[Dịch]Cửu Trọng Tử - Sưu tầm
Chương 69 : Cúc yến
.
Đậu Chiêu cẩn thận nhớ lại hôn sự của Nghi thư nhi và Thục thư nhi. Kiếp trước hai nàng đều gả cho người đọc sách, hình như một người họ Tôn, một người họ Ngô nhưng hai người này công danh không có gì nổi bật, không có thành tích gì trong chốn quan trường.
Không biết là hai nhà thế nào.
Nàng nghĩ nghĩ rồi đến chỗ lục bá mẫu.
Kỷ thị cũng đang đau đầu vì việc học của Đậu Chiêu. Nàng nói với Đậu Chiêu:
- Đọc sách, viết chữ không thể vội, vội cũng không được gì, mỗi ngày đọc sách nửa canh giờ, viết chữ nửa canh giờ thì sẽ dần tiến bộ. Ta chỉ lo chuyện thêu thùa may vá, quản gia, tính toán sổ sách của con thôi. Hoàng thị sắp sinh rồi, cũng không thể để con qua đó được, con đi theo ta học thêu thùa may vá dù không so được với những người giỏi nhưng chuyện trong nhà sẽ không cần nhờ ai cả. Chỉ là quản gia, tính toán sổ sách thì không thể nói suông, tốt nhất là vẫn nên đi theo nhị tẩu – tẩu ấy lo việc bếp núc, bận rộn, con đi theo bên cạnh mới có thể học hỏi được, chỗ ta dù sao cũng chẳng gặp được nhiều chuyện, muốn nói thì cũng không có được ví dụ thực tiễn, chỉ sợ càng nói sẽ càng hồ đồ.
Lục bá mẫu đã nghĩ mọi chuyện cho nàng như vậy, Đậu Chiêu rất cảm kích.
Chỉ là tình huống đặc thù, điều lục bá mẫu lo lắng thì lại là những điều nàng đã am hiểu, hơn nữa căn bản không cần học. Lục bá mẫu cảm thấy nàng có thể học từ từ thì lại là những điều nàng thiếu nhất, cũng là điều nàng mong có thể học giỏi nhất trong kiếp này.
Nàng cười nói:
- Con vẫn nên chăm chỉ đọc sách đi! Không phải người vẫn nói, đọc sách nhiều thì sẽ thông minh sao? Con đọc sách giỏi, đến lúc muốn học thêu thùa, quản gia thì khỏi lo tốn công rồi.
Với sự lạc quan có mấy phần ngây thơ này của Đậu Chiêu, Kỷ thị chỉ có thể cười khổ trong lòng, nhớ lại mấy năm đi theo mình Đậu Chiêu cũng từng học qua thêu thùa thì nói:
- Ta thấy không bằng thế này đi, mỗi ngày cứ đến giờ Thìn con qua đây, đọc sách một canh giờ, viết chữ một canh giờ, buổi chiều từ giờ Mùi đến giờ Dậu thì học thêu thùa may vá. Chuyện quản gia, chờ năm sau ta xem Nghi thư nhi và Thục thư nhi thế nào thì để cho ba con học cùng nhau.
Đậu Chiêu cũng không dám thêu thùa trước mặt Kỷ thị, nàng chỉ là định bắt chước bọn Nghi thư nhi, vụng về qua loa, nhưng ở trước mặt Kỷ thị thì sẽ lò đuôi.
- Không bằng buổi sáng con đi theo người đọc sách viết chữ, buổi chiều ở nhà thêu thùa. Tây phủ cũng có ma ma thêu thùa giỏi lắm.
Đậu Chiêu cười nói.
Kỷ thị đồng ý.
Đậu Chiêu bắt đầu những tháng ngày qua lại giữa Đông Đậu, Tây Đậu.
Không lâu sau, Đậu Thế Anh gửi thư về, nói hắn làm chức Kiểm thảo trong Hàn Lâm viện.
Tổ mẫu hỏi Đậu Chiêu:
- Kiểm thảo là làm gì?
Đậu Chiêu biết đây chỉ là chức quan nhỏ thất phẩm, cười nói:
- Đại khái là giống như quan lại trong huyện nha.
Tổ mẫu cười nói:
- Khó trách tổ phụ con không muốn làm quan, ông ấy cũng từng làm Kiểm thảo ở Hàn Lâm viện.
Nhị thái phu nhân lại rất vừa lòng với điều này, cười nói:
- Cùng làm với Trung Trực rồi, hai huynh đệ sau này có thể chăm sóc lẫn nhau.
Nhân cơ hội này Kỷ thị nhắc đến chuyện Đậu Chiêu:
- … Nói là muốn đi theo Nghi thư nhi, Thục thư nhi đến chỗ Hoàng thị học may vá nhưng con thấy Hoàng thị không tiện nên không đồng ý. Bọn trẻ trong nhà cũng đã lớn dần, có một số việc cũng nên quyết định sớm. Không bằng đến lúc đó người để Thọ Cô đi theo đám Nghi thư nhi đi học quy củ có được không?
- Chuyện này để tính sau.
Nhị thái phu nhân nói, đã đầu tháng 9, sắp đến tiết Trùng Dương:
- … Ta nghĩ hay là mời chủ mẫu các nhà đến nhà ta ngắm cúc. Trùng Dương không ngắm cúc thì sao giống Trùng Dương.
Kỷ thị không tiện dây dưa mãi đề tài kia nhưng Đậu Chiêu từ nhỏ đã đi theo nàng, nàng lại không có con gái nên coi Đậu Chiêu như con gái mình, cầm kỳ thi họa đều đã dạy qua, dù chưa nói tới tinh thông nhưng xã giao với văn nhân nhã sĩ hẳn sẽ không đến mức luống cuống, mắt thấy chỉ cần học chút nữ công gia chính là sẽ hoàn hảo nhưng lại không tìm được người tốt để chỉ dạy. Nữ nhân cần nhất là phải tinh thông việc quản gia, nếu không những vất vả lúc trước đều là uổng phí sao?
Nàng chưa từ bỏ ý định, cười nói với nhị thái phu nhân:
- Năm trước thất thúc trồng mặc cúc, nghe nói năm nay còn nở nhiều hơn năm trước, người thấy có nên chuyển đến đây mấy chậu cho đẹp không?
Đậu Thế Anh đi rồi, hoa cỏ của hắn giao lại cho Đậu Chiêu.
Nhị thái phu nhân cười gật đầu, nói:
- Một chuyện không phiền đến hai chủ, hoa này là năm trước con mượn, năm nay cũng để con chuyển đi!
Kỷ thị cười đáp lời.
Lại không thể hiểu được ý tứ của nhị thái phu nhân.
Nếu là muốn cất nhắc Đậu Chiêu, để Đậu Chiêu đi theo nhị phu nhân học quản gia, thuận theo nhân tình thì sao lại không làm? Nếu nói muốn đè ép Đậu Chiêu lại chuyển hoa mặc cúc Đậu Chiêu trồng về làm hoa khôi trong hội thưởng cúc thì các chủ mẫu trong huyện Thực Định đều sẽ biết tiếng Đậu Chiêu.
Vương ma ma biết Kỷ thị vì chuyện của Đậu Chiêu mà đi gặp nhị thái phu nhân, thấy lúc về thần sắc nàng hoảng hốt thì lòng cũng lo lắng theo, vội nói:
- Làm sao vậy? Nhị thái phu nhân nói cái gì?
Kỷ thị đón lấy chung trà trong tay Vương ma ma, nhấp một ngụm rồi mới nói lại chuyện khi nãy cho Vương ma ma.
Vương ma ma kinh hãi nói:
- Chẳng lẽ nhị thái phu nhân muốn giữ tiểu thư ở nhà mãi sao?
- Cũng không đến mức đó. Cho dù là nhị thái phu nhân muốn thì cũng không thể giữ được. Kỷ thị nói.
Vương ma ma nghĩ nghĩ, trầm ngâm nói:
- Phu nhân có còn có thập tam tiểu thư của phủ ta, lúc gả qua thì đều đem theo người của Cửu phu nhân, kết quả thập tam tiểu thư muốn cùng cô gia… đều phải nhìn sắc mặt các ma ma, cuối cùng thập tam cô gia nâng thông phòng thành di nương, thập tam tiểu thư e lệ, ngại không dám nói, bằng không di nương kia sinh thứ trưởng tử rồi thì trong nhà vẫn chẳng có ai hay biết cả.
Kỷ thị biến sắc, hoảng hốt tới độ đi đi lại lại trong phòng, hồi lâu sau mới tỉnh táo lại.
Nàng dặn dò Vương ma ma:
- Bà mài mực cho ta, ta viết thư cho Trung Trực.
Vương ma ma do dự:
- Lục gia nóng tính, sao người không viết thư cho thất gia?
- Bên cạnh thất gia có Vương thị, chỉ sợ chuyện không thành, ta lại thành cái đích cho mọi người chỉ trích.
Kỷ thị bất đắc dĩ nói. Vương ma ma không khỏi thở dài.
Đậu Chiêu không biết nỗi lo của Kỷ thị, buổi sáng nghe Kỷ thị giảng “Kinh thi”, buổi chiều luyện chữ một canh giờ, sau đó cùng tổ mẫu đi dạo trong Đông Khóa viện.
Nàng bàn bạc với tổ mẫu:
- Lục bá mẫu giảng xong “Kinh thi” thì con sẽ không cần qua chỗ người đọc sách nữa.
Tổ mẫu cao hứng nói:
- Thế có nghĩa là con đã học xong rồi!
- Học thì sao hết sách được?
Đậu Chiêu cười nói:
- Chẳng qua là lục bá mẫu nói, “Sử ký”, “Tả truyền” không phải là tiên sinh thì không thể giảng được, lúc trước bá mẫu cũng là đi theo các ca ca nghe giảng một lần, máy móc thì có thể nói chứ nếu giảng sâu thì không thể.
Tổ mẫu tiếc nuối. Đậu Chiêu nói:
- Người bảo, chúng ta mời một lão tiên sinh đến nhà dạy con thì có được không?
Tổ mẫu có chút chần chừ:
- Phụ thân con nói sao?
- Nếu người đồng ý thì con sẽ viết thư cho phụ thân.
Đậu Chiêu cười nói:
- Không thành vấn đề, chỉ sợ là bên nhị thái phu nhân không cho thôi.
- Ta thiệt thòi cũng là vì không được học hành. Con viết thư cho phụ thân đi? Nếu nó không đồng ý thì chúng ta về điền trang, chẳng lẽ bọn họ còn theo dõi đến tận đó?
Tổ mẫu trầm giọng nói.
Lúc trước tổ mẫu chuyển về điền trang, tổ phụ đã viết khế ước đem điền trang đó cho tổ mẫu làm nơi dưỡng lão, tổ mẫu qua đời thì Đậu gia mới có thể lấy lại.
Đậu Chiêu vô cùng cao hứng.
Nàng biết, bất kể nàng làm gì thì tổ mẫu cũng đều ủng hộ nàng vô điều kiện.
Đậu Chiêu kéo tổ mẫu về phòng viết thư cho phụ thân.
Vừa mới đặt bút thì Thu Quỳ đã vào bẩm báo, nói Kỷ thị đến.
Đậu Chiêu vội cùng tổ mẫu ra ngoài đón.
Kỷ thị vội tạ tội với tổ mẫu:
- Sao có thể để người ra đón được!
Tổ mẫu lại cười nói:
- Thọ Cô từ nhỏ đã được phu nhân chăm sóc, tôi rất cảm kích. Nếu phu nhân khách khí với tôi như vậy thì không được đâu.
Từ sau khi Kỷ thị gả về tuy rằng năm nào cũng đều có thể gặp tổ mẫu, nói cười đôi câu nhưng lại hoàn toàn không hiểu biết gì về tổ mẫu. Mãi đến khi Đậu Chiêu muốn đón tổ mẫu về nhà thì Kỷ thị mới sai người hỏi han kỹ càng về tổ mẫu, yên tâm để Đậu Chiêu sống với bà. Cho nên chỉ nói mấy câu khách sáo rồi đi thẳng vào mục đích.
Tổ mẫu nghe nói là đến mượn mặc cúc thì lập tức nhiệt tình cùng Kỷ thị đến vườn hoa:
- Khi nào thì phu nhân cần? Tôi sẽ cho chuyển qua trước một ngày – hoa này phải để hứng sương sớm thì mới đẹp.
Kỷ thị cười nói:
- Thọ Cô trồng hoa đẹp thế này là được người chỉ dạy phải không?
- Là Thọ Cô thông minh.
Tổ mẫu nói, giọng nói tràn ngập sự tự hào, kiêu ngạo:
- Lúc trước tôi bảo nó đốt cá khô để đuổi muỗi, nó thấy hoa không nở được lâu thì ném hai con cá khô xuống dưới gốc hoa, tôi cũng không thể ngờ được!
Kỷ thị cười lớn.
Tổ mẫu lại chỉ vào cát thu sa, nhạn lai hồng, lão thiểu niên* đang nở rực rỡ:
- Phu nhân nhìn những loại hoa đó, nở rất đẹp!
Sau đó lại đưa một chậu thu hải đường cho Kỷ thị:
- Đi đến chỗ nào cũng toàn là hoa cúc, cũng nên có chút màu sắc khác.
Kỷ thị nhìn đóa hải đường mềm mại, những phiến lá xanh biếc xếp dày, chưa qua mưa gió đã thật thướt tha, lòng rất thích, lại động lòng hỏi:
- Thọ Cô, chỗ con còn những hoa gì?
Từ sau khi đến kinh thành Đậu Chiêu cũng không lo việc đồng áng, sau khi vào phủ Tế Ninh Hầu, mỗi lúc phiền chán đều thích trồng hoa cỏ, từng tự tay trồng được mẫu đơn hai màu, những loại hoa cỏ bình thường này với nàng có là gì.
Nàng cười nói:
- Người là vì cúc yến Trùng Dương sao? Chỗ con còn có bồn hoa lan kiếm* đang nở, tuy là loại tầm thường nhưng đặt trong sảnh để đón khách cũng không tệ đâu.
Kỷ thị tròn mắt nhìn Đậu Chiêu:
- Không ngờ con còn biết trồng hoa?
Đậu Chiêu xấu hổ, vội nói:
- Chẳng qua là to gan, không ngại phiền phức, năm nay trồng không tốt thì năm sau lại thử lại thôi mà.
- Thất bại mà không nản đã là rất tốt rồi.
Kỷ thị càng không ngừng tán dương Đậu Chiêu, tổ mẫu càng nghe càng mừng, lại chỉ cho Kỷ thị một gốc sơn trà trồng trong bồn sứ tím:
- … Nghe nói có thể nở ra rất nhiều loại hoa.
Kỷ thị kinh ngạc:
- Thập bát học sĩ?
Đậu Chiêu khiêm tốn cười nói:
- Năm trước mới bắt đầu thử trồng, còn chưa nở hoa, cũng không biết có thể nở ra được 18 đóa hoa không.
Kỷ thị vội dặn đám ma ma bưng bê:
- Các ngươi cẩn thận một chút!
Lại hỏi Đậu Chiêu:
- Trồng thế nào?
- Tốt nhất là đặt ở trước cửa sổ, hai ba ngày mới tưới nước một lần, nước không được nhiễm bụi, phải gạn sạch mới được.
Đậu Chiêu nói xong, lại cảm thấy có rất nhiều chuyện cần dặn dò nên dứt khoát nói:
- Không phải sáng con đều đến chỗ người học sao? Đến lúc đó con chăm giúp người là được.
- Thế thì còn gì bằng. Ta vừa khéo cũng học theo con cách chăm thập bát học sĩ này. Tổ phụ ta thích nhất là hoa sơn trà, nhà mẹ đẻ ta ở Nghi Hưng trồng đủ loại sơn trà, một năm bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở.
Hoa trà khác với các loại hoa khác, không có mùa hoa cố định, Đậu Chiêu nghe thôi cũng có thể tưởng tượng ra cảnh sắc rực rỡ đó.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện