[Dịch]Huyết Luyện Ma Quân- Sưu tầm

Chương 41 : Chương 41

Người đăng: 

.
Chiến tranh là thứ khủng khiếp nhất thiên hạ, đem đến biết bao nhiêu tai ương đau khổ cho nhân thế! Nhưng điều đó chỉ là đối với những người bị cuốn vào vòng khói lửa mà thôi. Đối với hầu hết những kẻ đứng bên ngoài thì đây đúng là một trò nháo sự đầy kinh hỷ, nội việc được thấy kẻ khác gặp tai họa thôi cũng đủ để khiến cho nhiều tên thối tha phấn khích không thôi. Vì vậy, chẳng ngạc nhiên khi các đài radio của tất cả các thế lực, lãnh địa, quốc gia… đều dành rất nhiều thời lượng phát sóng để tường thuật, bình luận về những cuộc chiến khốc liệt đang xảy ra trong thiên hạ. Cuộc chiến tranh giành ngôi vị ở Tĩnh Thiên Quốc không nằm ngoài quy luật đó. Các chương trình thời sự, tin tức, bình luận chiến trường… về cuộc chiến này đầy dẫy trên khắp các làn sóng phát thanh đem lại cho người nghe những giây phút ‘giải trí’ đầy hào hứng, đem lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc kỳ diệu. Cuộc chiến này vốn dĩ nổ ra do Lê Đại và Tô Trung Từ châm ngòi với cớ đem đánh đám loạn thần Quách Bốc, đưa hoàng tử cả Lý Sảm về kinh. Kẻ tập hợp quân đội là Lê Đại. Người đứng ra làm minh chủ, tổng chỉ huy liên quân ủng hộ hoàng tử cả cũng là Lê Đại. Lực lượng lòng cốt của quân liên minh là lũ tôi tớ trung thành, hùng mạnh của Lê Đại. Hầu hết các chức vụ chủ chốt trong liên quân là do người của Lê Đại nắm giữ. Quân liên minh hùng mạnh, áp đảo hoàn toàn phe bảo hoàng, trung thành với hoàng đế Cao Tông đang có mặt ở kinh thành, đi đến đâu đánh bại quân địch đến đấy, thẳng một mạch tiến về kinh thành. Thanh thế của Lê Đại bay cao như diều no gió. Thêm vào đó, Lê Đại lại là một kẻ cực kỳ khôn ngoan. Lão rất biết cách lợi dụng lực lượng của các thế lực khác làm vật hy sinh nơi đầu chiến tuyến, vừa chiến đấu vừa tăng cường bồi dưỡng lực lượng trung thành với bản thân. Ngay khi trận đánh diễn ra chưa được bao lâu, Lê Đại gần như đã nuốt trọn toàn bộ quân liên minh và những vùng đất mà bọn họ đi qua. Tất cả mọi người, từ dân thường đến những nhà bình luận chiến tranh, chính trị danh tiếng đều thống nhất đưa ra những dự đoán về một tương lai đầy mầu hồng với địa vị và quyền lực nghiêng ngửa triều đình của Lê Đại. Nhưng. Thật bất ngờ. Khi cuộc chiến kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của liên quân, hoàng đế Cao Tông trở về kinh thành và việc hoàng tử cả Lý Sảm được phong làm Hoàng Thái Tử, hai kẻ thu được lợi lớn nhất lại là Tô Trung Từ và tên một tên gia tướng mới thu nhận của Lê Đại, Thành Đạt. Tại sao? Tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy? Tất cả mọi chuyện bắt đầu vào lúc đó, vào cái thời điểm mà đại quân liên minh bỗng nhiên thay đổi kế hoạch tác chiến một cách đột ngột và ngoài sự dự liệu của tất cả các chuyên gia quân sự. Đang trên đà chiến thắng bằng lối đánh trực diện, mạnh mẽ và đầy hiệu quả, liên quân bỗng nhiên ngừng lại, rồi chuyển sang lối đánh bao vây, chia cắt, trải rộng trận thế. Chính điều này đã khiến cho lực lượng của liên quân bị dàn mỏng một cách phi lý và tạo ra cơ hội bằng vàng cho đám Quách Bốc tập trung quân đội, phản kích liên quân. Lúc này, thế trận của phe liên quân trải ra đóng trên một phạm vi rất rộng, với nhiều doanh trại, căn cứ đóng liên tiếp nhau, vây kín cả khu vực kinh thành, thế vây chặt đến nỗi một con chim cũng đừng hòng bay lọt. Nhưng khi quân Quách Bốc ào ào kéo ra đánh đại trại chỉ huy của Lê Đại, các trại đều vì sợ trúng kế dụ binh lên không chịu xuất quân ứng cứu, khiến cho trong trận đánh này, quân lực của phe bảo hoàng lại vượt trội so với phe liên quân. Đáng tiếc cho phe bảo hoàng, từ quan tướng cho đến quân lính tuy đông về số lượng và mạnh về trang bị chiến tranh nhưng toàn là một lũ bị thịt, thường ngày ỷ quyền ỷ thế bắt nạt dân lành thì không ai bằng nhưng đến khi đánh trận thực tế thì… cứ như một đám diễn viên đang đóng phim vậy, tất cả đều chỉ làm ra vẻ cho có, không kẻ nào chịu liều mạng quyết chiến. Trong khi đó, phe liên quân với chủ lực là quân đội tinh nhuệ của nhà họ Lê thì lại cực kỳ dũng mãnh, liều chết mà đánh. Sau một hồi đại chiến, hai bên đều phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề và phải lui quân. Đến lúc này, các toán quân khác của phe liên quân mới thi nhau xuất binh đuổi đánh phe bảo hoàng, khiến cho phe bảo hoàng phải thất điên bát đảo. Quách Bốc không còn lòng dạ nào mà đánh nữa, vội vàng kéo quân, cướp đường mà chạy về kinh thành. Trong cơn hỗn loạn, binh tướng phe bảo hoàng bị tổn thất rất nhiều. Từ đây phe bảo hoàng mất hẳn khả năng tiếp tục chiến đấu. Tinh thần tướng lính đều uể oải, không muốn đánh nữa. Chẳng bao lâu, Quách Bốc phải hạ cờ đầu hàng liên quân, trao kinh thành cho hoàng tử cả Lý Sảm. Về phần phe liên quân cũng phải gánh chịu thiệt hại vô cùng to lớn. Họ không chỉ mất đi nhiều tướng lĩnh và binh lính tinh nhuệ thiện chiến mà còn mất cả vị tổng chỉ huy tài trí tuyệt đỉnh của mình là Lê Đại. Điều này gây ra xáo trộn lớn trong nội bộ phe liên quân, Tô Trung Từ là em rể của Lê Đại, thủ lĩnh của gia tộc họ Tô, một gia tộc khá mạnh tại Tĩnh Thiên Quốc đứng ra lãnh nhận chức vị minh chủ thay Lê Đại. Nhiều thủ lĩnh các thế lực khác trong liên quân không phục Từ lên làm minh chủ nhưng vì một là thế lực của họ quá yếu kém so với Từ, lại bị phân tán rộng, không thể liên kết với nhau được; hai là vì kẻ địch chung của họ là phe bảo hoàng dù đã bại hoàn toàn nhưng vẫn còn đó, chiến tranh chưa kết thúc nên họ không ra mặt phản đối Từ. Sau khi bọn Quách Bốc đầu hàng, Tô Trung Từ liền đón vua Cao Tông về cung. Lúc này, hầu hết tướng lĩnh dưới trướng vua Cao Tông hoặc phản bội đi theo hoàng tử cả Lý Sảm, hoặc buông tay đứng nhìn, không lý đến hoặc đã chết. Trong tay nhà vua chẳng còn gì ngoài một cái danh hão và vài trăm tên cận vệ, mà thế lực của Tô Trung Từ lại quá mạnh. Hoàng đế không còn cách nào khác buộc phải dựa vào Từ. Sau khi hoàng đế Cao Tông trở về thì việc đầu tiên làm là phong thưởng cho Tô Trung Từ và một loạt các thủ lĩnh chỉ huy của liên quân. Tiếp đó, hoàng đế xét xử tội trạng của ‘đám loạn thần’ Quách Bốc. Đối với việc này, đám tướng lĩnh của Lê Đại muốn đem lũ đầu lĩnh phe bảo hoàng đi giết sạch để báo thù cho Lê Đại và đồng đội đã tử trận, nhưng Tô Trung Từ và Cao Tông đều không nghe theo. Lấy cớ không muốn gây thêm đau thương, gác lại thù hận và tỏ lòng nhân nghĩa của hoàng đế, Cao Tông ban lệnh đại xá thiên hạ, tha bổng, miễn giảm tội lỗi cho toàn bộ tướng lĩnh phe bảo hoàng, thậm chí Đàm Dĩ Mông còn không bị trừng phạt, vẫn được giữ chức Thái úy, đứng đầu quan võ trong cả nước. Điều này khiến cho đám thuộc hạ của Lê Đại cực kỳ bất mãn. Đương triều, khi nghe lệnh đại xá của Cao Tông, một thuộc hạ của Cao Tông là Thành Đạt ngã lăn ra đất mà gào khóc. Mọi người xung quanh vội vàng vực Đạt dậy. Đạt nghiến răng chửi rủa “Cao Tông khốn kiếp. Làm vua không ra dáng vua, để giặc đánh đuổi như một con chó dại. Chủ tao vì mày mà đánh khắp thiên hạ đến tính mạng cũng không màng đến, đem ngai vàng trao lại cho mày. Vậy mà mày qua cầu rút ván, không báo thù cho chủ tao. Thù này quyết không đội trời chung.” Chửi rồi, Thành Đạt lập tức dứt áo bỏ đi, để lại phía sau những ánh mắt phức tạp với nhiều sắc thái tình cảm: có đồng tình, cám mến; có âm trầm nghi ngại; nhưng đa phần là khinh miệt, chế giễu. Thiên hạ có lắm kẻ ngu song cũng có không ít anh tài. Một màn kịch thô kệch đó của Thành Đạt có thể mua được lòng dạ không ít kẻ thẳng tính, đơn giản nhưng sao lừa nổi những kẻ con cáo già thành tinh nơi đây. Họ dễ dàng đoán ra được Thành Đạt chỉ đang kiếm cớ để có thể có hành động quyết liệt với triều đình. Đó đích thì là một hành động ngu ngốc và nóng vội. Sư tử dẫu sắp chết nhưng vẫn là chúa sơn lâm. Triều đình của họ Lý ngày nay dù chỉ còn trên danh nghĩa nhưng vẫn có tính hiệu triệu rất cao và được vạn dân tôn kính. Kẻ nào đầu tiên ra mặt đối kháng với triều đình, kẻ đó tất xui xẻo, không nghi. Thành Đạt muốn lao đầu vào lửa, sao bọn người này có thể không vui. “Tất cả chuẩn bị xong chưa?” Thành Đạt đứng trên một ngọn núi cao, cách hoàng thành xa, hững hờ buông tiếng hỏi lạnh nhạt. “Báo cáo tướng quân. Mọi chuẩn bị đều đã hoàn tất. Lực lượng của chúng ta đều đã vào tư thế sẵn sàng hành động. Chỉ cần chờ lệnh của ngài nữa mà thôi!” Tướng quân! Thành Đạt khẽ cong môi lên nở nụ cười đắc ý khi nghe tên sĩ quan tham mưu dưới trướng gọi gã với danh hiệu mới này. Đây là một thủ đoạn mị dân khác mà gã vừa học được khi đến kinh thành. Tại nơi này, tiếng xưng hô của thuộc hạ với một vị thủ lĩnh một thế lực cũng là một tín hiệu cho biết thân phận địa vị của vị thủ lĩnh đó. Ví dụ như các đại từ: ‘ông chủ’, ‘chủ nhân’, ‘chúa công’, chưởng môn, tộc trưởng… là để chỉ những vị thủ lĩnh của những thế lực không có liên hệ với triều đình hay ít nhất là không được triều đình thừa nhận. Những thủ lĩnh này thường không được đám văn nhân và đám dân đen thừa nhận, bị coi là loạn tặc, là giặc cướp, bị khinh miệt, chửi rủa không tiếc lời. Đặc biệt, mỗi khi quốc gia xảy ra loạn lạc gì thì bọn họ sẽ trở thành đối tượng để người đời quy chụp tội lỗi, đổ vấy trách nhiệm gây loạn thiên hạ. Trong khi đó, những đại từ như ‘đại nhân’, ‘tướng quân’,... dùng để gọi những vị thủ lĩnh có liên hệ với triều đình, được triều đình thừa nhận địa vị, chức tước, quyền lực và đã được phong một chức quan nào đó. Trái với những vị thủ lĩnh địa phương bình thường khác, những vị thủ lĩnh này thường được đám văn nhân và dân đen công nhận địa vị và quyền lực, là đối tượng để thiên hạ gửi gắm niềm hi vọng trong những giờ phút đen tối và nhiễu nhương vân vân và vân vân. Tóm lại là các vị thủ lĩnh được thuộc hạ gọi bằng quan chức thì có khả năng hiệu triệu cao hơn là những thủ lĩnh bị gọi bằng những đại từ thông thường khác. Thành Đạt là một kẻ hiểu rất rõ giá trị của các trò chơi chính trị này. Bản thân gã lại đã từng được hoàng tử cả Lý Sảm phong cho chức vị thượng tướng, một chức quan võ không có phẩm hàm, không lương, không bổng, không quyền lực, nhưng vẫn là một chức quan, vẫn rất có giá trị về mặt tinh thần đối với đám dân đen. Do đó, gã lập tức ra lệnh cho đám thuộc hạ thay đổi cách xưng hô cho thích hợp. Hiệu quả của việc thay đổi như thế này ra sao thì còn chưa rõ, nhưng cảm giác được gọi bằng một đại từ đầy ý nghĩa như thế này thực sự rất khác, rất ngọt ngào và êm dịu. “Được rồi! Hành động thôi!” Thành Đạt hững hờ ra lệnh. Tên sĩ quan liền vung tay lên trời, bắn ra một đạo pháp thuật tín hiệu đỏ chói xuyên thẳng lên trên màn trời đêm. Như để đáp lại tín hiệu đó, từ bốn xung quanh, vô số những thân ảnh tu giả trang bị vũ khí chiến đấu, ào ào bay lên, nhắm thẳng về phía hoàng thành phía xa, biến thành những đạo hào quang sáng chói ầm ầm bay đến. Nhìn cảnh sắc tuyệt diệu này, Thành Đạt không nhịn nổi, ngửa mặt lên trời cười vang trời, đầy đắc ý. Nhưng ngay sau đó, gã khẽ phất tay ra hiệu rồi cùng với đám vệ sĩ nhắm về một phía khác của kinh thành mà bay vọt đi. Kinh đô của bất kỳ quốc gia nào cũng được chia làm bốn khu vực tách biệt là vùng nông thôn trực thuộc kinh đô, vùng kinh thành, nơi sinh sống của đám dân thành thị, quân binh, quan lại cấp thấp tại kinh đô và vùng hoàng thành, nơi sinh sống của hoàng tộc và đám quan lại cấp cao, cuối cùng là hoàng cung, nơi hoàng đế và bầy đoàn thê tử của gã ‘làm trò nhảy múa’. Đối với đám ‘đại nhân vật’ sống nơi hoàng thành nói chung, chiến tranh là cái gì đó rất xa xôi và mơ hồ như một bức tranh địa ngục thường được treo trên tường nhà mấy lão già lẩn thẩn, hay lũ thầy cúng thầy bói chuyên đi gạt tiền thiên hạ. Nhưng ngày hôm đó, bọn họ kinh hoàng nhận ra đã đến lúc họ phải dùng chính linh hồn và thể xác của mình để thưởng thức mùi vị của cái ‘địa ngục tởm lởm’ đó. Bọn họ đều là những kẻ thông minh, có học thức, có kinh nghiệm và hiểu biết tình hình hiện tại của Tĩnh Thiên Quốc. Vì thế, chỉ cần nghe những tiếng rít xé gió hung hãn trên trời cao cùng với hàng ngàn những đạo hòa quang rực rỡ chói mắt ầm ầm lao đến, bọn họ đều hiểu ngay chuyện gì xảy ra: Thành Đạt phẫn nộ với việc phán xử của Cao Tông, chính thức làm loạn! Đám tu giả quân lính đóng tại đây cũng không phải là lũ ăn hại, vô dụng, lập tức phản ứng lại. Hai bên không nói một câu lập tức đồng loạt tế pháp bảo, pháp khí, bùa chú… uỳnh uỳnh đánh giết nhau ngay trên bầu trời hoàng thành. Những quả cầu lửa rực cháy, những ngọn băng lao nhọn hoắt, những lưỡi đao phong sắc lẻm, nhưng đạo kiếm khí rực rỡ… ầm ầm lao vào nhau, va chạm nhau, nổ tung trên không đem theo những tiếng gào rú bi phẫn của các tu giả xấu số và những ‘vị khách lạc đường’ đầy chết chóc, tàn phá những gì tồn tại ở bên dưới. Vô số màn hào quang cấm chế phòng ngự của các ngôi nhà, trang viện, phủ đệ… của những vị đại nhân vật lập tức dựng lên, tỏa ra những ánh hào quang chói lòa, nghênh tiếp đám tử thần ‘đi lang’ đó. Nhưng cũng chỉ có vài cái cấm chế hùng mạnh của những vị chức sắc tối cao là có thể còn trụ lại được sau vài phút giao tranh, còn lại, nhanh chóng sụp đổ, tan thành thành vô số quang hoa tuyệt đẹp, báo hiệu giờ phút tận thế đã đến với những kẻ bên dưới. Nhà cửa sụp đổ, đồ vật tan hoang, thân người tan nát, người bị thương gào thét kêu cứu, người khỏe mạnh chen lấn nhau, điên cuồng chạy tán loạn như một đàn ong vỡ tổ, cầu mong bảo toàn được tính mạng… Thực là một địa ngục nơi trần thế! Khu hoàng thành chỉ có những vị đại nhân xa hoa, cao quý, oai nghiêm, tráng lệ, người người kính ngưỡng như quỷ thần và đám tôi tớ thuộc hạ của họ, những kẻ mà khi bình thường cả những quan viên cấp thấp cũng phải nịnh nọt. Giờ đây, tất cả bọn họ đều thê thảm không hơn gì một bầy chó hoang. Tất cả đều đang thể hiện những khả năng vượt xa bình thường, dốc sức tranh đấu để giật lấy cái chân đã bị đẩy vào bên kia Quỷ Môn Quan trở lại với dương thế. Khi phải đối mặt với cái chết, một hoàng đế hay một con chó ghẻ e rằng cũng chỉ có thể làm được đến như vậy mà thôi!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang