[Dịch]Huyền Trung Mị - Sưu tầm

Chương 4 : chương 4

Người đăng: 

Ngày đăng: 18:36 04-07-2018

.
Khổ tâm lấy bọ cạp máu về quả thật không hề uổng công, quá trình sau đó thuận lợi đến bất ngờ. Cù Như tán dương thành chủ Sâm La không ngớt: “Một bán thi lại có đạo nghĩa như thế, quả thực hiếm thấy.” Ấn tượng trước đó của Vô Phương về y là mùi xác thối nồng nặc khắp vùng. Mà nay khi đã tiếp xúc nhiều hơn, nàng chợt cảm thấy bản thân trước kia thật nông cạn. Thế mới nói không thể trông mặt mà bắt hình dong được, phải tìm hiểu sâu mới khai thác được cái đẹp. Giống như vị thành chủ đó, mặc dù vẫn là mặt xanh nanh vàng, nhưng tâm địa hiền lành đủ để bù đi thiếu sót bề ngoài. “Không lợi dụng lúc người ta gặp khó khăn cũng coi như là quân tử rồi. Nếu y nhắc lại chuyện cũ thì khó xử.” Vô Phương cười nói, tay trái cầm đuôi nhọn, tay phải giữ lấy đầu con bọ cạp máu, dùng sức bẻ một phát, con vật liền đầu thân hai ngã. Ở dị giới luôn có vài thứ cổ quái, ví dụ như con bọ cạp máu này, rất xứng với tên của nó. Cơ thể nhỏ tí nhưng lại chứa không biết bao nhiêu là máu, chảy mãi chẳng ngừng. Vô Phương xách đuôi treo ngược nó lên, đổ đầy một tô máu, nhuộm đỏ cả cối đá. Cù Như tấm tắc lấy làm lạ, nhìn con trùng kia biến từ đỏ thành trắng, cô bé cho thêm rết với nhi trà* vào, giã nát tất cả. (*Một loại trà màu nâu đen lấy từ cây nhi trà, có thể thêm vào thuốc, có tác dụng cầm máu.) Bên chỗ Cù Như lại phát ra tiếng hát ngâm nga, Vô Phương đặt con còn lại vào trong chiếc hộp nhỏ. Con vật vừa tận mắt chứng kiến đồng bạn chết thảm, như vẫn chưa thoát khỏi nỗi khiếp đảm, co rúc vào một góc run lẩy bẩy. Vô Phương an ủi nó: “Không tu nổi thành hình người thì chỉ có thể bị mang làm thuốc mà thôi, chẳng còn cách nào khác cả. Mi yên tâm, không phải vạn bất đắc dĩ thì ta sẽ không động đến mi. Nếu quả thật phải đến đường cùng, ta cũng sẽ cố để mi chết có ý nghĩa.” Con bọ cạp kia sợ xỉu, đuôi mềm ra gục xuống. Đã có thuốc dẫn thì làm thuốc mỡ không phí thời gian lắm, từ mài đến hầm chỉ mất nửa canh giờ. Trên giấy dầu có một lớp thuốc mỡ dày, Cù Như bưng khay đi vào. Người trên giường vẫn chưa tỉnh, ngũ quan sưng vù không thấy đỡ hơn nhiều lắm, chỉ khá hơn tối qua một chút mà thôi. Cô bé lại gần nhìn hai lần, “Sư phụ, y muốn ngủ đến khi nào vậy?” Vô Phương đáp ‘sẽ nhanh thôi’ rồi vén chăn xắn ống quần y lên. Nàng hơ thuốc trên ngọn lửa, đợi mềm ra thì *bốp* một phát đập nó xuống chỗ da thịt hoại tử đóng vảy cứng ngắc. Xong xuôi người bệnh vẫn đang mê man, hai thầy trò nhàm chán ngồi dưới mái hiên uống trà. Sắc trời đã tối, đằng Tây xuất hiện những đụn mây trùng điệp, một cơn gió lớn thổi đên, bầy chim bay về phương Nam, vỗ cánh kêu *phành phạch*. Vô Phương hỏi Cù Như: “Hôm nay là mồng mấy?” Cù Như bấm đầu ngón tay đếm ngày, cuối cùng vỗ đùi, “Hôm nay là mồng một, nên đến núi Thập Trượng rồi ạ.” Thời gian trôi nhanh thật đấy, tháng này đến tháng khác, năm này qua năm kia… Trong những năm tháng sống trên đời, nàng chưa hề rung động lần nào, cũng chẳng từng trải qua đau thương gì, cuộc sống phẳng lặng như ao tù nước đọng. Nếu có người hỏi năm này nàng đã bao tuổi rồi, nàng sẽ không trả lời được, tuổi tác ấy à, chẳng thể xem là ký hiệu nổi. Dầu gì cứ thế mà sống tiếp thôi, cho đến ngày nào đó đắc đạo, hoặc là tan thành mây khói. May mà trong cuộc đầy mơ hồ không mục đích này, chí ít nàng vẫn còn có khát vọng. Vô Phương quay đầu nhìn về phía dãy núi Cát Tường xa xăm ẩn mình giữa mây mù, cao chót vót không thấy đỉnh, đó là đạo trường* của Liên sư. Nàng đã muốn bái ông ấy làm thầy từ ngày mình được cứu, nhưng sát khí trên người chưa tan, nàng lại sợ làm bẩn chốn thanh tịnh, có lẽ nên đợi thêm đã. Liên sư đi vân du rồi, có khả năng đi một mạch ba mươi năm mươi năm. Đợi ông ấy quay về, nàng sẽ lên cung Việt Lượng thử vận may, nếu tâm trạng Liên sư đang tốt, không chừng sẽ thu nhận nàng. (*Đạo trường: nơi làm phép thuật của thầy tu hay đạo sĩ.) Trong không khí lãng đãng hơi nước, mưa to rơi xuống đúng như dự báo, cột mưa thẳng đứng tựa mũi tên dội vào trong bụi cỏ, bắn ướt giày vải của Vô Phương. Nàng đứng dậy, phủ thêm áo tơi, nói muốn đi tuần quanh tháp. Làm nghề nào thì yêu nghề đấy, nếu đã nhận bổng lộc – dù chẳng nhiều nhặn gì – thì vẫn nên tận tâm tận lực. Cù Như ngăn nàng, “Hay để em đi cho, sư phụ cứ trông nom tiểu hòa thượng đi.” Vô Phương ngạc nhiên, “Y không phải là hòa thượng.” Cù Như bật cười, “Đã cạo trọc đầu rồi, lại còn đang ở trong miếu, không phải hòa thượng thì là gì ạ?” Nói cũng đúng, dù sao cũng đem về từ trong đám nô lệ, chỉ khi bỏ được nô tịch thì mới có thể quang minh chính đại ra ngoài. Vô Phương khoanh tay, nhìn cô bé rít lên rồi lao vào trong màn mưa. Cù Như thích nước, hễ trời mưa là lại vô cùng phấn chấn. Cô bé giẫm mạnh hai chân xuống vũng bùn khiến bùn nước bắn cao hơn nửa người, văng đầy cả mặt và cổ, rồi huơ tay múa chân hết sức thích thú. Vô Phương thở dài, lắc đầu trở vào trong phòng. Mái ngói ở góc Đông Bắc chưa được đắp lại nên có mưa dột tí tách rơi xuống, nàng lấy chén sành ra hứng nước, vừa ngoái đầu lại thì phát hiện nam tử trên giường đã tỉnh, đang chống người dậy nhìn xung quanh với vẻ mù mờ. Nàng đi tới, quan sát y một lượt từ trên xuống dưới, “Ngoài vết thương ngoài da ra thì còn khó chịu chỗ nào không?” Y lắc đầu, cụp mắt nhìn băng vải quấn quanh cánh tay, điều hòa lại nhịp thở rồi khó nhọc chắp tay với nàng, “Đa tạ cô nương đã ra tay cứu giúp, nếu như không có cô nương, có lẽ ta đã bị đánh chết rồi.” Vô Phương khoát tay, nàng đã nghe quá nhiều lời cảm tạ rồi, nàng cứu người đâu phải vì câu cám ơn của người ta. Nàng rót cốc nước đưa đến, “Huynh tên gì? Đến từ đâu?” Người trên giường đáp: “Ta họ Diệp, tên Diệp Chấn Y, là người của Đông Thổ. Thời gian qua cứ vô tri vô giác, không biết mình đang ở đâu… Xin hỏi cô nương, đây là địa giới nước nào?” Địa giới nước nào ư, nàng không biết phải đáp thế nào, ngồi xuống nói: “Không phải nước nào cả, chỉ có mười sáu thành. Huynh là người Đông Thổ, vậy đã từng nghe đến Nam Diêm Phù chưa? Nơi này là Ô Kim Sát Thổ, một trong năm vùng đất thánh của Diêm Phù, là đạo tràng của Liên sư.” Lần này trông y như có vẻ không tiêu hóa nổi, là một người bình thường, nếu không phải sinh ra ở chư thành Sát Thổ thì vĩnh viễn sẽ không có cơ hội tiếp xúc với thế giới này. Quả nhiên y đỡ trán, mặt đần ra không hiểu gì. Thế rồi y bỗng kinh hãi vì nhận ra tóc mình biến đâu mất cả tự lúc nào, càng thêm cứng lưỡi há hốc không nói nên lời. Vô Phương nhìn y, y nheo hai mắt nhìn, gò má sưng phù bọng nước bóng loáng, phối cùng vẻ mặt kinh ngạc kia đúng là thê thảm không nhìn nổi. Nàng chỉ vào đầu y, “Trên đỉnh đầu rách một đường dài, không cạo hết tóc thì không cách nào băng bó được. Ta biết người Trung Thổ các huynh chú trọng cái gì mà thân thể tóc da do cha mẹ tạo ra, nhưng trước tình hình tính mạng nguy hiểm, ta nghĩ chắc cha mẹ huynh cũng sẽ không phản đối đâu.” Nam tử nghe mà ngơ ngác gật đầu, Vô Phương để y nghỉ ngơi thêm, còn mình thì bước ra khỏi nhà. Cứu một người thật sự chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, không để lại ấn tượng nhiều trong lòng Vô Phương. Nàng chắp tay nhìn màn mưa bên ngoài hiên nhà, trong cơn mưa lầu gác như trở nên xa xăm, mưa quá lớn, nàng lo tháp Xá Lợi đã lâu năm chưa sửa sang gì sẽ đổ sập xuống quá đi. May mà Cù Như đi một chuyến trở về, nói mọi thứ đều ổn. Vô Phương cho Cù Như biết người kia đã tỉnh, cô bé liền hưng phấn chạy vọt vào, cũng chẳng kịp thay bộ xiêm y ướt đẫm trên người ra… Lời cho tiểu tử kia quá, có lẽ đã thấy hết cảnh tượng bên dưới rồi. Quả nhiên có tiếng hét ầm ĩ vang lên, không sao, nàng biết Cù Như rất thích nam nhân cứng cáp đó. Dù sao chim non trưởng thành đều phải tìm chốn về, thế giới của yêu ma không có nhiều ngại ngùng ra vẻ, hễ vừa ý ai là sẽ mạnh dạn tỏ tình, hoàn toàn bỏ qua vụ tra xét gia cảnh tổ tông ba đời, nếu có thể lôi kéo cùng ngủ một giấc thì người này liền trực tiếp thuộc về mình luôn. Vô Phương khoan thai đi vào bếp, từ trên xà nhà có một chiếc móc sắt rũ xuống, treo nửa giỏ rau cải. Nàng mở hầm lấy thịt muối để dành từ năm ngoái ra, dè dặt xắt một lát rồi xắn tay áo lên bắt đầu làm cơm trưa. Chấn Y bị thương không nhẹ, không thể ngồi vào bàn ăn được, Cù Như liền phục vụ y như phục vụ sản phụ. Vô Phương ngồi bên bàn cạnh đó một mình ăn cơm, nghe cô bé kể lể tranh công: “Chấn Y ca ca có biết không, là muội xin sư phụ cứu huynh đó…” Một con chim thượng cổ lại không biết xấu hổ gọi người ta là ca ca, tình cảm quả đúng là thứ thần kỳ. Vô Phương ăn trưa xong thì nhắm mắt ngủ một giấc đến tận hoàng hôn. Trước khi đêm xuống, nàng tỉnh dậy ngó ra ngoài, trời vẫn đang mưa, chẳng có vẻ gì là sắp tạnh. Nàng vào phòng xem Chấn Y, y mặc nguyên quần áo nằm nghiêng ở đầu giường, không biết đang nhắm hay mở mắt nữa, song cả buổi vẫn không ơi hỡi gì thì chắc là ngủ rồi. Lần đầu tiên Cù Như may vá, trên miếng vải nâu sẫm không biết lấy từ đầu ra vắt một đường khâu to tướng hệt như đòn gánh. Nàng tiến tới, “May quần à?” Cù Như đưa cho nàng nhìn, không chỉ có mỗi quần mà còn có thêm áo bào màu đen nữa, “Hôm qua ở bờ ruộng em thấy hoa thêu trên vạt áo của A Thời khá đẹp nên muốn thử thêu xem sao, nhưng không thành công, lúc gỡ ra còn lỡ quá tay làm vải rách toạc, sư phụ nhìn này.” Vô Phương chả thấy vấn đề gì, xiêm áo trên người y cũng đã rách nát rồi, sẽ không chê thứ này đâu. Thấy đã tới giờ, nàng xoay người bảo: “Em ở lại canh chừng y đi, một mình ta đến núi Thập Trượng cũng được.” Thế đâu có được, Cù Như ném kim chỉ trong tay rồi đuổi theo, thấy nàng đã bày xong trận pháp, bao trùm toàn bộ tháp Xá Lợi. Núi Thập Trượng, biển Vô Lượng, nằm phía Tây thành Thiên Cực, sát bên rìa Ô Kim Sát Thổ, nếu chỉ đi bằng hai chân thì sẽ phải đi rất rất rất lâu. Lúc trước Liên sư biết nàng muốn hành nghề y nên đã tặng nàng chiếc vòng kim cương có thể nối liền hai cực ở Nam Diêm Phù. Bước vào trong vòng là một bãi cỏ bát ngát, cỏ xanh lả lướt, gió đêm hiu hiu, nàng biến ra một chiếc ô bằng giấy dầu đỏ tươi, đỉnh đầu quanh quẩn một con chim ba chân, đi đến dưới gốc cây hòe già thì bước ra khỏi vòng, núi Thập Trượng đã ở trước mắt. Dưới cực quang sặc sỡ, nàng từ tốn đi theo con đường mòn tiến về phía trước, vừa mới đến chân núi thì đã nghe thấy có tiếng khóc lóc, là một con heo yêu đen thui mập ú. Cô nàng rướn cổ khóc bù lu bù loa, nằm trước mặt là một nam nhân vẻ ngoài nhã nhặn, vóc người cao ráo, đáng tiếc đã không còn dấu hiệu sống, tóm lại là chết rồi. Bình sinh Vô Phương ghét nhất nữ nhân khóc lóc, có vấn đề gì thì nghĩ cách giải quyết, nước mắt có gì hữu dụng đâu. Giọng của heo yêu rất dã man, vừa bén nhọn lại chói tai, chẳng khác gì cái dùi nện thẳng vào óc. Một câu quát ‘đừng khóc nữa’ của Vô Phương đã thuận lợi lấp miệng nàng ta lại. Sau đó nàng ngồi xuống, kéo tay người bị thương thăm dò khí tức… Quá yếu, yếu như tơ nhện vậy. Dù có bắt tay vào cứu thì e hiệu quả cũng chẳng được mấy, nhưng nếu không cứu, nam nhân này chắc chắn sẽ phải chết. Nàng đỡ nửa thân trên của y dậy, điểm mở hai huyệt, thi triển linh lực với huyết hải* hai bên. Heo yêu ở bên cạnh không hiểu Trình Giảo Kim** này từ đâu xuất hiện nên chăm chú nhìn nàng, trên mặt vẫn còn treo giọt lệ. (*Huyết hải hay còn gọi là xung mạch, kiểm soát khí và huyết toàn cơ thể đưa đến 12 chính kinh, bắt đầu từ bộ phận sinh dục chia làm ba nhánh, một chạy lên đầu, một nhánh chạy theo xương sống, một nhánh xuống tới bàn chân.) (**Trình Giảo Kim là danh từ thường dùng chỉ đồ phá đám, chen ngang. Hình mẫu từ Trình Giảo Kim (589-665)tự Tri Tiết,là một công thần khai quốc của nhà Đường. Hảo hớn này khỏe như voi, thời trẻ phá làng phá xóm, lại còn làm thảo khấu vô cùng ngang ngược, sau này làm tướng thì chuyên gia lấy toàn lực đánh ba búa. Đánh xong mà địch không chết thì bỏ chạy, nghỉ ngơi một chút quay lại đánh ba búa tiếp. Bởi vậy, hảo hớn này là chuyên gia phá bĩnh, chịu lợi chứ không chịu thiệt. Tên nào mà hay nửa đường nhảy ra phá bĩnh chuyện của người khác thường gọi là Trình Giảo Kim.) Cù Như giữa không trung phát ra tiếng kêu bén nhọn, danh tiếng của cô bé đôi khi còn vang dội hơn cả Vô Phương, những yêu ma chạy đến xin chữa bệnh chưa chắc đã nhận ra linh y, nhưng khi thấy Cù Như thì phần lớn đều tin tưởng vô điều kiện. Vậy có nghĩa nữ nhân trước mắt này chính là linh y sao? Thì ra linh y không phải là một bà lão… Heo yêu ngẩn người, trợn to đôi mắt như chuông đồng, cô nương xinh đẹp ai chẳng thích, huống chi vẻ đẹp của đối phương lại diễm lệ tuyệt trần như vậy, so sánh càng khiến bản thân trông thô bỉ hơn nhiều. Heo yêu rất ấm ức, tình lang nửa sống nửa chết, còn mình thì bị đả kích dữ dội, đúng là họa vô đơn chí. Chiếc ô đỏ nằm một bên bị gió cuốn đi, lăn ra xa hai bước, ngay đến ô của người ta cũng đầy chất thơ như vậy. Cô nàng bặm môi hỏi: “Diễm cô nương, chàng sao rồi?” Vô Phương đã thử hết cách, nhưng chỉ đổi lại được tiếng rên rỉ thật dài của nam nhân, y mở mắt nhìn một cái rồi ngã xuống đất tắt thở. Heo yêu òa khóc: “Chết rồi? Chàng thà chết chứ cũng không chịu hoan hảo với ta sao!” Vô Phương nhìn nàng ta nước mắt nước mũi đầm đìa, chợt nhớ đến Lộc Cơ lần trước, trong lòng không khỏi hơi do dự, lại thăm dò động mạch của người bệnh, mong manh vô cùng, không hề có dấu vết của chút tàn hồn dư phách nào.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang