[Việt Nam] Hoạn Lộ

Chương 12 : Lê Nghi Dân

Người đăng: 

Ráng chiều đỏ rực như máu lấn lướt sắc xanh của bầu trời, nuốt gọn mặt đất. Gió nhè nhẹ thổi, cuốn theo hơi ẩm và hương cỏ xanh bên ngoài, mang vào phòng, tạo không khí thoải mái, dễ chịu. Cổ họng khô và đắng ngắt, đôi môi nứt nẻ bật máu, Bảo Lâm không ngờ tình trạng sức khoẻ của mình lại tệ đến vậy, rõ ràng Đào Thiên Lang đã nói nàng sẽ khoẻ lại trong nay mai mà! Bảo Lâm liếm liếm môi, chống hai khuỷu tay xuống, gượng dậy. Nàng nhăn mặt, xương cốt như sắp gãy rời, rất đau. Bảo Lâm nhích người, từ từ dịch thân hình ra phía thành giường, chậm chạp đặt chân xuống mặt đất, đi giày vào. Nàng đứng lên, lảo đảo tiến tới bàn uống trà. Trong phòng tối om, trong khi thị lực của Bảo Lâm càng ngày càng kém, nàng quơ tay kéo chiếc ghế gỗ, ngồi xuống cạnh bàn trà. Thở dài một hơi, Bảo Lâm rót một chén trà, đưa lên môi, uống cạn. Trà lúc này đã nguội lạnh, nhưng cũng phần nào thoả mãn cơn khát của nàng. Bóng tối hiện tại khiến Bảo Lâm hoảng sợ, cảnh tượng âm u dưới địa phủ cơ hồ hiện ra trước mắt với những âm hồn xam xám và những đoá Bỉ Ngạn đỏ thẫm. Nàng cả kinh, bỏ qua cơn đau, bật dậy, lấy đá lửa trong người ra định châm nến lên. Bảo Lâm không ngờ sẽ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh này, chợt phì cười: Ây da, Phạm Bảo Lâm ơi Phạm Bảo Lâm, mi là người hiện đại, là người hiện đại đó. Những năm học đại học còn từng soi đèn ra nghĩa trang bắt trộm rồi khi bị ném về đây cũng từng học cách chế tạo người rối, nếm qua trăm loại thảo dược, thấy qua trăm loại độc vật có hình thù kỳ dị. Ai dè đâu giờ chết hụt một lần rồi lại đâm ra sợ sệt những thứ mình thấy trong mơ. Haizzz, thật mất mặt quá đi! Nghĩ đến đây, hai mắt nàng bất đồ tối sầm lại, toàn thân lảo đảo, thiếu chút nữa thì ngã xuống. May mắn thay, khi đó Nguyễn Tuấn quay về từ võ trường, trên tay cẩn thận bê một chiếc bát, cậu ta dùng chân đẩy cửa phòng khiến nó đập mạnh vào tường. Bảo Lâm giật mình, đánh rơi cả đá đánh lửa, trái tim thắt lại, tay bấu chặt lấy thành bàn, nàng cúi xuống ho một tràng. Nguyễn Tuấn thất kinh, thốt lên: - Bảo Lâm! Cậu ta vội vàng đặt chiếc bát lên bàn, chạy tới, một tay đỡ lấy bạn mình, tay còn lại vuốt vuốt lưng cho nàng nhuận khí. Bảo Lâm nhăn mặt, xua xua tay, Nguyễn Tuấn đỡ nàng ngồi xuống ghế, càu nhàu: - Cậu không nằm yên trên giường nghỉ ngơi thì chớ, còn ra đây làm gì? Bảo Lâm liếc cục thịt tròn vo kia, khẽ cười: - Cậu xem, trời tối rồi, tôi phải dậy thắp nến chứ. Hơn nữa, bản thân khát nước thì biết gọi ai đây? Nguyễn Tuấn không hài lòng nói: - Cậu chỉ cần nằm yên, nhắm mắt nghỉ ngơi là được rồi. Còn về phần nước nôi, cứ đợi tôi về. Bảo Lâm lắc đầu: - Khi con người ta thoát khỏi Quỷ Môn Quan một lần thì lá gan sẽ nhỏ lại, sẽ sợ rất nhiều thứ, cậu hiểu không? Dứt lời, nàng lại ôm ngực ho khan, cổ họng đau rát như muốn rách ra. Nguyễn Tuấn nhanh chóng cầm lấy bát nước còn nghi ngút khói, đưa tới miệng nàng: - Mau uống cái này vào, uống rồi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Bảo Lâm gật nhẹ, đặt hai viên đá trong tay xuống, cầm lấy bát nước, nàng hít lấy làn khói trắng mang hương thơm thanh mát, chợt cảm thấy khoan khoái lạ thường, liền đó nhấp một ngụm nhỏ, để cho vị ngọt thanh thấm dần vào đầu lưỡi, đoạn ngạc nhiên: - Nguyễn Tuấn, đây là... - Là nước lê. - Nguyễn Tuấn nhe răng cười, gãi gãi đầu. - Tôi có bỏ thêm một chút muối, nó sẽ tốt cho cổ họng của cậu hơn. Trước đây mẹ tôi cũng nói nó có tác dụng dưỡng sức rất tốt. Bảo Lâm bật cười: - Làm sao mà cậu kiếm được lê vào mùa này? - Cái này là lê khô mẹ tôi làm từ mùa thu năm ngoái, tuy vị không ngon bằng lê tươi nhưng tác dụng không hề giảm đi chút nào đâu. - Nguyễn Tuấn nhăn mũi đáp. Bảo Lâm uống thêm một ngụm lớn, rồi đặt bát nước xuống, nhìn Nguyễn Tuấn: - Thời gian qua tôi phải cảm ơn cậu rất nhiều. Nguyễn Tuấn lắc đầu: - Ơn huệ gì chứ! Chúng ta là bạn mà! Vả lại, Đào thủ lĩnh cũng nhắc tôi phải chăm sóc cậu cho chu đáo. - Tay cậu sao rồi? - Bảo Lâm đưa mắt nhìn hai bàn tay đang đan vào nhau của Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn vừa nghe bèn giơ đôi tay mập mạp điểm vài vết bầm tím lên: - Tôi vốn thịt nhiều, da dày nên không có vấn đề gì. Thủ lĩnh cũng nhắc tôi tới chỗ đại phu lấy thuốc rồi. Bảo Lâm thở nhẹ, nheo nheo mắt, lẩm bẩm: - Ừm, vậy thì tốt rồi. Chỉ là, Đào Thiên Lang kia tính bỏ nghề thật hả? Hắn cứ làm con sói ngoan không ăn thịt người thật là khiến kẻ khác kinh ngạc. - Cậu càng ngày càng trở nên kỳ lạ. - Nguyễn Tuấn nhướng mắt nhìn Bảo Lâm chằm chằm, đột nhiên nói. - Kỳ lạ? - Bảo Lâm ngả chén sứ, rót một chén trà, hỏi. - Sao cậu lại nói vậy? Nguyễn Tuấn cầm hai viên đá đánh lửa, cọ xát chúng với nhau, trong đêm tối vang lên những tiếng lạch cạch, và rồi, ánh nến vàng vọt toả sáng tựa như một ngôi sao điểm xuyết giữa màn đêm buốt giá. Mâu quang của Bảo Lâm dịu xuống, đưa mắt nhìn Nguyễn Tuấn kéo ghế ngồi vào phía đối diện, cậu ta chống cằm nhìn nàng, đáp: - Quả thực mấy ngày nay cậu rất lạ, cứ trầm mặc suốt làm tôi không quen. Bảo Lâm chỉ mỉm cười, nâng tay áo, uống cạn chén trà nhạt. Sự việc vừa rồi chính là lời cảnh cáo của trời xanh, ông ta vốn dĩ là một tên độc tài, sẵn sàng kết liễu kẻ chống đối mình bất cứ lúc nào. Còn con người lại giống như lũ dân đen thấp cổ bé họng, họ không có quyền được phản kháng. Nhìn lại lịch sử suốt mấy nghìn năm, đất nước ta trải qua bao loạn lạc, thịnh suy hưng vong chỉ trong chớp mắt, có biết bao anh hùng hào kiệt xuất hiện, vùng lên chống lại ý trời nhưng kết cục tốt đẹp thì có mấy người? Lại nghĩ, dân tộc ta vì chống lại thiên triều suốt cả ngàn năm, dùng máu nhuộm từng tấc đất để bảo vệ non sông vậy mà những thời thịnh trị duy trì được bao lâu rồi sinh ra một lũ bán nước như Trần Ích Tắc[1], Lê Chiêu Thống[2], Trần Di Ái[3]? Suy cho cùng thì tất cả đều đã được an bài, con người càng vùng vẫy thì càng lún sâu vào vũng bùn số phận mà không thể thoát ra. Vậy chi bằng Bảo Lâm nàng hãy cẩn trọng hơn mà sống qua ngày,cố gắng không dây dưa với những nhân vật lịch sử kia nữa thì mới mong bảo toàn bản thân. Nguyễn Tuấn thấy Bảo Lâm nhất thời im lặng thì càng cảm thấy kỳ quái, thanh kiếm treo trên tường bắt sáng, ánh lên giá buốt, hắt những vệt sáng xanh lạnh lên khuôn mặt Bảo Lâm. Nguyễn Tuấn vô thức rùng mình, bèn đổi giọng, lên tiếng: - Bảo Lâm này. - Hử? - Nàng ngạc nhiên ngẩng lên. Nguyễn Tuấn nhìn quanh quất, đứng dậy, dí sát khuôn mặt tới chỗ Bảo Lâm, thì thào: - Hôm nay Lạng Sơn Vương tới. Bảo Lâm vừa nghe, đôi mắt đang khép hờ chợt mở trừng, nhìn người kia như muốn lôi hết gan ruột cậu ta ra: - Lạng Sơn Vương? Nguyễn Tuấn gật đầu. Bảo Lâm nheo mắt, tiếp lời: - Hiện tại hắn đang ở đâu? - Ngài ấy đang cùng Vương gia đối ẩm tại tiểu đình. - Nguyễn Tuấn thấy sắc mặt của Bảo Lâm không tốt, nhanh chóng trả lời. Bảo Lâm nhếch mày, khoé môi cong lên, thầm chế giễu: Đối ẩm sao? Lê Tư Thành bị anh ruột ám sát, Lê Nghi Dân cũng bị em trai mình gài bẫy, vậy mà hai người họ vẫn trưng ra vở kịch anh em hoà thuận này, không rõ là cho ai coi? Nghĩ tới đây, Bảo Lâm bèn nâng mâu nhìn bạn mình một cái, vịn hai tay vào thành bàn, đứng lên. Nguyễn Tuấn cả kinh: - Cậu định làm gì? Bảo Lâm cười nhợt nhạt, cắn răng chịu đau, đáp: - Tôi muốn đi xem kịch, phiền cậu dẫn đường tới tiểu đình. Trong lòng lại nghĩ: Lê Nghi Dân à,thực ra ta cũng không muốn so đo với ngài đâu nhưng mà ngài hại ta ra nông nỗi này rồi nên ta đành làm tiểu nhân một phen vậy. Giữa màn đêm tĩnh mịch, một con bướm đêm nhẹ nhàng đập cánh bay trong gió, bay được vài vòng thì phát hiện có ánh sáng phía trước. Giống như một kẻ sắp chết tóm được cọng rơm cứu mạng, nó lập tức lao về phía chiếc đèn lồng treo cao, bám vào lần giấy hồ rồi bò vào trong đèn. Và rồi, "Xèo" một tiếng, kiếp phù du kết thúc trong chớp mắt. --- Chú thích: [1] Trần Ích Tắc (1254-1329) là con của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông nhà Trần nước Đại Việt, tước hiệu là "Chiêu Quốc Vương",phong tháng 5 năm1267. Đại Việt Sử ký Toàn thư có viết như sau: «Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng (Trần Thái Tông), thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v... gồm hai mươi người, đều được dùng cho đời...Đến mười lăm tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay (1285), người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua." Cũng vì sự việc trên mà Trần Ích Tắc bị loại tên ra khỏi tông thất nhà Trần. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thì: "...Tháng 5 (1289), sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng (Trần Thánh Tông) sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần" [2] Lê Mẫn Đế (Lê Chiêu Thống) (1765 - 1793), tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ , là vị vua thứ 16 và là cuối cùng của nhà Lê trung hưng, thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786, tới đầu tháng giêng năm 1789. Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm đó của ông bị một số nhà sử học trong nước sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi "bán nước", "cõng rắn cắn gà nhà". [3] Trần Di Ái là chú vua Trần Thánh Tông (em trai vua Thái Tông). Năm 1281, vua Nguyên đòi vua Trần Nhân Tông sang chầu, vua Trần lấy cớ khước từ và cử Trần Di Ái là chú sang thay mặt. Hốt Tất Liệt bèn nhân cớ phong Di Ái làm An Nam quốc vương. Hắn gửi thư cho vua Trần: "Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho người được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm quốc vương An Nam cai quản dân chúng". Hốt Tất Liệt sai Bột Nham Thiết Mộc Nhi đem 1.000 quân tháp tùng Trần Di Ái về làm vua nước Nam. Nhưng khi về đến biên giới thì quân hộ tống bị quân Trần đánh cho bán sống bán chết bỏ chạy. Trần Di Ái và bộ sậu bị bắt về. Vua Trần tha cho tội chết, nhưng bắt làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, suốt đời nhục nhã không dám ngẩng mặt lên. Màn đêm đen thăm thẳm nuốt trọn thế gian vào cái miệng rộng ngoác, u tối. Bất đồ, một tia sét xuất hiện, rạch ngang bầu trời, sau đó toả ra như chân rết, xé tan bóng tối thành trăm ngàn mảnh. Vầng trăng sáng lạnh nép mình trốn đi, nhưng trước đó còn kịp buông lại một nụ cười ngạo nghễ trước đám sinh linh bé nhỏ dưới chân mình. Ngay lập tức, trời đổ mưa. Cơn mưa bất ngờ trút xuống tẩy sạch những vết nhơ tích tụ lâu ngày, cũng giống tai ương vô tình khiến người ta không kịp trở tay. Nước mưa thấm xuống mặt đất làm bốc lên một thứ mùi ẩm mốc hơi chua, không khí cũng vì vậy mà trở nên oi nồng hơn. Những chiếc đèn lồng treo dọc theo các mái ngói cong cong đung đưa trong gió, vài chiếc đã bị thổi tắt, vài chiếc bị rứt ra khỏi mối buộc nằm lăn lóc dưới đất với lớp giấy hồ trắng ngà bị nước mưa xé thủng. Đình Nguyệt Quang được xây tại trung tâm hồ sen lớn của phủ Bình Nguyên Vương, kết nối với mặt đất bởi hai chiếc cầu hình bán nguyệt sơn đỏ được phủ kín nhờ những lớp mái ngói lưu li ken dày hòng che mưa che nắng. Đình hình bát giác, bên trong không rộng lắm, mái hơi cong lợp ngói đỏ, rèm lụa xanh ngọc thanh nhã buông rủ. Giữa tiểu đình kê một chiếc bàn đá tròn, xung quanh bày thêm sáu chiếc ghế làm từ gỗ xoan đào. Thiên Lôi buồn bực đánh xuống một tia sét tựa nhánh cây khô gầy guộc, những dải âm thanh ầm ầm như pháo nổ rong ruổi đuổi nhau mãi về phía chân trời xa. Mưa ngày một nặng hạt, gõ nhịp trong đêm nghe như tiếng ngọc vỡ. Giông tố nổi lên, gió thốc từng cơn, thổi tung những tấm rèm mỏng manh, hoạ rõ quang cảnh bên trong. Lê Tư Thành và Lê Nghi Dân ngồi đối diện với nhau, im lặng quan sát đối phương, chừng như đang nói chuyện trong tâm tưởng. Ánh đèn khuếch tán tràn lên thân hình Lạng Sơn Vương, hôm nay hắn mặc một bộ đồ gấm màu đen, trên thêu hình giao long cách điệu[1] bằng chỉ bạc, mắt điểm ngọc quý. Quan sát khuôn mặt, ngũ quan đoan chính, diện mạo khá giống em trai mình. Tuy nhiên, nếu phong thái của Bình Nguyên Vương ôn hoà, nho nhã, toát ra khí chất vương giả thì Lạng Sơn Vương lại khiến người ta cảnh giác và lo sợ. Rượu ngon im lìm trong chén ngọc, món ăn thanh đạm nay nguội ngắt, mỹ nhân tấu đàn đến mức những ngón tay thon nhỏ bật máu. Giống như đứng trước gương, vạn vật tự ngắm mình và ngưng thở. Đào Thiên Lang và Trần Quân cẩn trọng bảo vệ chủ nhân, trong tay áo đều giấu kiếm Tru Tiên, - loại kiếm nhỏ, mảnh, rất sắc bén được rèn bởi thợ rèn lành nghề tới từ Triều Tiên - đưa ánh mắt thăm dò về phía người phụ nữ phía sau Lạng Sơn Vương. Người nọ vóc dáng mảnh mai, mặc áo lụa đỏ tươi như máu theo kiểu Tây Vực, do khuôn mặt đeo một tấm mạng trắng nên không thể nhìn rõ ngũ quan, chỉ có đôi mắt sâu và sáng mang màu phỉ thuý ẩn dưới hàng mi dài là gây ấn tượng. Thoạt nhìn chắc cô ta chưa quá mười tám tuổi. Nhận ra thái độ của Đào Thiên Lang và Trần Quân, cô ta cúi đầu chào rồi tặng cho họ sóng mắt lúng liếng mê hồn. Đào Thiên Lang trừng mắt, bàn tay khẽ động, lén phóng về phía người phụ nữ đó một cây ngân châm. Ngân châm mảnh như tơ xé gió lao đi, người phụ nữ kia cả kinh, nhẹ vung tay áo, ám khí liền lao vút ra khỏi tiểu đình rồi mất dạng trong đêm. Đào Thiên Lang nhướng mày nhìn ả, cười chế giễu, nói bằng mắt: "Cô đừng mong dùng Nhiếp Tâm Thuật với ta." Ả ta nhìn thấy nụ cười của Đào Thiên Lang, khoé môi co rút khiến lần sa trắng hơi động đậy, đôi đồng tử co lại sắc bén nanh ác dị thường. Đào Thiên Lang chán ghét ngoảnh đầu ngắm mưa, chỉ là lúc này trong mắt hắn lại hiện lên hình ảnh một người. Tựa mình vào góc cột của chiếc cầu bán nguyệt, vai áo đã bị nước mưa thấm ướt, Bảo Lâm nhíu mày nhìn sâu vào bên trong tiểu đình. Trong lòng có chút buồn bực, nàng tới xem kịch đã lâu, hai chân tê rần, tuy phông nền rất hoành tráng vậy mà diễn viên chính lại ngồi đóng kịch câm thế kia, quả là phụ lòng một khán giả trung thành như nàng đây. Bảo Lâm chép miệng, hơi nghiêng đầu hỏi người đứng cạnh mình: - Tuấn, cậu thử nói xem, tại sao đã lâu như vậy mà bên trong vẫn chưa có động tĩnh gì? Cặp lông mày cụp xuống, Nguyễn Tuấn lay vai Bảo Lâm: - Đó, vậy thì chúng ta mau đi thôi. Tay của cậu cũng đến giờ thay thuốc rồi. Bảo Lâm nhăn mặt, giơ cánh tay bị thương lên: - Tôi còn không sợ, cậu sợ cái gì chứ? - Chỗ này vốn không phải là nơi dành cho chúng ta. - Nguyễn Tuấn mơ hồ nói. Bảo Lâm "xì" một tiếng, lè lưỡi trêu bạn cùng phòng, lắc đầu, tiếp tục theo dõi màn kịch do hai vị Vương gia tôn quý kia bày ra. Trong lòng nàng có chút thắc mắc, rõ ràng hai anh em nhà họ Lê đó đã hiểu rõ dã tâm của đối phương, vậy thì tại sao sau này lại cùng nhau vượt qua cuộc đảo chính kinh thiên động địa đó? Sau khi lên ngôi, vì lí do gì mà Lê Nghi Dân vẫn giữ lại mạng sống cho em trai mình? Thực hư chuyện Lê Khắc Xương như thế nào? Hậu thế như nàng nhìn lại quá khứ cha ông qua một vài trang sách, những tưởng bản thân đã nắm rõ huyền cơ nhưng cho đến khi tận mắt chứng kiến vòng xoáy quyền lực tác oai tác quái thì mới nhận ra mình thật ngu muội biết bao. Đâu là đúng, đâu là sai? Đâu là thực, đâu là giả? Con người ta cứ mãi luẩn quẩn tìm kiếm sự thực cho tới khi người đã mất, việc đã tan thì mới nhận ra rằng vốn dĩ trên đời này không có sự thực nào cả. Bảo Lâm gục đầu vào cột gỗ, nước mưa chảy dọc xuống theo thái dương, thấm ướt làn tóc mai. Thời gian qua đi, cuối cùng Lê Tư Thành cũng lên tiếng phá vỡ bầu không khí trầm mặc: - Không rõ vì lí do gì mà hôm nay đại huynh lại tới thăm tệ phủ thế này? Lê Nghi Dân nghe hỏi, chân mày hơi nhướng lên, cười nói: - Ta nghe nói cách đây vài ngày có kẻ dám tới phủ Bình Nguyên Vương làm càn, đã có ý tới thăm. Chỉ là, thân mới từ Lam Kinh về, trúng phải chút gió độc nên phải tĩnh dưỡng ít hôm, nay mới có thể sắp xếp tới thăm đệ được. Ta cảm thấy thực có lỗi. Lê Tư Thành giơ tay xá, đưa ánh mắt xoáy sâu vào tâm can nhìn người đối diện: - Tiểu đệ đâu dám làm phiền huynh trưởng. Khiến huynh lo lắng, Tư Thành thực áy náy. Có điều không ngờ thời tiết dạo này lại thất thường như vậy, mới vào cuối hạ mà gió độc đã nổi lên khiến người ta mắc bệnh. Lê Nghi Dân thở dài, ngước mắt nhìn mặt hồ được đèn đuốc biến thành một tấm gương khổng lồ đang cắn nuốt từng giọt nước rơi rớt nhằm bành trướng mình, tuy thần thái hắn rất bình thản nhưng đôi mắt đã loé lên mâu quang sắc nhọn như diều hâu. Điều chỉnh lại cảm xúc, hắn quay lại, nở một nụ cười khiên cưỡng: - Đúng vậy, không rõ vì sao dạo gần đây liên tiếp xảy ra những việc kỳ quái. Nhưng dù gì thì ta cũng đã có thể tới thăm đệ, càng không ngờ lại có thể gặp được Đào bang chủ danh chấn giang hồ tại đây. Dứt lời, Lê Nghi Dân bèn nhướng mắt nhìn chàng trai anh tuấn sau lưng Bình Nguyên Vương. Đào Thiên Lang mỉm cười, ôm quyền đáp lễ. Lê Tư Thành hơi ngoảnh lại, tiếp lời: - Đào bang chủ hiện là võ sư của Tư Thành, cũng là khách của vương phủ. Lê Nghi Dân "ồ" lên một tiếng, đoạn, nhìn Đào Thiên Lang, cười nhạt: - Đào bang chủ đây thân mang võ công tuyệt thế, nay lại tới làm khách cho phủ Bình Nguyên Vương... Tư Thành, ta cảm thấy câu nói "hổ mọc thêm cánh" dùng trong trường hợp này rất hợp. Hai bàn tay của Trần Quân bắt đầu siết lại thành quyền. Đào Thiên Lang nhỏ giọng nói qua kẽ răng: - Ngươi vẫn còn so đo với ta sao? Trần Quân hừ lạnh một tiếng, không đáp lời. Đào Thiên Lang nhún vai, thiếu chút nữa thì bật cười, khó khăn lắm mới duy trì được sắc mặt như trước. Lê Tư Thành nhận ra khí tức của Trần Quân thay đổi, bèn hạ giọng: - Huynh trưởng đã quá lời. Đào Thiên Lang cũng ôm quyền, hơi cúi người, mắt phượng chuyển ánh nhìn về phía người phụ nữ đối diện, khoé môi cong lên: - Lạng Sơn Vương quá khen, Thiên Lang chẳng qua chỉ có chút công phu phòng thân, đâu có thể nói là cao thủ danh chấn giang hồ. Vinh dự đó phải nhường cho Trịnh đường chủ của phái Liệt Hoả đất Lam Sơn mới đúng. Trong đình đột nhiên vang lên một giọng nói trong vắt, như gần lại như xa: - Đào bang chủ quả nhiên tinh ý, tiểu nữ bội phục. Lời vừa nói ra, chúng nhân nhất loạt chú mục nhìn người phụ nữ kia. Lê Nghi Dân nâng chén rượu, nhấp môi, cười thầm trong bụng. Lê Tư Thành nhìn người kia qua khoé mắt, tâm tư biến chuyển, cất giọng: - Thì ra đây chính là Trịnh đường chủ, nghe giang hồ ngợi khen đã lâu, nay được gặp quả nhiên khí chất khác thường. - Vương gia quá lời rồi. - Trịnh đường chủ Trịnh Khánh khẽ khàng. Lê Tư Thành chợt đưa ra một chủ ý: - Dịp hôm nay quả là hiếm có, hai vị chủ nhân của hai trong năm đại môn phái của Đại Việt đều có mặt ở đây. Chi bằng hai vị cùng nhau tỉ thí một phen, xem như để mọi người được mở mang tầm mắt. Ngừng lại một lát, Lê Tư Thành cười thâm thuý: - Không rõ ý của huynh trưởng ra sao? Sắc mặt của Lê Nghi Dân sa sầm, cười gượng gạo: - Tất nhiên ta rất háo hức. Đào Thiên Lang khẽ cười, ôm quyền nói: - Bình Nguyên Vương đã phân phó thì thuộc hạ đâu dám chối từ. Nhưng nơi này có vẻ hơi chật hẹp, mà ngoài trời lại đang đổ mưa, chỉ e không tiện. - Không sao, không sao. - Lê Nghi Dân nhanh chóng thay đổi thái độ, hào sảng nói - Chúng ta có thể di dời tới nơi khác mà. Ở trên cầu xem đấu võ dưới ánh đèn, lấy tiếng mưa làm đàn quả là có chút nhã hứng. Tư Thành nói có phải hay không? Lê Tư Thành đứng lên, cười đáp: - Đúng, huynh trưởng nói rất đúng! Đoạn, giơ tay về hướng cây cầu bán nguyệt , Lê Tư Thành nói: - Mời. Lê Nghi Dân không rõ lấy từ đâu ra một chiếc quạt giấy, vung tay xoè quạt, phe phẩy trước ngực rồi vén bào rời đi. Lê Tư Thành nối gót, đưa mắt nhìn Đào Thiên Lang, khẽ gật đầu. Trần Quân lập tức theo sau chủ nhân, khi bước qua chỗ bang chủ Hắc Long bang còn dặn dò lại một câu mà mãi về sau Đào Thiên Lang vẫn còn cảm kích. Trong đình có biến, Nguyễn Tuấn nhanh tay kéo thiếu niên gầy gò kia xuống nấp vào chân cầu khiến cậu ta giật mình. Bảo Lâm theo phản xạ, thiếu chút nữa thì đứng lên. Nguyễn Tuấn lại ấn nàng ngồi xuống, giục: - Chúng ta mau đi thôi! Nếu để Vương gia biết được thì nguy đấy! Bảo Lâm vẫn nghển cổ nhìn, khoát tay: - Cậu mau im lặng cho tôi xem nào. - Phạm Bảo Lâm! - Nguyễn Tuấn gắt. Bảo Lâm ngoảnh lại, cau mày, đặt một ngón tay lên môi, ra hiệu. Nguyễn Tuấn không biết làm thế nào đành thở dài đánh thượt, im lặng cúi thấp đầu quan sát. Rất nhanh chóng, chiếc bàn đá được dọn đi, rèm lụa bị tháo xuống để lộ ra cái vỏ trống huơ trống hoác tựa như một kẻ bị tước đi xiêm y lộng lẫy một cách vô tình. Đám thị nữ bày trên cầu một bộ bàn ghế gỗ nhỏ, sau đó lục tục rời đi khiến hai kẻ đang nấp tại chân cầu không khỏi giật mình. Bình Nguyên Vương và anh trai ngồi xuống, có vẻ rất háo hức mong chờ trận đấu này, Trần Quân lặng lẽ đứng vào một góc sau Lê Tư Thành, cảnh giác lắng nghe động tĩnh. Bảo Lâm bị ba kẻ kia che khuất tầm nhìn nên không thể nhìn rõ, trong lòng buồn bực không thôi, thêm vào đó cơ thể bị ngấm nước mưa khiến toàn thân lạnh toát, đầu óc choáng váng. Nàng chán ngán quay lại, ngồi thụp xuống, ủ rũ nhìn Nguyễn Tuấn, không bằng lòng nói: - Chúng ta về thôi. Không cần nhắc đến thái độ của Nguyễn Tuấn lúc này, bởi cậu ta đã nhanh chóng chộp lấy cổ tay Bảo Lâm mà lôi đi, khinh công thường ngày vốn rất kém vậy mà nay chỉ vận chút nội lực là đã có thể đưa Bảo Lâm về tới hành lang phía xa. Cánh tay Bảo Lâm bị kéo giật tới đau buốt, nàng nhíu mày rút mạnh cổ tay khỏi bàn tay cứng như gọng kìm của Nguyễn Tuấn, vừa xoa vết hằn đỏ vừa càu nhàu: - Cậu không cần phải vậy chứ, đau chết mất thôi! - Cậu còn biết đau hả? - Nguyễn Tuấn cau mày, cánh tay mập mạp đưa lên định lôi Bảo Lâm đi. Tuy nhiên nàng đã nhanh chóng tránh được. Mưa đã ngớt. Đương lúc đó, đột nhiên có một tên hầu hai tay cẩn thận bưng một chiếc khay gỗ phía trên bày bộ đồ uống trà, đầu cúi thấp mà đi lướt qua chỗ Bảo Lâm và Nguyễn Tuấn, bước chân rất nhẹ, kèm theo đó là mùi trúc xanh thanh nhã lan toả. Bảo Lâm liếc hắn một cái, hai chân khẽ đảo, xông lên, đưa tay chặn lại, nhướng mày hỏi: - Ngươi đang làm gì ở đây? - Tiểu nhân tới hầu trà hai vị Vương gia - Tên hầu vẫn cúi đầu, trầm giọng đáp. *** Chú thích: [1] Giao long: có tài liệu nói là cá sấu lại có tài liệu nói là thuồng luồng, ở đây chỉ hình ảnh thuồng luồng.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang