[Việt Nam] Đi Xuyên Hà Nội

Chương 1 : Lời Giới Thiệu

Người đăng: 

Ngày đăng: 18:14 28-12-2018

.
Bảng lảng và trần trụi Trong một thời gian dài bao cấp, ấn tượng về những trang báo thời sự là chúng khô khan, vắng bóng tính giải trí, và dường như sẽ nhanh chóng bị quên lãng trong các thư viện cũ kỹ. Những đã có một người chuyên tâm đi lục lại những trang thông tin hết thời ấy, chắp nối lại chúng và thổi hồn vào đấy thành những ghi chép khảo cứu sống động. Đó là Nguyễn Ngọc Tiến. Cho đến giờ, những khảo cứu của anh về một Hà Nội qua chiều dài lịch sử đã thành thương hiệu trong làng văn. Đọc những trang viết từ nhiều cuốn sách được tập hợp qua nhiều năm tháng miệt mài làm việc, tập trung quanh câu chuyện về một mảnh đất nhiều thăng trầm, người ta có thể thấy Nguyễn Ngọc Tiến tựa như một sử nhân của Hà Nội. Sau các tản văn, bút ký 5678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội và tiểu thuyết Me Tư Hồng, Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục các truyện-sử về thành phố anh gắn bó qua tập sách mới - Đi xuyên Hà Nội. Đó là Hà Nội của nhiều góc cạnh: những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây do người Pháp lập bên cạnh những phố Hàng của Kẻ Chợ, những thú chơi hay phong tục của thời trước, những gì phế hưng nơi này. Có khi là câu chuyện nhiều ngổn ngang trong thân phận những ngôi biệt thự cũ giờ cái còn cái mất. Có khi là những phận đời nổi trôi theo thời cuộc: những nhà nho thất thế, một ông Tây say mê văn hóa bản địa và thành nhà Hà Nội học, những người con trai con gái của một thời yêu nhau trong sáng... Anh tỉ mẩn lục lại xem quy tắc giao thông xưa, cầu Long Biên khởi dựng ra sao, ăn mày Hà Nội hay chợ búa thế nào... Hay những dấu mốc lịch sử của những cuộc chiến tranh diễn ra trên mảnh đất Hà Nội, mỗi lần đi qua là để lại những tác động nghiệt ngã lên dấu tích vật chất lẫn văn hóa sống của con người. Có những điều giản dị mà khiến người đọc ngỡ ngàng, hóa ra đã diễn ra chưa quá lâu mà tưởng như xa lăng lắc: ... Nhưng phải đến năm 1960 Hà Nội mới có ba cụm đèn tín hiệu được điều khiển thủ công tức là công an ngồi trong bốt bật công tắc gồm: Ngã năm Cửa Nam, ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú và ngã tư Tràng Tiền-Hàng Bài. Ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú tuy không đông đúc nhưng khu vực này có nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài nên phải có đèn tín hiệu cho ra dáng thủ đô. Ông Bính nhà ở đầu phố Bà Triệu kể rằng, năm 1964, khi đó ông 11 tuổi, gần như ngày nào cũng vào bốt xem các chú công an điều khiển và có vài lần “chú công an mỏi tay quá nhờ tôi bật công tắc”. (Đèn tín hiệu giao thông có từ bao giờ?) Đọc mà thương người Hà Nội ngày xưa, họ đã đi qua những khúc quanh thời cuộc, đọc mà không nén nổi những tiếng thở dài. Giọng văn thong thả, chậm rãi, có chút lạnh nhạt làm tăng thêm cảm giác “truyền kỳ” của những câu chuyện lạ, nhất là những điều gợi nên suy ngẫm về khoảng cách giữa văn minh và u tối ở một đô thị vừa già cỗi lại vừa lắm nỗi ngây thơ... Nhiều chỗ tác giả chỉ đưa ra những con số và sự kiện mà người đọc cũng nghẹn ngào. Vì nỗi thương mình đã sống trong hoàn cảnh đó, hay thương một xã hội đô thị nhiều dâu bể? Trong cuốn sách này, tính chuyển động, sự trôi dạt nổi lên như một yếu tố chính. Từ những cái Tết ra đi và trở về (Đinh Hợi, Tết ra đi; Quý Sửu, Tết trở về), ngày chia ly của những người tản cư đi kháng chiến, người di cư vào Nam, người đi vùng kinh tế mới (Người Thăng Long-Hà Nội di cư), ngày đoàn viên của người từ nơi sơ tán hay mặt trận về (Hà Nội tháng 4-1975)... rất nhiều lần Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh tới tính động của dòng chảy đời sống Hà Nội. Nó vừa bảng lảng lại vừa trần trụi. Nó đẫm đầy chất tiểu thuyết. Vấn đề mà Đi xuyên Hà Nội tiếp nối các cuốn sách trước của cùng tác giả chính là giá trị của những trang truyện-sử phong tục xã hội, điều các chính sử thường bỏ qua, đặc biệt cần thiết ở một đô thị hậu thuộc địa. Sự lựa chọn đề tài đa dạng, gần gũi đời sống thường nhật cũng làm nên sự sống động của cuốn sách. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại. Khả năng bao trùm các đề tài về nơi này của Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục khẳng định một điều: còn rất nhiều thứ của Hà Nội xứng đáng để các nhà văn viết thật hay. Nguyễn Trương Quý
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang