[Dịch] Hiệp Hành Thiên Hạ

Chương 1 : Thiếu niên luyện quyền

Người đăng: 

.
Đôi lời của tác giả Viết quyển sách này ta đã sớm đoán trước, chắc chắn sẽ có rất nhiều người cho rằng đây không phải là tiểu thuyết võ hiệp, đây là dị giới, là huyền huyễn, đây là giả tưởng, thậm chí cũng có người xem là khoa học viễn tưởng, không ai nghĩ nó là võ hiệp. Như vậy, ta muốn hỏi, thế nào mới được gọi là võ hiệp? Cổ đại? Xã hội phong kiến? Môn phái? Giang hồ? Đao và kiếm? Tuyệt thế võ công? Âm mưu hiểm ác trong giang hồ? Tuyệt thế cao thủ? Hay là võ thuật truyền thống? Miêu tả các lưu phái võ công cổ xưa ở xã hội hiện đại? Có lẽ là vậy, nhưng điều ta muốn nói ở đây là, những thứ này cũng chỉ là một phần của võ hiệp, hay nói cách khác, một phần của võ hiệp bao gồm những thứ này. Như vậy, thế nào mới được gọi là võ hiệp? Ta cho rằng, võ hiệp chia làm 2 phần, một phần là "võ", một phần là "hiệp". Phải có võ thuật vượt qua võ thuật ở thế giới thường, thậm chí sử dụng võ thuật ở thế giới bình thường cũng được nhưng phải mạnh mẽ, mạnh hơn ngươi, hơn ta, hơn hắn, hơn cả đoàn người, bỏ xa chúng ta... đó là điều nhất định. Ngươi không thể nói những tên côn đồ đánh nhau ngoài đường, xã hội đen... là "võ" trong võ hiệp được. Tạm không nói tới "hiệp", ngươi cảm thấy cầm dao chém người là "võ" trong võ hiệp ư? Nãy giờ chỉ đề cập tới "võ", nhưng phần quan trọng nhất trong võ hiệp chính là "hiệp", giờ sẽ bàn tới "hiệp". Thế nào là "hiệp"? Cá nhân ta cho rằng, cái gọi là "hiệp" thật ra chính là một loại tinh thần! Truy cầu tự do chính là "hiệp", truy cầu nhân nghĩa chính là "hiệp", truy cầu công lý chính là "hiệp", người một lòng vì nước vì dân chính là "hiệp". Truy cầu sự hoàn mỹ như Tây Môn Xuy Tuyết truy cầu kiếm đạo hoàn mỹ, ta cho rằng đó cũng là một loại "hiệp". Còn nữa, truy cầu ẩn thế tiêu dao cũng là "hiệp". Truy cầu Tiếu ngạo giang hồ cũng là "hiệp", thậm chí như Tửu Kiếm Tiên trong Tiên Kiếm dạo chơi nhân gian cũng là "hiệp". "Hiệp" là gì? "Hiệp" là một loại tinh thần, đối mặt với bản tâm của mình, không bị thế gian trói buộc, chính là loại tinh thần Nhất nộ bạt kiếm - Lưu huyết ngũ bộ, là loại tinh thần Tráng sĩ một đi không trở về. Là Chu Hợi, là Hầu Doanh (1), là Thập bộ sát nhất nhân - Thiên lý bất lưu hành, là Tam bôi thổ nhiên nặc - Ngũ nhạc đảo vi khinh (2). Đúng vậy, những thứ này đều là "hiệp". Cho nên ta muốn nói, "hiệp" vì sao nhất định phải ở xã hội phong kiến? Vì sao phải ở thời cổ đại? Tại sao không thể ở dị giới? Hà tất phải có môn phái? Cần gì phải có giang hồ? Nếu nhất định phải có những thứ đó, như vậy con đường võ hiệp càng đi sẽ càng khó khăn, càng chạy càng thụt lùi, bởi vì đến một ngày nào đó, những gì có thể viết, nên viết, muốn viết... đã viết ra hết rồi. Còn lại chỉ là triều đại nào đó liên miên bất tận, một môn phái, một gia tộc, những người khác đánh nhau mà thôi, mọi người có muốn xem nữa không? Hành hiệp thiên hạ có phải võ hiệp hay không? Có viết về "hiệp" hay không? Có phải là một loại tiểu thuyết mới hay không? Dĩ nhiên không phải là sáng tạo một trường phái mới, điểm này ta muốn nói rõ. Quyển sách này chính là hệ thống xuyên việt, cũng không phải là sáng tạo trường phái mới, mà là ta suy nghĩ rồi viết ra, muốn thấy một loại võ hiệp mới, vậy thì tùy theo nhận xét của các vị. Nhưng đừng vội bình luận khi quyển sách này vừa bắt đầu. Hãy tin tưởng ta, ta là ZHTTTY, ngoại trừ việc cập nhật chương mới, sách của ta sẽ không làm cho các vị thất vọng đâu! Quyển sách này ta có giữ lại không ít bản thảo, đã gửi cho mấy người bạn thân xem rồi, câu trả lời của họ là, quyển sách này... vị “hiệp” mười phần. Tràn đầy hương vị của "hiệp", khi viết bản thân ta cũng nhiệt huyết sôi trào, cảm xúc bành trướng. Như ta đã nói, nếu muốn làm các vị xúc động thì sách của ta nhất định phải làm ta xúc động trước đã, nếu có thể làm ta xúc động thì cũng có thể làm các vị xúc động. Tin tưởng ta, đây là một quyển sách mà sau khi xem xong vẫn còn lại dư vị, hơn nữa sẽ thấy thích thú với thể loại "hiệp" này. Ta không dám hứa trước quyển sách này sẽ có bao nhiêu chương, mỗi ngày ra mấy chương... nhưng ta sẽ cố gắng cập nhật chương mới nhanh hơn so với trước kia. Bởi vì quyển này ta viết rất thoải mái, vui vẻ, tốc độ sáng tác cũng rất nhanh, cho nên ta sẽ cố cập nhật chương mới sớm. Về phần sách... Ta là ZHTTTY, hãy tin tưởng chất lượng sách của ta, những thứ khác ta không muốn nói nhiều. Câu nói sau cùng... Hãy xem ta viết một câu chuyện võ hiệp mới, câu chuyện về Hành hiệp thiên hạ! Chú thích: 1/ Hầu Doanh (?-257 TCN): còn gọi là Hầu Sinh, là ẩn sĩ nước Ngụy thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Tín Lăng Quân Nguỵ Vô Kỵ đánh bại quân Tần cứu nước Triệu trong trận Hàm Đan. Chu Hợi: là người bạn làm nghề bán thịt của Hầu Doanh. 2/ Thập bộ sát nhất nhân - Thiên lý bất lưu hành, Tam bôi thổ nhiên nặc - Ngũ nhạc đảo vi khinh: đây là những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng Hiệp Khách Hành của ông Lý Bạch đời Đường. Quyển 1 - Chương 1: Thiếu niên luyện quyềnCộng Hòa Lam Ảnh chỉ là một nước nhỏ, nhưng đồng thời nó cũng là một cường quốc, kinh tế phồn vinh, văn hóa rực rỡ, khoa học kỹ thuật phát triển. Vậy nên nếu chỉ xét trên những khía cạnh đó mà bỏ qua những mặt như diện tích đất không lớn, số dân cũng không nhiều, lực lượng quân sự cũng không quá mạnh thì có thể nói rằng nước Cộng Hòa Lam Ảnh chính là một trong các quốc gia mạnh nhất khu vực phía đông của Lam Hải. Cả địa vị chính trị lẫn địa vị kinh tế đều thuộc hàng đầu. Có được thành tựu đó đều là nhờ vào đường lối phát triển được đặt ra trong thời kỳ đầy lập nước của Cộng Hòa Lam Ảnh. Chính sách đó chính là dốc hết nhân lực, vật lực để đầu tư và phát triển giáo dục. Chính vì thế mà tuy cả nước chỉ gồm có tám châu (1) nhưng lại có tới chín mươi sáu trường đại học. Trong đó thì trừ các trường đại học có tính chuyên biệt như nghệ thuật, hàng không, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, võ học nội lực... thì còn lại bốn mươi ba trường đại học tổng hợp. Trong số đó, học viện Tử Kim Phủ còn được mệnh danh là học viện đứng đầu cả khu vực phía đông Lam Hải – đó chính là niềm tự hào của nhân dân nước Cộng Hòa Lam Ảnh và cũng là viên ngọc sáng của cả khu vực phía đông Lam Hải. Đương nhiên, ngoài học viện Tử Kim Phủ ra thì các trường đại học còn lại của nước Cộng Hòa Lam Ảnh chắc chắn cũng không kém. Có được thành quả đó cũng là nhờ chính sách của quốc gia này, đó là chỉ cần hoạt động trong linh vực giáo dục thì sẽ được đầu tư không hạn chế. Vậy nên ở nước Cộng Hòa Lam Ảnh, cơ bản là không có trường đại học yếu. Và nơi câu truyện này bắt đầu là một trường đại học bình thường trong phạm vi của thủ đô nước Cộng Hòa Lam Ảnh – trường đại học có tên là Nhất Kiếm... Tô Thi Yên bước ra từ khu ký túc xá. Cô vươn người, duỗi lưng một cái khiến cho khớp xương lập tức kêu răng rắc vài tiếng. Âm thanh đó làm cho cô nàng phải thở dài phiền muộn, trong lòng cảm thấy đã không thể chờ đợi việc đi tìm một nơi để luyện tập, vận động xương khớp được nữa rồi. Tô Thi Yên không phải là người của nước Cộng Hòa Lam Ảnh, cô đến từ một đấy nước ở khu vực phía Bắc của Lam Hải. Hôm nay là ngày đầu tiên cô chuyển tới sống tại ký túc xá này, còn trước đó, cô đã trải qua một khoảng thời gian mười ngày trên con tàu biển băng qua Lam Hải, mà khoảng thuyền đó thì đúng là ‘nhỏ như mắt muỗi’, làm cho cô muốn múa kiếm cũng không có chỗ mà múa. Mười ngày trời đó đã khiến cho cô cảm thấy cơ thể mình sắp gỉ sét tới nơi rồi, vậy nên ngay ngày tiếp theo sau khi vào học viện, cô đã không thể đợi được nữa, lập tức đi tìm một chỗ để tập luyện một trận. Học viện Nhất Kiếm chiếm diện tích vô cùng lớn! Đúng vậy, tuy nói rằng nước Cộng Hòa Lam Ảnh có diện tích không lớn, nhưng đó là khi so sánh giữa các quốc gia với nhau. Còn trong mắt của người bình thường, nếu như ném họ vào trong một khu vực có diện tích bằng một quốc gia, thì dù quốc gia đó có nhỏ cỡ nào đi nữa cũng vẫn đủ làm cho họ không thoát ra được rồi. Mà nếu một trường đại học đã có thể trở thành một ‘học viện’ thì nó ít nhất cũng phải lớn bằng một cái thành phố loại nhỏ rồi. Vậy nên Tô Thi Yên tin chắc là mình có thể tìm được chỗ đủ lớn mà lại kín đáo ở nơi này. Dù sao thì việc mà cô muốn làm cũng là luyện võ! Tuy võ học gia truyền của cô còn chưa cao siêu tới mức không thể để người khác nhìn thấy, nhưng không biểu diễn nó ra trước mặt người ngoài thì vẫn tốt hơn. Ôm theo suy nghĩ đó, Tô Thi Yên liền chọn một con đường dẫn tới khu vực ít người qua lại để đi. Trên đường, cô cũng gặp một vài khu huấn luyện và thao trường, thế nhưng bên trong những nơi đó đều có không ít thì nhiều các môn sinh luyện võ, điều này làm cho Tô Thi Yên rất ngán ngẩm. Cứ đi như vậy, chẳng mấy chốc mà Tô Thi Yên đã đi bộ hơn mười phút, và cuối cùng thì cô cũng tìm được một mảnh rừng nhỏ trồng cây ăn quả. Khu bìa rừng nhìn khá rộng rãi, hơn nữa có vẻ cũng không có nhiều người qua lại chỗ này, mà địa hình với nhiều cây cối trong rừng cũng là điều kiện lý tưởng để luyện tập khinh công. Nới này có vẻ là một bãi tập lý tưởng mà lại yên tĩnh. Ngay khi Tô Thi Yên đang mừng rỡ, chuẩn bị lấy thanh bội kiếm (1) của mình ra thì bỗng nghe thấy một âm thanh trầm đục vang ra từ trong rừng cây. Âm thanh đó nghe có vẻ giống như tiếng búa gõ vào thân cây, nhưng lại vẫn có điểm nào đó không giống. Tuy nhiên, với một đệ tử gia tộc như Tô Thi Yên thì vừa nghe là cô đã đoán được ngay đó là tiếng gì: đó là âm thanh khi luyện quyền, hơn nữa còn là tiếng động khi luyện ngạnh quyền (2). Tô Thi Yên thực quá phiền muộn, thậm chí là vô cùng phiền muộn. Cô quả thật đã không còn đủ kiên nhẫn để lại bỏ ra thêm 10 phút đi tìm tiếp nữa. Vậy nên cô dứt khoát đi thẳng vào trong cánh rừng trước mặt, định rằng sẽ tìm người đang tập luyện kia để hỏi xem lúc nào thì sẽ xong, hoặc thử xem có thể dùng ít tiền để đuổi hắn đi không. Tóm lại là cô thật sự đã không kiên nhẫn được nữa rồi. Chỉ đi vào trong cánh rừng đó một đoạn không xa thì cô đã thấy được người mà mình đang muốn tìm. Đó là một thiếu niên tuổi tầm mười tám, mười chín, tóc cắt húi cua, thân hình gầy gò, cao khoảng 1m75, bộ dạng không có gì bắt mắt, chỉ duy có đôi mắt là sáng ngời đầy thần thái. Nhìn tên này thật không có chỗ nào giống người luyện võ. Nhìn tới đây thì Tô Thi Yên thực sự hơi kinh ngạc. Bởi vì cô thấy thiếu niên kia đang dùng quyền đấm gốc cây với một tư thế vô cùng thuần thục, bộ pháp thì đơn giản mà trực tiếp, quyền pháp cũng đơn giản mà trực tiếp, thậm chí cả cách sử dụng lực đạo (3) cũng đơn giản mà trực tiếp... Đây quả là những thứ chỉ có trong những cuốn sách dạy kỹ năng cực kỳ thô thiển, nếu như trong tiệm sách có bán thì chắc hẳn chính là loại sách chỉ đáng giá một, hai đồng cắc, có lẽ cả tầng lớp bình dân khá giả một chút cũng sẽ không thèm luyện loại võ công này. Có thể nói rằng đây là một bộ ngạnh công quyền pháp không đáng được xếp hạng! Đừng nói là tập có thể luyện được nội công, thậm chí nếu luyện tập lâu dài trong tình trạng không được cung cấp đủ dinh dưỡng thì còn có thể làm tổn thương gân cốt. Vậy mà thiếu niên kia lại luyện loại võ công này? Cũng không phải tự nhiên mà Tô Thi Yên lại nghi hoặc như vậy. Lý do là vì nơi này chính là học viện Nhất Kiếm, mặc dù mang tiếng là một đại học tổng hợp nhưng thực ra có thiên hướng về đào tạo võ công. Chưa cần nói tới cái khác, chỉ riêng mấy bộ quyền pháp được dùng làm môn học bắt buộc đã đều là nội ngoại kiêm tu (3), ngoại có ngạnh công, nội có nội gia, chẳng những không làm tổn hại thân thể mà cả khả năng luyện được nội công cũng sẽ cao hơn nhiều loại kỹ năng thô thiển này không biết bao nhiêu lần. Thiếu niên này nghĩ gì vậy? Chẳng lẽ hắn là một tên thiểu năng hay tâm thần gì đó? Tô Thi Yên cứ ngơ ngác nhìn thiếu niên đó từng quyền, từng quyền đánh vào thân cây, thậm chí quên mất cả ý định của mình khi đến đây. Phải 10 giây sau, cô cuối cùng mới có thể cất lời: “Vị... vị bạn học này, tôi có chuyện muốn thương lượng với anh một chút...” “ Chờ một chút, còn một trăm quyền nữa!” Không ngờ thiếu niên kia lại lớn tiếng ngắt lời, sau đó lại dồn toàn bộ tâm trí vào cái bộ kỹ năng thô thiển kia, làm cho miệng Tô Thi Yên đang mở ra cũng cứng ngắc lại, không nói được nên lời nữa rồi. Trong lúc này, quan sát hơn mười quyền của thiếu niên kia, Tô Thi Yên chợt phát hiện ra tuy bộ quyền pháp này đúng là rất rẻ tiền nhưng thiếu niên kia thì có vẻ không phải kẻ thiểu năng như cô tưởng. Đó là vì tuy bộ quyền pháp này đúng là rác rưởi nhưng thiếu niên kia đánh ra lại rất có uy lực, lực quyền phát ra liền mạch xuyên suốt, lực đạo do cánh tay phát ra chỉ còn thiếu một chút nữa là sẽ đạt tới mức liên miên không dứt. Nếu như có thể đạt tới mức đó thì trình độ sử dụng bộ quyền pháp này của thiếu niên đã đủ để gọi là ‘cảnh giới đại thành’, nếu như lại có thể tiến bộ thêm một bước thì thiếu niên đã vận dụng được tới mức ‘cương cực sinh nhu’, ‘nhu cực sinh cương’, ‘cương nhu cùng phát’ (4), đã có thể tự xưng là đạt tới đỉnh cao, đạt tới cảnh giới tối cao của bộ quyền pháp này. Tới lúc đó, cho dù bộ quyền pháp này chỉ là thứ rác rưởi không đáng được xếp hạng cũng sẽ được thiếu niên đánh ra uy lực của những bộ quyền pháp hạng hai, hạng ba. Đó mới thật sự là chuyện đáng sợ! Nhìn tới đây thì Tô Thi Yên quả thật đã không biết phải nói gì nữa rồi. Thiếu niên này là một thiên tài với thiên phú dị bẩm hay là một tên đần độn không biết gì khác ngoài luyện võ? Hai khả năng hoàn toàn trái ngược này làm cho đầu óc cô quay cuồng. Phải biết rằng muốn luyện một bộ võ công tới mức đại thành thì nhất cũng phải mất mười mấy năm tập luyện! Sự nghiệp luyện võ trước giờ đều như vậy, dễ luyện mà khó giỏi. Nếu có người dậy bảo hoặc có sách vở chỉ dẫn thì kể cả người bình thường cũng chỉ mất khoảng mười năm để thành thạo một bộ võ công, nhưng nếu muốn luyện một bộ võ công tới mức mây trôi nước chảy thì phải luyện tập điên cuồng, đông luyện dưới tuyết, hè luyện dưới lửa, xuân đi thu đến, nóng lạnh xoay vần thì mới có thể tiểu thành. Còn nếu muốn tiến thêm một bước – đạt tới đại thành thì càng phải toàn tâm toàn lực, đầu tư thật nhiều thời gian và tinh lực... Thế mà tên thiếu niên kia nhìn chỉ khoảng mười tám, mười chín! Vậy nên, nếu hắn không phải một thiên tài trời sinh thì chính là một tên thiểu năng đã liên tục tập thứ võ công rác rưởi này từ khi mới tám, chín tuổi... Nhưng vậy thì được ích gì? Ích gì đây!? Chỉ cần ngày nào chưa thể luyện ra được nội lực thì ngày đó võ công vẫn chỉ là thứ giúp rèn luyện thân thể, cùng lắm là có thể một mình đánh được vài người. Thế nhưng, nếu tập một bộ võ công rác rưởi như vậy thì vài chục năm, không, thậm chí là cả vài trăm năm cũng chẳng thể luyện ra được nội lực... Lúc này, Tô Thi Yên thật sự không biết chính mình đang cảm thấy thế nào: nên cảm thán mới tốt hay là nên nhắc nhở tên kia mới tốt? Nhưng rồi cô chợt lại nghĩ tới chính bản thân mình: chẳng phải lúc trước cũng kiên trì và ngu xuẩn như thế đó sao... Mà đúng lúc này, lại một quyền nữa của tên thiếu niên đánh lên thân cây đại thụ. Thế nhưng, sau khi quyền này đánh ra thì nắm đấm của hắn lại dường như dính chặt vào thân cây đại thụ, thế nhưng tiếng nắm đấm đánh lên thân gỗ lại vẫn vang lên không dứt. Một quyền này – một quyền cuối cùng... rã ràng là đã đạt tới cảnh giới đại thành, lực quyền liên miên không dứt, liên tục không ngừng! Tô Thi Yên kinh sợ ngây người. Đâu là chuyện quái gì!? Thiên tài đột phá trong trận chiến sao? Nhưng làm sao có thể như vậy được! Dù là thiên tài, dù là đã có sự cảm thụ sâu sắc nhưng nếu muốn từ ‘lực quyền liền mạch thông suốt’ nhảy lên ‘lực quyền liên miên bất tận’ thì ít nhất cũng phải chuẩn bị mấy ngày mấy đêm rồi mới có thể làm thử được chứ?! Cô thực sự chưa bao giờ nghe nói tới loại tình cảnh mà giây trước còn chưa đại thành, giây sau đã đại thành thế này! Về phần thiếu niên kia, quyền ảnh trên tay hắn lúc này đã biến mất (5). Chỉ thấy hắn đưa tay quyệt mồ hôi trên trán, nhe răng cười hắc hắc, miệng lẩm bẩm như thể tự nói: “Chín năm! Hơn chín năm! Cuối cùng... cuối cùng đã luyện được tới cấp 10 rồi!” “La Hán Quyền của ta!” Chú thích: 1. Bội kiếm: thanh kiếm quý 2. Ngạnh quyền: là loại quyền (đấm) vận dụng lực lớn để đánh trực diện. Giống như trong boxing, có đòn đấm dùng toàn lực nhằm phá thủng thế phòng thủ của đối phương và đòn đánh dùng lực yếu hơn nhưng nhằm vào điểm sơ hở của đối phương. 3. Nội ngoại kiêm tu, ngạnh công, nội gia: nội gia là phương pháp vận hành ‘khí’ trong cơ thể để tăng uy lực đòn đánh, ngạnh công là kỹ năng chiến đấu. Nội ngoại kiêm tu là tập luyện cả ‘khí công’ và kỹ năng chiến đấu. 4. Cương cực sinh nhu, nhu cực sinh cương, cương nhu cùng phát: cứng rắn tới tận cùng thì sinh ra mềm mại, mềm mại tận cùng lại sinh ra cứng rắn, làm được cả hai điều này một lúc trong đòn đánh có cả cứng và mềm. 5. Quyền ảnh biến mất: khi võ công luyện tới đại thành thì làm được tới mức đòn đánh nhanh, liên tục và chuẩn tới mức mỗi đòn đều hoàn mỹ khiến cho người ta nhìn vào tưởng tay không chuyển động nhưng thực ra đang liên tục tung ra không biết bao nhiêu đòn. Cái mà người ngoài nhìn thấy chỉ là bóng được lưu lại. * Nói thêm một chút về sự đại thành của môn võ công rác rưởi: tưởng tượng môn võ công rác rưỡi của thiếu niên kia chỉ uy lực của một khẩu súng lục, còn võ công hạng hai sẽ có uy lực của một khẩu súng tự động. Súng lục thì bắn chậm như sên còn súng tự động có thể bắn được 100 viên đạn/ phút. Nhưng nếu súng lục có thể bắn được với tốc độ mà viên sau chạm vào đuôi viên trước, đường đạn như biến thành một đường thẳng trong không gian thì sao? Đã thấy vi diệu chưa :3 Lời bình:Tuy chỉ là chương đầu những đã rất đáng đọc! Liệu chàng thiếu niên “quái đản” của chúng ta là ai? Sao lại có vẻ khác biệt với thế giới xung quanh đến vậy? Cùng theo dõi tác phẩm mới nhất của Zhttty được thực hiện bởi nhóm Vô Hạn Chi Tâm tại địa chỉ facebook Vô Hạn Thế Giới!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang