[Việt Nam] Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 34 : Lời Đồn

Người đăng: 

.
Nhà Lý là triều đại đầu tiên tạo dựng nền giáo dục khoa cử có hệ thống. Từ thời Bắc thuộc, nhà Hán đã truyền bá chữ Nho, mở trường học ở Đại Việt, hồi đó Đại Việt có tên là quận Giao Chỉ, với quan niệm làm công cụ đồng hóa. Đến thế kỷ thứ X, chữ Hán đã trở thành chữ viết chính thức, nhưng số người biết chữ Nho rất ít ỏi. Các nhà sư thường là lớp trí thức quan trọng bên cạnh các viên chi hậu, viên ngoại lang. Sang thời Lý, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng nhà Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối bảy mươi hai người hiền của đạo Nho. Sau đó vua Lý Nhân Tông lập ra Quốc Tử Giám. Đây là trường học công đầu tiên do triều đình chính thức đứng ra tổ chức, thể hiện sự quan tâm đối với việc học hành của hoàng tộc, còn trường học tư được hình thành trước đó. Trường học tư đầu tiên là trường Bái Ân của Lý Công Ân, một tông thất nhà Lý không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Ông sống ở thôn Bái Ân, là một học trò của sư Vạn Hạnh, cũng là một tín đồ Phật giáo như nhiều người đương thời nhưng ông vẫn mở trường dạy học truyền thụ kiến thức Nho giáo. Nhìn đám con ông cháu cha đang xoay đầu trong lớp học, Lý Hạo ngầm mong mỏi ngày hắn thống nhất đất nước. Khi ấy hắn sẽ chính thức phát triển nền giáo dục Đại Việt, để tất cả mọi người đều có thể được vào Quốc Tử Giám học tập. Khi ấy hắn sẽ phá bỏ những rào cản phân biệt giới tính, phân biệt tầng lớp trong xã hội. Có lẽ tương lai ấy không xa. Lý Hạo bước vào lớp học, mỉm cười đàm đạo với thầy giáo và học trò hồi lâu. Trước khi rời khỏi lớp học, hắn thiết tha căn dặn học trò: “Non sông Đại Việt có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Đại Việt có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc lân bang được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các khanh.” Thời gian như cơn gió thoảng, Lý Hạo chuyển thế đã hơn một tuần. Mọi chuyện cứ diễn ra bình thường như vậy. Buổi sáng lên điện chầu, buổi chiều duyệt tấu chương, buổi tối ôm người đẹp. Nghĩ lại, đúng là làm vua sướng thật. Chỉ có mấy ngày đầu hơi cực khổ, mệt mỏi vì chưa quen. Dần dần khi mọi chuyện đã vào guồng, hắn lại trở nên rảnh rỗi. Vào mỗi tối trong tuần qua, hắn thay phiên đi các cung điện của phi tần, nhưng cách một hôm lại trở về với nguyên phi Trần Thị Dung, qua hôm khác lại đến với hoàng hậu Đàm Ngọc Trúc. Hai nàng là hai đối tượng cần phải chăm sóc đặc biệt, với Đàm hoàng hậu thì có phần dễ hơn, còn Trần nguyên phi lại tương đối khó khăn. Muốn hoàn toàn chinh phục được Trần Thị Dung ngoài các tuyệt kỹ tán tỉnh thông thường, còn phải sử dụng chiêu mưa dầm thấm lâu, mưa sâu thấm đất. Qua các tin tình báo của lão thái giám Lê Việt Tiến, hắn biết được đôi khi nàng còn sai cung nữ liên lạc với gia nhân ở Trần phủ. Dù sao đi nữa nàng là người của gia tộc họ Trần, không thể hoàn toàn cắt đứt với họ được. Nhiều khi tâm sự với Trần nguyên phi, hắn bóng gió vấn đề lựa chọn, hắn muốn nàng sẽ toàn tâm toàn ý với hắn. Bởi vì hai nhà Trần, Lý chắc chắn phải có một nhà diệt vong, một núi không thể có hai hổ. Mỹ nhân hắn cần, nhưng giang sơn hắn không thể mất, mất giang sơn, hắn sẽ tiêu đời, sao có thể ôm người đẹp được nữa. Hắn nhận ra sự đắn đo, giằng xé trong tâm hồn nàng, những lúc như thế, hắn chỉ biết ôm nàng vào lòng mà an ủi. Hắn thề rằng hắn sẽ giữ được nàng, vĩnh viễn mang lại cho nàng hạnh phúc. Lời thề của hắn có thực hiện được hay không? Hắn không dám chắc. Còn Đàm thái hậu dạo này cực kỳ yêu thích đứa con thân sinh. Mỗi lúc trò chuyện với hoàng nhi, nàng cảm thấy nó luôn biết cách làm cho nàng vui vẻ. Hình như nàng không thể cự tuyệt những yêu cầu của nó. Nàng mơ hồ nhận ra, hoàng nhi muốn sắp xếp lại vị trí của các quan viên bên họ Đàm, và phảng phất địch ý với cậu em trai của nàng. Chẳng lẽ hoàng nhi đã trưởng thành? Đó là phúc hay là họa? Không khí trong buổi điện chầu lại càng thay đổi rõ nét hơn. Những quan viên phe cánh Đỗ Kính Tu lần lượt quy thuận Tô Trung Từ. Cổng phủ đệ của Tô Trung Từ đã muốn dập nát bởi đám quan viên tới bái phỏng. Những ai tới viếng thăm, Tô Trung Từ đều đích thân tiếp đãi, tay bắt mặt mừng. Gia tộc của Tô Trung Từ đã có xu thế phát triển thành một thế gia vọng tộc. Có thể không lâu nữa, kinh thành sẽ xuất hiện gia tộc lớn mạnh bậc nhất, áp đảo mọi gia tộc khác, gia tộc họ Tô. Phe họ nhà Trần trở nên đìu hiu hơn bao giờ hết, ở những cuộc tranh chấp lợi ích, họ luôn chịu phần thua thiệt, có thể nói là vớt vát được chút cơm thừa canh cặn mà Tô Trung Từ không thèm để ý. Tuy vậy, lực lượng của phe họ nhà Trần vẫn rất hùng hậu. Những chuyện đang xảy ra, không hề ảnh hưởng gì tới căn cơ của họ. Dân chúng kinh thành đang kháo nhau các loại tin đồn càng ngày càng lan rộng, chủ yếu liên quan đến Tô Trung Từ. Chẳng hạn như hôm qua Tô Trung Từ mới tuyên bố vạch rõ giới tuyến với gia tộc họ Trần, từ nay về sau gia tộc họ Tô và gia tộc họ Trần không liên hệ gì hết, nước sông không phạm nước giếng. Và có tin đồn khác như Tô Trung Từ là quan đại thần khuynh đảo triều chính, một tay che trời, quyền lực dưới một người trên vạn người, chèn ép hết thảy mọi quan viên phe phái khác. Còn nữa, đám người rỗi hơi chuyên ngồi quán rượu, nhậu nhẹt qua ngày, khi lên cơn say ngà ngà, còn rỉ tai nhau. Đi ra đường mà gặp kẻ nào mặt vênh vênh váo váo, vác tới tận trời, đó chính là gia đinh của Tô phủ. Nếu chẳng may, ngươi đụng phải họ, thì lập tức dập đầu xin tha tội. Bằng không, chúng có đánh gãy chân của ngươi, ngươi cũng chẳng biết đi đâu mà kêu oan. Không biết ai đã truyền tin những sự kiện trong buổi chầu ra ngoài dân gian, khiến cho mấy tên bợm nhậu càng có nhiều chuyện ngồi bốc phét. Có tên bị rượu xông não, còn đứng ra giữa quán đóng kịch, khua tay múa chân y hệt Tô Trung Từ quát tháo, mắng chửi người gia tộc họ Trần. Rồi giả bộ dạng Trần Tự Khánh khúm núm cúi đầu, co ro sợ sệt trước uy phong của Tô đại nhân. Làm cho cả quán rượu vang lên tiếng cười sặc sụa, nồng nặc mùi cồn.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang