[Dịch] Bát Tiên Đắc Đạo
Chương 4 : Chịu dèm pha không chồng mà chửa Giãi lòng nga, liệt nữ nhảy sông
.
Tú Xuân nghe mẹ nói, động lòng thương cảm, nước mắt như mưa. Từ hôm đó trở đi, chị kém ăn biếng nói, mặt mày đăm chiêu, trên trán hiện ra nhiều nếp nhăn. Lâu dần, thân hình tiều tụy, rõ ràng trong lòng có niềm tâm sự lớn lao, mà không thể giãi bày cùng người khác. Vài tháng sau, thân thể càng gầy gò, chẳng còn chút hứng thú nào : sống đấy mà chẳng khác chi người đã chết. Cha mẹ khổ công khuyên giải, chẳng chút kết quả.
Nào hay họa vô đơn chí, trong thôn bệnh dịch bỗng hoành hành, người chết không biết bao nhiêu mà kể, vợ chồng Hồ lão tiếp nối nhau qua đời. Mẹ con Tú Xuân khóc lóc bi ai, mua quan tài về tẩn liệm.
Sau đám tang một thời gian, một hôm Tú Xuân bỗng gọi Phi Long tới, hỏi :
- Này con, con có hiểu vì sao mẹ không chịu lấy chồng hay không ? Đã không có chồng, tại sao lại sinh ra con, con có biết hay không ?
Phi Long từ hôm nghe bạn đồng môn hủy báng mẹ cô, cô cũng thắc mắc, không hiểu lai lịch mình ra sao. Cô rất muốn biết vì sao mẹ cô không lấy chồng, lại có thể sinh ra cô. Theo lời người làng kể lại thì rõ ràng là lời của những kẻ hiếu sự, ưa chuyện kỳ quái, không thể nào tin được. Cô rất muốn biết sự thật, nhưng lại không thể mở miệng hỏi mẹ những chuyện như thế. Ngay cả hỏi ông bà ngoại, cô cũng không dám. Vì thế, lòng cô cũng rất phiền muộn, chờ một cơ hội thuận tiện, nhưng cơ hội lại không đến. Nay ông bà ngoại cô qua đời, chuyện này kể như trở thành một nghi án, cô không còn dịp nào để tìm hiểu nữa.
Nay thấy mẹ đột nhiên khơi ra, cô vội quì xuống, cúi đầu, rơi nước mắt, thưa rằng :
- Sao hôm nay mẹ lại hỏi như vậy ? Nếu con có thể hiểu rõ nguyên úy chuyện này, con đã sớm có giải pháp, khiến mẹ khỏi âu sầu ủ dột suốt một thời gian dài vừa qua.
Phi Long nói vậy là rất đắc thể : đã không làm mất mặt mẹ, còn khiến mẹ cô phải đem những điều mà bà hiểu rất rõ, nhưng chưa dám hớ môi với ai, nói lại đầy đủ với cô. Nào ngờ nghe con nói vậy, Tú Xuân đứng phắt dậy. Thấy ái nữ quì trước mặt mình, Tú Xuân không dằn được lòng, đập cho một đập, vừa khóc vừa nói :
- Đồ súc sanh vô tri này, bản thân mày ở đâu chui ra mà mày cũng không biết hay sao ? Mẹ mày là người thế nào, mày cũng không hiểu nữa ư ?
Nói rồi, thổn thức một hồi, mặc cho Phi Long quì gối, chẳng thèm ngó ngàng. Trước tình hình đó, Phi Long chẳng dám đứng dậy, cũng không dám nói thêm một câu. Hồi lâu, mới thấy Tú Xuân, lục trong túi áo, lấy ra một tờ giấy, ném trước mặt Phi Long, nói to tiếng :
- Nếu mày muốn biết chuyện mày ra đời thế nào, cứ đọc tờ giấy này sẽ rõ tất cả. Thật tình, tao chẳng muốn nói ra : vì mày mà trước nay tao phải nghe biết bao điều này tiếng nọ, phải chịu không ít oan khổ trên đời ! Nhưng nay, nếu không đem ruột gan bộc lộ ra hết, lại sợ rằng suốt cuộc đời này, mày vì chuyện của mẹ mà phải chịu tai tiếng oan uổng. Sở dĩ phải nấn ná đến ngày nay, là vì ông bà ngoại con qua đời hết cả rồi, ta mới hết trách nhiệm với bề trên. Còn trách nhiệm đối với con, có thể thư thả.
Nói rồi, không quay đầu nhìn lại, rũ áo, quay về phòng.
Phi Long nhặt tờ giấy, đọc chăm chú. Lúc đó, cô mới hiểu rõ lai lịch xuất thân của mình, cùng nguyên nhân vì sao mẹ cô không chồng mà chữa. Cô biết được tình cảnh của mẹ cô, hơn mười năm ngậm đắng nuốt cay, chịu những lời sàm báng oan uổng. Cuối lá thư còn có một câu quyết biệt. Nhớ tới những lời gay gắt của mẹ vừa rồi, cô càng thấy hiển hiện quyết tâm của mẹ cô, lấy cái chết để giãi tỏ lòng trong sạch.
Quay đầu nhìn lại, không thấy mẹ cô ngồi chỗ cũ, không biết đã bỏ đi từ hồi nào. Phi Long hoảng hồn, lật đật chạy đi tìm mẹ. Tìm khắp nhà, chẳng thấy tung tích mẹ đâu. Lại tưởng nghĩ : trong thời gian ngắn. mẹ ta sao có thể chạy đi xa ? Không hiểu nghĩ sao, cô chạy ra bờ sông tìm kiếm.
Trong lúc gấp gáp, hoang mang, cô đứng ở bờ sông nhìn quanh, chợt để ý tới một mô đất. Cô vội leo lên đó, thì thấy một phong thư của ai vất đó bên ngoài để chữ : "Gửi con gái ta là Phi Long". Cô vội vã mở coi, thấy mấy câu đầu trong thư viết như sau :
"Nếu mẹ chết sớm, con không thể sinh sống; nhưng nay mẹ không chết, con khó mỗi mở mặt, làm người. Năm xưa mẹ hoài thai con, chính tại gò đất này, nay mẹ rời xa con, cũng tại gò đất đó. Nếu con không nỡ bỏ mẹ, trước hãy ở chỗ này chiêu hồn mẹ. Một hai ngày sau, thi thể mẹ nổi lên, con hãy đem chôn trên chỗ núi cao. Nhà ta quá nghèo, không còn vật gì để lại. Nhớ lại ngày xưa, người tiên có dặn dò : nếu có nhu cẩu khẩn cấp, hãy ở trước vỏ xác con mà cầu xin. Trước đây, mẹ đem hết tâm lực để thờ ông bà ngoại con, và nuôi dưỡng con. Mười năm gian khổ, mẹ chịu đựng hết, không có nhu cầu khẩn thiết. nên chưa lần nào phải cầu xin. Nay biết con gặp khó khăn, mẹ mới nói rõ cho biết : vỏ xác con ở trong thùng đựng gạo, đặt ở cuối giường đó. Con có tiên căn, sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Mẹ là đàn bà kiến thức không nhiểu, không đủ để dạy dỗ con, con tự cố gắng.
Mẹ là Tú Xuân để lại tuyệt bút cho con" .
Phi Long nhìn ra xa trên mặt sông. Mặt nước bình lặng, không một gợn sóng. Những người sốt sắng trong làng, không hiểu nghe được tin tức từ hồi nào, đã kéo tới, đứng đầy trên bờ sông. Phi Long đọc xong di thư của mẹ khóc lóc thảm thiết. Mấy người hàng xóm khuyên giải một hồi dìu cô về nhà. Chừng Phi Long tỉnh lại, lại đòi đi tìm thi hài mẹ cho bằng được.
Bạn bè và người lối xóm vác gậy gộc, theo cô ra bờ sông, cùng giúp cô tìm kiếm. Có người dùng dây thừng đo nước nông sâu, có người dùng sào thăm dò, mò mẫm, có người giỏi bơi lặn, nhảy xuống nước tìm kiếm. Lặn ngập một hồi, không tìm thấy thi thể.
Phi Long khóc lớn tiếng, bỗng tung mình nháy ùm xuống nước, tự mình đi tìm kiếm. Mọi người thấy vậy, kêu ầm lên :
- Long cô nương đừng đi ? Cô không biết bơi, không sợ chết chìm hay sao ?
Nào ngờ Phi Long là chân long hóa thân, tuy đã mang xác người, nhưng bản tính vẫn chưa đổi. Một khi xuống nước, chẳng những cô không thấy khó thở, mà còn cảm thấy thân thể thư thái, so với ở trên cạn còn sảng khoái hơn. Thêm nữa, hai mắt cô sáng tỏ, dẫu xuống tới chỗ sâu nhất, cô cũng nhìn rõ từng cọng cỏ, côn trùng.
Thấy cô chìm dưới đáy nước, những người đứng trên bờ đều lắc đầu, than thở :
- Cô bé hiếu thảo, ngoan đến thế, mà phen này chắc mất mạng!
Mọi người dang ngây người ra đứng xem động tĩnh, mà không cách gì cứu dược cô bé, bỗng thấy mặt nước nổi sóng, kềm theo nhiều bọt trắng xóa. Tiếp theo, có vô số những loài, tôm cá, ba ba.., theo ngọn sóng mà trốn mau về phía hạ lưu. Đó là vì rồng là chúa của thủy tộc, một khi Phi Long xuống nước, những động vật nhỏ làm sao có thể ở yên ? Vừa thấy cô, chúng hoảng hồn hoảng vía, túa ra mà trốn, để giữ lấy mạng.
Mọi người đang bàn tán chuyện lạ, đã thấy Phi Long trồi lên, hai tay nâng một thi thể, bơi về phía bờ sông. Người ta thấy vậy, ai nấy đều mừng, và khen ngợi cô :
- Hiếu nữ ắt có thần linh phù hộ. Cô bé trước nay chưa quen với nước, mà có thể lặn xuống đáy sông tìm dược thi thể của mẹ, chẳng phải có thần trợ giúp thì là gì ?
Họ vừa bàn luận, vừa hoan nghênh cổ vũ. Đợi Phi Long bơi tới bờ, mọi người mới xúm vào giúp cô, đưa thi thể lên bờ, Phi Long tự động nhảy lên, phục xuống bên thi thể, khóc mãi không thôi. Mọi người khuyên can cô, rồi giúp cô khiêng thi thể đi. Không dè chỗ bụng thi thể có buộc một vật gì rất lớn. Nhìn kỹ lại, thì ra một tảng đá. Khi đó, người ta mới biết Tú Xuân đã quyết chí tự tận, đã buộc thêm tảng đá vào người để chìm xuống mau hơn. Mọi người đều than thở :
- Không ngờ vị tỉ tỉ này quyết liệt đến thế !
Họ vội cởi dây cột tảng đá ra. Phi Long vác thi thể lên vai, có bảy, tám người đi hai bên nâng đỡ, cùng khiêng về nhà.
Sau đó, người ta bàn tới việc mua quan tài, liệm cho Tú Xuân. Phi Long đem lá di thư của mẹ đưa cho mọi ngươi coi, dân chúng tới chỗ thùng gạo, đặt phía sau giường của mẹ cô, xem thử. Quả nhiên trong thùng có một trái cầu chiếu sáng lấp lánh. Trên mặt trái cầu có châm bảy lỗ. Hàng xóm có người biết chuyện ngày xưa, lại có người từng được nhìn thấy quả cầu, họ đều nói :
Không sai ! Không sai ! Trước đây, người tiên trước khi ra đi, đúng là có câu dặn dò đó. Huống chi mẹ cô có lời di ngôn, còn sai vào đây ? Long cô nương hãy thành khẩn khấn vái, cầu xin người tiên chiếu cố, ắt có linh nghiệm đó.
Trong khi đó, Phi Long nhìn chăm chú vào quả cầu, như đang xuất thần, không hiểu cô đang nghĩ gì. Có người đụng vào cô một cái, cô mới giật mình, tỉnh trí trở lại, nở một nụ cười, nói :
- Đây là vật riêng của tôi, nên tôi biết rõ.
Nói rồi, thọc một ngón tay vào một lỗ kim châm, lỗ hổng đó liền lớn ra, đủ cho một bàn tay chui lọt. Phi Long thò tay vào thăm dò, quả lấy ra được một nén bạc. Mò vài lần nữa, lấy ra được đồ tang phục trắng, cùng nhang, nến, và giày, mũ…, đủ vật dụng cho một người cư tang. Trừ ra cỗ quan tài là phải dùng ngân lượng để mua. Mọi người trông thấy, ai cũng xưng tụng là chuyện kỳ lạ. Ai cũng nói Long cô nương từ nay không phải lo nghèo túng nữa. Được vật báu hiếm có trên đời thế này, có muốn xây một cung vua, cũng dễ như chơi.
Nghe những lời như thế, Phi Long bất giác khai tâm, ngộ đạo. Nhưng dù sao, cô cũng cần tới mọi người giúp đỡ, nên đã nhờ họ mau mau mua về một cỗ quan tài, để tẩn liệm cho mẹ cô. Sau đó, linh cửu được quàn tại nhà giữa. Mỗi đêm cô đều thức canh, mỗi bữa ăn cô đều tế lễ, và mỗi khi tế lễ, cô lại khóc.
Tới ngày thất tuần, Phi Long lạy trước linh vị, khấn rằng :
- Hài nhi quyết trả thù cho mẫu thân. Con đi tìm kẻ thù đây. Mẹ ở dưới âm ti có linh thiêng, xin phù hộ cho con.
Nói rồi đứng dậy, đi tìm quả cầu, thò tay vào, móc ra một lưỡi dao nhọn. sắc bén, ra cửa đi ngay, chạy như bay tới nhà người bạn đồng môn đã đặt điều hủy báng mẹ cô, lớn tiếng kêu gọi đòi trả thù. Nào ngờ nhà đó là một phú hộ trong miền, nghe được tin Tú Xuân nhảy sông, Phi Long thời thường tuyên bố sẽ đâm chết kẻ thù nên đã dự bị trước. Chúng bỏ ra nhiều vàng, mời được hai vị dũng sĩ về bảo vệ, ra vào đều đi theo, không rời nửa bước. Hôm nay nghe nói Phi Long đã tới nhà, họ tiền bảo hai dũng sĩ ra đối địch. Thương thay Phi Long dẫu có túc căn, nhưng tử lúc đẻ tới giờ chưa từng tập võ, chỉ cậy một lòng hiếu thảo, không thèm quan tâm tới chuyện gì khác, hiên ngang mà tới. Nếu bàn về bản lĩnh, làm sao cô địch nổi hai dũng sĩ ? Mới giao thủ một lần, cô đã bị chúng đánh trúng thương hai chỗ. Cũng may, một trong hai người có chút thiên lương, không nỡ hạ độc thủ. Thấy cô bị thương, anh ta liền ngăn cản bạn mình, nói :
- Chúng ta nhận lộc của người chỉ cần bảo vệ ông ta khỏi bị hiếp đáp, là đủ rồi. Cô bé này quả thật là một hiếu nữ, chúng ta không nên đánh chết cô. Nếu hại mạng cô, ắt bị trời phạt.
Người kia nghe ra, cùng bạn mình khuyên nhủ Phi Long vài câu. Hai người lại giấu chuyện, không cho chủ nhà biết, đưa cô về nhà, còn biếu thuốc trị vết thương, để cô điều trị. Chuyện đó rồi cũng bị chủ nhà phát giác. Lúc hai người trở về, ông ta mắng cho vài câu lập tức đuổi việc, mướn hai người khác về giữ nhà.
Phi Long về tới nhà, nằm ôm quan tài, khóc lóc suốt một ngày một đêm, bất giác hôn mê, tay chân bải hoải. Trong lúc nằm thiêm thiếp bỗng nhiên cô nghe như trong nhà có tiếng người gọi to :
- Hồ Phi Long, sự phụ ngươi đã tới, sao không mau đứng dậy, ra đón ?
Phi Long tròng lòng đang ước mong tìm được danh sư, học lấy chút võ thuật, để đi hành thích lần nữa. Nghe câu nói, cô tưởng chừng như nhận ra giọng sư phụ, vội mở mắt ra. Chỉ thấy khắp phòng khói hương nghi ngút, có bốn đạo đồng, tám người hầu áo xanh, mười sáu Hoàng cân lực sĩ. Bên ngoài chợt nghe tiếng nhạc tiên du dương. Mọi người đứng vây quanh một ông tiên, tay cầm kiếm báu, chân đạp lên một bông sen, dáng vẻ vô cùng trang nghiêm. Phi Long hốt nhiên nhớ lại, vị tiên sư này trông quen quen, dường như đã gặp ở đâu nhưng không nhớ rõ. Không quan tâm tới chuyện đó nữa, cô lết đầu gối, bò tới gần bên chân tiên ông, dập đầu lạy, vừa khóc vừa nói :
- Xin tiên sư cứu con ! Xin sư tôn cứu con !
Tiên ông bảo cô đứng lên, mỉm cười nói :
- Ngươi đã gặp ta ở đâu ? Còn nhớ nổi không ?
Phi Long gợi trí nhớ hồi lâu, vẫn không nhớ ra. Tiên ông thở dài một tiếng, nói :
Xa nhau chưa bao lâu, mà sao ngập sâu vào ma chướng đến thế ?
Nói rồi, bảo đạo đồng lấy ra một tấm gương nhỏ, đưa cho Phi Long tự soi lấy. Phi Long phủ phục dưới đất, hai tay nhận lấy tấm gương. Nhìn vào gương, liền thấy hiện ra sự việc ở Thất lý lung tiếp nối nhau xảy ra : từ lúc ở dưới vực sâu tu luyện thành thân rồng, cho tới lúc Hỏa Long chân nhân đưa hồn rồng đi đầu thai, sau đó chân nhân hóa thành đạo cô, tới đỡ đẻ cho Phi Long, nhặt lấy hạt châu nhỏ, bỏ vào trong miệng.
Phi Long nhìn trong gương, hốt nhiên tỉnh ngộ, dập đầu lạy bôm bốp. Chân nhân nhả trong miệng ra một vật, nói :
- Đồ chơi hiếm có này, ta trả lại cho ngươi đây.
Phi Long nhận lấy, thấy vật đó chiếu sáng lấp lánh, nhỏ như hạt đậu xanh. Phi Long nhớ lại, nhận rõ đó là viên thần châu, tức là long đan mà kiếp trước là rồng, cô đã luyện được. Cô lập tức bỏ vào trong miệng, nuốt đi. Chân nhân lại lên tiếng :
- Hãy vào coi thử xem cái vỏ xác của ngươi có còn ở chỗ cũ hay không ?
Cô vào nhà trong, mở thùng gạo nhìn thử. Lạ thay, trái cầu lớn như thế, biến đi đằng nào chẳng rõ. Cô trở ra, bẩm lại với chân nhân. Ông phì hơi, nói :
- Đã có của thật, còn cần gì của giả đó nữa chứ ?
Phi Long cảm thấy lòng dạ vô cùng sáng suốt. Chân nhân cả mừng, nói :
Từ hôm nay ngươi đã công thành hạnh mãn. Người và tiên hai giới, mặc sức ngươi rong chơi. Chẳng bao lâu còn có sắc chỉ của Ngọc đế ban xuống, cho ngươi và lão long ờ Tây phương phối hợp thành vợ chồng, cả hai cùng nhận chức tước, sinh ra con đàn cháu đống, thống trị bốn biển. Ta còn sợ ngươi pháp thuật quá ít, chẳng khỏi thần tiên chê cười nên hôm nay ta sẽ dạy cho ngươi ngũ hành độn pháp, và ba mươi sáu cách biến hóa, cùng các phép vời thần khiến tướng, đuổi tà trừ yêu. Ngươi sẽ có thể ra vào chốn u minh, lên trời xuống đất, chu du bốn bộ châu, tới lui những chỗ núi non, tùy ý tiêu dao, chẳng gì ngăn cản. Đợi khi ngươi nhận sắc mệnh, ta lại dẫn người đi triều bái Ngọc đế, Nguyên Thủy, Lão Quân tổ sư, cùng các đại kim tiên. Lại có sư thúc của ngươi, là Phiếu Diểu chân nhân, tức là sư phụ của lão long ở Tây Hải, hiện đang truyền thụ nhiều pháp thuật cho lão long để sau này hai người thành vợ chồng, không bên nào kém bên nào. Ngươi nên luyện tập cho tốt, để hết tâm trí vào, đừng phụ lòng kỳ vọng của ta.
Phi Long lại vái lần nữa, nói :
- Đệ tử đội ơn sư tôn, rộng lớn như trời biển, há dám không dụng tâm luyện tập ? Sư tôn đã thành toàn cho, đệ tử chẳng dám phụ lòng. Hỏa Long chân nhân cười, nói :
- Ngươi hiểu và thì tốt rồi. Thầy trò ta gặp nhau, kể là có duyên, chẳng cần phái quá cãm kích. Nhắc tới việc thành toàn làm chi ? Tóm lại một lời, nếu ngươi biết tự trọng, đã là biết ơn ta.
Phi Long khấu đầu, nhận lời chỉ giáo. Chân nhân ngồi bên trên, nhắm mắt, không nói. Những người đứng hầu cùng giữ yên lặng.
Suất đêm hôm đó, những nhà ở gần đó chừng trăm dặm, ngửng nhìn lên đều có thể thấy trên nóc nhà nhà họ Hồ có mây ngũ sắc lửng lơ trên không trung, chiếu sáng tới bên dưới. Lại có một mùi hương lạ, sực nức.
Gần thôn làng, ai cũng biết nhà họ Hổ có tiên giáng phàm. Nhiều người to gan mò tới tận gần nhà để thăm dò. Có người mộ đạo tin tiên cho rằng nếu là thần tiên xuống hạ giới, ắt có thụy khí ánh sáng lành, tự nhiên nảy lòng cầu xin phổ độ, phải tới tận nơi đã xem cho rõ. Trong một đêm, người khắp nơi kẻo về tụ tập, không dưới số trăm, ồn ào cho tới canh năm. Ai nấy đều thấy rõ mây ngũ sắc và mùi hương lạ phát ra từ nhà họ Hồ. Có người ở ngoài hàng rào, nhìn Đông ngó Tây, có người leo lên cây nhìn xuống, nên chẳng trách mỗi người nhìn một kiểu. Có người quả quyết nhìn thấy người tiên ngồi trên cao giảng đạo, trong khi các đệ tử ngồi xếp hàng bên dưới nghe kinh. Có người nói trong nhà hoàn toàn yên tĩnh, không một tiếng nói, quanh nhà có rất nhiều hổ báo, voi, sư tử, đi tuần tra để bảo vệ. Lại có người nói là nhìn thấy một con rồng rất lớn, nằm phục dưới chân thần tiên, để nghe giảng đạo. Mỗi người kể một cách, chẳng ai giống ai. Thật ra sở kiến của những người đó đều không sai, chẳng qua căn cơ của họ không giống nhau, duyên phận có nông, có sâu, cho nên sở kiến của họ mới phân ra gần và xa, trong và ngoài, khác nhau vậy.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện