[Dịch]Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên - Sưu tầm

Chương 58 : Từ lang y thành thú y

Người đăng: 

.
Hôm sau mặt trời vừa ló dạng thì mây đen kéo đến, gió thổi ào ào rồi mưa lộp bộp rơi. Nương và Cúc tỷ lùa đám vịt con vào chòi lá, Mai và nhóc Phúc cũng xua bầy gà cưng vào chuồng. Bầy gà đã lớn trọng, bọn chúng cũng quen chỗ nên tự biết tìm nhánh cây trong chuồng mà đậu. Phía bìa rừng cha và thất thúc chắc không nghỉ mà vẫn tiếp tục đốn cây. Lúa bắt đầu làm đồng, bông lúa non xanh nõn dập dờn như sóng nước. – Mưa xong nhổ khoai dễ hơn, mình đi nhổ luôn nha nương? Cúc tỷ thành thục đổ khuôn đường, ngẩng đầu hỏi nương. – Ừ, tạnh mưa đi nhổ khoai. Chỉ là mưa gần như cả ngày, khi tạnh thì trời đã chiều. Lúc trưa có sấm đùng đùng, sét loé sáng loè. Cha và thất thúc đốn ngả cây để ở bìa rừng, kéo xuống ngâm ở con rạch nhỏ gần đó. Tháng này nước lớn hơn nửa con rạch, đợi nước dong sẽ kéo gỗ theo con nước về đây sẽ nhẹ nhàng hơn. – Cha, Bùi ông dặn cha sáng mai đi nhà phú hộ dựng nhà. Bình ca nói lúc ăn cơm chiều. – Bùi ông đến lúc nào? – Không, Lưu bá gặp ở trong làng, có Lưu tam bá và Kình huynh đi nữa. Vậy là Lưu tam bá mẫu được như ý rồi, sau này bá mẫu có thêm mấy chuyện kể về nhà phú hộ. – Cha định làm xong nhà phú hộ sẽ không theo Bùi ông nữa. Ở nhà chuyên tâm đóng ghe xuồng, thêm mấy món đồ dùng nữa là được. Đương nhiên là cả nhà đồng ý. Có cha ở nhà thì mọi việc dễ sắp xếp hơn. Đêm đó trời lại mưa tiếp, không khí ẩm ướt lạnh lẽo. Trời gần sáng bỗng sấm đùng đùng làm ai nấy đều giật mình tỉnh giấc. Nhóc Phúc hét lên chạy ào vào buồng của cha nương. Đám vịt nhỏ được Cúc tỷ ủ trong bếp cũng kêu loạn lên, không phải người ta nói ‘vịt nghe sấm’ ý chỉ là chúng ‘điếc’ không nghe được sao? Hay chúng giật mình vì mấy tia sét ngoằn ngoèo sáng rực trong nháy mắt. Hôm sau Vĩnh ca đi nhà Đỗ lang y một lát thì quay về. – Sư phụ đi trị bệnh, hôm nay trời mưa con không cần phơi thuốc. – Bệnh làng khác à? – Dạ, ở Long Hồ lận, tối nay không chắc về kịp. Là tỷ tỷ của Tùng ca đó. Nương hơi nhăn mày, là con gái của vợ lớn Nguyễn bá. Nghe nói tỷ ấy từ nhỏ ốm yếu, giờ đang mang thai, mong là bệnh nhẹ. Mới sáng sớm ánh nắng đã gay gắt, nương dẫn mấy đứa đi ra ruộng khoai. Cơn mưa hôm qua làm cây cối thêm xanh, tràn đầy sức sống. Mai hít sâu mùi hương ngọt ngào của những bông lúa vừa trổ đồng. Mấy đứa nhỏ thích ăn ăn đòng đòng lắm, hạt lúa chưa mới ngậm sữa rất ngọt, rất thơm. Nhưng cũng chỉ dám lấy mấy bông ở góc bờ ngả ra đường đi. Mấy cây lúa này khi bông lớn dễ bị rụng do người đi qua lại. Nhà nào nhiều ruộng lúa sẽ đợi thêm vài ngày hái bông ngậm đòng về rang hoặc nấu với cơm dừa ăn rất ngon. Ruộng khoai ở đất cao, không ngập nước nhưng cơn mưa hôm qua làm mấy khe trũng lầy lội, đất nhão nhọet. Vừa đi tới góc ruộng bỗng thấy trong luống khoai gần đó lao xao như có con gì đang chui bên dưới. Qua những khoảng lá trống thấp thoáng con gì da nâu đen như đất đang bò rất nhanh hướng ruộng lúa nếp. – Kỳ đà, Sau một lúc giật mình Bình ca cũng kêu lên. Con kỳ đà bò nhanh hơn trên bốn chân, còn ngoảnh đầu về phía này như canh chừng. Ùm, nó nhảy ào xuống nước. Mấy đứa con trai chạy theo tìm, nó mất dạng trong ruộng lúa nếp xanh ngắt. – Ca, nó sợ mình hả? – Ừ, con này lớn, chắc nó có trứng rồi, nhổ khoai xong mình đi tìm ổ trứng nó. Mấy đứa con trai hưng phấn bàn bạc chuyện đi săn kỳ đà. Mai hơi sợ, kỳ đà không có nọc độc như rắn, không ăn thịt người như cá sấu. Nhưng mà không đến gần vẫn tốt hơn, cô sẽ không chủ động tìm nó. Cô cảnh giác nhặt cành cây dài khua khua xung quanh. Nương nhìn cô hơi cười, lúc trước khâu vết thương máu me không thấy sợ, giờ mới thấy con kỳ đà đã sợ như vậy! Đất trên luống khô ráo nên nhổ khoai cũng dễ. Nhổ được một luống thì bốn đứa con trai vác khoai trong rổ mang về sân, nhóm còn lại vẫn nhổ tiếp. Nương tranh thủ ngắt mấy ngọn rau xanh luộc ăn. A Phúc lăng xăng bắt ốc, sên và mấy con trùn to mập ú cho gà vịt ăn. À, con kỳ đà chắc bò lên đây kiếm thức ăn. Nói theo từ ngữ hiện đại thì hệ sinh thái ở đây rất phong phú. Mai thấy đủ các loại cây lạ, con vật lạ không biết tên, nhìn chúng vừa quen vừa lạ đành phải gọi theo cách đơn giản nhất. Bay trên trời là chim, đi trên đất là thú, ở dưới nước là cá. – Khoai này củ nhỏ hơn lúc trước nhà tam Mi trồng. Mai cầm khoai rửa bớt bùn dính ở vũng nước giữa luống nói Cúc tỷ. – Lúc đó là khoai trồng qua năm rồi, củ to hơn nhưng xơ nhiều. Ăn không ngọt bằng khoai mới này. Nương cũng gật đầu nói tiếp: – Trồng liên tục không cho đất nghỉ sẽ mau bạc màu. Vụ sau không cho củ ngon nữa, mỗi năm chỉ trồng được mấy tháng. – Nương, mình không trồng, cỏ dại mọc lên cũng làm đất bạc màu. – Đến mùa nắng mình đốt cỏ, tro sẽ làm đất tốt hơn. Nửa mẫu đất này cuốc thành luống, mười mấy luống khoai lang thu hoạch xong. Còn lại là luống đậu xanh, đậu đen cao ngang hông đang ra trái. Cây đậu xanh có nhiều sâu, lúc cha nương ra ruộng luôn ghé qua bắt về cho đàn gà. Trong lúc chờ Bình ca quay lại mang khoai đi, Mai và a Phúc lom khom vạch lá đậu tìm sâu. – Mình thả đàn gà vào đây cho chúng tự tìm sâu ăn đi tỷ, – Tụi nó chạy đi mất làm sao. A Phúc cười hinh hích nói hắn quên mất. Đám gà rừng không bay cao nhưng cũng quá đầu hai đứa, nó bay mấy lượt là tới bìa rừng đằng kia rồi. – Mai, muội về nhà mau! Tiếng An ca từ xa đã kêu lên, Mai hơi giật mình quay lại. Nương cũng lo lắng hỏi lớn: – A An, chuyện gì vậy? A Bình, A Vĩnh đâu? – Nương, không có gì. Không có gì mà la lớn vậy, còn chạy hụt hơi. Lúc a An chạy tới thì trên mặt không có hoảng hốt chỉ ướt mồ hôi. – Là Hùng huynh, con chó nhà huynh ấy bị thương. A Vĩnh kêu muội nhanh về. – Nương, con về trước xem được không? – Đi đi. A Phúc chân ngắn chạy vượt lên, ống tre đựng sâu lúc lắc trên tay. Mai không hỏi a An về vết thương chỉ nhanh chân chạy theo. Lúc vào nhà thấy Hùng huynh đang ôm đầu con cho màu vàng sậm lớn ngồi trên đệm ở mái hiên. Một bên hông sau của con chó loang lổ vết máu. – Ca ra làm tiếp với nương đi. Mai nói với Bình ca rồi ngồi xuống kế a Vĩnh đang giã thuốc trong cối gỗ. Bên cạnh hắn đã để sẵn khăn nhỏ, chậu, bình rượu. – Muội muốn lật ra xem vết thương. Huynh nói cho nó biết, trấn an nó, đừng cho nó giãy. Hùng huynh gật đầu, một tay vừa vuốt từ đầu xuống cổ, một tay nhẹ khép mõm con chó đang nhe răng – Vện, nằm yên, nằm yên. A Báo mang nồi nước trong bếp ra. Mai nói nó giúp Hùng huynh trấn an con chó. Cô còn đưa thanh gỗ đệm vải vào miệng tránh nó cắn lưỡi hoặc đau quá cắn lung tung. Vĩnh ca giã thuốc xong vắt nước để riêng. Cũng may con chó này lông ngắn nên đắp thuốc được. – Muội sợ đắp thuốc xong nó không nằm yên, thuốc rơi hết. Ca làm băng cho nó đi. Muội rửa vết thương, nó sẽ rất đau, hai người phải kềm không cho nó giẫy. Nói với a An xong, Mai quay sang hai anh em nhà Hùng huynh báo trước. Vết thương có mấy vết sâu, thịt bị cắt nát, phần lưng gần hông có hai vết nhẹ hơn. Con Vện rùng mình vặn vẹo khi Mai chạm vào. – Vện, nằm yên, đang chữa thương cho mày, nằm yên. Khăn thấm rượu vừa đụng vào nó lại giãy mạnh, gầm gừ, siết chặt hàm răng săc nhọn. Mai nhanh tay rửa qua các vết thương, lấy máu bầm. – Huynh nắn xem nó có bị gãy xương bên trong không. – Được. Hùng huynh nắn khớp xương chân làm con vện nhếch răng, nước giải chảy ròng ròng, chắc nó đau lắm. – Một chút là hết, ngoan, ngoan. Mai nhỏ giọng như thì thầm với nó. Mong là cây thuốc có công hiệu với người cũng dùng được cho nó. – Ta không thấy chỗ nào khác thường. – May là không bị tát trên chỗ eo, nếu không bị nội thương là muội không biết làm sao chữa. Lúc băng xong vết thương con Vện như hết sức, không gầm gừ, thở dốc nữa mà nằm im. A Báo phải vừa nâng đầu vừa rót nước thuốc vào miệng nó. Vĩnh ca nhổ một nắm lá thuốc chỉ cách dùng. – Hai ba canh giờ thay thuốc một lần, uống thì một ngày hai lần. Nếu huynh có cách không cho nó đứng lên sẽ mau lành hơn. Cho nó ăn nhiều hơn ngày thường để nó mau lại sức. Vĩnh ca dặn thêm lúc hai anh em ôm con Vện đứng dậy, thất thúc nói: – Ta chèo ghe chở ngươi một đoạn, ôm nó xa như vậy sao được. – Cảm ơn. Lần này Hùng huynh và a Báo không nấn ná ở lại mà muốn về nhà cho con Vện nghỉ ngơi. Hai anh em thật sự rất quý con Vện. Vết thương là do vuốt thú dữ cào, không biết là con gì? Chắc là ở trong núi. Mai thấy trên cánh tay và mặt của a Báo có vết cào, không sâu lắm. Mà a Báo đã được đắp lá thuốc màu xanh rồi nên cô không cần đắp cho hắn nữa. La gia làm thợ săn chắc biết rành các loại thuốc trị thương.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang