[Dịch]Đại Vận Mệnh - Sưu tầm
Chương 5 : VÃNG SỰ.
.
Rốt cục Lý Phi Dương đã nhận ra người được gọi là Phúc lão kia là ai. Thật vô cùng ngạc nhiên và có nằm mơ chàng cũng không ngờ rằng người đó chính là “lão nhân thần bí” trên chiếc kiệu mà Lý Phi Dương từng gặp ở Hạ Hồ Khẩu. Như ngay lập tức, họ Lý đã mơ hồ hiểu được một chút ẩn tình bên trong con người của “Hán gian Lã Kính."
Lại nói về hai người Lã Kính và Phúc lão, ngay khi thanh âm kia của Lý Phi Dương bật ra, bọn họ nhất thời toát mồ hôi lạnh. Về phần Phúc lão, dường như ông ta đang khá hoảng sợ và lo lắng, toan bật mình dậy lao về phía mái nhà. Song trái lại, Lã Kính vẫn rất trầm tĩnh, chỉ lạnh nhạt cất tiếng:
- Bằng hữu có thể ẩn nhẫn một thời gian dài trên mái nhà mà thần không biết, quỉ không hay, bản lĩnh đó ta rất khâm phục. Chỉ bằng hai người chúng ta khó lòng mà giữ chân bằng hữu được, song nếu bằng hữu có nhã hứng, chi bằng mời xuống đây cùng nói chuyện vậy.
Lý Phi Dương nghe họ Lã nói vậy thầm nghĩ: “Xem chừng đến chín phần Lã Kính chính là nội gián được cài trong hàng ngũ Kim quốc rồi.” Nghĩ vậy chàng liền lập tức đáp ứng: “Được!” Nói xong nhẹ nhàng tung người nhảy xuống, khẽ mở cửa tiến vào.
Khi Phi Dương vừa tiến vào trong, Phúc Lão nhìn thấy thì vô cùng kinh ngạc, ông ta chỉ lắp bắp:
- A…Té ra là thiếu hiệp. Thật chẳng ngờ. Ôi! Thật là may mắn.
Lý Phi Dương nghe vậy chỉ mỉm cười, vòng tay làm lễ:
- Tiền bối. Chúng ta lại gặp nhau rồi. Không biết hiện thời tiền bối có được khỏe không vậy.
Thế nhưng có một điều không một ai ngờ tới, người kinh ngạc nhất khi gặp mặt Phi Dương chẳng phải là lão Phúc mà lại chính là Lã Kính. Chỉ thấy ông ta ngẩn người ra nhìn Phi Dương, rồi sau đó vội vã buột miệng kêu lên một tiếng đầy xúc động: “Lý đại ca!” – gương mặt họ Lã lúc này thoạt như người đang chìm dài trong một giấc mộng du.
Trông thấy biểu tình bất ngờ đó, Lý Phi Dương ngạc nhiên vô cùng:
- Như vậy là…
Lúc này Lã Kính như đã qua cơn xúc động đã kịp trấn tĩnh lại. Nhìn thấy ánh mắt đầy ngạc nhiên lẫn tò mò của Lý Phi Dương và lão Phúc, ông ta cười gượng:
- Thiếu hiệp. Xin hãy thứ cho sự vô lễ vừa rồi của ta. Chẳng hay không biết…
Lã Kính nói đến đây thì chợt thấy lão Phúc lên tiếng:
- Đại nhân. Lý thiếu hiệp đây là người có thể tin cậy được. Chúng ta hãy vào mật thất nói chuyện.
“Vị thiếu hiệp này cũng họ Lý”. Lã Kính nghe thấy lão Phúc nói vậy giật mình kêu lên.
…
Lại nói về chuyện ba người: Lý Phi Dương, lão Phúc và Lã Kính. Sau phút kinh ngạc ban đầu, chỉ thấy Lã Kính đưa mắt dò xét một vòng, sau khi cảm giác mọi việc an toàn họ Lã áp mạnh tay vào viên gạch đặt kề bức bình phong. Rất nhanh sau đó bức bình phong cũ kia lập tức xoay một vòng, phía sau bức tường hiện ra một lối cầu thang nhỏ dẫn đến một căn phòng tối. Lão Phúc chong đèn, sau đó là người dẫn đầu tiến vào gian mật thất nhỏ. Chỉ lát sau, bức bình phong tự động xoay một vòng, trả lại mọi thứ trở về vị trí ban đầu.
Lúc này, khi vừa tiến vào gian mật thất thì lão Phúc cũng là người đầu tiên lên tiếng:
- Đại nhân. Lý thiếu hiệp đây chính là người đã cứu lão nô khỏi vòng vây của bọn ác đồ Thiên Nhẫn giáo, lại hết lòng hộ tống lão nô bình an đến Tương Châu gặp Nhạc nguyên soái.
Lã Kính nghe vậy vội vã cung tay, hướng Lý Phi Dương xá dài một cái:
- Thì ra thiếu hiệp chính là vị ân nhân mà Phúc lão đã từng kể. Lã Kính này bạo gan thay mặt Nhạc nguyên soái và nhân dân Đại Tống, xin cảm ơn nghĩa cử của Lý thiếu hiệp.
Nói đến đây, dừng lại một chút, Lã Kính có chút ngập ngừng:
- Thật chẳng dám dấu Lý thiếu hiệp, chẳng phải là mấy người chúng ta không tin tưởng nhân phẩm của thiếu hiệp mà không dám hiện thân. Chẳng qua là vì tình hình là lần đó Phúc lão không thể ra mặt nói lời cảm ơn được. Ai, cũng thật chẳng ngờ không chuyện gì có thể che mắt được thiếu hiệp. Chẳng hay lần này thiếu hiệp đến tệ phủ là có chuyện gì dạy bảo vậy.
Nghe Lã Kính nói vậy, Lý Phi Dương xấu hổ ấp úng:
- Xin đừng gọi vãn bối là thiếu hiệp gì đó. Nếu nhị vị tiền bối không chê, cứ gọi vãn bối là Phi Dương. Còn chuyện lần này, thực sự…
Chẳng ngờ Phi Dương vừa nói đến đây, Lã Kính chợt bàng hoàng, ông ta ngẩn người ra nhìn chàng chăm chăm, sau đó thấy ông ta nghẹn ngào:
- Thiếu hiệp danh xưng… danh xưng Lý Phi Dương. Chẳng hay, chẳng hay…. Nếu không phiền thiếu hiệp có thể cho Lã Kính này biết, chẳng hay hai bậc song thân của thiếu hiệp là người ở đâu. Hiện giờ có được khang kiện không vậy.
Tự nhiên thấy biểu cử bất thường của Lã Kính, Phi Dương có chút ngạc nhiên, nhưng sau đó chàng cất giọng trả lời, mặc dù đã cố nén thương tâm song ngữ khí vẫn không giấu hết được sự chua xót:
- Đa tạ sự quan tâm của Lã đại nhân. Vãn bối vốn là một cô nhi, được ân sư nhận về nuôi dưỡng và dạy bảo từ năm hai tuổi.
“Từ năm hai tuổi.” Nghe đến đó thần tình của họ Lã càng lúc càng xúc động. Lát sau ông ta như cố nén cơn xúc động, trấn tĩnh hỏi:
- Xin thứ cho ta nhiễu sự, chẳng qua việc này có liên quan đến thân thế của thiếu hiệp. Xin thiếu hiệp hãy nói cho ta được biết sư phụ của thiếu hiệp là ai vậy?
Lã Kính nói tới đây, đến lượt Lý Phi Dương không nén được xúc động. Đã hơn hai mươi năm trời, điều mà trong thâm tâm chàng vô cùng khao khát đó chính là được biết về gia thế của mình. Bởi thế chàng cất giọng run run trả lời:
- Ân sư của vãn bối chính là Vạn Hoa cốc chủ Quách Khinh Hàn.
"Vạn Hoa Cốc chủ Quách Khinh Hàn." Cái danh xưng này thật như sấm động bên tau, Lã Kính nghe vậy run run:
- Phải chăng thiếu hiệp có ba nốt ruồi hình chữ phẩm ở bên phía ngực trái.
Đến đây Lý Phi Dương giật mình, đây chính là đặc điểm riêng mà theo chàng có lẽ trên đời này ngoài chàng cũng chỉ có sư phụ mới biết chuyện này mà thôi. Chàng nghĩ đến đây thiếu chút nữa đã không kiềm được nước mắt chảy ra, cơn xúc động mãnh liệt dâng lên trong lòng, run run đáp:
- Đúng rồi. Quả là có điều này.
Lý Phi Dương vừa dứt lời, Lã Kính không kìm được cơn xúc động vội ôm chầm lấy Lý Phi Dương cất giọng nghẹn ngào, nhìn lại thấy hai mắt ông ta ướt đẫm:
- Dương nhi, rốt cục là ta đã gặp con. Ông trời quả thật là có mắt , quả là có mắt. Lý đại ca rốt cục đã có hậu nhân rồi.
Trông thấy tình cảnh trước mắt, lão Phúc kinh ngạc lắp ba lắp bắp:
- Chuyện này là… Nếu như vậy, chẳng nhẽ Lý thiếu hiệp đây lại chính là hậu nhân của Tiêu Tương nhất kiếm Lý Phong?
Lại nói về phần Lý Phi Dương, trước hành động đầy bất ngờ song chan chứa tình cảm ấy của Lã Kính, dù chẳng hiểu mọi chuyện rốt cục là thế nào song chàng vẫn thấy vô cùng cảm động. Qua cơn xúc động ban đầu, Lã Kính liền buông tay, tiếp đó ông ta tiến lại chiếc tủ nhỏ ở mạn trái gian mật thất, trên tay họ Lã lúc này có cầm theo hai họa quyển cuốn tròn. Thoáng ban đầu có chút ngạc nhiên về hành động kì lạ của họ Lã, song đến khi Lã Kính giở họa quyển thứ nhất ra thì Phi Dượng đờ người kinh ngạc. Họa quyển này vẽ chân dung một thiếu niên anh tuấn, tay trái cầm chiếc sáo trúc đang chỉ xéo vào khóm mai côi, trên miệng nở một nụ cười. Nét bút tinh tế và sống động, bức tranh vẽ cực kì có thần - nhưng điểm làm Phi Dương kinh ngạc nhất đó chính là hình dung của người thanh niên trong tranh giống chàng đến tám phần. Lúc này như hiểu ra được điều gì, cả người Phi Dương run rẩy, lại nghe Lã Kính lên tiếng, thanh âm tràn đầy sự đau đớn:
- Dương nhi, con hãy nhìn vào đây. Người trong tranh này chính là phụ thân của con đó. Tiêu Tương nhất kiếm Lý Phong - Lý đại ca.
Lý Phi Dương lúc này hai mắt nhòa lệ, lại thấy Lã Kính nhẹ nhàng giở họa quyền thứ hai đồng thời lên tiếng:
- Còn đây là mẫu thân của con: Trương Tố Hân.
Lý Phi Dương đưa tay gạt nước mắt, tập trung nhìn vào họa quyển này thì thấy một thiếu nữ trẻ mi thanh mục tú, vận bộ trang phục mầu xanh nhạt, nét cười sáng như trăng rằm. Trông thấy bức họa quyển đó, con người cứng rắn như Lý Phi Dương thêm một lần nữa ứa nước mắt: “Đây là chân dung của mẫu thân ta chăng? Rốt cục đây là sự thật hay là mơ thế này.”
Phi Dương nghĩ thế cố gắng trấn tĩnh, đưa mắt nhìn về phía Lã Kính. Như hiểu được tâm trạng của chàng, họ Lã thở dài một tiếng, chậm rãi nói:
- Dương nhi, ta biết mọi chuyện đến với con quá bất ngờ. Ai, đến ta bây giờ cũng vẫn đang nghĩ: liệu đây có phải là một giấc mơ hay không?
Dừng lại một chút, sau đó ông ta tiếp lời:
- Ban đầu khi con đột ngột hiện thân, ta từng có suy nghĩ: Liệu đây có phải là một âm mưu gian trá nữa của Kim quốc nhằm giám thị ta. Thế nhưng khi nhìn thấy chân diện mục của con, mọi hoài nghi trong lòng ta lập tức biến mất. Ai, con nói xem tại sao lại có mặt trong Lã phủ vào thời điểm này.
Nghe hỏi vậy, Lý Phi Dương có chút ngập ngừng:
- Chuyện này quả thật vô cùng xấu hổ. Chỉ trách vãn bối có mắt như mù, lần vừa rồi đột nhập vào phủ chính là mang ý đồ tìm cơ hội ám sát Lã đại nhân.
Lã Kinh nghe nói vậy thở dài một tiếng chua xót:
- Khó trách, khó trách. Suốt gần hai mươi năm nay, trong mắt ngoại nhân thì Lã Kính ta chính là Hán gian bán nước, chính là một tên ác ma khát máu.
Lão Phúc đứng cạnh đó nghe thấy ngữ điệu đầy cay đắng của Lã Kính thì vội lên tiếng:
- Lý thiếu hiệp hiểu nhầm rồi. Thực ra…
Lý Phi Dương nghe thấy thế cúi đầu xấu hổ. Lại thấy Lã Kính xua tay:
- Phúc lão không cần nói nữa. Lý Phi Dương, con còn chưa rõ đầu đuôi sự việc đúng không. Không hiểu con có hứng thú nghe về câu chuyện cuộc đời của Lã Kính này không?
Không đợi Lý Phi Dương trả lời, Lã Kính lại cất giọng đều đều, buồn bã: “Hơn hai mươi năm trước, ở Khai Phong phủ có ba thanh niên trẻ tuổi kết nghĩa huynh đệ, thề sống chết có nhau. Người đại ca tên gọi Tiêu Tương nhất kiếm Lý Phong…”
Nghe đến cái danh xưng này, Lý Phi Dương cả người run lên. Lã Kính vẫn chậm rãi tiếp lời: “Một trong ba người này là Quách Khinh Hàn, hiện là Vạn hoa cốc chủ danh lừng võ lâm. Người còn lại chính là ta - đại gian tặc, Hán gian bán nước Lã Kính.”
Nói đến đây ông ta cất tiếng thở dài chua xót: “Con thấy lạ lắm phải không. Ha ha… chẳng ai ngờ người con trai duy nhất của danh tướng Lã Thời Kỳ sau này lại trở thành một tên Hán gian nổi tiếng.”
“Có một lần Tam đệ Quách Khinh Hàn đột nhiên đến cáo biệt hai người chúng ta. Hỏi ra mới biết Tam đệ đã từng thất bại dưới tay Thiếu chủ của Bá Đao sơn trang, bởi vậy hắn hạ quyết tâm tìm đến Thái Sơn tìm gặp Kì nhân Đông Phương Hiên Di xin bái sư học nghệ, hẹn năm năm sau gặp lại.”
“Đưa tiễn Tam đệ xong, trên đường quay về ta tình cờ gặp một trường ác đấu quyết liệt. Hỏi ra mới biết cách đây không lâu nhà Kim dụng đại quân tấn công Liêu quốc, đông kinh Liêu Dương thất thủ. Hiện đây là một tốp người Nữ Chân đang truy sát một vị đại quan nhà Liêu tên gọi Lâu Sư Đức. Nhắc đến cái tên Lâu Sư Đức, ta sực nhớ ra rằng người này vốn là người Hán, đã từng phản bội Tống triều mà đầu nhập Liêu quốc. Lúc đó máu anh hùng nổi lên, ta đã giúp đỡ đám người Nữ Chân kia hạ sát Lâu Sư Đức, tuy thế nhưng vẫn có một người hộ vệ võ công cao cường đột phá vòng vây chạy thoát.”
Nghe Lã Kính kể tới đâu, Lý Phi Dương thầm cảm thấy câu chuyện này ắt ẩn chứa một biến động kinh thiên, phải chăng cũng có liên quan tới sự kiện về "Tàng Bảo Đồ" bí ẩn kia. Tới đây lại nghe thanh âm họ Lã chầm chậm vang lên đầy thê lương.
“Thật chẳng ngờ, chỉ hai hôm sau vào một buổi đêm, ta vô tình bắt gặp một người lạ lén đột nhập vào phủ. Ngạc nhiên nhất là người này lại biết đường vào mật đạo ở hoa viên nhà ta. Lúc đó tính hiếu kì nổi lên, ta bí mật bám theo thì kinh hoàng nhận ra người áo đen đó đang đàm thoại cùng cha ta, hơn nữa hắc y nhân kia chính là người hộ vệ của Lâu Sư Đức đã trốn thoát hai ngày trước kia. Bàng hoàng thay khi ta biết được chân tướng sự việc...”
Kể đến đây, hai mắt Lã Kính rưng rưng ánh lệ: “Thì ra Lâu Sư Đức chính là một vị bằng hữu cũ của cha ta. Ông vì quốc mệnh mà tiềm phục vào Liêu triều, để rồi suốt hơn chục năm mang tiếng là Hán gian bán nước. Tận dụng lộn xộn khi quân Kim tấn công Liêu Dương, Lâu Sư Đắc đại nhân đột nhập vào bảo khố nhà Liêu lấy đi tấm địa đồ bố phòng quân sự, đồng thời lại còn lấy được một tấm tàng bảo đồ mà nghe nói trong đó có ẩn chứa một bí mật rất lớn. Sau đó Lâu đại nhân không quản nguy hiểm lặn lội ngàn dặm mang nó trở về Đại Tống. Than ôi! Cuối cùng chỉ vì sai lầm của ta mà Lâu đại nhân đã thảm tử. Cha ta không chịu được nỗi đau này, lại vì ta mà xấu hổ với vong linh của Lâu đại nhân nên đã đổ bệnh nặng, một tuần sau đó ông qua đời.”
Kể đến đây, Lã Kính không kìm được hai mắt đầm đìa: “Sau khi cha ta mất đi, ta vô cùng hối hận, lần đó quì trước mộ của phụ thân ba ngày, cuối cùng yếu đuối và hoảng loạn đến mức ta từng rút kiếm ra toan kết liễu số phận của mình. Thật may mắn là lúc đó có bạn cũ của cha ta là Tiền bang chủ Cái Bang Trương Ấu Vu hiện thân ngăn cản. Sau cùng nghe theo lời của Trương bang chủ, Lã Kính ta quyết định nỗ lực, gắng sức chuộc lại sai lầm của mình. Sau đó không lâu, ta nghe nói có sứ giả của Kim quốc đến, đưa ra đề nghị thành lập liên minh Tống- Kim chung tay tiêu diệt nhà Liêu. Lúc ấy nhà Tống tuy chưa chính thức đáp ứng song cũng đã đồng ý cử người giúp đỡ Kim quốc. Được tin ấy, lại biết về dã tâm của người Nữ Chân, ta đi đến quyết định tìm cách thâm nhập vào Kim triều. Bởi thế ta nhờ người tiến cử, lại ra sức mua chuộc sứ giả Kim quốc. Cuối cùng thì kế hoạch của Lã Kính ta bước đầu cũng được thành công, ta từ biệt Lý Phong đại ca, mang theo gia đình về Liêu Dương. Lại vì phụ thân của ta Lã Thời Kỳ là một danh tướng của Tống triều, bởi thế ban đầu ta được cất nhắc làm một hiệu úy. Nhờ có sự giúp đỡ của Trương bang chủ, lại có địa đồ bố phòng quân sự của nhà Liêu, ta liên tiếp lập được nhiều công trạng. Hơn nữa để giành được sự tin tưởng của người Nữ Chân, Lã Kính ta luôn tỏ ra một kẻ tham lam và háo danh, lấy lí do không được Tống triều trọng dụng, ta ra sức hắt hủi và xa lánh người Hán. Bởi thế chỉ không đầy hai năm, từ một hiệu úy nhỏ nhoi ta đã leo đến chức Đình kì tham tướng, thế nhưng cũng kể từ lúc ấy ta bị dân Hán khinh bỉ, họ xem ta là một kẻ sâu bọ chỉ biết đến địa vị và lợi lộc. Song rất may, hiền thê và Lý đại ca vẫn luôn tin tưởng và sát cánh bên ta.”
Ngừng lại một lúc, Lã Kính thở dài một hơi, sau đó cất giọng buồn bã: “Năm Trọng Hòa thứ nhất, Thiên Thiên sinh hạ Bình nhi. Lý đại ca được tin vô cùng mừng rỡ, đại ca không quản nhọc nhằn mang theo gia đình lặn lội ngàn dặm đường đến thăm Bình nhi. Ngoài mặt ta tỏ ra rẻ rúng và hắt hủi Lý đại ca, song đêm về được sum vầy cùng thê tử và đại ca, đó chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời Lã Kính ta. Phi Dương, con biết không? Năm đó con vừa được hai tuổi, ta và Lý đại ca đã ước định chuyện hôn ước trăm năm giữa con và Bình nhi.”
Lý Phi Dương nghe ông nói vậy thì ngẩn người ra, lúc này nghe thấy giọng nói của Lã Kính đầy vẻ đau đớn: “Sau gần một tuần, Lý đại ca ra vẻ không chịu được sự khinh bạc của ta, mang theo thê tử quay trở về Khai Phong phủ. Ngờ đâu…”
Nói đến đây tiếng nói của Lã Kính như lạc đi vì đau đớn: “Thật chẳng ngờ đây cũng là thời điểm Thiên Nhẫn giáo chủ đang chuẩn bị cho tham vọng độc bá giang hồ của mình, hắn lo ngại về sự xuất hiện đột ngột của Tiêu tương nhất kiếm Lý Phong. Bởi thế trên đường đại ca quay về Khai Phong, Lý đại ca đã bị sát thủ của Thiên Nhẫn giáo truy sát. Dương nhi, ta…ta… Phụ thân con vì bảo vệ thê tử nên đã bỏ mình ở Lâm Uyên Nhai, mẫu thân con đột phá vòng vây mang được con về đến Khai Phong phủ thì qua đời.”
Kể đến đây vành mắt của Lã Kính và Lý Phi Dương đều đỏ hoe. Qua phút thương tâm, lại nghe Lã Kính cất tiếng đầy cay đắng: “Trong mắt mọi người, Lã Kính ta chính là kẻ bán rẻ bằng hữu. Tuy điều đó không phải là sự thật, song tính ra Lý đại ca vì ta mà vong mạng. Đến lúc đó ta đã từng hoài nghi rằng: liệu Lã Kính ta đã chọn đường đi sai lầm chăng? Bao nhiêu năm tiềm phục ở Kim quốc, đã nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, ấy vậy mà nhiều lần tìm cách cảnh báo về dã tâm của người Nữ Chân, Tống triều vẫn không hề bận tâm, vẫn còn toan tính những dự định của những kẻ chỉ biết ăn chơi hưởng lạc. Than ôi… Sau khi Liêu quốc diệt vong, thiết kị người Nữ Chân giày xéo khắp giang sơn nhà Tống. Triều đình bạc nhược, ngu hèn quá mức nên chỉ một thời gian ngắn, kinh đô Khai Phong đã thất thủ. Ha ha, thật là hay quá mức, đến lúc đó Lã Kính ta biến thành một tên Hán gian bán nước, một tên ác nhân vô lương tâm.”
- Chỉ một thời gian ngắn sau đó, gia chủ họ Diệp là Diệp Tất Bình - nhạc phụ đại nhân của ta qua đời. Nhận được tin, Thiên Thiên vô cùng đau đớn, không quản chiến tranh loạn lạc, cô ấy lặn lội về Thần Kiếm sơn trang chịu tang. Thật chẳng ngờ, chỉ vì Diệp San Thiên… San Thiên cô ấy là thê tử của Hán gian Lã Kính nên người ta không đồng ý cho cô ấy tế bái phần mộ phụ thân mình. Trừ phi… Ha ha, trừ khi San Thiên cô ấy từ hôn với Lã Kính ta. Ha ha, thật nực cười. Mang tiếng là một trong tứ đại thế gia, ấy vậy mà cách hành xử của đám người họ Diệp ấy thật đáng khinh.
Nói đến đây họ Lã sa lệ, cả người run lên: “San Thiên không quản ngàn dặm về Thần kiếm sơn trang chịu tang phụ thân, ấy vậy mà bị hắt hủi, xỉ vả. Cuối cùng, phần vì sức khỏe không được tốt, phần vì thương tâm đau đớn, Thiên Thiên lâm bệnh mà mất ở Thương Châu. Năm ấy Bình nhi mới được bẩy tuổi, mới được bẩy tuổi…”
Nói đến đây Lã Kính cả người run bần bật, xong ông ta cất tiếng cười trong nước mắt và đau đớn: “Ha ha, lúc ấy ta thật chỉ muốn từ bỏ tất cả, đến mà mắng chửi cái đám ngu xuẩn họ Diệp ấy một trận. Ta còn muốn… Hừ, ta nỗ lực tám năm trời ẩn nhẫn chịu nhục, ấy vậy mà triều đình ngu xuẩn, vẫn ảo vọng về cái gọi là liên minh hảo hữu Tống - Kim, cuối cùng kinh đô Khai Phong vẫn thất thủ, vẫn rơi vào tay người Nữ Chân. Đáng hận thay, đáng hận thay. Ha ha…”
Cười dài một tràng như cố trút bỏ những uất hận, bi thương kìm nén trong lòng, kế đóLã Kính thở dài: “Triều đình ngu xuẩn, hoàng thượng hèn kém, lại chỉ biết ham vui hưởng lạc. Hừ, nhiều lúc thấy tâm huyết và cố gắng của bản thân thành công cốc, ta cảm thấy vô cùng chán nản. Đôi khi ta tự hỏi bản thân: rốt cục Lã Kính này ẩn nhẫn chịu nhục mười mấy năm trời là vì cái gì? Là vì cái gì mà ta bị mọi người khinh rẻ, đại ca bị hại, thê tử uất hận mà chết, đến cả nhi tử duy nhất của ta cũng căm ghét phụ thân nó. Đến hôm nay, hôm nay Thăng Bình nó đã bỏ ta mà đi rồi.”
Lý Phi Dương nghe vậy giật mình:
- Lã đại nhân, chuyện này rốt cục là như thế nào?
Lã Kính nghe Lý Phi Dương hỏi vậy bất giác ngẩn người ra nhìn chàng, sau đó chợt ứa nước mắt:
- Dương nhi, đến bây giờ con vẫn còn xưng hô với ta như vậy ư?
Lý Phi Dương nghe thấy vậy trong lòng cảm thấy vô cùng đau đớn, chàng vội vã quì sụp xuống nghẹn ngào:
- Nhị thúc, điệt nhi quả thật là một kẻ không biết nghĩ. Hành động cao cả của Nhị thúc làm điệt nhi vô cùng khâm phục, nếu hôm nay mà không có Phúc lão xuất hiện, mai này biết được sự thật thì điệt nhi chẳng còn mặt mũi nào sống ở trên đời nữa. Nhị thúc, xin nhận của cháu một lạy.
Lã Kính thấy vậy kéo chàng đứng dậy, trên gương mặt ông ta thoáng qua một nụ cười hiếm có:
- Dương nhi. Cháu hãy đứng lên đi. Ài, tất cả cũng chỉ là do hiểu nhầm mà thôi. Sau lần đầu gây tai họa suốt hai mươi năm nay ta sống trong day dứt, song gần đây ta đã rút ra được rằng: Khi nào cần quyết đoán nhất định phải quyết đoán. Làm việc nghĩa, chỉ cần cái tâm sáng thì không bao giờ nên hối hận. Tuy nhiên, nếu là chuyện liên quan đến tính mạng của con người thì tuyệt đối phải cẩn trọng.
Nói đến đây ông cất tiếng thở dài:
- Chỉ đáng tiếc con gái ta không có mặt ở đây. Nếu không ta cũng bảo nó ra chào cháu một tiếng, cho anh em nhận mặt nhau.
Lý Phi Dương nghe thế liền hỏi:
- Lã thúc, rốt cục là có chuyện gì đã xảy ra với hiền muội vậy. Nếu hiền muội bị người bắt cóc hôm qua ở Tín Quốc tự, xin Nhị thúc không cần phải lo lắng gì hết.
Lã Kinh giật mình hỏi lại:
- Dương nhi, cháu nói vậy là có nghĩa làm sao.
Phi Dương nghe Lã Kính hỏi vậy thì cúi đầu xấu hổ, lại đem kế hoạch bắt cóc Lã Thăng Bình của mấy vị huynh đệ mình nói ra một lượt. Những tưởng Lã Kính nghe xong sẽ lấy làm thoải mái và nhẹ nhõm, thế nhưng cũng chỉ thấy ông ta thở dài:
- Ài, chuyện này nói ra cũng thật là bi hài. Người trong kiệu mà mấy vị bằng hữu của cháu toan bắt cóc sáng nay thực ra không phải là Bình nhi mà là nha hoàn của nó. Bình nhi nó đóng giả là nha hoàn, vờ đi mua nhang rồi trốn đến Thương Châu trước đó rồi. Chiều nay khi ta định vào thăm nó thì cô nha hoàn kia có đưa ra một phong thư. Cuối cùng điều ta lo sợ nhất cũng đã xảy ra.
Lã Kính vừa thở dài vừa cất giọng buồn bã kể lại mọi chuyện. Thì ra Lã Thăng Bình vì muốn được một lần đến Thương Châu tế bái phần mộ của mẫu thân nên đã âm thầm sắp xếp kế hoạch trốn thoát từ trước đó rất lâu. Cuối cùng thì kế hoạch của Thăng Bình cũng đã thành công, thế nhưng nó để lại một nỗi lo lắng rất lớn trong lòng Lã Kính. Đến đây lại thấy Phúc Lão lên tiếng:
- Lão đã đề nghị đại nhân cho lão xuất phủ để tìm tiểu thư thế nhưng … Ài, kể cả mang Thanh trúc lệnh bài để điều động người của Cái bang âm thầm tìm kiếm và bảo hộ tiểu thư, đại nhân cũng không chấp thuận. Giang hồ hiểm ác, thế sự khó lường, tiểu thư lại yếu đuối, không hiểu về rất nhiều chuyện. Thật là làm người ta lo lắng đến chết mà.
Lý Phi Dương nghe thấy thế chợt động dung, vội lên tiếng:
- Lã thúc, xin thúc đừng quá lo lắng. Tuy cháu bất tài song cũng xin Lã thúc giao chuyện tìm kiếm và bảo hộ hiền muội cho cháu. Chỉ cần xin thúc giao cho cháu một tín vật để dễ bề ăn nói với hiền muội.
Nghe thấy Phi Dương nói vậy, ngẩn người ra một chút sau cùng Lã Kính mừng rỡ thốt:
- Được như vậy thì thật là tốt. Đây là chiếc kim hoàn thoa - vật bất ly thân của mẫu thân nó khi xưa. Chỉ cần nhìn thấy vật này, Bình nhi ắt hẳn sẽ tin lời cháu, chỉ có chuyện thuyết phục nó quay về đây thì thật khó khăn mà thôi.
Nói đến đây ông ta đưa tay vào trong chiếc tủ nhỏ một lần nữa, lại lấy ra một bức họa rồi giở ra cho Phi Dương xem.Trong tranh vẽ là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng đến yếu đuối, nhìn hình cô gái trong tranh, bỗng nhiên trong lòng chàng cảm thấy nao nao: “Đây là người con gái đã được đính ước với mình mười tám năm trước ư?” Lại nhìn đề tự dưới bức tranh kia, chàng cười thầm: “Hóa ra đây là kiệt tác của Tất Thu Phàm đại ca, thảo nào bức họa lại sống động đến mức đó.” Đang suy nghĩ thì lại nghe Lã Kính lên tiếng:
- Đây là chân dung của Thăng Bình được vẽ cách đây không lâu. Người vẽ hình nó cũng quả là một bậc tài hoa, bức họa này vẽ Bình nhi sống động như thật, họa pháp đến cảnh giới này so với Lý đại ca cũng không mấy thua kém. Dương nhi, con hãy cầm lấy bức họa này.
Phi Dương đưa tay nhận bức họa cất vào người, sau đó cúi người:
- Lã thúc, chuyện tìm kiếm hiền muội thực vô cùng gấp rút. Bởi thế cháu xin từ biệt người ở đây, xin gặp lại Nhị thúc sau vậy.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện