[Việt Nam] Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 2 : Lửa tam muội (4)
Ngày đăng: 19:01 11-12-2018
.
Từ cuộc họp do huyện tổ chức bàn công tác thu hoạch vụ chiêm và triển khai làm vụ xen canh để chống đói giáp hạt ra, Noãn và Lịch đạp xe đi song song bên nhau.
Noãn hỏi Lịch:
- Ông thấy những lời phát biểu của tay Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã An Bình như thế nào?
- Tôi còn lạ gì cái tính ăn tục nói phét của thằng ấy nữa. Có đến tết âm lịch may ra mới thực hiện cách khoán như hắn đưa ra.
- Tớ thấy bà Chi và một số người nữa có vẻ tâm đắc với đề nghị của tay Huy lắm.
- Con hát lúc nào mẹ chẳng khen hay.
Thấy Thưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Minh đạp xe đi đằng xa, Lịch bảo Noãn:
- Rủ tay Thưởng đi ăn thịt chó cho vui. Tay này có một giọt rượu vào cổ, nói chuyện vui lắm.
- Hình như hắn cũng đang đi tìm quán thịt chó hay sao ấy.
- Hắn mà dám móc túi bỏ tiền ra ăn thịt chó thì ếch đã biến thành tiên. Đói lắm hắn mới dám mò vào quán ăn bát mì sợi luộc chan nước tương. Nếu không thì ôm bụng về nhà ăn cơm nguội.
Noãn cười:
- Đúng là cái thân làm tội cái đời.
Đạp xe đến gần Thưởng, Lịch gọi:
- Ông Thưởng, chờ bọn tôi với.
Thưởng dừng xe ngoái cổ nhìn lại.
- Ông Lịch đấy à. Có chuyện gì thế?
- Tôi và ông Noãn định rủ ông đi ăn thịt chó.
- Tôi lâu lắm cũng chẳng có miếng thịt chó nào vào mồm, thèm quá. Nhưng sáng nay đi vội không cầm tiền theo nên đành nhịn bụng về nhà ăn cơm nguội đây.
- Bọn tôi mời ông, chứ không bắt ông mời đâu mà bảo quên tiền ở nhà. Đi không?
Thưởng cười hề hề:
- Ông làm như tôi keo kiệt lắm.
- Keo kiệt thì không, nhưng rỉ sắt thì có – Lịch bảo – Ông có đi không?
- Hai ông mời thì phải đi chứ. Không đi các ông lại bảo tôi coi thường các ông.
Lịch cười:
- Mừng bỏ mẹ, còn nói đãi bôi.
Ba người đạp xe đến một cái quán thịt chó lụp xụp nằm bên đường. Trước quán treo chiếc mành tre cũ kỹ, viết nguệch ngoạc mấy chữ bằng vôi: Thịt chó. Tiết canh. Bún xáo chó. Chủ quán là một người đàn ông tuổi trung niên, mặc quần đùi, áo nâu cộc tay, vắt cái khăn màu nước dưa trên vai chạy ra niềm nở mời chào khách:
- Mời ba đồng chí vào hàng nhà em. Hôm nay có con cầy tơ ngon không phải nói.
Lịch bĩu môi:
- Lần trước ông cũng giới thiệu với tôi có con cầy tơ vừa mổ ngon không chê vào đâu được. Thế mà đến khi ăn thì dai chẳng thua kém gì giẻ rách. Lần này mà gặp con cầy dai như vậy, tôi không trả tiền đâu đấy.
Chủ quán xoa xoa hai tay vào nhau:
- Đồng chí nhầm với quán nào chứ quán nhà em làm gì có cầy già. Ba đồng chí không biết chứ nhà em làm nghề này đến đời em là đúng ba đời đấy.
Ba người ngồi vào bàn. Chủ quán lấy mấy chai rượu cam màu đỏ đặt lên bàn rồi vơ chiếc khăn vải màu nâu lau quèn quẹt xuống bàn, hỏi:
- Ba đồng chí dùng món gì?
- Đưa trước ra đây ba bát tiết canh – Lịch bảo – Sau đó cho một đĩa thịt nướng, một đĩa luộc và bát rựa mận. Có gì sẽ gọi tiếp. Không có rượu trắng hay sao mà đưa rượu cam của mậu dịch ra?
- Các đồng chí thông cảm. Cái món rượu lậu thì em không dám mua đâu ạ.
Noãn lắc đầu:
- Ăn thịt chó mà uống rượu cam bán cả chum ở cửa hàng mậu dịch thì chán bỏ mẹ.
Chủ quán bê ra ba bát tiết canh đặt xuống bàn:
- Xin mời ba đồng chí uống rượu, các món khác lát nữa em đưa ra cho nóng.
Mời xong chủ quán đến đứng tựa lưng vào cột đưa mắt quan sát ba ông khách. Lịch cầm chai rượu định rót vào chén của Noãn thì chủ quán chạy đến giữ tay Lịch lại.
- Đồng chí chờ cho em một lát. Em sẽ đưa rượu nếp chính cống Văn Lãng ra để các đồng chí dùng.
- Thế sao khi nãy ông bảo cái món rượu lậu ông không dám mua? – Noãn hỏi.
- Cũng phải cảnh giác cao độ ạ. Lần trước có hai đồng chí chẳng biết ở đâu đến cũng vào quán em ăn thịt chó và hỏi rượu trắng. Em đưa rượu Văn Lãng ra cho họ uống. Không dè ăn uống no say, hai đồng chí ấy quay ra hoạnh họe em mua rượu lậu ở đâu? Em bảo người ta đưa đến tận quán bán thì em mua chứ chẳng biết người bán ở đâu. Thế là các đồng chí ấy đổ tội cho em vừa tiếp tay cho con buôn, vừa tiêu thụ hàng quốc cấm, đòi đưa em vào công an huyện. Em lạy lục cúc bái đến sái cả cổ, hai đồng chí ấy mới chịu tha cho và bỏ đi. Quên luôn cả việc trả tiền bốn bát tiết canh, một đĩa thịt luộc và hai cút rượu Văn Lãng. Sở dĩ khi nãy em bảo không có rượu trắng là muốn để từ từ xem tướng mạo của ba đồng chí có phải giống quân lừa lọc không đã rồi mới đưa rượu ra.
Thưởng hỏi:
- Thế ông có thấy ba chúng tôi có giống quân lừa lọc không?
- Không ạ. Mặt mũi của ba đồng chí, đồng chí nào cũng phúc hậu, thoáng đãng và tươi như hoa. Ba đồng chí chờ em đi lấy rượu nhé.
Chủ quán cầm cút rượu trắng ra từ từ rót vào chén của Noãn.
Noãn bảo:
- Ông để tự chúng tôi rót lấy.
- Các đồng chí thông cảm. Em rót xong cho các đồng chí, em phải cất kín cái chai này vào bên trong buồng. Thấy các đồng chí uống hết, em lại đưa ra rót chứ để công khai giữa bàn là cực kỳ nguy hiểm.
- Thế cũng được. Lúc nào hết, tôi vẫy tay ra hiệu cho ông nhé.
- Vâng. Nếu có ai vào, các đồng chí vờ cầm chai rượu cam rót vào chén hộ em nhé.
Chủ quán rót đầy ba ly rượu cho ba người rồi cầm cút rượu lui vào bên trong.
- Uống đi các ông – Lịch mời – Làm món tiết canh trước – Lịch nhấp một ngụm rượu, chép chép môi nói với Noãn – Nước rượu này giống nước rượu con mẹ Hoang lắm ông ạ. Không khéo lão này cất rượu của con mụ Hoang cũng nên.
Thưởng cũng nhấp một ngụm rượu rồi bảo:
- Đếch phải rượu Văn Lãng. Nước rượu này nồng và hơi có mùi khê.
Lịch vẫy tay ra hiệu cho chủ quán lại. Chủ quán tưởng hết rượu chạy vào xách cái chai đưa ra.
- Chúng tôi mới uống một nhấp thôi, còn nhiều – Lịch bảo với chủ quán – Tôi gọi ông đến để hỏi có thật rượu này là rượu Văn Lãng không?
- Văn Lãng chính hiệu con nai vàng đấy các đồng chí ạ.
- Chúng tôi uống rượu thành thần, ông chẳng lừa được chúng tôi đâu. Có phải rượu này ông cất của cái cô người dong dỏng, mắt sắc như dao cau, người ở xã Đạo Thắng không?
- Em bái phục ba đồng chí. Đúng là các đồng chí uống rượu thành thần thật, chẳng có gì qua mắt được ba đồng chí. Quả là em cất rượu của cô Hoang, người Đạo Thắng. Rượu cô này chẳng thua kém gì rượu Văn Lãng, có phải thế không ba đồng chí?
- Rượu thì kém xa Văn Lãng, nhưng vì đôi mắt cô bán rượu nên ông mới trông gà hóa cuốc, có phải thế không?
- Không dám, không dám. Con hổ cái nhà em móng vuốt sắc lắm, em chả dại. Ba đồng chí đã dùng món nướng chưa để em vào cho qua than một lát cho nóng?
Noãn:
- Ông cứ vào bê ra đây được rồi.
Lịch hỏi Thưởng:
- Lúa má dưới ông đã bắt đầu gặt chưa?
- Độ mươi hôm nữa.
- Có được vài tấn một héc-ta không?
- Xúc đất đổ thêm vào để cân may ra.
Noãn hỏi:
- Lão Toàn, chủ tịch Bình Minh họp xong đi đâu mà không cùng về với ông?
- Về vội để chuẩn bị chiều nay làm việc với bí thư huyện ủy.
- Xã ông đang có chuyện gì hay sao mà bí thư huyện ủy về làm việc?
- Các đảng ủy viên cấu xé lẫn nhau. Còn chủ tịch và bí thư đảng ủy thì như sừng với đuôi.
Noãn hỏi:
- Ông có chân trong đảng ủy không?
- Tôi không có chân trong đảng ủy thì ai có. Thôi ăn cho ngon cái đã. Tiết canh của cái quán này ăn cũng được đấy nhỉ.
- Ông chưa vào đây bao giờ à?
- Tôi khoái nhất là món mì sợi luộc chấm với tương. Còn thịt chó ăn cũng được, không ăn cũng chẳng sao.
- Thế mà tôi không biết nên mời ông đi ăn thịt chó. Đáng ra khi chúng tôi rủ ông đi ăn thịt chó, ông phải nói ông không khoái khẩu với món thịt chó mà chỉ thích ăn mì sợi luộc chan với tương để chúng tôi khỏi kéo ông vào đây. Thôi đã nhỡ rồi, uống với chúng tôi vài ly rượu rồi đi ăn mì sợi chan tương vẫn chưa muộn.
- Xỉa nhau làm gì. Các ông kiếm chác được mới đi ăn thịt chó với nhau chứ bỏ tiền túi ra bố bảo.
- Có thật các ông không kiếm chác được gì không?
- Có gì mà kiếm chác.
- Tôi đếch tin.
- Tin hay không là quyền của các ông.
Lịch:
- Ông thấy những lời phát biểu của bà bí thư đảng ủy xã tôi và mấy tay lãnh đạo An Bình trong cuộc họp sáng nay như thế nào?
- Toàn chuyện vớ vẩn. Tôi chẳng dại thực hiện làm ăn kiểu ấy.
- Sao thế?
- Tại sao à? Thành công thì người khác hưởng. Thất bại thì mọi tội vạ đổ lên đầu cái thằng chủ nhiệm. Cấp trên đẻ ra cái Hợp tác xã đã đủ tay đủ chân, đủ mặt đủ mũi thì cứ việc để thế nuôi cho nó lớn. Việc gì gắn thêm chân tay mắt mũi giả vào làm gì để cho nó biến thành kẻ dị nhân.
Lịch reo lên:
- Hay! Hay! Đúng là lời nói của thánh nhân. Vì sao sáng nay ông không nói những lời vừa rồi ở trong cuộc họp?
Thưởng cười:
- Chưa có rượu và thịt chó nên không nghĩ ra. Theo tôi khi cấp trên có chủ trương đưa Hợp tác xã lên quy mô là đã nghiên cứu đâu vào đó hết rồi. Có khi còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc nữa cũng chưa biết chừng. Thứ dân như bọn mình mà đòi thay đổi thế này, thay đổi thế kia thì đúng là điếc không sợ súng.
Lịch góp lời:
- Ông Noãn thấy tôi nói có đúng không. Ngồi uống rượu với tay Thưởng nghe hắn phán hết điều này, điều nọ, rượu không ngon cũng biến thành ngon.
- Chí lí. Chí lí. Thế nhỡ huyện ủy yêu cầu ông phải thay đổi phương pháp làm ăn giống như của một số ý kiến phát biểu sáng nay thì ông tính sao?
- Chủ trương đường lối mình đã nhuyễn trong đầu. Điều lệ, nguyên tắc mình nhét đầy xắc cốt. Cứ giở ra mà hỏi chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Còn nếu ép tôi làm, nếu sai, cấp trên phê bình thì tôi không chịu trách nhiệm.
- Không hẹn mà sao suy nghĩ của ông giống của chúng tôi thế – Lịch nói và nâng ly rượu lên – Nào xin chúc ông một ly rượu. Nếu lần sau họp ở huyện, tôi mời ông đi chén thịt chó chứ không để ông ăn mì sợi luộc chan với tương đâu.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện