[Việt Nam] Sừng Rượu Thề

Chương 4 : 4

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:24 10-09-2018

.
Không phải đợi đến thời Bạch Cư Dị bị biếm làm Tư Mã đất Giang Châu viết nên khúc tì bà hành, người khách thương của đất Trung Nguyên mới bước chân vào văn học. Mà trước đó, vào thời Tư Mã Thiên viết bộ sử ký, thì bóng dáng lái buôn họ Lã tên Bất Vi đã xuất hiện với một vụ buôn lớn hiếm có. Món hàng buôn bán là cả một ông vua và cả một đế quốc phong kiến mênh mông… Đã từ lâu, trước khi bước vào văn chương và sử sách, những lái buôn người Hán của đất Trung Nguyên đã giong buồm phiêu bạt khắp dọc sông hồ, hết tam Ngô bách Việt lại giong buồm đi đến những đất nước xa xôi… Họ vượt biển đến đảo Phù Tang, vượt biển đến vương quốc Quả Oa, vượt biển để thầy Đường Tăng sang Tây Tạng lấy kinh, họ bám đuôi lạc đà thồ hàng đi xuyên “nóc nhà thế giới” sang tận đất Ba Tư mua thảm nổi tiếng của thành Bát Đa, rồi lại lần ngược dấu ngựa Hung Nô để đi qua sa mạc Gô Bi buôn lông cừu và da ngựa… Những khách thương người Hán vẫn tự cho mình là kẻ dám buôn tận gốc bán tận ngọn… Họ đã đi, nhưng họ không ngờ đã có những lái buôn nước ngoài đã đến tận nước Trung Hoa, mở mang việc giao thương buôn bán… Đó là những lái buôn của các vương quốc mới giành được độc lập, mới lập quốc của phương nam, những lái buôn Giao Chỉ rồi Đại Việt, lái buôn Chiêm Thành, lái buôn Lão Qua, lái buôn Lục Chân Lạp, Thủy Chân Lạp, lái buôn Quả Oa… Triều đình của các vua nhà Hán bao giờ cũng có thói quen lấn lướt mọi người láng giềng, vì họ chia thế giới ra làm hai phần. Phần đất của họ, họ coi là Hoa, là Trung Nguyên. Ngoài phần đất của họ, họ coi là di, là man, là mọi rợ. Cái triết lí Hoa, Di đã trở nên cái triết lý dân tộc của người Hán… Họ không coi bất cứ cái gì không phải là Hoa mà lại có giá trị và đáng tôn trọng cả. Đếnn ước láng giềng buôn bán thì họ lần mò tới tận kinh đô lên tận miền biên thùy xa nhất, miễn là ở đó họ cất được những món hàng có lãi. Nhưng họ lại không bằng lòng để cho bất cứ nhà buôn nước ngoài nào đến buôn bán tận kinh đô nước mình. Vì lẽ ấy họ lập ra những bạc dịch trường ở vùng gần biên thùy. Bạc dịch trường là những thứ chợ giao thương có tính chất cổ sơ. Tại đó, những thương nhân nước ngoài được phép mang hàng đến để buôn bán với các thương nhân Trung Hoa từ các vùng trong đất Trung Nguyên mênh mông kéo về. Khâm Châu là một châu biên ải nên cũng được mở một cái chợ giao thương buôn bán với các lái buôn của các vương quốc lân bang. Chợ không được đặt trong thành mà phải đặt ở một trạm trường đình ven ngoại bên bờ sông Tây Giang, nhà trạm ấy được gọi là trạm Giang Đông nên bạc dịch trường Châu Khâm cũng được gọi là bạc dịch trường Giang Đông. Nơi đây các lái buôn Ngô Việt, Ba Thục, Tứ Xuyên, Tô Châu thường mang các hàng hóa sản vật của vùng quê mình đến và đóng trại để chờ khách thương nước ngoài đến buôn bán. Họ xây những thương điếm trên bờ chứ không tạm bợ trên các con thuyền hay cắm tạm những lán trại. Nhiều lái buôn muốn đón những món hàng quý, còn lập các cơ sở làm ăn trường kỳ tại bạc dịch trường , sai gia nhân buôn bán lặt bặt để tự túc cái ăn cái ở suốt thời gian đóng lại thươn điếm. Bạc dịch trường Giang Đông Khâm Châu chủ yếu mở ra để đón lái buôn người Đại Việt mà các nhà buôn Tống triều quen gọi là lái Giao Chỉ. Các lái buôn Giao Chỉ thường đi thuyền vượt biển sang đây buôn bán. Không kể dân bản địa hai bên biên giới, mang các sản vật địa phương sang đổi chác bình thường còn phàm những chuyến hàng buôn lớn đều phải có xin tín bào hai bên quan trấn ải. Khách thương của ta muốn qua bên ấy phải xin viên quan coi châu Vĩnh An là tướng trấn biên thùy Đại Việt cấp tín bài và gửi thư sang cho quan trấn ải Khâm Châu. Được thư cho phép, khách thương phải được quan tuần cửa biển Khâm Châu kiểm chứng vào tín bài và bản khai hàng hóa rồi mới được vào sâu trong sông Tây Giang để đến bạc dịch trường Giang Đông. Đến buôn bán ở bạc dịch trường này còn có lái buôn các nước khác, các vương quốc lân bang. Cũng có khi không chỉ có khách thương mà triều đình nhà Lý cũng cử cả sứ sang đây lo việc buôn bán đổi chác lấu đồ quốc dụng cho nhà nước. Các lái buôn người Đại Việt đến đây thường chở theo vàng bạc, đồ đồng, trầm hương, thục hương, trân châu, ngọc trai, ngà voi, sừng tê và các sản phẩm nhiệt đới… Còn các đại thương người Tống ở đất Thục mang gấm Tứ Xuyên, kẻ ở Tô Châu mang lụa rực rỡ các màu, kẻ ở Giang Tây mang đồ sứ, kẻ ở Hồ Nam chở đồ da thuộc, kẻ ở Thiểm Tây mang áo trìu, kẻ ở Hồ Bắc mang các loại thuốc quý, lái buôn mạn Hắc Long Giang thì mang sâm Cao Ly… Vốn của các lái buôn từ ngoài đến đây, nhất là các lái buôn Đại Việt rất lớn, mỗi chuyến hàng trị giá có đến hàng ngàn quan tiền. Nhưng hồi đấy việc buôn bán giữa các quốc gia khác nhau không hề có trao đổi qua tiền tệ. Vàng hay bạc cũng không được coi là một thứ vật ngang giá để có thể mua tất cả mọi thứ. Các lái buôn thường mang hàng của mình ra, gặp các lái buôn có hàng khác mà cả hai bên cùng cần trao đổi. Họ để hàng của mình ở bên tả và bên hữu án thư của quan bạc dịch trường rồi thương lượng trao đổi. Ngay cả lái buôn buôn vàng bạc, tiền tệ cũng phải làm như vậy, ở bạc dịch trường này thì vàng bạc thậm chí cả tiền tệ của các vương triều khác nhau cũng chỉ được coi như một thứ hàng mà thôi. Cả hai bên nhìn vào hàng, không tính giá trị hàng ở tại chợ, mà lượng tính giá trị hàng ở nơi mình mua và nơi mình sẽ mang về bán, tức là ở tận gốc và tận ngọn để mặc cả cùng nhau. Cứ thế cò kè bớt một thên hai, anh đổi hai tấm lụa Thục lấy một cái sừng hươu, còn tôi thì có một trăm đồ gốm Giang Tây vẽ màu nung kỹ, cần có hai chục cân trầm hương loại hảo hạng… Không có một giá cả nhất định nào cả. Nhưng lời hứa lại trọng hơn cả hàng hóa và tính mạng. Vì nếu mặc cả xong rồi, hai bên đã bằng lòng trao đổi theo một cái lệ nào đó mà hai bên thống nhất với nhau, thì không ai được thương nghị với người khác nữa. Đó là một thông lệ của bạc dịch trường mà ai ai cũng phải theo. Giá của người đầu tiên đã mặc cả, gọi là đã ngã giá thì trời đất quỷ thần cũng không bằng nữa. Người thứ hai đến sau khi ngã giá cao gấp chục lần, trăm lần cũng không được bán. Chữ tín của nhà buôn nặng hơn lòng trung nghĩa của các bậc đại nho, và nặng hơn cả trinh tiết của đàn bà. Cái lệ buôn bán tại bạc dịch nó là như thế. Nhưng lòng trung nghĩa của các bậc đại nho và trinh tiết của các cô gái phải có cương thường bảo vệ mới giữ được, thì cái lệ ở bạc dịch trường cũng có sự bảo vệ cái giá đã định bằng miệng với nhau. Khi hai lái buôn đã ngã được giá đổi chác, họ phải mang đến một viên thị lang chuyên coi việc đo lường cân lạng. Và hàng đổi chác phải để lại ngay ở phủ đương của quan. Lái buôn nào có manh tâm chạy làng đều có nguy cơ bị mất trắng tay. Quan bạc dịch trường sẽ tịch thâu chia làm ba phần. Một phần trả cho người đã đặt giá mua được để bù lại sự thiệt hại trong buôn bán. Một phần giữ lại vào kho của bạc dịch trường, còn một phần nộp lên triều đình cùng các thứ thuế rất nặng. Quan thuế ấn định theo giá cả của người Tống không liên quan gì đến vật đổi chác, và do các quan định. Các quan có thể định giá một cân trầm hương giá là một trăm quan, thì cứ một quan các quan ra lệnh thu ba mươi đồng tiền. Khi đoàn ngựa thồ của Lý Chăm dừng lại ở của của bạc dịch trường để trình tín bài thì các ông chủ của phạn điếm, tửu điếm cao lâu đã ùa ra quây lấy vị khác phương nam giàu có này. Nhiều người còn nhớ mặt Lý Chăm từ các lần viễn thương đến đây những năm trước. Họ tranh nhau gọi Lý Chăm là đại gia, và mới mọc ân cần ráo riết: - Kính chào đại gia, mời đại gia về nghỉ ở nhà của tôi. Tửu quan của chúng tôi không những có rượu ngon thịt béo mà lại còn có một dãy nhà trọ hết sức lộng lẫy… - Phạn điếm của chúng tôi giá cả rất phải chăng, lại có vòng tường cao bao bọc, tránh được mất mát suy suyển hàng hóa… Xin đại gia chớ bỏ qua… - Chắc đại gia chưa biết chúng tôi mới xây nhà lầu mở cao lâu, kén những con hát sắc nước hương trời từ mạn Giang Bắc về, đại gia không để tai thưởng thức ắt hẳn ra về đất Nam bang sẽ ân hận đời đời… Lý Chăm dửng dưng trước những lời mời mọc, dửng dưng trước sự tôn xưng cao quý của đám người đang vây quanh mình. Chàng cũng thừa biêt rằng họ đang thưa gửi những món hàng chất trên lưng đoàn ngựa thồ của mình chứ đâu họ có cần thưa gửi gì mình. Chàng mỉm cười, hất hàm gọi một người quen cũ: - Này Trương Tam, thương điếm của anh vẫn chưa có khách đến thuê đấy chứ? Người được gọi mừng quýnh lên: - Dạ … chưa có khách ạ… chúng tôi vẫn đóng cửa chờ đại nhân chiếu cố… Lý Chăm lại mỉm cười chàng biết thừa câu sau không phải là một lời nói thật. Số là thương điếm của Trương Tam không phải là thương điếm sang trọng, tuy được xây dựng với mục đích cho các lái buôn phương xa đến thuê mở cửa hàng buôn bán, nhưng đất của Trương Tam ở khuất phía sau bạc dịch trường, không tiện việc thương lượng buôn bán lắm. Chỉ được cái ở đấy kín đáo, dễ dàng bảo vệ hàng hóa của mình, lại có một tàu ngựa lớn, có sức chứa cả trăm con ngựa. Vì thế những lần trọ trước dù đi thuyền theo vùng vịnh Bái Tử Long ngược lên đây, lái buôn Lý Chăm đã để ý nhằm trước cái thương điểm của gã này rồi. Với con mắt nhìn xa, chàng đã tính trước rằng thể nào rồi cũng có lúc mình đến cái bạc dịch trường này bằng đường bộ và phải đi với một đoàn ngựa thồ rất là đông. Phải thuê cái thương điếm làm sẵn của gã Trương Tam thì mới giữ được bí mật cần thiết của nghề buôn bán. Lập tức trên nóc nhà thương điếm của Trương Tam phấp phới lá cờ ngũ hành khổ lớn có đề chữ “Lý đại gia thương nhân Đại Việt”. Gần một trăm con ngựa đã được tháo yên cương, dỡ hàng nặng buộc trong tàu ngựa lớn. Chiếc đèn lông phất lụa đỏ có đề chữ bằng mực nho lớn có ghi rõ “Lý đại gia thương nhân Đại Việt” cũng được treo ở cửa thương điếm. Một đội dũng thủ của bảo tiêu cục Mân Châu đã được Lý Chăm thuê ngay tại chỗ để canh gác vòng ngoài. Các dũng sĩ động Giáp canh gác vòng trong. Người của tiêu cục Mân Châu được cử đi mang danh thiếp báo tin hàng đã đến tất cả các thương gia Trung Nguyên và ngoài quan ngoại, cùng các thương gia các vương quốc đã có mặt trước tại bạc dịch trường này. Trong đó có cả danh thiếp xin yết kiến với quan bạc dịch trường để bàn việc thử lại thước, đóng lại cân thống nhất đo lường giữa hai nước của những vị quan người Việt đi theo đoàn ngựa thồ của Lý Chăm. Chỉ trong một phút chốc cả bạc dịch trường Giang Đông nhộn nhạo lên cả vì sự có mặt của các khách thương Đại Việt cùng đoàn ngựa thồ to lớn. Danh thiếp vừa gửi đi lập tức có danh thiếp của các lái buôn Tô Châu, Ba Thục, Biện Kinh, Giang Tây, Hồ Nam, Thiểm Bắc, Cao Ly, Quả Oa, Lộ Lạc… gửi đến hẹn ngày giờ mời đến dự tiêc… Cái lệ ở bạc dịch trường này là thế. Mọi việc giao thương là mang ra giữa chợ mà bán. Mà thường ngã giá hẹn những tiếng bạc lớn trong những bữa rượu, ngay trên chiếu rượu… Lái buôn Ba Thục được chính tay Lý Chăm ghi vào danh thiếp mời đến dự tiệc đầu tiên. Lý Chăm bảo Trương Tam rằng: - Người đất Tứ Xuyên Ba Thụ thích rượu nồng và dê béo… Các ngươi làm thịt dê cho ta nghe. Trương Tam cúi đầu vâng lệnh. Khi đại thương gia Ba Thục đến thì gia nhân của Trương Tam đã đi chợ mua dê về ngay trước của nhà khách. Cái lệ ăn cỗ dê là phải uống rượu bằng tiết dê còn nóng mới chảy ra từ mạch máu của con dê đang bị cắt tiết. Cái lệ ấy không có gì thay đổi được. Vì thế chủ khách vừa chia ngôi thứ xong thì tiếng dê kêu thét và tiếng gia nhân quất roi vào thân dê huỳnh huỵch. Dê là loài vật có một tuyến mồ hôi rất lạ. Xưa nay muốn làm thịt dê người ta phải đánh cho con dê toát mồ hôi ra rồi mới cắt tiết lột da. Đánh hàng khắc đồng hồ, người đánh cũng phải toát mồ hôi chứ chưa nó đến con dê. Vì thế làm thịt dê còn ầm ĩ hơn cả làm thịt một con hổ hay một con voi. Thấy tiếng ồn ã như thế, Lý Chăm bực bội lắm. Chàng xin lỗi khách rồi chạy ra sân, gạt đám đồ tể đánh dê ra và cao giọng truyền lệnh: - Các người bắt cho ta một con châu chấu ma… nhanh lên… Đám đồ tể người Hán nghe nói đến chuyện châu chấu, mà lại là châu chấu ma thì sững người hoảng hốt, chẳng hiểu ra sao cả. Lý Chăm quát lớn thúc bách hơn: - Kìa, ta đã bảo mà... bắt cho ta một con châu chấu ma nhanh lên… nhanh lên… Thấy sự lạ, những kẻ lái buôn rỗi việc tại bạc dịch trường này xúm lại xem. Bạc dịch trường là nơi buôn bán lớn vì thế việc buôn bán không thể ào ạt xô bồ. Mọi việc cứ kéo dài từ ngày này sang tháng khác, có khi kéo dài hàng tháng. Có khi các lái buôn có hàng muốn trao đổi giá cả cùng nhau cứ mời nhau uống hết vò rượu này đến vò rượu khác mà cũng chưa thể nào ngã giá nổi. Vừa nhấp rượu vừa cò kè nâng giá giảm giá. Người Tống cậy là đất của mình nên thường hay găng giá. Họ sai người nhà của họ, sai cả những phu áp tải, những trạo nhi làm nhà buôn bán lặt vặt, kiếm củi đánh cá để tự cấp tự túc trong suốt thời gian chờ đợi cho đến khi ngã giá… Thời gian dài dằng dặc ở bạc dịch trường người ta chẳng có việc gì làm cả, nên hễ có chuyện lạ là người ta xúm đông xúm đỏ lại xem. Đám đồ tể đã mang về con châu chấu ma như lệnh truyền của thương gia Đại Việt Lý Chăm. Đám dân ăn không ngồi rồi sấn lại xem khi chàng thương gia nắm con châu chấu ma trong tay. Họ không bỏ sót một động tác nhỏ nào của người thương gia này và họ chờ đợi anh ta làm phù làm phép gì theo cách man di của nước anh ta. Nhưng anh ta chẳng biến hóa thần thông gì cả. Không biến con châu chấu ma thành con dao để cắt tiết dê, cũng không biến châu chấu ma thành con dê hay con lợn… mà anh ta cẩn thận nhét con châu chấu ma vào một bên tai dê, rồi nhặt một hòn sỏi bỏ vào tai bên kia của con dê. Xong đâu đấy, anh chàng gập hai cái tai dê lại đậy kín cả hai lỗ tai của nó, rồi rút cái khăn đen dài, bó chặt cả đầu dê tai dê lại. Con dê nhảy lung tung vùng vằng cố giật khỏi tay của người thương nhân, nhưng tay anh ta rất khỏe, anh ghì lại và buộc thật chặt. Khi buộc xong chàng lái buôn thả con dê ra. Con dê cứ thế nhảy lung tung, khi nghiêng cái đầu về phía này khi nghiêng cái đầu về phía khác; nhưng nó nhảy không lâu. Chỉ vài bước thôi là đã đứng lại. Bây giờ thì con dê chỉ có lắc đầu. Lắc đầu như điên. Kêu cũng như điên trong cái khăn buộc kín… Nó lắc đầu và kêu đến toát mồ hôi đầm đìa như mưa. Chỉ trong giây lát mồ hôi đã xuất hiện ướt đầm bộ lông dê rất dày của giống dê rừng đất Bắc. Đến lúc đó Lý Chăm mới giảng giải: - Việc gì phải đánh đập con dê cho nhọc sức mình. Cứ như thế này có phải nhẹ nhàng không nào. Người khách thương Ba Thục từ nãy đã bỏ chiếu rượu ra xem, bèn hỏi rằng: - Ngài làm thế nào mà con dê cứ đứng lắc đầu đến toát mồ hôi ra như thế. Có phải con châu chấu ma là một vị thuốc độc linh diệu hay không? Lý Chăm cười sảng khoái: - Làm gì có thuốc với men… Nguyên là tôi dùng con châu chấu ma còn cả đôi càng nhét vào tai con dê. Vào trong tai, vừa chật lại vừa nóng, con châu chấu sẽ đạp cẳng vỗ cánh lung tung trong lỗ tai của con dê. Con dê lắc đầu để tìm cách đẩy con châu chấu ra, lắc đầu thì ba hòn sỏi trong lỗ tai kia lại rung lên đập vào màng nhĩ… Cứ thế con dê sẽ lắc đầu cho đến toát mồ hôi, lắc đầu cho đến chết… Việc gì ta phải đánh cho nhọc sức? Rồi Lý Chăm quay lại viên đồ tể dặn rằng: - Nhà ngươi thắp một nén hương đem làm cữ… Khi nào hương cháy hết một nửa thì lấy nước lã dội lên con dê và cắt tiết vào bầu rượu cho ta, để ta mời đại thương đây uống thử trước…nghe… Tất cả những chuyện náo động đó trong bạc dịch trường Giang Đông không lọt khỏi con mắt xoi mói của tên lính thám mã. Hắn yên chí phóng ngựa ngược lại con đường về nhà quán xá Cổ Vạn phi báo rằng, tên lái buôn bị truy nã không hay biết gì và đã nằm yên trong cái bẫy. Quan trấn thủ Khâm Châu cũng đã được phi báo tin và lệnh truy nã rồi. Binh mã cũng đã sắp sẵn cả… Đêm nay sẽ khởi sự một lượt. Quân từ Khâm Châu, quân từ Cổ Vạn sẽ kéo về bắt gọn cả đoàn ngựa thồ và tên lái buôn nguy hiểm. Đó là lệnh của quan trấn thủ Khâm Châu… Lúc ấy chắc bữa tiệc với đại thương Ba Thục cũng vẫn chưa xong đâu… Quả thật bữa tiệc kéo dài đến quá nửa đêm… Chủ khách uống hết bình rượu tiết dê chuyển sang nhắm rượu với các món dê tái, dê bóp thính… Bữa cỗ thịt dê có rượu quý làm ngả nghiêng những người ngồi trên chiếu rượu… Đến giờ tí nửa đêm, có một gia nhân trong đoàn ngựa thồ ghé tai nói nhỏ với Lý Chăm: - Dạ thưa đại nhân, mọi việc đại nhân dặn đã khu xử xong đâu đấy rồi ạ… - Tiền bán ngựa đã thu được đủ chưa… - Dạ theo ý đại nhân đã thu bằng vàng… - Còn anh em gia nhân và áp tải… - Tất cả đã sẵn sàng chỉ còn chờ đại nhân nữa thôi ạ… - Còn hàng hóa… - Hàng hóa đã bốc xuống thuyền từ nửa đêm… nhưng tất cả các kiện đều nhét đầy rơm để lại… không ai nghi ngờ gì cả… Lý Chăm vẫy tay: - Cho người lui… bảo đợi ta… Đến giờ ấy, đại thương nhân Lý Chăm mới đòi Trương Tam sai người đi mời những ca kỹ nổi tiếng của Giang Châu đến hát múa góp vui… Bữa tiệc sang trọng lại thêm bề nào nhiệt… Đàn tì bà và giọng hát ngân nga của các ca kỹ vang đến tận ngoài nhà trạm, nơi đám kỵ mã của viên đô bảo giáp động Cổ Vạn đang điểm lại quân đội và binh khí… Đến lúc náo nhiệt nhất, lúc mà những thực khách say rượu chuếch choáng ngả nghiêng vì tiếng đàn nhịp phách, ngây dại vì sắc đẹp của các kỹ nữ Giang Châu, thì Lý Chăm mới đứng lên thưa rằng: - Đây tuy là thương điếm của đất Trung Nguyên, nhưng tôi lại là lái buôn Đại Việt… Vì thế tôi xin được xử sự như phong tục Đại Việt tại nhà của mình, dù nhà tạm ở nơi thương điếm này… Tục lệ của xứ tôi cứ vào lúc tiệc rượu đến phút tàn canh náo nhiệt nhất, bao giờ chủ cũng xin phép được tắt hết đèn nến trong một phần tư khắc, độ cháy tàn hết một nén nhang đen… Trong bóng tối ấy mọi tội lỗi sẽ được bỏ qua, mọi việc ai muốn làm cứ việc tùy thích… Chẳng hay tại đây tôi có được xử sự theo đúng lệ túc ấy được chăng? Lái buôn Ba Thục liếc cô gái đang gảy đàn tì bà mặt hoa da phấn mà cười với giọng khê nồng hơi rượu: - Cái tục lệ Đại Việt thế mà hay… tắt đèn đi… tắt đèn đi… Tiếng hô tắt đèn nhao nhao… Và lúc đó Lý Chăm mới cúi đầu ra ý nghe lệnh rồi nhẹ phất tay một cái. Tất cả đèn nến trong sảnh đường tắt phụt. Tiếng đàn hát cũng tắt luôn. Tiếp đó là tiếng giằng xé quần áo, tiếng cười khúc khích, tiếng thở hổn hển… Đèn tắt không ai nghĩ đến chuyện thắp lại nữa… Không ai để ý đến nén nhang làm cữ báo giờ giờ thắp lại đèn nữa… Mãi đến lúc tiếng vó ngựa vang động, hàng trăm ngọn đuốc vây quanh thương điếm thì đám người mê mệt trong sảnh đường mới choàng tỉnh giấc mộng xuân… Viên đô bảo giáp động Cổ Vạn và quan trấn thủ Khâm Châu hét lính thắp lại đèn đuốc và gọi Lý Chăm ra hầu thì than ôi không còn một bóng người Đại Việt nào còn ở trong thương điếm này. Hỏi đến tàu ngựa, thì trừ con ngựa Chàm đã bị dắt đi từ lúc nào còn toàn bộ tàu ngựa gần một trăm con đã được bán đứt cho một lái buôn ngựa Hoa Nam. Hiện tên lái buôn ngựa cũng đang say ngất ngư trong sảnh đường. Giá mua ngựa hời, mà cô gái hắn ôm khư khư bên mình thì trẻ đẹp. Hỏi đến văn tự bán ngựa thì văn tự cũng đã có đầy đủ và được áp triện từ lúc nào rồi. Hỏi đến hàng hóa chất trong kho thì kiện nào kiện ấy còn chất đầy, nguyên vẹn, nhưng lục lại khám xét thì đó lại toàn là những kiện hàng giả, chỉ có vỏ bọc là sang trọng, còn bên trong nhét toàn rơm… Cả một rừng đuốc theo tiếng vó ngựa tràn ra bến sông thì quan tuần Giang cho biết có một đoàn khách thương người Lôi Châu có đầy đủ tín bài đã kéo neo bốn chiếc thuyền đinh lớn, theo nước thủy triều xuống ra khơi. Đoàn thuyền Lôi Châu Vạn Hoa đã cắm neo ở bến này buôn bán từ hơn hai tháng nay… Việc họ nhổ neo theo con nước rã, họ đã xin với quan tuần sông và hà khẩu từ cả một tuần trăn nay rồi… Đêm nay họ đi… Hình như họ có mua được một con ngựa Chàm cao lớn và đưa xuống thuyền… Lái buôn Vạn Hoa Lôi Châu có nghĩa là lái buôn Đại Việt, vì tuy Lôi Châu trong bản đồ của nhà Tống nhưng gần với quần đảo Vạn Hoa là quần đảo biên ngoại của Đại Việt, phía trong nội giới, tính từ bạc dịch trường Vân Đồn của vương quốc này. Như thế là người Đại Việt đã cho thuyền và cho một lực lượng hộ tống rất lớn nằm sẵn ở đây để đợi thương nhân Lý Chăm… Họ đã nằm ngay trong cái bẫy giương sẵn để phá bẫy… Giờ khắc này con thuyền của Lý Chăm, và đoàn thuyền đó đã giương buồm vượt ra ngoài cửa khẩu. Họ đã biến thành những con thuyền chiến hùng mạnh, bất kể thuyền cướp biển hay thuyền quan quân cũng khó lòng mà trấn áp được họ… Đoàn thuyền đó nhằm phía cửa sông Bạch Đằng vào nơi hội lưu của sông Lục Đầu…. Một tuần trăng sau đoàn thuyền đã ngược sông Như Nguyệt đỗ lại ở bến Chờ. Tại đây, những thủ lĩnh của động Giáp đã hạ trại ở bờ bắc để đón hàng về. Tù trưởng trẻ tuổi Thân Cảnh Phúc đã chờ ở trại quân bên bến Chờ suốt một tuần trăng này. Các đồ sính lễ quý báu của dân động núi đã sẵn sàng, cả những vật thu được trong chiến công đánh thăm dò sang đất Tống cũng đã đóng thành kiện: những áo giáp, những cờ lệnh của quân Tống mà Cảnh Phúc lấy được; chỉ còn chờ thêm những gấm Ba Thục, những lụa Tô Châu, những đồ sứ Giang Tây, và biết bao sản vật khác mua từ đất Tống để cho đồ sính lễ thêm phần huy hoàng long trọng. Chứng tỏ rằng tù trưởng động Giáp đi làm phò mã triều đình nhà Lý cũng không kém gì những bậc vương giả tận bên Tống triều cưới vợ. Thuyền vừa thả neo trên bến, lập tức có người đến tìm thương nhân Lý Chăm lên gặp tân phò mã… Trại của châu mục của tù trưởng động Giáp là trại dựng bằng các tấm da hổ ken lại thành những tấm lớn, bọc khung lầu bằng bạc. Điều đó chứng tỏ sự hùng mạnh của động Giáp. Sự thực động Giáp là một động lớn nhất trong các khê động vùng biên thuỳ phía bắc. Không những lớn mà lại là một trọng trấn ngoại biên. Vì động này vừa gần kinh đôn Thăng Long, vừa nằm trên con đường tiến quân thuận lợi nhất từ biên cương nhà Tống vào thẳng kinh thành. Động Giáp phía bắc tới ải Chi Lăng, phía nam bao bọc cả một vùng Lạng Châu, Thượng Châu. Ăn thông đến bờ bắc của sông Như Nguyệt. Cầm đầu động này là một dòng họ nhiều đời cha truyền con nối giữ quyền trượng và bảo kiếm của người tù trưởng. Người đó vốn họ Giáp. Dòng họ Giáp vốn là một dòng họ sản sinh những võ tướng rất giỏi đánh rừng núi. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, thì tù trưởng động Giáp là Giáp Thừa Quí. Lúc bấy giờ Giáp động còn nằm trong các khê động còn chưa thuần phục hẳn vào nước ta. Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long, nhiều người đã có ý can ngăn vì tù trưởng động Giáp Thừa Quí rất mạnh. Lại có sự xúi giục của các biên thần nhà Tống đang nhăm nhe bành trướng xuống phía nam. Từ động Giáp khởi binh thì chỉ trong vòng một ngày ruổi vó ngựa là tràn đến trước sông Cái, ngay chân thành Thăng Long. Chỉ cần một mình quân của động Giáp thôi, kinh thành Thăng Long cũng đã lâm vào thế lao đao nguy hiểm. Nhưng mặc cho nhiều người lo sợ khuyên can, Lý Công Uẩn vẫn quyết dời đô về Thăng Long mở rộng địa bàn cho đất nước. Định đô xong, việc đầu tien Lý Công Uẩn mang đại binh lên động Giáp. Giáp Thừa Quí thấy binh lực của nhà Lý hùng cường, tấm lòng của Lý Công Uẩn lại nhân hòa, không có ý đe dọa thôn tính mình, nên đã bằng lòng quy phục. Lý Công Uẩn bèn gả con gái mình cho Giáp Thừa Quí, và ban cho Thừa Quí họ mới, là họ thân vương. Từ ấy giòng họ Thân ra đời, cha truyền con nối làm châu mục giữ chức thân vương. Con trai của Thân Thừa Quí là Thiệu Thái nối nghiệp cha là thân vương châu mục động Giáp lại được vua Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương cho. Không những thế Lý Thái Tông còn mở rộng đất đai Lạng Châu cho phò mã Thân Thiệu Thái. Con phò mã Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc, hiệu là Đạo Nguyên lại được kén gả cho công chúa Thiên Thành là con gái đầu lòng của vua Thánh Tông… Nhưng vua Lý Thánh Tông băng hà đột ngột, nên đám rước vu qui tạm hoãn ít ngày. Theo lệ của các triều đình có khi phải lùi lại ba năm cho mãn hết tang cha. Khi vua Nhân Tông lên ngôi, bà Thái phi Ỷ Lan lên nhiếp chính, Tiết chế Lý Thường Kiệt là Tể Chấp; việc cưới hỏi lại được tiến hành gấp ngay. Quan Tể Chấp Lý Thường Kiệt cho rằng: - Việc cưới hỏi của các bậc vương giả không phải là việc tầm thường mà phải lụy vào đạo nho. Đây là việc quốc gia đại sự. Vì việc giữ giường mối của biên cương đất nước nên ta không nên nệ vào chuyện tang chế mà đình hoãn… Ỷ Lan phu nhân bằng lòng với quan Tể Chấp và đã cho gọi Thân Cảnh Phúc về triều, định ngày làm lễ vu quy cho công chúa Thiên Thành. Nhân gặp Thân Cảnh Phúc, Thái phi dạy rằng: - Dòng họ Thân nguyên xưa là họ Giáp, đã được giữ đạo thân vương nên Thái Tổ triều ta ban cho họ Thân. Nhưng tại sao động của con lại cứ gọi là động Giáp. Thân Cảnh Phúc thưa: - Tên gọi ấy đã có từ lâu đời… Có lẽ vì động của con ở nơi giáp nam giáp bắc. Nam giáp Lý Triều, bắc giáp nước Vạn Xuân Đại Lý cũ. Bộ tộc con ngày xưa không có họ. Là người động Giáp thì gọi là họ Giáp, tức là họ của người đứng chủ tên động mà thôi. Ỷ Lan phu nhân ngẫm nghĩ rồi truyền rằng: - Trước thì gọi là động Giáp cũng có lý… Nhưng nay dòng họ của người là dòng họ thân vương, hơn nữa, tất cả đất đai đều nằm trong cõi bờ Đại Việt, nên gọi là Giáp không đúng. Nay ta ban đổi một tên mới, hợp hơn, chẳng hay con thấy thế nào. - Bẩm xin lệnh bà cứ nói, con xin cúi đầu chịu ơn. - Được, từ nay, ta thấy nên gọi vùng con đóng giữ nối đời đời truyền cho cháu dòng họ thân vương là động Kép. Kép là ghép đôi tỏ rằng đời đời người động Kép ghép đôi với triều đình. Thân Cảnh Phúc đã dâng lên bà Thái phi nhiếp chính Ỷ Lan một đôi chim công trắng để tỏ lòng biết ơn triều đình ban tên mới cho động của mình. Từ ấy vùng đất cũ của dân động Giáp được gọi là vùng Kép. Điều này khi lên hầu tân phò mã Thân Cảnh Phúc, lái buôn Lý Chăm mới được biết. Vừa bước vào lều trại của phò mã Thân Cảnh Phúc, lái buôn Lý Chăm đã nghe thấy tiếng hỏi nôn nóng: - Thế nào, tất cả thứ sản vật ta dặn, ngươi có mua về đủ không? Người nói câu đó chính là phò mã Thân Cảnh Phúc. Lý Chăm ngước mắt trông lên thấy một trang nam nhi anh tuấn ngồi trên một chiếc ghế tréo bọc da cọp vằn. Lý Chăm vội thưa: - Bẩm phò mã thân vương, hàng Lý Chăm này sắm suốt dọc các bạc dịch trường lớn khăp miền Hoa Hạ, sang trọng đến mức mà nếu đám cưới của công chúa con vua Tống Thần Tông có mở ra ngay ở đây cũng chẳng thể nào sánh bằng đám cưới của phò mã và công chúa Thiên Thành triều Lý đâu. Phò mã Thân Cảnh Phúc hể hả: - Ta vừa nóng ruột vừa lo cho nhà ngươi… Thôi sai bọn gia nhân bốc hàng lên ngay bến Nam Ngạn, ta sẽ làm lễ xuất phát về kinh ngay bây giờ. Tất cả các đồ sính lễ của ta đã chọn sẵn đủ rồi, chỉ chờ có các vật sản phương bắc mà nhà ngươi mang về nữa là đủ… Lý Chăm vội thưa: - Bẩm lời phò mã truyền bảo tôi đã sai gia nhân làm ngay trước khi đến đây hầu phò mã… Nhân đây tôi xin tỏ lòng biết ơn sự chu đáo của phò mã, tuy ở trong nước mà lo cho kẻ bôn ba ngoài vạn dặm. Phò mã Thân Cảnh Phúc xua tay: - Đừng có cảm ơn ta, ta không có cái công to lớn ấy đâu, công của ta chỉ là thu xếp việc, còn người khu xử mọi việc như thần là quan Tể chấp Lý Thường Kiệt… Người đã đoán biết ngươi sẽ bị lộ, nên đã sai ta kén trạo nhi và tay chân thân tín giả làm lái buôn Vạn Hoa đến đón trước ở bạc dịch trường Giang Đông… - Thế thì tôi phải đến trước mặt quan Tể chấp để cúi đầu tạ ơn cái ơn cứu mạng lớn lao này… - Quan Tể chấp rất mong gặp nhà ngươi… Vừa đây Người sai đưa thư cho ta nhắn ta rằng, nếu nhà người về phải bảo nhà ngươi đến ngay dinh của Người tại Thăng Long… để hỏi chuyện… Người cũng đang muốn hỏi cả chuyện đánh sang nước Tống để lấy đồ sính lễ của ta nữa. Lý Chăm cười hồ hởi: - Trên đường thiên lý kẻ thương nhân này cũng được nghe tin và thấy sự rung động của quân tướng biên ải nhà Tống trước cuộc hành binh chinh phạt của phò mã… Cuộc hành binh rung động chẳng khác gì cuộc hành binh của đức ông phò mã Thân Thiệu Thái năm xưa. Nhắc đến Thân Thiệu Thái, tức là nhắc đến võ công của cha mình, tân phò mã Thân Cảnh Phúc không khỏi cảm thấy hứng khởi, tự hào.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang