[Việt Nam] Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 46 : Trần Trung Tá? Chết?

Người đăng: 

.
Lại một ngày nữa trôi qua, tay Lý Hạo phe phẩy cây quạt giấy có thêu hoa văn rồng bay phượng múa, đứng trước cổng tòa phủ đệ rộng lớn, nhưng hoang tàn đượm vẻ tang thương. Hắn mờ mịt hỏi Lê Việt Công: “Đây thực sự là nhà của lão đại thần Trần Trung Tá à?” “Bẩm hoàng thượng, đúng vậy. Thần đã hỏi cặn kẽ những người dân ở xung quanh rồi ạ.” Lê Việt Công cẩn thận đáp. “Thực không ngờ một đại thần đương triều, khi cáo lão từ quan lại suy sụp tới bước đường này. Đi vào.” Lần này đi chiêu mộ Trần Trung Tá, Lý Hạo dẫn theo tốp người lần trước đi dạo phố gồm có Lê Việt Công, Lý Thông và bốn cao thủ Túc vệ quân. Lê Việt Công nhanh nhảu chạy lên trước mở cổng. Bước vào khoảnh sân trước nhà, Lý Hạo nhận thấy tuy rằng tòa nhà cũ nát nhưng vẫn sạch sẽ, tươm tất. Ở giữa sân, đang có một người cao lớn, có hàm râu quai nón, để râu ria xồm xoàm che nửa khuôn mặt dưới. Người râu quai nón mải mê chặt củi, những khúc củi nhiều vô kể đã chất đống trước mặt hắn tạo thành một ngọn đồi nhỏ. Nghe tiếng cổng mở, người râu quai nón lên tiếng: “Em gái đã về rồi đấy à? Hôm nay lại về sớm thế hả?” Ngạc nhiên khi không nghe tiếng trả lời ríu rít như mọi khi, người râu quai nón ngẩng đầu lên, mới biết có khách lạ đến nhà. Hắn quăng búa và củi xuống đất, tất tả chạy ra, hơi hơi khom người, cao giọng hỏi: “Chào các vị đại gia, các vị đến nhà tiểu nhân có chuyện gì không ạ?” Rút kinh nghiệm lần trước ra đường bị coi khinh nghèo mạt rệp, lần này ra đường chơi, Lý Hạo yêu cầu phải sắm cho hắn bộ quần là áo lụa đại công tử con nhà phú hộ. Còn mấy tên thuộc hạ cũng phải mặc áo vải lụa sang quý để không làm mất mặt hắn. Vì vậy người râu quai nón thấy có khách sang trọng đến nhà, biết không phải nhân vật tầm thường, bèn cung kính chào đón. “Thứ lỗi đã quấy rầy, xin cho hỏi đây có phải nhà của ông Trần Trung Tá hay không?” Lý Hạo ung dung bước tới, hòa nhã trả lời. “Đúng vậy, đây chính là nhà của cha tôi, các vị là người quen như thế nào với cha của tôi?” Người râu quai nón ngạc nhiên hỏi tiếp với biểu hiện kỳ quái. “Có chuyện gì ngoài đó vậy anh cả.” Và một người mặc áo nho sam ra ngoài cửa đứng lên tiếng, người ấy có bộ dáng thư sinh yếu ớt, khuôn mặt hao hao người râu quai nón. Tuy nhiên gương mặt trắng bệch, pha chút nhợt nhạt, tái xanh, một tay ôm ngực, chốc chốc lại ho khan mấy tiếng. “Là một vài vị khách lạ đến nhà, hỏi thăm cha của chúng ta. Anh cũng không nhận ra họ là ai.” Người râu quai nón đáp. Người thư sinh bước ra sân, chăm chú ngắm nhìn Lý Hạo và thuộc hạ, rồi nói: “Mời các vị vào trong nhà ngồi uống trà. Thứ lỗi cho anh tôi không hiểu phép tắc. Xin mời các vị.” Mời đám người Lý Hạo vào trong nhà, mời ngồi xuống ghế, người thư sinh dặn dò người râu quai nón: “Anh đi pha trà mời khách, để em ở đây tiếp chuyện là được rồi.” Đoạn quay sang Lý Hạo, người thư sinh tươi cười, nhưng cái bộ mặt bệnh tật của hắn cười lên thật chẳng có chút sinh khí nào: “Thật ngại quá, từ nhỏ anh tôi đã không hiểu chuyện, cứ như thiên lôi sai đâu đánh đó, được mỗi cái thật thà chất phác, hàng xóm ai cũng quý. Chẳng hay các vị tìm cha tôi có chuyện gì?” “Tất nhiên là người quen, nhưng không phải là tôi, cha của tôi với cha của các hạ mới là người quen chân chính, hôm nay tôi muốn bái phỏng ông Trung Tá. Không biết ông Trung Tá có nhà chăng?” Lý Hạo trả lời. Đám người Lê Việt Công đứng dạt ở phía sau ghế, im lặng nhìn ra cửa. “Không dám giấu gì các vị, cha tôi đã qua đời được bốn tháng rồi, khi mẹ tôi mất, cha tôi mắc bạo bệnh khó chữa, cũng qua đời ngay sau đó. Hiện giờ trong nhà chỉ còn ba anh em chúng tôi sống với nhau.” Người thư sinh thở dài, ôm ngực ho lụ khụ. “Cái gì? Đã chết! Ta phải làm thế nào đây?” Như sét đánh ngang tai khi nghe tin tức Trần Trung Tá đã chết. Lý Hạo không dám tin đó là sự thật. Hắn không cam lòng, đại nghiệp của mình chẳng lẽ lại khó khăn đến vậy, chẳng lẽ phải thật sự bỏ qua lực lượng hậu thuẫn của Lý Bát. Lý Hạo trợn mắt, tựa hẳn lưng vào ghế, lắc đầu ngán ngẩm. Bây giờ, người râu quai nón mới lúng túng bưng khay trà tới, đặt lên bàn. Người thư sinh mỉm cười ra hiệu cho anh vào sau bếp, không cần ở lại nữa. Cầm bình trà, rót đầy lên ly của Lý Hạo, thầm đánh giá kỹ càng những người khách không mời mà tới này. Thấy điệu bộ thất thố, ngỡ ngàng của vị khách lạ, người thư sinh nhíu mày, ngẫm nghĩ một lát, hắn cho rằng những người này rất có thể gặp tai họa nào đó, đến cầu cạnh cha mình. Hắn hỏi tiếp: “Tôi có thể giúp được gì cho các vị? Các vị có thể nói là quen biết như thế nào với cha tôi được không? Hoặc là các vị hãy nói ra thân phận của mình, để tôi liệu đường trợ giúp.” Hồi phục tinh thần, Lý Hạo hứng thú trước vẻ tốt bụng sẵn lòng giúp đỡ người lạ mới lần đầu gặp mặt của người thư sinh. Thời xưa, dân tộc Việt vốn dĩ rất tốt bụng, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau, tình nghĩa hàng xóm láng giềng vô cùng bền chắc, bản tính hiếu khách cũng là bản tính đáng quý của người Việt. Lý Hạo trầm ngâm hồi lâu, nói: “Trước lúc lâm chung, chẳng hay ông Trung Tá có dặn dò điều gì không?” “Trước khi mất, cha của tôi có nói rất nhiều. Nhưng có một chuyện mà ông luôn dặn đi dặn lại tôi, nếu sau này có người tìm cha tôi cần giúp đỡ, thì hãy hỏi rõ thân phận rồi tùy duyên mà thay cha tôi trợ giúp. Những bức di thư mà cha tôi để lại cũng có nhiều loại, tôi đoán là để giành cho những người bạn thuở xưa.” Người thư sinh đáp với giọng không nhanh không chậm.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang