[Dịch]Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng - Sưu tầm

Chương 19 : GẶP LẠI TỐ NHƯ​

Người đăng: 

.
Cuối tháng giêng, lễ nạp tệ của Đinh Ngọc cuối cùng cũng đến. Đinh Ngọc vốn người thanh mảnh, xinh đẹp, trang điểm vào lại càng thêm phần xinh đẹp. Chị mặc áo cưới màu hồng, tóc búi đính hoa và trâm ngọc, cả người mềm mại quyến rũ, đến tôi nhìn cũng mê. - Đinh Ngọc, chị thật đẹp. – Tôi cảm thán. Đinh Ngọc cười mỉm, gí ngón tay vào trán tôi: - Đừng trêu chị, mau về phòng chải đầu lại đi. Tôi lè lưỡi với chị rồi nhanh chân về phòng, nói Gạo búi lại tóc. Gạo hỏi tôi thích cài cây trâm nào, tôi cầm cây trâm ngà voi lên lại bỏ xuống, tôi không biết mình có xứng đáng để cài nó nay không nữa. Tôi nói Gạo cài cây trâm bạc. Lễ nạp tệ diễn ra suôn sẻ. Phan Huy mặc áo đỏ, mang ly rượu kính Huy quận công và Trang quận công. Đinh Ngọc cầm khay trầu dâng cho phu nhân nhà Trang quận công và mẹ cả. Lễ vật đựng trong năm hòm gỗ lớn, tôi không biết bên trong đựng những gì nhưng cũng đoán được là những đồ có giá trị. Quận công và mẹ cả đúng là có con mắt tinh tường. Phan Huy mặt mũi sáng sủa, dáng người con nhà võ, rắn chắc và mạnh mẽ. Đúng như mẹ cả nói, tuổi trẻ tài cao, đứng bên cạnh Đinh Ngọc chỉ có thể nói là xứng đôi vừa lứa. Nhưng tôi lại thấy tiếc cho Nguyễn Cảnh, anh nếu đứng bên cạnh Đinh Ngọc thì không chỉ xứng đôi mà còn là tình chàng ý thiếp. Ngày rước dâu cũng đã được ước định. Đó là ngày rằm hai tháng sau. *** Một tối khi đang ăn cơm cùng cả nhà, quận công nói với mẹ cả: - Lúc chiều tôi nhận được tin bà Tần đã qua đời được mười ngày, chôn cất tại Nghi Xuân. Lúc đó tôi vẫn chưa nhận ra bà Tần mà quận công nhắc đến là ai. Mẹ cả nghe thấy thì ngưng đũa, thở dài, nói không ngờ bà Tần lại ra đi nhanh như vậy. Mẹ cả thôi ăn cơm, nói sáng mai sẽ đi chùa. Đến lúc về phòng, Đinh Ngọc cứ nhìn tôi mãi, tôi đành hỏi chị: - Đinh Ngọc, mặt em dính mực sao? - Em không sao chứ? Tôi ngớ mặt ra, tại sao Đinh Ngọc lại hỏi câu hỏi kì lạ như vậy. - Mẹ Nguyễn Du mất, chị cứ nghĩ em sẽ buồn lắm. – Đinh Ngọc lắc đầu nhìn tôi. Trong đầu tôi bỗng như bị sét đánh qua, chấn động. Mẹ Nguyễn Du, bà Tần qua đời. Sao tôi lại quên mất bà Tần là mẹ Tố Như. Tôi ngồi xuống ghế, trong đầu chỉ có một ý nghĩ: Tố Như mồ côi cha mẹ rồi. Nghĩ tới đó, nước mắt tôi đã chảy dài. Tố Như, cậu ấy mới mười ba tuổi, cậu ấy chắc buồn và cô đơn lắm. Đinh Ngọc hoảng hốt, cầm tay tôi: - Đinh Thanh. Tôi đưa tay gạt nước mắt rồi nghẹn ngào hỏi Đinh Ngọc: - Tố Như giờ đang ở đâu? Đinh Ngọc vỗ nhẹ vào tay tôi, nói chị sẽ hỏi cha thử. Ngày hôm sau Đinh Ngọc mới hỏi được quận công, ông nói Tố Như chuyển đến ở với người anh cùng cha khác mẹ, tên là Nguyễn Khản, giữ chức Hồng lĩnh hầu, Trấn thủ trấn Sơn Tây, nhà ở đường Thượng Đạo. Tôi bày tỏ ý muốn đến gặp Tố Như, Đinh Ngọc khẽ thở dài: - Em ngốc, chị biết em buồn nhưng em đến, Nguyễn Du có muốn gặp em hay không? Chưa nói đường Thượng Đạo kia xa xôi, đi mất một canh giờ mới đến được. Tố Như không muốn gặp tôi, nhưng tôi muốn gặp Tố Như. Nhớ lại đêm đó, tôi chỉ có thể ngồi ở xa nhìn cậu khóc, nhưng lần này, cậu đau buồn như thế, tôi nhất định không thể lại không làm gì như trước. Ở phủ có xe ngựa nhưng tôi không thể tùy tiện đi, mẹ cả nhất định sẽ hỏi lui tới. Một chiều tôi cùng Gạo ra phủ, nói là đi dạo phố nhưng mục đích là tới nhà Nguyễn Hoàn. Từ khi đủ mười bảy tuổi thì Nguyễn Hoàn bị cha mẹ bắt buộc phải học tính toán kinh doanh, không cho phép lông nhông nữa. Nguyễn Hoàn thấy tôi thì rất ngạc nhiên, khi tôi nói tôi muốn đến đường Thượng Đạo, anh ta cứ bám theo hỏi đi làm gì, anh ta cũng muốn đi. Tôi chỉ muốn đi một mình, nhất quyết không đồng ý cho anh ta đi cùng. Nguyễn Hoàn nhăn nhó, dỗi hờn rằng nếu không cho anh ta đi theo thì không cho mượn xe ngựa. Tôi đành giả bộ đi ra ngoài, nói không cần mượn nữa. Lúc đó Nguyễn Hoàn mới chạy theo, tuy trên mặt không vui vẻ gì nhưng vẫn phải nhịn dỗ dành tôi. Nhưng anh ta cũng rất cẩn thận, cho hai gã người hầu khỏe mạnh đi theo vừa đánh xe ngựa vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tôi. Tôi và Gạo ngồi trên xe ngựa, đi thẳng đến đường Thượng Đạo. Đường sá ở Thăng Long rộng và bằng phẳng nên xe không rung lắc nhiều. Tôi ngồi trên tấm đệm, chống tay tựa lưng vào thành xe nhìn cảnh vật xa dần ngoài cửa sổ. Sau một canh giờ, rốt cuộc đã đến đường Thượng Đạo. Một gã hầu nhảy xuống xe hỏi thăm nhà Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản. Sau đó xe lại tiếp tục lăn bánh, đi ngang qua một dinh thự, cổng đá cao lớn, có mái che khắc rồng phượng nối đuôi nhau, cửa gỗ lớn sơn màu đỏ. Xe ngựa đi rất lâu mới qua hết được bờ tường của dinh thự đó. Nhà của Nguyễn Khản ở ngay cạnh dinh thự. Đến trước cổng phủ, tôi cùng Gạo xuống xe. Gạo tính đến gõ cửa cổng, tôi kéo tay lại. Tôi rất muốn gặp Tố Như nhưng vẫn chưa nghĩ ra mình nên nói gì với cậu. Tôi cứ đứng im trước cổng, Gạo nhìn tôi thắc mắc nhưng không hỏi gì. Tôi nghĩ, hay là thôi đi, Đinh Ngọc nói đúng, Tố Như chưa chắc đã muốn gặp tôi, tôi càng không nên khơi lại nỗi mất mát của cậu. Đang tính quay người ra xe thì cánh cửa gỗ mở ra, một người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi, mang trang phục quan võ, đầu đội mũ cánh chuồn đi ra. Anh ta và vài người hầu theo sau vừa ra khỏi cổng, thấy tôi thì dừng lại. Anh ta lên tiếng, giọng nói sang sảng: - Tiểu thư đến tìm ai? Tôi đoán đây chính là Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Tố Như. Tôi trả lời: - Tôi là Đinh Thanh, tôi đến tìm Nguyễn Du. Nguyễn Khản nhìn tôi chằm chằm, sau đó mới quay qua nói nhỏ với một người hầu ở sau lưng, gã người hầu nhanh chân quay người đi vào trong phủ. Anh ta nhíu mày: - Tôi là Nguyễn Khản, anh của Tố Như. Tố Như chỉ mới từ Nghệ An lên đây được năm ngày, sao tiểu thư Đinh Thanh lại quen biết Tố Như? Ra Nguyễn Khản cũng gọi Nguyễn Du là Tố Như. - Tôi và Tố Như quen biết từ lúc còn ở Nghệ An. – Tôi đáp ngắn gọn. Nguyễn Khản trầm ngâm giây lát rồi nói: - Tiểu thư vào nhà ngồi, tôi phải đi công việc. Tôi cúi đầu chào, anh ta đi ra, leo lên một chiếc xe ngựa đậu sẵn gần đó. Tôi và Gạo được người gác cổng dẫn vào gian phòng khách. Ban nãy Tố Như được người hầu thông báo cũng vừa lúc đi ra, nhìn thấy tôi, cậu ấy ngạc nhiên: - Sao chị lại đến đây? Tố Như mặc một bộ áo dài màu trắng, trên đầu cũng quấn khăn trắng, gương mặt gầy xanh xao. Nhìn thấy cậu ấy, tôi cảm thấy có thứ gì đó nghèn nghẹn trong cổ, cố giữ cho giọng nói của mình tự nhiên, tôi trả lời: - Cha mẹ tôi bận rộn nên nói tôi đến thăm cậu. Tố Như mời tôi vào phòng khách ngồi rồi lên từ tốn nói: - Tôi sống rất tốt, anh Khản không để tôi thiếu thốn thứ gì. Tôi không biết nói gì nữa, mím môi nhìn mặt bàn. Tố Như cũng im lặng. Lén nhìn mặt cậu ấy, tôi lại thấy xon xót trong lòng. Cậu ấy gầy đi nhiều quá, xương gò má nhô ra nhìn thấy rõ, dưới hai mắt sáng là quầng thâm xanh đen thẫm. Chắc cậu ấy đã nhiều đêm không ngủ. - Đinh Thanh, chị tự ý đến đúng không? - Tố Như bỗng nhiên lên tiếng cắt ngang mạch suy nghĩ của tôi. Tôi ngước mắt nhìn Tố Như, sao cậu ta lại biết? Tố Như nhìn tôi, thở dài: - Huy quận công và quận chúa tuy có phần thân thiết với mẹ tôi nhưng họ biết tôi ở đây cũng sẽ không đến thăm tôi. Tôi nghe Tố Như nói lại càng cúi mặt thấp xuống, nhìn đôi giày thêu dưới chân. Cậu ta nói đúng, quận công và mẹ cả biết Tố Như sống với anh trai thì không bận tâm đến nữa. Tố Như nói tiếp: - Chị nên về đi. Tôi nghẹn họng nãy giờ, từ xa đến thăm mới nói được vài câu, cậu ta đã muốn đuổi tôi đi. Tôi đứng dậy, không cầm được nước mắt, từng giọt lăn ra không ngừng, chảy dài xuống hai bên má. Tôi vừa đưa tay lau nước mắt, vừa nói: - Tố Như, cậu phải sống vui vẻ. Từ nay tôi sẽ không đến gặp cậu nữa. Tố Như sững người, ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi mặc kệ cậu ta ngồi đó, đi nhanh ra cổng. Vừa leo lên xe ngựa thì đã thấy Tố Như ra đến cổng. Tôi nhìn cậu ta đứng đó, bộ đồ màu trắng càng khiến cậu trông gầy và xanh xao hơn, lại thêm phần cô đơn, trong lòng tôi xon xót. Tố Như đi đến gần cửa xe, cậu nhìn tôi, nói chầm chậm: - Chị về cẩn thận. Tôi gật đầu, cố gắng mỉm cười với cậu ấy nhưng hễ nghĩ đến cuộc đời của Tố Như từ nay sẽ long đong vất vả, nước mắt lại không ngừng rơi. Tuy hôm nay hành động đường đột nhưng tôi biết mình sẽ không hối tiếc. Tôi chỉ muốn cho Tố Như biết, có người cũng sẽ khóc cho nỗi đau của cậu. Tố Như, gặp cậu là vinh hạnh lớn nhất của tôi, từ nay, tôi sẽ không đến tìm cậu nữa, sẽ không quấy rối cuộc sống của cậu. Tôi ngồi xe ngựa, nhắm mắt lại, cố gắng điều chỉnh cảm xúc. Xe ngựa đang rung lắc trên đường thì dừng lại. Một gã hầu lên tiếng: - Tiểu thư, phía trước rất đông người, chúng ta không đi tiếp được. Tôi mở mắt, nhìn ra cửa sổ. Quả nhiên phía trước đang rất đông người, lính có, nữ hầu có, xe ngựa sơn son thiếp vàng, lọng che đỏ thắm. Một người phụ nữ bước từ trên xe xuống, tôi chỉ nhìn được nửa mặt, là một phụ nữ ngoài ba mươi rất đẹp. Người đó mặc áo quần lộng lẫy, giày thêu kim tuyến, tóc búi cao, trâm vàng lấp lánh. Những người hầu đứng chờ dưới nhanh chóng đỡ bà lên kiệu gỗ để lính tráng khênh vào cổng. Ra là người ở dinh thự lớn ban nãy tôi đã thấy. Người phụ nữ đó vào cổng chưa bao lâu thì những thiếu nữ quần áo lượt là đứng đầy ngoài đường cũng xếp hàng từ từ đi vào cổng. Những hòm gỗ cũng được lính khiêng từ từ vào sau, đường bắt đầu thông thoáng. Tôi nói Gạo xuống hỏi thăm thử là dinh thự của ai. Gạo xuống xe đến hỏi người đánh xe ngựa bên đó, rất nhanh đã trở lại, nói rằng đó là hành cung của Huyên phi mà chúa thượng cho xây riêng bên ngoài. Người phụ nữ quý phái ban nãy chính là Huyên phi, còn những thiếu nữ đi sau là các đào nương hát ả đào của vùng Tam Lộ - Ngũ Lãm. Tôi gật đầu, nói xe ngựa tiếp tục đi. Tôi nhớ Trịnh Khải đã từng nói: “Hiện nay ta đang ở với mẹ trên đường Thượng Đạo.” Như vậy có lẽ Huyên phi chính là mẹ của anh. Tôi cười mình ngu ngốc, lúc anh nói ở cùng mẹ, tôi cứ ngỡ đó hẳn là một phủ giống như nhà quận công. Thật không ngờ, một hành cung bên ngoài phủ chúa lại có thể lớn như vậy, bên trong không biết còn rộng như thế nào, sang trọng như thế nào. Tôi thật sự không biết một chút gì về Trịnh Khải. Thế tử mà tôi thấy ở bến thuyền, thế tử ở trong hành cung kia, thế tử có người mẹ cao quý, thế tử có người cha ngồi trên ngôi báu, tôi đều chưa từng tưởng tượng ra được. Rốt cuộc anh là người như thế nào? Đừng nói đến việc không biết tương lai của Trịnh Khải sẽ thế nào, ngay cả con người hiện tại của anh, tôi cũng không biết gì cả. Tôi thở dài, sầu não suốt mấy ngày sau đó. *** Phan Huy, anh ta giữ chức Quản binh Thăng Long nên khá bận rộn, có khi phải đến hơn mười ngày mới đến phủ chúng tôi, hỏi thăm vài câu với Đinh Ngọc rồi lại đi. Một hôm anh ta đến, trà vừa rót ra, tôi đã hỏi: - Anh rể, chức Quản binh của anh là làm gì? - Là huấn luyện và quản lý binh lính trong thành, bảo vệ an ninh của Thăng Long. – Phan Huy trả lời mạch lạc. - Vậy có đi tuần không? Có bắt những người gây chuyện trong thành không? Phan Huy chưa kịp uống trà đã bị tôi hỏi tiếp, anh ta liền đặt ly trà xuống, trả lời: - Ngày và đêm đều có đi tuần. Bất cứ ai vi phạm luật lệ Đại Việt, gây chuyện ồn ào ngoài phố đều bị bắt. Tôi đứng dậy, nói hùng dũng: - Vậy anh rể mau đi bắt tên Đặng Lân kia, hắn ta toàn trêu chọc con gái nhà người khác giữa phố, chưa kể còn bắt người vô tội. Phan Huy nghe thế thì ngồi sững, sau đó thở dài: - Tôi cũng rất muốn bắt hắn ta nhưng… Tôi biết anh ta định nói “nhưng Đặng Lân là em trai của Tuyên phi”. Tôi cười: - Thì ra là anh rể sợ hắn ta. Phan Huy đứng dậy, mặt đỏ gay. Đinh Ngọc thấy tình hình không ổn thì đứng dậy khuyên can: - Đinh Thanh, đừng nói lung tung nữa, mau về phòng đi. Tôi bĩu môi, quay lưng đi về phòng, leo lên giường nằm. Nhiều ngày qua vì nghĩ đến chuyện của Trịnh Khải mà tôi bị dồn nén cảm xúc, luôn thấy bức bối, khó chịu trong người. Hôm nay vừa đụng phải Phan Huy nên tôi mới giận cá chém thớt. Nhưng tôi giận ai thì đến tôi cũng không biết. Có lẽ là tức giận với số phận trêu ngươi cho tôi gặp anh, hay là giận Trịnh Khải che giấu thân phận với tôi. Hay là giận bản thân ngu ngốc đem tình cảm đặt vào một người mà mình không hề biết một chút gì. Hay là vì vẫn chưa đưa ra được quyết định có nên tiếp tục duy trì đoạn tình cảm này không. Dù lý trí nói không thì trái tim lại luôn nói có. Tôi chỉ có thể để chúng tự đấu đá ngày qua ngày.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang