[Dịch]Cuộc Sống Mới Hạnh Phúc Của Chu Tiểu Vân - Sưu tầm

Chương 26 : Nhảy cước

Người đăng: 

.
Trên mảnh đất trống trước phòng học, các bạn nhỏ đang chơi đùa. Bé trai quỳ sát trên mặt đất chơi bắn bi, bên cạnh có một đống đứa ngồi xổm xem. Có nhóm khác đang chơi bài. Bài có hai mặt, mặt có hình vẽ là mặt phải, mặt không có là mặt trái. Quy tắc như sau: Mỗi người đưa ra một lá bài, sau đó oẳn tù tì quyết định thứ tự bốc bài. Ai có thể lật nhiều lá bài thành mặt trái nhất là người thắng, được thưởng một lá. Trò này được hội con trai yêu thích không thua trò bắn bi. Trong túi bọn con trai thường là một nửa đựng bi, một nửa đựng lá bài. Hai trò này đều phải ngồi xổm để chơi. Khi đó chưa có sân xi măng, mỗi lần chơi bụi bay mù mịt. Mấy ai có thể sạch sẽ, nhìn qua ai nấy lấm lem đất cát. Trò được yêu thích tiếp theo là xoay cù. Con quay được bán đầy ở các cửa hàng có nhiều màu sắc rất đẹp, ai không có tiền mua thì tự tay gọt một con. Không khó lắm, chỉ cần mài tròn đầu phía trên một tí, dùng sợi dây thừng thật chắc, quấn quanh con quay, sau đó giật mạnh, dùng sợi dây điều chỉnh hướng xoay để nó xoay đều và nhanh. Ai chơi giỏi có thể khiến cù xoay cả buổi không ngừng. Đại Bảo là cao thủ chơi trò này. Con quay tự làm tuy không đẹp bằng bên ngoài bán được cái độ quay tít không thua kém. Con gái tất nhiên thích nhất trò nhảy cước. Lúc đó, dây chun cao su co giãn rất tốt, thường được may ở cạp quần trẻ con, một hào mua được mấy mét, nhà ai cũng mua một đoạn cất trong góc nhà. Rất nhiều đứa trẻ về nhà cắt trộm một đoạn, tết lại với nhau là thành dây cước dài để chơi. Ưu điểm của trò này là bao nhiêu người chơi cũng được. Ít người thì phân công hai người đứng dùng chân giữ dây để những người khác nhảy. Đông người thì để bốn người giữ dây, tạo thành hình tứ giác, bốn người có thể nhảy cùng lúc. Chơi xong cũng tiện, cuộn lại rất nhanh, nhỏ bằng nắm tay thôi. Chẳng có cô bé nào không thích nhảy cước. Chu Tiểu Vân khá cao, chân dài vì thế chơi trò này rất giỏi. Lúc này, thấy ngoài sân có một nhóm đang chơi vui vẻ nên cô cũng hào hứng. Vương Tinh Tinh tìm hai bạn khác trong lớp đến chơi cùng. Một cô bé hơi béo, nhũ danh Bé Mập, tên đầy đủ là Chu Thiến Thiến, tính ra là chị họ rất xa của Chu Tiểu Vân. Cô bé còn lại hơi đen, nhũ danh Tiểu Bất Điểm (con nhóc lùn?), tên là Tôn Mẫn. Chu Tiểu Vân học giỏi, là lớp trưởng, học sinh cưng của thầy cô, tính tình cũng tốt, hay dạy bạn làm bài tập nên ở lớp cực kì có duyên. Các cô bé rất thích chơi với cô. Bé Mập và Tiểu Bất Điểm vừa nghe nói Chu Tiểu Vân sẽ chơi nhảy cước đều vui vẻ chạy tới, tranh nhau muốn cùng phe với cô. Cuối cùng, Chu Tiểu Vân phải giải vây, đề nghị dùng trò lật tay để quyết định. Sau đó dùng oẳn tù tì quyết định bên nào được nhảy trước. Mỗi bên cử ra một người đại diện. Bé Mập và Vương Tinh Tinh xoè tay, Bé Mập ra kéo, Vương Tinh Tinh ra giấy. Thấy mình thắng, Bé Mập cao hứng nhảy cẫng lên. Vương Tinh Tinh và Tiểu Bất Điểm, mỗi người đứng một bên, cột dây cước vào bắp chân. Bé Mập và Chu Tiểu Vân nhảy cùng nhau, vừa nhảy vừa đọc những bài đồng dao không biết do ai nghĩ ra. Bình thường, Bé Mập không đọc sõi mấy câu văn ngắn ngủi, giờ có thể đọc cả một đoạn dài, từ đầu đến cuối không sai một chữ, thật khiến người khác bái phục. Vừa đọc vừa nhảy, nếu không nhảy sai thì có thể nâng dây, ngược lại đổi bên nhảy dây. Bên nào nhảy đến lúc dây ở thắt lưng trước là thắng. Chỉ lát sau, Bé Mập nhảy sai rồi. Cô bé hơi ngượng, sợ Chu Tiểu Vân trách mình. Tất nhiên, cô sẽ không làm thế, an ủi bạn rồi quay sang giữ dây để bên Vương Tinh Tinh nhảy. Chơi hơn nửa ngày, tiếng chuông “Đing đinh đing” báo hiệu đến giờ vào lớp vang lên. Đang chơi vui, bọn trẻ lưu luyến mãi mới giải tán nhóm, dọn dẹp đồ của mình sau đó chạy vào lớp. Vương Tinh Tinh nhanh chóng thu dây cước của mình, động tác nhanh khiến người khác líu lưỡi, chỉ trong mấy giây, dây cước dài ơi là dài đã thu gọn thành một nắm nhỏ. Cô bé nhỏ giọng nói với Chu Tiểu Vân: “Lát nữa có chơi, nhất định cậu phải cùng phe với mình đấy nhé”. Chu Tiểu Vân cười đồng ý, tay nắm tay Vương Tinh Tinh cùng vào lớp.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang