[Việt Nam] Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 2 : Lửa tam muội (13)
Ngày đăng: 19:01 11-12-2018
.
Chi bàn giao công việc ở huyện ủy cho Thanh điều hành, còn mình về Gia Đạo trực tiếp chỉ đạo thu hoạch vụ chiêm và bàn làm vụ xen canh sau khi gặt xong theo chỉ thị của ông Kim. Trong số chủ tịch huyện và bí thư huyện ủy, chỉ có Chi là nữ. Từ một huyện ủy viên phụ trách chi hội trưởng phụ nữ xã, Chi được điều lên làm phó chủ tịch huyện rồi được bầu làm bí thư huyện ủy. Chi thuộc vào hàng phụ nữ đẹp, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen láy với đuôi mắt dài như kẻ, thân hình thon thả với nước da trắng. Xuất thân trong một gia đình thuộc vào hàng trung lưu ở nông thôn, bố dạy học ở trường tỉnh từ thời còn tạm bị chiếm, mẹ làm ruộng, mấy anh em Chi đều được ăn học tử tế. Trong cải cách ruộng đất, gia đình Chi cũng bị lao đao một thời gian. Chi phải bỏ dở chương trình lớp mười quay về tham gia làm ruộng với mẹ. Sau khi sửa sai, bố Chi được tiếp tục dạy học. Ông muốn Chi học tiếp nhưng Chi xin ở nhà tiếp tục làm ruộng. Năng khiếu hoạt động chính trị bộc lộ ở Chi rất sớm. Cô tham gia công tác Chi đoàn Thanh niên thôn rồi lên xã. Chỉ hai năm sau Chi được bố trí cương vị trưởng ban Liên hiệp Phụ nữ xã. Rồi chỉ bốn năm sau đó từ cương vị phó chủ tịch huyện, Chi được bầu luôn bí thư huyện ủy. Nhìn bên ngoài không ai nghĩ Chi có một ý chí mạnh mẽ, quyết đoán mỗi khi gặp phải khó khăn trong công việc. Ông Kim rất tin Chi, vì thế ông giao cho cô một nhiệm vụ hết sức nặng nề là tìm mọi biện pháp vực Hợp tác xã Gia Đạo từ chỗ yếu kém trở thành một Hợp tác xã khá, làm điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các Hợp tác xã yếu kém khác trong tỉnh. Chi mang theo quần áo, tiêu chuẩn gạo ăn trong tháng về ở trong nhà bà Quê. Kể từ ngày ông Kim và Chi đưa bà Quê lưu lạc xin ăn trở về với con cháu, bà Quê lúc nào cũng coi ông Kim và Chi như ân nhân của mình, mặc dù Chi chẳng có công cán gì trong việc này.
Trước ngày vào vụ gặt chiêm mấy hôm, Chi đề nghị tổ chức họp giữa đảng ủy xã Đạo Thắng, Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo và Nhân Đạo để thăm dò xem Ban quản trị có dám mạnh dạn tìm một vài cách khoán mới thay cho cách làm cũ, bỏ hẳn việc đánh kẻng và họp bình điểm vào mỗi tối hay không. Cuộc họp căng thẳng với những lời qua tiếng lại, cuối cùng vẫn không đi đến đâu. Lịch và Doanh được sự đồng tình của Noãn, chủ tịch xã viện lí do sắp vào vụ gặt rồi không có thời gian để bàn bạc thay đổi cách thực hiện. Chi biết Ban quản trị Gia Đạo đang tìm kế hoãn binh nên nói thẳng:
- Tôi đi guốc vào bụng các anh. Cách tính trước đây do nhập nhèm nên các anh được hưởng lợi nhiều. Ngồi chén với nhau, các anh cũng tính vào công điểm họp. Họp một ngày, các anh tính ra hai, ba ngày. Một tháng các anh đi ra đồng không quá ba ngày nhưng công điểm các anh vẫn nhiều hơn xã viên suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cách khoán chúng tôi đưa ra tạo nên sự công bằng trong lao động, bởi có định mức cụ thể cho từng công việc khác nhau. Ai làm việc nặng, việc khó thì được tính công nhiều hơn. Ai làm việc nhẹ, việc giản đơn thì công ít hơn. Ông đội trưởng ăn xong chỉ có việc đánh kẻng mà vẫn được tính một công như người đi cày, theo các anh có công bằng không? Nguyên nhân của tình trạng rong công phóng điểm cũng do thiếu sự công bằng. Người làm dối, làm lười cũng được hưởng công như người siêng năng, làm tốt thì ai dại gì phải bỏ sức ra cho những kẻ làm lười, làm dối hưởng.
Lịch tức khắc phản ứng:
- Đồng chí bí thư huyện ủy không nên vơ đũa cả nắm. Công điểm của chúng tôi đều được công khai cho bà con xã viên biết. Việc họp hành, chúng tôi có việc mới họp chứ không khi nào họp suông. Đồng chí bảo chúng tôi bày ra họp hành để chè chén, đồng chí thấy chúng tôi chè chén sau khi họp hành bao giờ chưa. Còn việc có thay đổi cách khoán và làm vụ xen canh hay không là do tập thể Ban quản quản trị chúng tôi quyết định. Nguyên tắc khi vào Hợp tác xã là tự nguyện. Vậy có thay đổi cách khoán hay làm vụ xen canh cũng là do tự nguyện của bà con. Tôi thấy không nên dùng chỉ thị để bắt ép.
Noãn thấy cần phải ủng hộ Ban quản trị Gia Đạo nên nói luôn:
- Tôi thấy việc thay đổi một tập quán làm ăn không phải dễ. Đừng nói gì xa xôi, khi chúng ta cải tiến cái cày chìa vôi thành cày 51, nhiều nông dân cho rằng nó nặng nề, khó cày. Mãi mấy năm sau mới bỏ được cày chìa vôi. Rồi đến việc cấy dày cấy thưa cũng vậy. Suốt ngày đài hát ra rả cấy thưa thừa thóc cấy dày cóc ăn, nhưng có phải ai cũng cấy thưa ngay đâu. Quay lại nói chuyện khoán bây giờ cũng vậy. Quen rồi, có sửa cũng phải sửa dần dần chứ không khi nào sửa ngay được.
Lịch thấy Noãn ủng hộ mình nên càng tỏ ra cứng cỏi:
- Tôi là lớp Chủ nhiệm Hợp tác xã quy mô đầu tiên được cử đi tập huấn ở trường nghiệp vụ nông nghiệp của tỉnh. Tôi đã được giáo viên giảng cho nghe thế nào là Hợp tác xã quy mô. Mục đích của việc đưa Hợp tác xã nhỏ lên quy mô và các phương pháp tiến hành từ việc tổ chức đội sản xuất cho đến cách khoán cho lao động. Qua học tập, tôi thấy cấp trên đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ban hành những quy định về tổ chức Hợp tác xã quy mô, vì vậy không có lí do gì chúng ta tự động sửa đổi những quy định của trên.
Chi không ngờ tình hình phức tạp hơn cô nghĩ. Sau buổi họp, Chi nói với Luận:
- Cái bộ sậu ban quản trị này phải tìm cách thay thôi chị ạ. Để những anh này ở vị trí chỉ đạo sản xuất của Hợp tác xã, không chóng thì chầy sẽ đẩy Hợp tác xuống vực mà thôi.
- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng muốn thay cũng phải chờ đến nhiệm kỳ Đại hội xã viên chị ạ.
- Nếu ta tổ chức Đại hội bất thường giữa nhiệm kỳ cũng chẳng có gì sai với điều lệ của Hợp tác xã. Không thay Ban quản trị thì khó mà thay đổi được gì.
Ra khỏi cuộc họp, Lịch bảo Noãn:
- Về nhà tôi đi. Sáng nay trước khi đi họp tôi giao cho tay Ngọ bắt con cầy nhà thằng Lấu về nhà tôi để hạ, bọn tôi mời ông về chén cho vui.
- Bà Chi mà biết bọn mình họp xong kéo nhau đi đánh chén thịt cầy thì bỏ mẹ.
- Nhà tôi kín cổng cao tường, ông đừng có lo.
Doanh hỏi Lịch:
- Ông đã nhìn thấy con chó của nhà thằng Lấu chưa?
- Nhà thằng Lấu có những ba con. Có một con choai choai béo lẳn đít. Chắc tay Ngọ sẽ bắt con ấy.
Noãn cười:
- Khi nãy ở cuộc họp, ông Lịch nói thầm vào tai tôi không phải phát biểu nữa để hơi đi chén thịt chó. Tôi tưởng các ông nói đùa. Không ngờ các ông mổ chó thật.
- Bọn tôi biết trong cuộc họp thế nào ông cũng đứng về phía bọn tôi nên mới bảo tay Ngọ ở nhà mổ chó để khao ông – Lịch nói xong cười bộ hể hả.
- Con mụ Luận rắn lắm đấy. Các ông đừng coi thường.
- Đất có thổ công, sông có hà bá. Bí thư đảng ủy làm sao mà can thiệp vào nội bộ của Hợp tác xã Gia Đạo được.
- Ông không nhớ bên con mụ Luận còn có bà Chi à?
- Bà Chi có ở mãi dưới này được không.
Đạp xe vào đến sân, thấy Ngọ, Lấu và Hoang đang loay hoay nấu nướng, Lịch bảo:
- Cái lão Ngọ bận ngủ với vợ hay sao mà giờ này vẫn còn mổ chó?
- Bắt được chó rồi, ba lần đi ra đường gặp phải những anh lắm mồm nên đành quay lại. Cuối cùng phải nhờ cô Hoang cho vào cái thúng, nách như đi chợ mới lọt được các con mắt tò mò đấy. Tiện thể nhờ cô Hoang ở lại giúp một tay luôn. Các ông họp đã xong chưa?
- Xong mà cũng chưa xong – Doanh trả lời.
- Thế là thế nào?
- Lát nữa ngồi ăn, bọn tôi nói cho mà nghe. Con chó được bao nhiêu cân?
- Thấy béo thì bắt làm thịt luôn chứ hơi đâu đi cân kẹo cho mất thời gian.
Doanh hỏi Lấu:
- Ông Lấu ủng hộ hay là tính vào lợn nghĩa vụ đấy?
- Em thì thế nào cũng xong, nhưng con mụ vợ em thì không dễ tính như em đâu.
Lịch cười:
- Làm thư ký đội sổ sách nắm trong tay. Con mụ vợ cậu khó tính thì cậu cứ ghi vào sổ chi phí ăn để họp bàn thu hoạch vụ chiêm rồi tính sau.
Lấu nhăn nhó:
- Có chị Hoang đây, anh nói đùa chị ấy tưởng thật rồi sinh ra lắm chuyện.
Hoang xì một tiếng rồi bảo:
- Các ông đùa hay thật mặc xác các ông, hơi đâu tôi đi chõ mõm vào.
Nói xong Hoang chạy ra sau vườn cắt hai đầu ngọn lá chuối cầm vào ngửa ra trước mặt Ngọ:
- Ông Ngọ đâu. Xẻo cho ít thịt đem về cho bọn nhóc ở nhà nào.
- Con chó bằng cái nắm đấm, thịt đâu mà xẻo với xả.
- Thế ông không trả công cho tôi giấu con chó trong thúng bê từ nhà chú Lấu qua đây à? Còn một lít rượu của tôi nữa.
- Cô không nói thì tôi cũng đã nghĩ tới rồi. Nhưng thịt đâu mà cô cắt những hai ngọn lá chuối to bỏ bố thế kia.
- Năm ông ăn một con chó làm sao hết được. Ông cho bao nhiêu là tùy theo lòng theo dồi của các ông. Tôi cắt hai ngọn lá chuối là muốn gói thịt cho kỹ, nhỡ đi đường ai người ta trông thấy biết các ông ngồi ăn thịt chó với nhau thì hóc xương gỡ không ra đâu.
Ngọ mắng:
- Có ông chủ tịch đang ngồi kia, đừng có nói lung tung.
- Tôi biết thân phận làm dân rồi không phải nhắc. Công việc của tôi là dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ đã xong rồi. Phần nấu nướng là của ông và chú Lấu. Tôi về đây. Chào ông chủ tịch, em về đây.
Nói xong Hoang nguây nguẩy đi ra khỏi nhà Lịch.
Noãn nhìn theo:
- Cái cô Hoang ấy trông có vẻ bạo mồm nhỉ. Nhỡ ra cô ấy bô bô tôi ngồi ăn thịt chó với các ông thì mệt lắm.
- Bố bảo cũng không dám nói – Lịch nói để Noãn yên tâm.
- Các ông đe cô ta hay sao mà cô ta không dám nói?
Lịch cười hề hề:
- Cô ta nấu rượu lậu. Nói ra nhỡ chúng tôi đập nồi rượu là coi như mấy mẹ con treo niêu.
- Đúng là anh chàng bán mạt cưa gặp phải cô nàng buôn mướp đắng. Thảo nào mà lúc nào tôi thấy các ông cũng có rượu uống.
Ngọ bê mâm để xuống chiếc chiếu giải giữa nền nhà. Noãn cúi nhìn vào từng món để trong mâm khen:
- Tay Ngọ này làm ăn cũng được đấy nhỉ.
Lịch rót rượu ra chén rồi đưa lên mời Noãn.
- Xin mời chủ tịch.
- Đã ngồi chén với nhau thì khỏi chủ tớ. Nào mời các cậu.
Năm người đưa lên chạm chén với nhau. Nhấp xong ngụm rượu, Noãn nói:
- Này, tiện đây tôi nói luôn. Sáng nay tôi phát biểu ở cuộc họp là tôi nói chung chung để các ông có cái cớ mà hoãn binh chứ ở vị trí của tôi, tôi không thể công khai ủng hộ các ông được đâu nhé. Có chuyện này các ông cũng phải tính toán cho kỹ trước khi quyết định không thực hiện làm vụ xen canh. Tính của ông Kim tôi biết. Chắc ba ông đã được một bài học ở vụ cấy chiêm vừa rồi.
Nghe Noãn nhắc đến chuyện cũ, Lịch không nhịn được cười:
- Đôi khi ngồi nghĩ lại tôi vừa bực vừa buồn cười. Tự nhiên ông ấy lôi tuột cả ba chúng tôi xuống ruộng, không còn kịp cởi giày dép rồi cứ thế nắm tay tay Ngọ nhấn xuống bùn. Khiếp! Nhìn cái mặt hắn cắt không còn giọt máu, buồn cười đến nôn ruột mà không dám cười. Nói đúng ra có làm vụ xen canh cũng chẳng mất gì của mình. Dân lại có hạt ngô củ khoai bỏ vào bụng. Nhưng tội chia đất cho dân, dù chỉ chia một vụ thôi, rõ ràng là làm trái với chủ trương đường lối của Đảng, tội ấy ai chịu? Rút cuộc vẫn là mình. Còn việc khoán như các ông các bà ấy đưa ra thì không thể chấp nhận được. Trước đây mọi cuộc họp hành, hội ý chúng tôi đều được hưởng công điểm. Bây giờ các ông các bà ấy đề nghị các cán bộ trong Hợp tác mỗi tháng chỉ được tính công điểm họp hai ngày, còn lại phải tham gia sản xuất hai mươi ngày trong tháng. Vô lí hết sức. Làm sao mà chấp nhận được.
- Thôi việc ấy các ông bàn luận với nhau sau. Thịt chó đang ngon mà các ông nói chuyện bực mình với nhau đâm ra phí bữa thịt chó – Ngọ vừa nhai ngồm ngoàm vừa nói – Chuyện đâu rồi có đó.
Lịch gắp một miếng thịt chó bỏ vào bát của Noãn:
- Thằng con tôi đợt này chắc chắn phải nhập ngũ. Ông có ai quen ở tỉnh đội, xin cho nó vào đó để khỏi ra mặt trận có được không?
- Tớ chẳng có ai là bà con quen biết ở tỉnh đội cả.
- Tôi thấy ông chơi thân với ông Hảo huyện đội trưởng lắm. Hay là ông xin ông Hảo nhận nó về làm bộ đội địa phương huyện.
- Tay Hảo khó nhằn lắm. Đến con hắn, hắn còn đẩy đi các sư đoàn chủ lực thì đời nào hắn lại nhận con chúng mình. Gia Đạo hôm nào thu hoạch? – Noãn nói qua chuyện khác.
- Còn hơn mười hôm nữa, nhưng tình hình này nếu ông Lịch đồng ý có khi phải tổ chức gặt sớm để khỏi bàn tính kiểu khoán này khoán nọ cho mệt cái đầu – Ngọ nói xong gắp một miếng thịt chó cho vào miệng.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện