[Dịch] Danh Môn
Chương 46 : Hoàng đế Đại Đường
.
Buổi sáng ngày mùng một Tết, bông tuyết như bụi phấn rơi xối xả. Lại lần nữa cung điện nguy nga khoác lên mình chiếc áo trắng tinh. Những nén bạc nặng trĩu mắc đầy trên cây liễu. Bức tường cung điện giống như con rắn lưng trắng khổng lồ, chạy dài về trong đám mây mù mịt mờ xa xa.
Điện Tử Thần trong cung Đại Minh là chốn cung điện gần Nội cung nhất. Ngự thư phòng của hoàng đế thông thường được đặt ở đây. Ngự thư phòng của đương kim hoàng đế Lý Hệ chính được bố trí ở điện bên của điện Tử Thần, gồm năm, sáu căn phòng to nhỏ. Ngoài sách vở xưa và nay bình thường ra, còn có những bề tôi thường xuyên phục vụ trong Ngự thư phòng như Hàn lâm học sỹ để hoàng đế hỏi han bàn bạc, tiểu hoạn quan để hầu hạ chạy việc, thị vệ võ nghệ cao cường theo sát bảo vệ hoàng đế.
Chủ nhân Lý Hệ của Ngự thư phòng là người thống trị cao nhất hiện giờ của đế quốc Đại Đường. Y sở hữu tất cả những thứ mà một vị hoàng đế bình thường nên có: cung điện, hoàng hậu, nhiều phi, long bào, phô trương xa hoa, vân vân... Nhưng ngoại trừ quyền lực. Đúng vậy! Từ khi y lên ngôi đến nay chưa từng được nếm cảm giác nắm quyền. Triều chính của Đại Đường bị bảy thế gia lớn lũng đoạn, đặc biệt là Hữu Tướng Thôi Viên. Bị bóng dáng to béo khôi ngô của lão che phủ, Lý Hệ tựa như một cây nến sắp tắt.
Cho nên đối với Lý Hệ, Ngự thư phòng chỉ thuần túy để trang trí. Y rất ít khi đến nơi này xử lý công việc triều đình. Nhưng hôm nay là ngày mùng một tháng giêng năm Khánh Trị thứ mười sáu, y lại bất ngờ xuất hiện trong Ngự thư phòng.
Nhờ chậu than sưởi ấm, trong Ngự thư phòng đã trở nên ấm áp như giữa xuân. Không khí có hơi khô hanh. Một vùng sắc đỏ gay bệnh tật xuất hiện trên gương mặt trắng tái của Lý Hệ. Y khoảng hơn bốn mươi tuổi, là con trai thứ hai của tiên đế Túc Tông. Thân thể y gầy yếu. Lối sống buông thả theo ham muốn xác thịt trong thời gian dài khiến y lúc nào cũng hết sức mệt mỏi.
Mấy chục bản sớ vừa được đưa đến hôm nay nằm bừa bãi trên chiếc bàn gỗ tử đàn rộng lớn. Phần lớn là những tờ sớ mà các địa phương tâu lên vì mùa đông ấm áp năm nay. Khí hậu lạ thường tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến vụ gặt hái của năm sau.
Lý Hệ thở dài. Những tờ sớ này cũng chỉ để cho y xem qua mà thôi, bên trên đã có xét duyệt của Môn Hạ thị trung (1) Bùi Tuấn và phê duyệt cuối cùng của Trung Thư lệnh (1) Thôi Viên. Chúng đã được giao cho các bộ thi hành. Rồi chỉ đưa bản sao cho y xem.
Lúc này, đại hoạn quan tâm phúc Mã Anh Tuấn rảo bước đi vào. Y khẽ bẩm báo: "Bệ hạ! Thôi tướng quốc đã đến, đang ở ngoài xin gặp."
Mã Anh Tuấn là hoạn quan thân cận của tiên đế Túc Tông, quyền lực đứng thứ ba, chỉ dưới Ngư Triều Ân và Lý Phụ Quốc, từng là bề dưới tin cậy của Trương hoàng hậu. Mười sáu năm trước, Đường Túc Tông Lý Hanh đột ngột mất, Trương hoàng hậu giữ bí mật nên không làm tang, rồi lập tức phát động chính biến cung đình. Chính Mã Anh Tuấn đã liên hệ nhờ đại tướng quân Lý Bão Ngọc của quân Vũ Lâm (2) ủng hộ, đột kích giết chết Lý Phụ Quốc và thái tử Lý Dự, rồi đưa Việt Vương Lý Hệ lên ngôi với sự giúp đỡ của những trọng thần như Thôi Viên và Bùi Tuân Khánh.
Đáng tiếc, người tính không bằng trời tính. Người Hồi Hột lật lọng đã đập tan ý chí hào hùng của Lý Hệ, cũng khiến công lao ủng hộ của Mã Anh Tuấn tan thành mây khói. Hiện giờ Mã Anh Tuấn chỉ là một thái giám quản lý sự vụ hầu hạ trong cung.
"Bảo ông ta vào đi!" Lý Hệ mệt nhọc khua tay. Hôm nay y đến Ngự thư phòng chính là vì Thôi Viên yêu cầu.
Chốc lát sau, Thôi Viên tươi cười đi vào Ngự thư phòng, đoạn quỳ xuống hướng về Lý Hệ cúi lạy sát đất, "lão thần Thôi Viên xin chúc mừng năm mới tới bệ hạ. Kính chúc bệ hạ muôn sự suôn sẻ, chăm lo việc nước, khiến Đại Đường ta ngày càng giàu mạnh."
Lý Hệ đứng phắt dậy, rồi lại từ từ ngồi xuống.
Lý Hệ chẳng quan tâm lời chúc mừng năm mới của Thôi Viên, nhưng dáng vẻ mỏi mệt của y lại bị xua sạch bởi lão ta quỳ lạy. Trong trí nhớ của y, Thôi Viên chưa bao giờ quỳ lạy. Hôm nay xảy ra chuyện gì vậy?
Y giơ nhẹ tay cười nói: "Miễn lễ, Tướng quốc hãy đứng lên. Ban cho ngồi!"
"Cảm ơn bệ hạ!"
Thôi Viên từ tốn ngồi xuống. Lão liếc nhìn những tờ sớ trên bàn. Từ lúc Lý Hệ vào Ngự thư phòng đến giờ đã sắp được một canh giờ, mà y lật xem chưa xong một tờ. Thôi Viên không khỏi thầm cười lạnh. Một hoàng đế không lo lắng cả việc nông nghiệp thì còn có thể làm được việc gì?
"Bệ hạ, ngày mùng một Tết lão thần đến đây chủ yếu là muốn bàn bạc với bệ hạ hai việc."
"Tướng quốc cứ nói đừng ngại."
Thôi Viên suy nghĩ giây lát, đoạn nói: "Việc đầu tiên là năm nay khí hậu phương bắc khác thường, mùa xuân tới rất có khả năng xảy ra nạn châu chấu, nạn úng. Để sớm phòng chống, xin bệ hạ đồng ý cho lão thần điều động ba trăm vạn thạch gạo từ vùng Giang Hoài vào Thái thương (*).
Lý Hệ ngáp rồi uể oải nói: "Chuyện này Tướng quốc xem xét lo liệu đi! Không cần bẩm báo trẫm. Việc còn lại là gì?"
Thôi Viên mỉm cười, "việc thứ hai chính là chiến sự ở Lũng Hữu đã kết thúc, nhưng tướng sỹ trong quân vẫn chưa được phong thưởng. Hiện giờ đã sang năm mới, lão thần nghe nói trong quân đã có tiếng oán trách rằng nhà đã hết gạo để nấu. Lòng thần thấy rất lo. Tuy Khả hãn Đăng Lợi đã cho quân lui về phương bắc, nhưng vẫn quanh quẩn ở khu vực Âm Sơn. Một khi sỹ khí sa sút, e là sẽ có hậu hoạn vô cùng. Cho nên lão thần phác thảo một danh sách phong thưởng, mong bệ hạ xem qua. Nếu không có ý kiến khác, xin bệ hạ hãy ban chiếu cho thi hành hôm nay."
Nói đoạn, lão lấy ra một tờ sớ từ trong ngực, đưa bằng hai tay cho Lý Hệ.
Phong thưởng trong quân của Đại Đường phải do bộ Binh dựa vào sớ nêu quân công mà Tư Mã (3) của các quân báo lại để đánh giá công lao, sau đó lại gửi cho Môn Hạ sảnh xem xét trước, rồi nội bộ của Trung Thư sảnh bàn bạc, cuối cùng mới chuyển cho hoàng đế để phê chuẩn. Một khi hoàng đế xem xét và định đoạt rồi thì phải do Trung Thư xá nhân (4) soạn thảo thành sắc lệnh. Nhưng việc đóng dấu tỷ cuối cùng lại do Phù Bảo lang (5) của Môn Hạ sảnh kiểm soát, nghĩa là rốt cuộc Môn Hạ sảnh vẫn phải duyệt lại một lượt. Đó là để đề phòng Trung Thư sảnh một mình nắm giữ quyền lực.
Chế độ phân chia để kìm hãm quyền lực này hết sức chặt chẽ, vốn là tốt. Nhưng sau khi Trương Cửu Linh thôi chức Tể tướng năm Khai Nguyên thứ hai mươi lăm, vì tăng cường hoàng quyền Lý Long Cơ liền dùng Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung, dần làm hỏng chế độ đó, Tả Tưởng cũng trở thành chức hão.
Sau loạn An Sử rồi người Hồi Hột náo loạn Trung Hoa, thế gia dần dần nắm quyền lớn. Mỗi nhà trong bảy thế gia lớn đều nắm giữ một phần quyền lực, khiến hoàng đế mất thực quyền. Nhất là Hữu Tướng Thôi Viên, lão khống chế những cơ quan quyền lực nòng cốt như Trung Thư sảnh, bộ Lại, bộ Hình cùng cơ quan giám sát như Ngự Sử đài, trong tay lại có hơn hai mươi vạn đại quân, có thể nói là quyền thế nghiêng trời. Còn hoàng đế Lý Hệ chỉ là một bù nhìn. Mệnh lệnh của y không ra khỏi nổi cả cung Đại Minh.
Cho nên hôm nay Thôi Viên phớt lờ bộ Binh và Môn Hạ sảnh mà đưa thẳng danh sách khen thưởng quân công cho Lý Hệ chính là muốn dùng ý kiến của hoàng đế chặn họng Bùi Tuấn và Vi Ngạc.
Lý Hệ nhận lấy danh sách, lật xem sơ sơ. 'Phát năm mươi vạn xâu tiền thưởng cho quân công, trong đó quân Phượng Tường được bốn mươi vạn xâu, các quân Lũng Hữu và Sóc Phương được mười vạn xâu', hơn nữa cũng dành phần lớn số lượng người được nhận huân quan (6) và thăng cấp khác cho quân Phượng Tường.
Lý Hệ không lộ vẻ gì trên nét mặt lại lật một trang, bỗng sững sờ. Không ngờ đây là phong thưởng đối với những bề tôi có công: phong thêm cho thượng thư bộ Binh Vi Ngạc làm Thái tử Thái Phó (7), Khai phủ nghi đồng tam tư (8) ; cất nhắc đại tướng quân Thôi Khánh Công của Kim Ngô vệ làm Chinh tây Đại nguyên soái, Thượng thư tả bộc xạ (9), Đồng trung thư môn hạ bình chương sự...
Lại xem tiếp, trái tim Lý Hệ thình lình đập mạnh, bên dưới bỗng viết rằng: thăng Thứ Sử của quận Phượng Tường là Đoàn Tú Thực làm phủ doãn Thái Nguyên kiêm Tiết độ sứ của Hà Đông.
Đoàn Tú Thực là người hết lòng bảo vệ hoàng quyền nổi tiếng. Thời Túc Tông, y từng trước sau giữ chức Tiết độ sứ của Hà Tây và Tiết độ sứ của bốn trấn An Tây. Về sau, vì binh lực không đủ, triều đình quyết định bỏ An Tây, Đoàn Tú Thực bị gọi về triều định giữ chức Trung Thư thị lang. Nhưng y nhiều lần bị Thôi Viên bài xích, giáng làm Thứ Sử của quận Phượng Tường.
Lúc này Lý Hệ đã chợt hiểu ra ý đồ thực sự của Thôi Viên. 'Đồng trung thư môn hạ bình chương sự', lão ta muốn mượn chiến dịch Lũng Hữu lần này đưa đệ của lão Thôi Khánh Công vào nội các. Nghĩa là Thôi Viên muốn thêm một Tể Tướng nữa vào nền tảng của Nội các gồm bảy Tể Tướng hiện giờ. Như vậy, trong tám Tể tướng có hai Thôi, cùng Dương và Vương, Thôi Viên đã chiếm giữ bốn chỗ. Chỉ cần có thêm một trong bốn người còn lại ủng hộ lão hoặc giữ trung lập, Thôi Viên liền chiếm thế trội trong nội các, khiến lão có thể suôn sẻ giữ được nguyên chức.
Theo thỏa thuận mà bảy thế gia lớn đạt được mười lăm năm trước, muốn tăng thêm một thành viên của nội các cần được bảy người cùng đồng ý mới có thể đề cử. Nếu Thôi Viên làm từng bước theo quy định thông thường, thì không được thông qua ở hội nghị bàn bạc giữa các bên trong nội các trước tiên. Cho nên Thôi Viên đẩy mình ra, lấy danh nghĩa của hoàng đế ra chiếu chỉ, ép buộc tăng thêm một thành viên nội các.
Nhưng không phải điều này khiến Lý Hệ kinh sợ, mà là Thôi Viên đã sớm nhìn thấu tâm tư không cam chịu làm bù nhìn của y. Nhưng lão ta lại giữ kín chờ thời cơ, đến tận khoảnh khắc quan trọng nhất, lão mới đột nhiên trỏ ra Đoàn Tú Thực. Mục đích thực sự của lão là đang cảnh cáo mình.
Lặng thinh giây lát, Lý Hệ cười nhạt nói: "Mùng một Tết mà Tướng Quốc vẫn chịu khó làm việc, trẫm thấy hổ thẹn quá!" Nói đoạn, y nhấc bút son, phê một chữ 'chuẩn' lên tờ sớ, rồi trả lại cho Thôi Viên.
"Hôm trước Thái Hậu cảm thấy đau ốm, trẫm còn phải đến thăm hỏi. Vậy không giữ Tướng Quốc nữa."
Thôi Viên nhận lấy tờ sớ. Bỏ qua bước nội các đề cử, coi như đã qua cửa ải đầu tiên giúp Thôi Khánh Công vào nội các. Cửa ải còn lại chính là cần phải thông qua ba bước: đề xuất, bàn bạc và biểu quyết ở buổi chầu lớn đầu năm. Đây cũng là lối duy nhất để những kẻ khác tiến hành ngăn cản, nhưng lại dễ dàng hơn phần nào so với hội nghị bàn bạc giữa các bên trong nội các. Chỉ cần hơn nửa thành viên của nội các bằng lòng là có thể thông qua văn kiện này.
"Thần còn phải đi giải quyết việc điều gạo, vậy không quấy rầy bệ hạ nữa."
Thôi Viên vái dài, rồi được Mã Anh Tuấn cung kính tiễn đưa chậm rãi lui ra khỏi phòng.
Đến tận khi không còn thấy bóng dáng của lão, Lý Hệ mới hừ lạnh một tiếng. Y thoáng do dự giây lát, đoạn lập tức viết một bức thư ngắn, giao cho một hoạn quan tâm phúc khác là Trần Tiên Phủ, khẽ giọng dặn: "Ngươi mau chóng phái người gửi bức thư này cho Trương Nhược Hạo, không được chậm trễ!"
Trần Tiên Phủ nhận lấy bức thư, gật đầu, "lão nô hiểu, bây giờ đi lo liệu ngay!"
Lý Hệ xoa tay, đứng lên ra lệnh: "Chuẩn bị xa giá, về cung!"
Chú thích:
(*) Tác giả chú: Thái thương tức là kho lương thực của đất nước.
(1) Trung Thư lệnh và Môn Hạ thị trung là trưởng quan của Trung Thư sảnh và Môn Hạ sảnh.
(2) Vũ Lâm là tên gọi của quân cấm vệ chuyên bảo vệ kinh thành và nhà vua.
(3) Tư Mã là chức quan quản lý việc quân.
(4) Trung Thư xá nhân là quan lại cốt cán của Trung Thư sảnh, chính ngũ phẩm trở lên, được tham gia bàn bạc những chính sách quan trọng của quân đội và đất nước trong sảnh, dâng sớ báo cáo cho hoàng đế, phác thảo chiếu chỉ, sắc lệnh.
(5) Phù Bảo lang trông coi tỷ báu và vàng bạc.
(6) Huân quan là danh hiệu vinh dự trao cho quan lại có công, không có chức vụ thực.
(7) Thái tử Thái Phó là quan dạy thái tử.
(8) Đời Đường, Khai phủ nghi đồng tam tư là cấp bậc quan văn cao nhất, tòng nhất phẩm. "Khai phủ" trỏ có thể xây phủ đệ, xếp đặt quan lại thuộc hạ. "Nghi đồng tam tư" là muốn nói được dùng lễ nghi tương đương với Tam tư (Tam công). Tam tư là Ngự Sử đại phu, Trung Thư và Môn Hạ.
(9) Thượng thư bộc xạ là chức phó của Thượng Thư lệnh, chia làm Tả, Hữu bộc xạ. Tả bộc xạ quyền lực lớn hơn Hữu bộc xạ. Nếu vắng Thượng Thư lệnh thì bộc xạ chính là trưởng quan của Thượng Thư sảnh.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện