[Việt Nam] Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 47 : Di Thư

Người đăng: 

.
Lý Hạo cảm thấy có chút hy vọng, quay đầu ra sau, nháy mắt với Lý Thông. Lý Thông rút lệnh bài có khắc chữ bên trên là “Điện Tiền Chỉ Huy Sứ”, bên dưới là “Túc vệ quân”. Rồi ngoắc tay cho bốn tên thuộc hạ cởi khăn đen quấn trên đầu, để lộ ra ba chữ “Thiên tử quân” được xăm trên trán. Là con trai của lão đại thần cựu triều, người thư sinh vốn học nhiều hiểu rộng, sao có thể không biết được ý nghĩa của những chữ ấy. Hắn hoảng vía, run run giọng: “Ngài là...” “Điêu dân to gan, gặp hoàng thượng sao không quỳ?” Âm thanh the thé cất lên, Lê Việt Công cong ngón tay chỉ tới. Từ trên ghế ngồi, người thư sinh tuột mải xuống đất, vội quỳ sụp xuống vừa định tung hô thì người râu quai nón nghe tiếng quát tháo, ở trong nhà chạy ra. Người râu quai nón thấy em trai quỳ gối hoảng sợ, ngỡ rằng em trai bị bắt nạt, hắn chẳng nói chẳng rằng vung tay đấm tới Lý Thông đang đứng ở gần nhất. Nhìn thấy tình huống bất ngờ xảy ra, người thư sinh vốn bệnh tật yếu đuối, lại đang cúi đầu quỳ gối, nên không kịp nhận biết mà ngăn cản lại. Lý Thông hừ lạnh, cũng đấm thẳng vào quyền đầu của người râu quai nón. Hai quyền chọi nhau, cả hai cùng lùi về sau một khoảng, tuy nhiên người râu quai nón bị loạng choạng không giữ được thăng bằng, đổ uỵch vào tường nhà. Còn Lý Thông chỉ cảm thấy nắm đấm tê rần, đưa tay lên nhìn đã thấy ửng đỏ các đốt ngón tay. Lý Thông không ngờ được thần lực của người râu quai nón cũng không hề kém cạnh mình bao nhiêu. Chỉ tại chưa được minh sư dạy dỗ nên võ công của người râu quai nón vẫn còn thua Lý Thông một khoảng xa lắc. “Anh cả không được vô lễ, đó là hoàng thượng, mau mau quỳ xuống, dập đầu nhận tội với em.” Người thư sinh chạy lại dìu người râu quai nón lên, ấn người cho người râu quai nón quỳ xuống. “Hoàng thượng, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế. Hoàng thượng chớ trách, là anh cả của thảo dân không biết, nên mới làm điều lỗ mãng. Kính mong hoàng thượng tha tội.” Người thư sinh cúi gằm đầu sát đất, hô lớn xin tha. “Không sao, cả hai đứng lên đi, trẫm không trách chuyện nhỏ nhặt ấy.” Lý Hạo vung tay cười lớn. Được hoàng thượng đại xá, tâm lý người thư sinh như giải thoát, tuy nhiên khi đứng lên, hắn vẫn còn run rẩy, khuôn mặt trắng bệch đã chuyển thành màu xanh tàu lá chuối, mồ hôi lăn từng giọt hai bên má, hắn biết ý nghĩa của hành động khi quân phạm thượng sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp như thế nào. Người râu quai nón biết người trẻ tuổi ngồi trước mặt là hoàng thượng, trong lòng chỉ cảm thấy ngạc nhiên, hoàng thượng bận trăm công ngàn việc, lại rảnh rỗi đến nhà mình ngồi chơi, uống nước trà. Chuyện lạ năm nào cũng có, riêng năm nay đặc biệt nhiều. Vốn dĩ hắn là người đơn giản, thuần phác, cũng không quá câu nệ hành động phạm thượng ban nãy trong lòng. Hắn đứng một bên thản nhiên nhìn hết người này đến người kia, nhất là người đã đánh ngã hắn vừa rồi. Sau một hồi lâu trấn an và hỏi han mọi chuyện. Qua lời kể của hai anh em, Lý Hạo mới hiểu rõ đôi chút về hoàn cảnh của gia đình nhà Trần Trung Tá. Từ khi cáo lão từ quan, Trần Trung Tá lui về ở ẩn và đi hành nghề gõ đầu trẻ, kiếm sống qua ngày. Ông có tất cả ba người con, hai trai một gái. Người con trai cả là gã râu quai nón tên Trần Trung Vũ. Người con trai thứ hai là thư sinh bệnh hoạn Trần Trung Văn. Và người con gái út tên là Trần Huyền Trân lúc này đang thay anh hai đi dạy học. Bình thường, toàn là Trần Trung Văn đi dạy, nhưng hôm nay hắn thấy trong người không khỏe nên nhờ em gái đi dạy thay. Do phải chăm sóc người vợ đau yếu liên miên, lại thêm cả căn bệnh phổi của đứa con trai thứ hai mới nhiễm cách đây hơn năm mà hoàn cảnh gia đình càng lúc càng khốn khó. Nghề gõ đầu trẻ đâu có kiếm được bao nhiêu tiền, không thể trang trải mọi phí tổn nuôi hai người đau yếu. Khi người vợ không cầm cự nổi đã qua đời vào đầu năm nay, còn lại Trần Trung Tá vì quá thương nhớ người vợ quá cố, cũng đổ bệnh qua đời. Hiện tại, chỉ còn ba anh em sống nương tựa vào nhau. Trần Trung Vũ thường ra khỏi thành chặt cây kiếm củi, hoặc đi làm các việc nặng nhọc mà những người hàng xóm láng giềng xung quanh thuê mướn. Trần Trung Văn lại nối nghiệp cha đi dạy học. Đứa con gái út Trần Huyền Trân thì quán xuyến việc nhà cơm nước cho hai người anh. Đại khái hiểu được câu chuyện bi đát của gia đình Trần Trung Tá, Lý Hạo bi thương nói: “Thật cực khổ cho Trần đại nhân, một đại trung thần như thế lại sa cơ lỡ vận tới cảnh tượng như vầy. Ừm, nếu đã biết rõ thân phận của trẫm. Chẳng hay cha của khanh có lưu lại di vật nào liên quan tới trẫm không?” “Bẩm hoàng thượng, đích thực cha thảo dân có lưu lại di vật cho ngài. Trước khi lâm chung, cha thảo dân còn luôn miệng dặn đi dặn lại. Thảo dân sẽ lập tức đi lấy ngay di vật cho hoàng thượng xem.” Trần Trung Văn ứng tiếng, vào trong nhà một lát rồi trở ra với chiếc hộp làm bằng gỗ, bên ngoài được bao lại bằng vải gấm rất tỉ mỉ. Cầm hộp gấm bằng cả hai tay dâng lên cho Lý Hạo, Trần Trung Văn nói: “Cha thảo dân có nhắn nhủ nếu như có người hoàng tộc đến cậy nhờ, thảo dân hãy đưa hộp gấm này cho người ấy, và nhờ vả người ấy giao tận tay hoàng thượng. Có lẽ cha thảo dân không ngờ tới người đến tận nhà lại chính là hoàng thượng.” Lý Hạo đưa tay đón lấy hộp gấm, cẩn thận cởi hộp gấm, bên trong là một bức thư được xếp lại gọn gàng. Lý Hạo mở ra đọc hết bức thư. Trong quá trình đọc bức thư, gương mặt Lý Hạo biến đổi mấy lần, từ buồn bã, đau thương lại như đồng cảm, sau đó chuyển sang vui mừng, hớn hở. Cuối cùng, gấp lại bức thư, hắn tươi cười rạng rỡ mà chăm chú quan sát kỹ lại hai anh em nhà họ Trần đang đứng trước mặt.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang