[Dịch]Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng - Sưu tầm

Chương 42 : KẾ SÁCH KHÔNG THÀNH​

Người đăng: 

.
Rằm tháng ba, tôi trốn đến gặp Trịnh Khải ở ngôi đền cũ. Anh vẫn chưa biết chuyện tôi sắp bị gả cho Trọng Chiếu, tôi cũng đã dặn Hải không được nói việc này cho anh hay. Trịnh Khải ôm lấy tôi, để tôi ngồi tựa vào vai anh rồi hỏi chuyện những ngày tết. Tôi chỉ kể vài ba chuyện đơn giản như cùng Đinh Ngọc viết câu đối thế nào, người hầu làm mứt bí đỏ khó ăn ra sao… Trịnh Khải lắng nghe rất chăm chú, sau đó nói khẽ: - Ta rất muốn cùng nàng ăn bữa cơm tất niên, cùng nàng thắp hương đón năm mới. Chỉ là… Tôi im lặng. Trịnh Khải có chút e dè nói tiếp: - Nếu… Huy quận công không đồng ý gả nàng cho ta thì nàng sẽ thế nào? - Thiếp mặc kệ. Mà… – Tôi lém lỉnh nhìn anh. – Chàng đang cầu hôn thiếp đấy à? Trịnh Khải hơi sững người trong giây lát rồi khẽ cười, ôm chặt tôi vào lòng mà nói: - Dù Huy quận công không muốn gả nàng cho ta, ta cũng có cách để lấy được nàng. Tôi ngạc nhiên nhìn anh, Trịnh Khải không nói gì thêm, gương mặt anh đã cúi sát gần mặt tôi rồi đặt lên môi tôi một nụ hôn thật dài. Đến lúc ngồi trên xe ngựa trở về, Hải vừa đánh xe vừa thắc mắc: - Tiểu thư, tại sao người không nói với công tử việc người sắp bị gả cho tên Trọng Chiếu kia? Tôi im lặng không trả lời. Hải lại nói: - Nếu công tử biết được, có thể sẽ có cách giúp tiểu thư. - Cách gì? – Tôi hỏi ngược lại. Hải e dè một hồi mới đáp lại: - Tuy công tử bị giam lỏng nhưng vẫn có nhiều người ủng hộ người. Chỉ cần công tử lên tiếng nhờ vả… Anh ta bỏ lửng câu nói, tôi thở dài: - Nếu có nhiều người ủng hộ như vậy tại sao công tử đến bây giờ vẫn còn bị giam lỏng? Tại sao công tử lại gặp nguy hiểm? Hải bị tôi hỏi thì tối sầm mặt lại, môi mím thành một đường thẳng. Tôi lắc đầu nói tiếp: - Quan trọng là ta muốn tự giải quyết lấy, không muốn công tử gặp thêm phiền phức. *** Vài ngày sau, mẹ cả nói đi thăm người bà con ở trấn Kinh Bắc độ mười ngày. Tôi đợi bà đi khỏi thì mặc một bộ đồ sặc sỡ màu sắc rồi ra phố. Hải trợn tròn hai con mắt nhìn tôi đến bất động, tôi nhoẻn miệng cười với anh ta: - Đi thôi. Tôi đi khắp các con phố sầm uất, cửa hàng vải vóc áo quần nào cũng ghé qua mua nhưng không trả tiền. Chủ cửa hàng sau khi biết tôi là tiểu thư nhà Huy quận công thì đều vui vẻ ghi sổ lại. Hôm đó trở về, trên xe ngựa của tôi chất đầy vải vóc đủ các loại, đủ các màu sắc. Hải bị tôi hành hạ bắt chạy lui chạy tới khuân vác cả một ngày, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Tôi cũng không kém, vừa cười vừa thở hổn hển lau mồ hôi. Ngày hôm sau và cả mấy ngày sau nữa, tôi nói Hải ở nhà canh cổng đuổi khách, riêng tôi thì gọi một người hầu khác đi khuân vác và ghi nợ, hết mua vải lại đến mua đồ trang sức, mùa giày, mua giấy… ngay đến kim chỉ cũng mặt dày đòi ghi sổ. Nhưng khi họ lần lượt đến phủ Huy quận công đòi nợ thì đều bị Hải đứng canh ở cổng đuổi về. Giới buôn bán trong phố tất nhiên là quen biết nhau, họ bắt đầu xì xầm khi nhìn thấy tôi. Có người dạn dĩ ra mặt đòi nợ tôi giữa phố, tôi liền hờ hững nói đến phủ lấy tiền, sau đó còn đưa cái túi vải đựng tiền phe phẩy trước mặt người ta, tất nhiên bên trong không có xu nào. Người ta không sợ tôi nhưng sợ Huy quận công nên không dám gây khó dễ gì. Có người không muốn bán đồ cho tôi, tôi liền nặng nhẹ nói: - Ngươi nghĩ rằng ta sẽ xù nợ ngươi sao? Đừng nói đến cha ta là Huy quận công, là a phó của thế tử mà nhà chồng tương lai của ta chính là quốc cữu. Ngươi muốn đắc tội với cả hai nhà sao? Họ bị tôi dọa cho tái mặt, nghĩ nghĩ một hồi cũng cam chịu cho tôi mua nợ. Tôi rất cẩn thận ghi giấy nợ, nhưng cũng không khác lắm so với ăn cướp trắng trợn giữa ban ngày ban mặt. Người ta bắt đầu bàn tán ngày càng nhiều về tôi, họ nói rằng tiểu thư nhà Huy quận công không chỉ tiêu xài như nước mà còn nợ nần như chúa Chổm. Ra đường cứ thấy ai ăn mặc lòe loẹt, trang sức đầy người thì nên tránh ra, cẩn thận lại bị mua hàng không trả tiền. Người đến phủ Huy quận công đòi nợ ngày càng nhiều, tôi thấy vậy là đủ rồi cho nên không đi dạo phố nữa. Hải vẫn làm nhiệm vụ canh cổng và đuổi khách. Mỗi ngày anh ta đều rất vất vả dùng đủ mọi chiêu thức để đuổi người, vừa nói nhẹ nhàng vừa dọa nạt, lúc nào cũng là quận công vắng nhà, phu nhân vắng nhà, tiểu thư vắng nhà… ai ai cũng vắng nhà. Quận công bận đến tối mặt, từ sáng sớm đến tối mịt đều ở trong phủ chúa, đến tôi còn khó nhìn được mặt ông nữa là người bên ngoài. Vì thế tôi vẫn bình an đợi nhà Viêm quận công qua từ hôn. Một ngày, Nguyễn Hoàn đỏ mặt tức giận đòi gặp tôi bằng được. Tôi rót chén trà đưa qua cho Nguyễn Hoàn, anh ta chỉ nhận lấy rồi lại đặt xuống bàn mà nói: - Đinh Thanh, ngoài kia người ta đang đồn thổi lung tung về nàng. - Như thế nào? – Tôi mỉm cười hỏi lại. Nguyễn Hoàn tức tối nói: - Họ nói nàng xa xỉ, thích chưng diện nhưng không thích trả tiền, dựa hơi vào cha mình và nhà chồng để mua nợ. Họ còn nói rất nhiều thứ không hay ho gì. Tôi gật gù rồi cười: - Cũng đúng. - Nàng nói gì? – Nguyễn Hoàn trố mắt ra nhìn tôi. Tôi dẫn Nguyễn Hoàn đến một nhà kho ở góc nhà, nơi đó chất rất nhiều vải vóc, đồ trang sức và đủ các thể loại khác. Nhà kho này lúc trước để không, tôi bảo Hải dọn dẹp lại rồi mỗi ngày đều cất hết những thứ mình mua nợ bỏ vào và khóa kỹ. Lúc đầu những người hầu trong phủ có tò mò nhưng bị tôi nhìn bằng ánh mắt sắc lạnh nên không dám thắc mắc. Nguyễn Hoàn trợn mắt nhìn nhà kho rồi lại nhìn tôi: - Đinh Thanh, nàng đang mưu tính gì vậy? Tôi cười thành tiếng, Nguyễn Hoàn chơi với tôi lâu như vậy cuối cùng cũng hiểu được tôi rồi. Sau khi nghe xong kế hoạch của tôi, Nguyễn Hoàn ngẩng đầu cười lớn. Anh ta còn ôm bụng gập người lại mà cười rũ rượi, sau đó thì nói: - Đinh Thanh, tôi sợ nàng quá. Nàng chỉ muốn nhà Viêm quận công hủy hôn mà không nghĩ đến thanh danh sau này của nàng sao? - Tôi không quan tâm. – Tôi thản nhiên trả lời. Nguyễn Hoàn lắc đầu rồi nói phải trở về trông cửa hàng. Trước khi đi, anh ta còn quay đầu vào nói: - Sau này thiếu tiền trả nợ thì cứ đến tìm tôi. Tôi cười đến run cả hai vai. Nguyễn Hoàn thật ngốc, tôi còn nguyên đống hàng hóa đó để làm gì? Một là bán đi, hai là đem trả lại là được rồi. Hơn nữa, cái danh tiểu thư nhà Huy quận công cũng không phải giả, tiền thì tôi vẫn có. *** Nguyễn Hoàn vừa đi thì buổi chiều Đinh Ngọc và Gạo trở về nhà. Chị vào thẳng phòng tôi, giận dữ hỏi tôi: - Đinh Thanh, chị đã dặn em rồi, sao em còn đi gây chuyện? Tôi mỉm cười ôm lấy cánh tay của chị: - Chị đừng giận kẻo mau già. Đinh Ngọc quay mặt đi rồi thở dài. Tôi ngồi bên cạnh lay lay cánh tay của chị: - Chị Đinh Ngọc, chị đừng giận. Gạo rót một chén trà đưa cho Đinh Ngọc rồi nói: - Tiểu thư uống nước. Đinh Ngọc cầm chén trà uống xong thì mặt cũng bớt ửng đỏ, chị gí tay vào giữa trán của tôi mà mắng: - Em thật cứng đầu cứng cổ. Tôi đưa tay ôm đầu rồi cười hì hì: - Đầu của em cứng thật. Gạo khẽ cười khúc khích, Đinh Ngọc không nhịn được cũng mỉm cười. Hôm đó Đinh Ngọc không trở về phủ Trang quận công mà ở lại nhà. Ngày hôm sau mẹ cả vừa từ Kinh Bắc trở về thì gọi tôi ra gian nhà giữa hỏi chuyện: - Đinh Thanh, ngoài phố đang đồn thổi chuyện kia là thật hay không? Tôi cắn môi rồi gật đầu dạ một tiếng thật nhỏ. Mẹ cả mím môi, giọng lạnh băng: - Con nói rõ ràng đi. - Con… con muốn mình thật đẹp trong lễ nạp tệ nên mua về hơi nhiều đồ ạ. – Tôi ấp úng nói nhỏ. - Tại sao phải ghi nợ? – Mẹ cả nheo mắt hỏi. Tôi chưa kịp trả lời thì Đinh Ngọc đi vào phòng, chị đến gần mẹ cả rồi khẽ nói: - Mẹ, tính cách của Đinh Thanh hơi tùy tiện, tiền của em chắc là không đủ trả nên mới ghi nợ. Mẹ cũng đừng để cha biết chuyện này. Mẹ cả nhìn Đinh Ngọc rồi lại nhìn tôi, tôi chột dạ cúi đầu nhìn xuống nền gạch. Sau một hồi im lặng, mẹ cả cũng lên tiếng: - Chiều nay sai người mang tiền đi trả hết cho người ta. Lúc mẹ cả đi ngang qua tôi, bà dừng bước nhìn tôi chằm chằm rồi quay người đi ra ngoài. Tôi có chút lạnh sống lưng, ánh mắt của mẹ cả nói cho tôi biết, bà đã nhìn thấy toàn bộ kế hoạch của tôi rồi. *** Chỉ trong một buổi chiều tất cả số nợ của tôi đều được mẹ cả sai người trả đầy đủ, thậm chí còn trả dư vài ba xu gọi là đền bù. Tôi biết mẹ cả muốn họ nhận thêm tiền để bớt ăn nói lung tung về tôi. Quả thật sau vài ngày người ta đã hết bàn tán về tôi nhưng chắc chắn không ai trong thành không biết chuyện này, vậy tại sao bên nhà Viêm quận công lại không có động tĩnh gì cả? Hay là họ suy nghĩ chưa xong về việc có nên rước một đứa con dâu như tôi vào nhà hay không? Tôi nóng lòng đi ra đi vào mấy ngày liền mà vẫn chưa thấy người đến từ hôn. Năm ngày sau, nhà Viêm quận công sai người mang tặng tôi năm thước vải lụa và một vòng tay bằng vàng. Tôi giận sôi người, sai người hầu đem trả lại. Mẹ cả chỉ lắc lắc đầu không nói gì. Tôi giận thì giận nhưng không dám đi tìm Trọng Chiếu, sợ người khác nhìn vào lại nghĩ tôi muốn giải thích về tin đồn cho vị hôn phu. Xem ra nhà Viêm quận công này thật sự giàu đến mức không quan tâm con dâu tương lai có ăn tiêu phung phí hay không. Nếu vậy thì phải thử cách khác thôi. Tôi chưa kịp nghĩ ra cách khác thì Hải đến nói Trịnh Khải hẹn gặp tôi. Hôm đó đã là đầu tháng tư. Tôi cài cây trâm gỗ của Trịnh Khải, áo váy cẩn thận rồi đến ngôi đền cũ kỹ. Lúc đến nơi thì Trịnh Khải đã chờ sẵn bên trong cánh cổng. Tôi mỉm cười với Trịnh Khải nhưng chỉ thấy mặt anh tối sầm không nói gì. Một tay anh cầm tay tôi, một tay cầm đèn lồng soi lối đi xuống ao sen. Đến lúc ngồi yên vị trên thành ao sen, Trịnh Khải mới lên tiếng: - Đinh Thanh, nàng nói trước đi. Tôi ngẩng đầu nhìn anh rồi hơi rụt vai lại. Trên gương mặt tuấn tú của anh, đôi mắt sắc lạnh nhìn tôi chằm chằm, đôi mày hơi nhíu lại. Tôi khẽ hắng giọng rồi ậm ờ: - Nói… nói gì? Trịnh Khải mím môi, giọng tức giận: - Nàng thực sự không có gì để nói sao? Xong rồi, có lẽ anh đã nghe được tin đồn rồi? Tôi đành cẩn thận khai báo: - Có mấy ngày thiếp thiếu tiền nên đi mua đồ phải ghi nợ. Trịnh Khải hừ một tiếng rồi hai tay anh nắm chặt hai vai tôi, bắt tôi nhìn thẳng vào mắt anh: - Đinh Thanh! Chỉ mua đồ thôi sao? Tôi do dự rồi gật đầu. Trịnh Khải nghiến răng nói: - Vậy hôn phu của nàng thì sao? Tháng năm tới đã là lễ nạp tệ rồi, nàng còn tính giấu diếm ta tới khi nào? Tiêu rồi, Trịnh Khải đã thực sự nổi giận rồi. Tôi cắn môi nói nhỏ: - Thiếp không phải muốn giấu chàng. Trịnh Khải nheo mắt ý bảo tôi tiếp tục nói. Tôi thở dài một cái rồi kể hết tất cả mọi chuyện cho anh nghe. Sau khi nghe xong, Trịnh Khải trầm mặc một hồi rồi nói: - Nạp tệ thì nạp tệ, ta sẽ không để cho lễ rước dâu diễn ra. Tôi nghĩ nghĩ rồi trêu anh: - Dù sao thiếp cũng sẽ trở thành người một nhà của chàng mà. Tính theo thứ bậc thì hình như chàng phải gọi tên Trọng Chiếu kia là cậu phải không? Trịnh Khải trừng mắt nhìn tôi: - Ta không quan tâm hắn là ai, dù sao hắn nằm mơ cũng không lấy được nàng. Viêm quận công là người ham hư vinh nhưng nhát chết, ông ta muốn con mình lấy nàng chỉ để củng cố quyền lực cho ông ta. Cha nàng cũng không ngoại lệ. Tôi nháy nháy mắt nói với anh: - Hay là chàng dẫn thiếp trốn đi thật xa? Trịnh Khải hơi sững người rồi thở dài: - Cùng lắm ta sẽ sai người đem nàng giấu đi. Sau đó chờ mọi việc ổn thỏa sẽ đón nàng về. - Là sao? – Tôi có chút không hiểu được câu nói của anh. – Chàng không thể trốn đi cùng thiếp sao? Trịnh Khải gật đầu. Tôi lại hỏi: - Tại sao? - Ngoan, đừng hỏi nữa. Sau này ta sẽ nói với nàng. – Giọng của Trịnh Khải dịu dàng. Tôi không hỏi nữa, đành im lặng ngồi bên, thỉnh thoảng lại thở dài. Trịnh Khải quay qua vuốt tóc tôi rồi nói: - Nàng cũng bớt tùy tiện đi, đừng bày trò nữa, chỉ cần ở yên trong nhà là được. - Thiếp không có tùy tiện. – Tôi bĩu môi phản bác lại. Trịnh Khải khẽ cười rồi xoa xoa má tôi: - Ngoan. Ta phải đi có việc rồi. --------
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang