút và một mảnh giấy, và Hatfield cố thu chút hơi tàn viết nguệch ngoạc đôi dòng chữ. Vừa viết xong thì anh chết. Billingsley bỏ mảnh giấy vào túi, quá đau đớn nên không thể đọc ngay lúc đó. Mấy ngày sau, khi đang nói chuyện với gia đình bên thi hài người chết thì Billingsley nhớ ra mảnh giấy đang ở trong túi áo vest anh đang mặc. Anh nói với tang gia, “Hat trao cho tôi mấy chữ trước khi anh ấy chết. Tôi chưa đọc, nhưng tôi biết anh ấy, đây chắc là những lời động viên an ủi tất cả chúng ta.” Và anh đọc to, “ ‘Anh đang giẫm lên ống dẫn ôxy của tôi!’ ” Điều trớ trêu là một trào lưu triết học đấu tranh vì sự sử dụng chính xác ngôn ngữ đã ra đời trong cộng đồng dân Anh, trong khi có vô khối truyện cười châm biếm thực tế rằng họ thường xuyên bị rối trí vì ngôn ngữ. Một giáo dân đến thăm vị linh mục của một xứ đạo thuộc Giáo hội Anh, và nói rằng, “Thưa cha, gần đây con biết một bài thơ hài hước rất vui mà chắc cha cũng thích, nhưng con xin báo trước, nó hơi thô tục đấy ạ.” “Ồ, bình thường thôi,” cha đạo nói. “Thỉnh thoảng cha cũng chẳng quan tâm nếu có đôi chút tục tĩu.” “Vâng, nó thế này: Có chàng trai trẻ tên Mắm thối, Cùng một thiếu phụ dùng bữa tối. Họ ngồi ăn Vào lúc chập tối, Và lúc 9:45, nó vào trong nàng. “Cái gì vào trong nàng?” linh mục hỏi. “Bữa ăn tối ấy à?” “Không, thưa cha, đó là Mắm thối. Mắm thối vào trong nàng.” “Ôi, lạ nhỉ, phải. Chuẩn! Rất hay.” Vài tuần sau, ngài giám mục đến thăm linh mục, và linh mục nói, “Thưa Đức giám mục, một giáo dân của con kể cho con nghe một bài thơ hài hước rất hay mà con rất muốn kể lại với cha, nếu cha không phiền nó hơi dâm một tí.” “Đọc đi,” Giám mục nói. “Nó như thế này,” linh mục nói: Có chàng trai trẻ tên Séc-măng-tuya, Cùng một thiếu phụ dùng bữa khuya. Đầu tiên họ uống trà Vào lúc gần khuya, Và lúc 3:45, nó lên nàng. “Lên nàng?” Giám mục nói. “Cái gì lên nàng? Bữa ăn hả?” “Không, không, thưa Giám mục. Thật ra, đó là một người hoàn toàn xa lạ tên là Mắm thối.” Và chính những người này dạy triết học ngôn ngữ thông thường cho chúng ta chăng? ___oOo___ Chúng ta đang quan sát cuộc thảo luận căng thẳng giữa Wittgenstein và một nhà triết học truyền thống hơn, có thể phân biệt rõ nhờ chuỗi hạt trai cổ điển trên cổ bà. Có thể nhận ra rằng nữ triết gia truyền thống thấy “Anh yêu em” và “Anh yêu iem” là hai lối diễn đạt tương đương. Wittgenstein thì thấy cần thiết phải chỉnh lại ý kiến của bà ta bằng cách giải thích rằng ý nghĩa của một từ được xác định bởi quy tắc sử dụng nó. Bởi vì hai lối diễn đạt “Anh yêu em” và “Anh yêu iem” được sử dụng rất khác nhau trong ngôn ngữ thông thường, nên chúng có nghĩa rất khác nhau, và đồng thời cũng có ngụ ý xã hội rất khác nhau. *** Image: "Anh chưa bao giờ nói 'Anh yêu em'. Anh nói 'Anh yêu iem'. Khác nhau lắm."
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang