[Dịch]Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng - Sưu tầm

Chương 29 : THỊ LANG BỘ HÌNH​

Người đăng: 

.
Buổi tối Đình Duệ trở về đã đi tìm tôi, anh kéo tôi vào phòng: - Đinh Thanh, lúc sáng em đến trấn Sơn Nam? Tôi nhìn anh, gật đầu đáp: - Em đi tìm anh nhưng sau đó lại không dám vào trấn phủ nên đành quay về. - Cho nên em đến thành Tràng An chơi? – Đình Duệ nheo mắt nhìn tôi có ý nghi ngờ tôi trả lời không thành thật. - Sao anh biết? – Tôi hỏi ngược lại, mặc dù tôi đoán có lẽ Đình Duệ đã nhìn thấy tôi trong thành Tràng An. Đình Duệ đến ngồi xuống chiếc ghế bên bàn rồi nói: - Lúc đó anh và chú đang cùng Tri phủ Trường An đi kiểm tra thủy binh phòng ngự. Đinh Thanh, lúc nhìn thấy em đang đi bộ bên bờ sông, anh thực sự sợ đến mất hồn. Sau đó anh phải che trái che phải để chú không nhìn thấy em. Tôi nghe cũng giật mình, sao có thể trùng hợp đến như vậy, vẫn may có Đình Duệ bao che cho tôi. - Anh thấy em đi bộ trên bờ sông, vậy có thấy em xuống dưới sông không? Đình Duệ nghe tôi hỏi thì đánh mạnh tay xuống bàn: - Em xuống đó làm gì? - Em chỉ xuống rửa giày thôi. – Tôi vừa nói vừa cười, trong lòng khẽ thở phào, may mà Đình Duệ không thấy cảnh tôi rớt xuống sông, nếu không Hải sẽ bị đuổi mất. Đình Duệ hừ một tiếng, hỏi vào vấn đề chính: - Em đến Sơn Nam tìm anh có việc gì? Tôi ngồi xuống ghế đối diện anh, suy nghĩ cẩn thận mới lên tiếng: - Anh Duệ, Hữu tham quân Nguyễn Hữu Chỉnh kia là người thế nào? Đình Duệ nhíu mày: - Tại sao em lại hỏi về Hữu tham quân? Tôi nghe ra Đình Duệ rất kính trọng Nguyễn Hữu Chỉnh. Tôi cắn môi: - Vì ông ta đến nhà chúng ta nên em mới tò mò. Những vị quan khác làm gì có ai đến nhà chúng ta. - Đinh Thanh, em sinh năm con gì vậy? Việc gì cũng thắc mắc, ai cũng tò mò. – Đình Duệ cười. Tôi bĩu môi, cầm lấy tay áo của anh mà lay lay: - Anh Duệ, nói em biết đi. - Thực ra, đây không phải lần đầu Hữu tham quân đến nhà chúng ta, năm nào ông ấy cũng có mặt ở đám giỗ của ông nội, chỉ là em không để ý đó thôi. Mỗi lần giỗ của Việp quận công đều rất đông họ hàng xa và quan lại đến thì làm sao tôi để ý hết được. Đình Duệ nhìn tôi: - Hữu tham quân thực ra là tướng dưới trướng của ông nội nuôi, huấn luyện thủy binh, đánh trận thủy chiến luôn giành thắng lợi, đến cướp biển cũng phải sợ hãi. Hữu tham quân còn được người dân miền biển gọi là “con cắt biển”. – Đình Duệ cầm ly nước, tôi hiểu ý rót nước vào ly cho anh. Đình Duệ uống xong mới nói tiếp. – Hữu tham quân là người mà chú tin tưởng nhất, do đó việc ông ấy đến nhà chúng ta cũng không phải việc gì lạ. Tôi gật đầu, cố gắng nở nụ cười mỉm với Đình Duệ. Ra Nguyễn Hữu Chỉnh có quan hệ rất mật thiết với Huy quận công, nếu vậy việc ông ta phản bội hoàn toàn không hợp lý. Nhưng tại sao lịch sử lại viết rằng Nguyễn Hữu Chỉnh về phe nhà Tây Sơn? Không lẽ lịch sử có sự nhầm lẫn? Cũng có thể lắm, lúc này không có máy quay, không có máy ảnh, mọi tình tiết lịch sử diễn ra đều được quan chép sử viết lại. Nhưng người viết chúng không chắc là người công tâm, họ có thể viết theo suy đoán của mình hoặc bị ai đó bắt viết sai lệch đi so với sự thật là điều hoàn toàn bình thường. *** Sáng ngày hôm sau, nhân lúc cả nhà đều đi vắng, tôi cho người gọi Hải ra sân nhà sau hỏi chuyện. Tôi ngồi trên ghế ở bàn đá dưới bóng cây lựu, Hải đứng thẳng một bên chờ tôi lên tiếng. Tôi nói anh ta ngồi xuống nhưng anh ta không chịu, tôi đành ngẩng mặt nhìn anh ta: - Ngươi có biết công tử đang ở đâu không? Anh ta bối rối trong giây lát rồi cụp mắt mà đáp: - Dạ biết, thưa tiểu thư. Tôi nghe mà mở cờ trong bụng, nói nhỏ: - Chiều nay ngươi đưa ta đến đó. - Tiểu thư… – Anh ta ngập ngừng. – Tôi không thể. - Ngươi có nhiệm vụ gì? – Tôi trừng mắt nhìn anh ta. - Dạ, là bảo vệ tiểu thư. – Anh ta trả lời rất dứt khoát. Tôi cười mỉm nhìn anh ta, nói chậm rãi: - Nếu ngươi không nghe tời ta thì ta sẽ không cho ngươi đi theo nữa, cho ngươi ở phủ làm việc khác, vậy ngươi sao có thể bảo vệ được ta? Nếu như ngươi không bảo vệ được ta thì ngươi không hoàn thành được nhiệm vụ, là đã mắc tội với công tử, có đúng không? Hải nghe xong thì đứng sững, môi mấp máy nhưng không nói được gì. Anh ta năn nỉ tôi: - Tiểu thư, xin đừng làm khó tôi. - Vậy ngươi tự trở về chịu tội với công tử đi. – Tôi làm bộ tức giận đứng dậy, quay người muốn đi vào phòng. - Tiểu thư, tôi đồng ý. – Giọng của anh ta hốt hoảng. Tôi gật đầu, nở một nụ cười mỉm rồi mới quay mặt lại nói với anh ta: - Ngươi đi chuẩn bị đi, đầu giờ chiều chúng ta sẽ đi. - Dạ. – Anh ta trả lời miễn cưỡng. Anh ta quay lưng đi được một đoạn mà tôi vẫn nghe tiếng anh ta thở dài đánh thượt. Tôi vào phòng đến mở hộp gỗ, lấy cây trâm ngà voi ra ngắm nghía. Gặp Trịnh Khải, tôi sẽ nói gì với anh đây? Liệu anh có còn cần tôi chờ anh nữa hay không? *** - Tiểu thư, đến nơi rồi. – Hải dừng xe ngựa. Tôi nhìn ra cửa sổ, bên kia đường là một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ có hai tên lính canh hai bên cổng. Hải ngồi ở trước cửa xe nói nhỏ: - Tiểu thư, nơi này canh chừng rất nghiêm ngặt, bên trong sân còn có lính đứng canh. Hải vừa dứt lời thì cánh cổng mở ra, từ trong đi ra một vị quan tầm trên năm mươi tuổi, dáng cao gầy, đầu quấn khăn nâu, chỏm râu rung rinh theo bước chân của ông ta. Hai tên lính thấy ông ta bước ra thì khom lưng cúi đầu chào. Vị quan đó mỉm cười, nói vài câu với hai tên lính rồi mới để người hầu đỡ lên kiệu gỗ. - Người kia là ai? – Tôi hỏi Hải. Hải nhìn theo hướng mắt của tôi rồi trả lời: - Là Thị lang bộ Hình Lê Quý Đôn. Ra vị quan tôi vừa thấy chính là Lê Quý Đôn uyên bác trong lịch sử. Có điều lúc này tôi vẫn không nghĩ đến, ông chính là người điều tra vụ án của Trịnh Khải. - Đi theo kiệu gỗ đó. – Tôi nói với Hải. - Tiểu thư? – Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nhìn anh ta, ánh mắt kiên quyết, Hải đành phải đánh xe ngựa đi theo kiệu gỗ của Lê Quý Đôn. Xe ngựa của chúng tôi chậm chạp đi cách một đoạn so với kiệu gỗ. Đi được một con phố, kiệu gỗ của Lê Quý Đôn ngừng lại trước một cửa phủ. Tôi đoán là nhà của ông. Tôi gõ vào thành xe nói Hải cho xe ngựa trở về phủ. - Ngươi nói Thị lang bộ Hình Lê Quý Đôn là người chịu trách nhiệm canh giữ công tử? - Dạ. Tôi chỉ là muốn hỏi lại Hải để chắc chắn tình hình thôi, thật ra ban nãy thấy Lê Quý Đôn đi ra từ ngôi nhà cũ kia là tôi đã nảy ra được một ý. - Khoan về phủ. – Đợi Hải ngừng xe ngựa lại, tôi mới nói tiếp. – Ngươi biết nơi nào ở Thăng Long có nhiều thương buôn người ngoại quốc không? Hải nhíu mày suy nghĩ một hồi mới đáp: - Tiểu thư, ở Thăng Long rất hiếm có thương buôn người ngoại quốc. Ngày trước tôi nghe được ở cảng Phố Hiến rất đông khách buôn ngoại quốc nhưng e rằng lúc này cũng không còn như trước nữa. Những điều Hải nói tôi đều có thể hiểu được, chúa Trịnh hạn chế buôn bán với người nước ngoài vì thế ở Đàng Ngoài rất ít thương buôn ngoại quốc. Hơn nữa lúc này đang thời nội chiến, vừa mới dẹp yên quân khởi nghĩa nông dân thì lại chuẩn bị cho chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài nên việc mua bán cũng không được sầm uất như trước. - Phố Hiến ở đâu? - Dạ, Phố Hiến nằm ở tả ngạn sông Nhị Hà, thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam. – Hải trả lời rành mạch. - Đi đến đó mất bao lâu? – Tuy trấn Sơn Nam là cửa ngõ phía Nam vào thành Thăng Long nhưng trấn có bao nhiêu là phủ, nói là bên cạnh con sông Hồng nhưng không khéo cái phủ Khoái Châu kia lại là phủ xa nhất, đi mất mấy canh giờ thì rất vất vả. - Dạ, nếu xuôi thuyền thì cả đi và về là năm ngày. Còn phi ngựa thì chỉ khoảng nửa canh giờ là đến. Đi xe ngựa thì khoảng một canh giờ. – Anh ta cẩn thận đáp. - Vậy đến Phố Hiến. Hải vẫn chần chừ không đánh xe ngựa, sau đó lên tiếng: - Tiểu thư, từ đây đi Phố Hiến phải vượt sông Nhị Hà. Tiểu thư đi có chút bất tiện, hay tiểu thư về phủ, cần gì cứ để tôi cưỡi ngựa đi sẽ nhanh hơn. Ra muốn đến Khoái Châu còn phải đi thuyền ngang qua sông, nếu đi ngựa thì chỉ cần đến bến phà, qua bờ bên kia lại thuê một con ngựa vẫn dễ hơn là tìm thuê một xe ngựa. Hơn nữa lúc này đã chớm đông, thời tiết rất lạnh, tôi gật đầu đồng ý, Hải liền đánh xe ngựa về thẳng phủ. Vào trong phủ, tôi tìm giấy bút ngồi loay hoay viết một hồi mới thấy tạm ổn. Chẳng là viết chữ Nôm bằng bút lông thì dễ nhưng viết chữ la-tinh bằng bút lông không hề đơn giản tí nào. Tôi viết trên tờ giấy hai dòng, viết bằng tiếng Anh, nghĩa đại khái là: “Tôi cần mua một cuốn sách về địa lý hay sách chỉ dẫn bản đồ thế giới bằng tiếng Anh. Tôi thực sự cần gấp, xin hãy giúp đỡ. ” Viết xong, tôi gấp tờ giấy lại làm tư, đi ra sân đưa cho Hải, sau lại rút ra năm đồng tiền đưa cho anh ta rồi nói: - Ngươi đến đó tìm người ngoại quốc đến từ phương Tây mua một cuốn sách cho ta. Chỉ cần đưa tờ giấy này cho người ta đọc là được. Hải cầm giấy và tiền nhét vào trong ngực áo rồi nhìn tôi: - Tôi sẽ đi nhanh về nhanh. Tôi cười gật đầu với anh ta. Hải quả nhiên là một người đáng tin cậy, mặc cho tôi nói gì, sai làm gì, anh ta cũng không có hỏi nguyên nhân. Nhìn bóng anh ta đi nhanh ra khỏi cổng, tôi mới quay trở lại trong phòng. Chỉ cần Phố Hiến vẫn còn thương buôn người nước ngoài thì họ sẽ có các cuốn sách chỉ dẫn địa lý, vậy Hải sẽ nhanh mua được một cuốn và trở về. Có sách rồi tôi mới có thể bắt đầu kế hoạch của mình được.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang