[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên - Sưu tầm

Chương 61 : Mùa gặt

Người đăng: 

.
Bây giờ đi đâu cũng nghe nói chuyện lúa chín chưa, khi nào gặt. Người lớn tuổi trong làng mỗi đêm xem trăng sao để tính trời mưa nắng, ngại nhất là lúc gặt chưa xong mà trời mưa. Lúa phơi không khô sẽ lên mộng thì xem như uổng công mấy tháng trời, còn lo đói năm sau nữa. Nương vội cắt may hai cái khăn cho em bé. Thím Vanh Na chưa sanh nhưng nương nói lúc đó lo gặt, lo phơi lúa không rãnh làm. Không khí nhà nhà khẩn trương chuẩn bị mùa gặt rất lạ. Trên ruộng lúc nào cũng có người đứng nhìn trời nhìn đất. Trong nhà thì lo dọn sân, dọn bồ, đương đệm. Cha đóng xong hai cộ đập lúa, sửa hai cộ cho nhà Lưu bá, cũng qua nhà lang y sửa giúp. Cây lúa như hiểu lòng người nông dân, từng bông trĩu hạt, chắc mẩy, xôn xao dập dờn theo chiều gió. Tương huynh chở khách đi chợ Sông Lớn nói miệt trong đã bắt đầu gặt, nắng tốt. Mùng chín tháng mười này chợ phiên, có nhà trong làng cũng bắt đầu gặt lúa, nhà phú hộ Từ cũng bắt đầu. Lưu bá chở cha chèo ghe vào trong làng xem, lúc về hai người đều vui vẻ ra xem ruộng nhà mình. Mấy con chim cò cũng bỏ bãi bùn ven sông, ven cồn mà bay về trên ruộng lúa. Cha làm mấy con bù nhìn cắm trên góc ruộng. Con bù nhìn được đội nón lá, hai tay dài phất phơ theo gió làm đàn chim giật mình kêu quang quác. Hôm trước nhà Mai hái một ít đậu chín sớm gửi theo ông nội. Bây giờ mới hái hết đậu, nhổ cây lên phơi mấy nắng cho khô mới đốt. Mai cắt ngọn đậu ôm về cho đàn gà, mấy con gà hí hửng gọi nhau mổ sâu, hạt đậu lép bị bỏ lại, ăn luôn đọt đậu non. Trước ngày rằm tháng mười (rằm Hạ Nguyên) nhà nội tam Mi tỷ vào, bắt đầu gặt lúa. Cha nương qua giúp hai ngày đến ngày rằm thì ở nhà chuẩn bị cúng. Rằm tháng mười Hạ Nguyên thường cúng trời đất tổ tiên cho mùa lương thực mới. Cha gặt một góc lúa nếp chín sớm, giã gạo nếp để nương nấu xôi, chè. Hái thêm hoa quả trong vườn, mua ly rượu và đốt nhang cúng lúc trăng lên. Đêm nay trời trong, trăng tròn vành vạnh, chiếu sáng khắp nơi. Trên ruộng còn vài bóng người vẫn đang tranh thủ đập lúa. Tiếng lúa đập vào thanh gỗ, rụng rào rào hoà với tiếng người nói chuyện. Mai bất chợt chấp tay tạ ơn trời đất cho mưa thuận gió hoà. Chiều hôm sau nhà nội vào như đã hẹn, mấy người lớn vào hết, chỉ có tam bá mẫu, Hào ca và mấy đứa nhỏ không làm được ở lại làng chài. Cũng may cha đã đóng thêm sạp tre đặt ở xưởng mới đủ chỗ ngủ. Ông nội đi đầu nói đàn ông thanh niên ngủ ở xưởng, trong phòng dành cho đàn bà con gái. Nhị bá mẫu lần đầu vào đây thấy cái gì cũng lạ. Nhóm đàn ông vội ra ruộng xem lúa, xếp đặt công việc sáng mai xong xuôi mới vào nhà xem xưởng. Chiếc ghe thứ hai đã thành hình, đang chờ nhựa trét khô và gắn mui. Bữa cơm chiều chỉ có canh chua tôm, cá lóc kho ăn với cơm và mực nướng cho ông nội lai rai. Canh chua nấu bằng trái me xanh toả ra mùi thơm khiến người ta chảy nước miếng. Mai thích ăn hột me nấu chín sau khi mẹ dầm lấy nước. Trái me non thì hột ăn giòn, me hơi già thì hột bùi bùi. Lúc dọn tô canh sẽ cắt thêm trái ớt hiểm chín đỏ, mấy ngọn lá quế, tô canh đủ mùi ngọt của tôm, chua của me, cay của ớt, cọng rau muống xanh (bỏ hết lá) giòn giòn. Nhà đông người chia hai bàn ngồi ngoài sân. Mặt trời vừa lặn sau núi Tô Châu. Mấy nhà đang gặt lúa thì hối hả vác từng bao lúa về sân, bìm bịp, ễnh ương bắt đầu vang tiếng. Mùa vịt nước đẻ trứng sắp hết, nhà Mai ấp thêm lò thứ tư này sẽ ngưng. Bốn lò được gần hai trăm con nuôi đến Tết Nguyên đán vừa có thịt ăn vừa bán, còn lại để chúng đẻ trứng cho năm sau. Nương nói mùa khô nước mặn đám vịt hoang sẽ theo dòng nước ngọt vô miệt trong. Không biết đàn vịt nuôi có chịu được mấy tháng nước mặn không. Ngày mai thu hoạch lương thực đủ cho cả nhà ăn năm sau. Có bầy vịt này để ăn thịt Lễ Tết, ông bà nội vui vẻ ra mặt. Bà nội vuốt đầu a Phúc nói: – Đến Tết a Phúc bán cho nội hai con gà mái, một con gà trống cúng tổ tiên. – Dạ. Nhóc rất nhanh gật đầu, nương xỉ trán la, – Dạ cái gì, con biếu nhà nội chứ. Cả nhà đều cười làm hắn chu miệng. – Mua, gà là tiền và công a Phúc bỏ ra, không lấy không của a Phúc. Ông nội nói vậy là chắc có tiền bán gà rồi, mấy đứa nhỏ đều cười mãn ý. Cha nương lắc đầu ý nói: không hiểu chuyện. Mấy người lớn cười ha ha nói đúng rồi. Nhị bá mẫu sảng khoái nói. – Ta cũng mua mấy con cho nhà ngoại a Bảo, năm nào cũng phải đi chợ xa mua. Có sẵn ở đây đỡ mất công. Yeah! Mai tính toán chỉ cần thuận lợi bán mấy nhà quen xung quanh là thu được tiền rồi, cũng ba bốn quan. Lại mua tiếp gà con hoặc trứng gà để ấp trong lò. Năm sau có đàn gà lớn như đàn vịt rồi. Mấy đứa nhỏ túm lại bàn tính làm ông bà nội càng vui vẻ cười lớn. Một đêm bình yên trôi qua, bà nội và nương dậy sớm nấu cơm. Trời chưa sáng đã ăn cơm xong, nhóm đàn ông kéo hai cộ ra ruộng, nhóm đàn bà con gái cầm lưỡi liềm gặt lúa theo hàng. Trong nhà chỉ còn bà nội và Cúc tỷ lo trong bếp. Mai và a Phúc lùa đàn vịt ra bãi, cho gà ăn rồi cũng chạy ra đồng. Nhà Lưu bá đã gặt được hơn một nửa, phía ruộng Nguyễn bá cũng xong mấy mẫu. Nhà Mai sạ lúa trễ hơn nên lúa chín chậm hơn. Nước trên ruộng cao gần đầu gối Mai, từng bó lúa gặt xong chồng lên nhau phía sau người gặt. Việc thu hoạch lúa rất nặng nhọc, MaiI và a Phúc không làm được. Hai đứa theo sau bắt ốc, bắt cá hoặc nhặt bông lúa sót lại. Vĩnh ca, An ca thì lo mở bao đệm cho người lớn đổ vào hoặc chạy việc lặt vặt. Đầu giờ tỵ bà nội và Cúc tỷ mang nước và rổ khoai ra, thay phiên nhau nghỉ ăn uống giữa bữa. Bao lúa đầu tiên được vác về sân, bà nội theo về trông coi. Vĩnh ca, An ca cũng về tranh thủ cào lúa ra phơi cho ráo. Vừa gặt vừa phơi trong mấy ngày nắng, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, lúa khô vô bồ rồi thì nhà nông mới an tâm. Sau buổi trưa lục cô về sàng lúa. Bà nội không xuống ruộng cắt lúa, ở nhà bà cũng làm việc luôn tay, nấu cơm nước, làm chổi, cào lúa, quét sân. Ngày thứ hai mới đầu giờ Mão, a Báo ôm con chó nhỏ đen tuyền đến, Hùng huynh theo sau. Mấy đứa nhỏ mừng rỡ vuốt ve nó. – Ta cho nó ăn rồi, đệ kiếm dây thừng buộc nó trong nhà vài ngày, nó quen rồi hãy thả ra. Hùng huynh chào bà nội, lục cô xong theo thất thúc ra ruộng. Bà nội nói không cần, hắn là khách sao lại ra ruộng. Huynh ấy cười cười chạy nhanh đi. Mai nhìn theo bĩu môi, huynh ấy biết tự tạo cơ hội ghê! La Hùng chờ đến hôm nay mới ôm con chó nhỏ đến, đương nhiên là phải ra ruộng rồi. Những ngày mùa nhà nông mua gà thỏ nhiều hơn, ăn thêm thịt mới đủ sức làm. Hắn tranh thủ đi săn nhiều hơn mấy hôm trước. Hôm nay mới xin cha cho nghỉ một ngày đến đây. La Hùng chưa quen làm ruộng, nhưng hắn có sức khoẻ lại làm việc rất nhiệt tình nên rất nhanh hoà cùng mọi người. Hắn, thất thúc và a Bình cũng coi như quen thân nên cũng góp vài chuyện vui. Chơi chán con chó nhỏ a Phúc lại chạy ra ruộng, a Báo đi theo. Từ nhỏ hắn sống trên núi, quen săn thú rừng, ít có dịp lội ruộng bắt cá tôm mùa gặt. Ban đầu hắn hơi lúng túng, dần quen hắn còn nhanh tay nhanh chân hơn a An, chộp được con cá lóc to đùng. Mùa này cá tôm mập nhất, chúng ‘dưỡng’ để hoặc sinh sản hoặc dành cho mấy tháng nắng ít thức ăn hơn. Gần trưa, Cúc tỷ về sớm phụ nấu cơm, Mai thấy lục cô và Cúc ty rù rì trong bếp. Còn nghe lục cô cười hì hì chọt chọt eo tỷ. Đúng là thiếu nữ đang xuân, hai người gần tuổi nhau rù rì như vậy biết là nói chuyện gì rồi. Thời này lập gia đình sớm, bé trai bé gái chưa kịp dậy thì xong đã phải cưới vợ gả chồng, tuổi thơ bị rút ngắn thấy tội luôn. Nhà nông còn đỡ, như tam Mi tỷ, Cúc tỷ ít ra mười sáu mười bảy mới gả chồng sinh con. Những nhà giàu hay quan lại thì mười bốn mười lăm đã gả đi, sao gấp gáp dữ vậy!
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang