[Việt Nam] Sừng Rượu Thề

Chương 3 : 3

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:24 10-09-2018

Trong thời gian đoàn ngựa thồ hàng của khách thương Lý Chăm lang thang dọc theo những cửa ải, những man động miền Hoa Nam, chàng lái buôn không hay biết đang có chính biến lớn lao trong cung đình nhà Lý tại Thăng Long. Nguyên là vào tháng giêng năm Nhâm Tý, nghĩa là chỉ bốn năm sau đại thắng Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông đột ngột băng hà, hưởng thọ năm mươi tuổi. Vì băng hà đột ngột nên nhà vua không kịp để lại di chiếu. Nhà vua chỉ có một hoàng tử duy nhất lúc bấy giờ mới lên bảy tuổi. Tất nhiên hoàng tử được các đại thần tôn lên làm vua. Việc thái tử Càn Đức lên ngôi là việc hợp lẽ trời. Nhưng vì nhà vua lên khi còn quá nhỏ tuổi cần phải có người đứng ra giúp việc triều chính, giữ ngôi nhiếp chính, nắm mọi quyền bính trong tay. Vua chết bất ngờ nên quyền ấy mặc nhiên rơi vào tay viên quan đầu triều là tể tướng Lý Đạo Thành. Và điều lo ngại của vua Lý Thánh Tông những ngày hoang mang ở giữa kinh đô Phật Thệ hoang tàn đã trở thành sự thật. Lý Đạo Thành đã truất quyền phụ chính của mẹ đẻ ra Càn Đức, tức nguyên phi Ỷ Lan. Chỉ theo lệ thường phong cho Ỷ Lan là hoàng thái phi. Còn quyền bính trong triều giao vào tay nguyên hoàng hậu họ Dương, lúc này đã là Thượng Dương hoàng thái hậu. Mặc dù trước đây khi thay vua chấp chính việc nước để vua trẩy quân nam phạt Chiêm Thành, Ỷ Lan hoàng thái phi đã nổi tiếng là người đàn bà có tài trị nước. Trong triều ngoài dân dã ai ai cũng rằng nếu nhà vua có mệnh hệ nào thì người đứng ra trị nước phải là bà phi sắc sảo này. Ỷ Lan cũng tự tin như vậy. Hơn nữa Ỷ Lan lại được một viên quan tiết độ sứ kiêu dũng vốn là người thân quen từ trong nội cung là Lý Thường Kiệt trợ giúp. Nhưng cái chết của vua Thánh Tông quá đột ngột, mà vị lão thần Lý Đạo Thành lại là người cầm quyền nước rất thận trọng, nên mọi không diễn ra theo ý nghĩ của dân gian cũng như của bà phi sinh ra đứa thái tử nối ngôi. Ngay từ khi vua chớm mệt, Lý Đạo Thành đã thác mệnh vua hạ chiếu ra lệnh cho các quan hữu ty rằng, hễ có ai vào làm nhà dành riêng cho các quan ở chức đô tả hữu, không kể kẻ sang người hèn đều phải phạt tám mươi trượng. Lệnh này tưởng chừng bình thường nhưng thực ra là một thứ thiết quân luật vô cùng nghiêm ngặt, ngăn không cho các tướng sĩ quan triều gặp nhau tạo nhà riêng hay phủ đệ để bàn việc tranh cướp quyền bính, đảo chính trong cung đình. Lúc này uy đức của tể tướng Lý Đạo Thành trong triều rất lớn. Ông là một bậc lão thành đã có công phò tá mấy triều vua nhà Lý. Khi vua Thái Tông mới lên ngôi đã chọn ông làm thái sư. Ở ngôi tể tướng hai mươi năm, thanh thế trong triều của ông không ai bì kịp, quan lại các ty, quan đầu các phủ đệ đều do một tay ông cắt đặt. Là một bậc đại túc nho lại có lòng ưu ái đạo phật, ông chủ trương chính trị khoan hòa trái với cách cương cường của võ tướng Lý Thường Kiệt. Từ những năm bình Chiêm, ông đã không ưa việc gạt bỏ hoàng hậu Thượng Dương mà giao quyền bính cho bà nguyên phi của Lý Thánh Tông. Vì thế quyền bính đến tay ông là ông tôn bà hoàng thái hậu Thượng Dương lên trị nước, gạt viên võ tướng Lý Thường Kiệt sang một bên. Hai phe trong triều nhà Lý đã phân ra chiến tuyến. Một bên là tể tướng Lý Đạo Thành và và nhiếp chính Thái hậu Thượng Dương. Một bên là bà nguyên phi Ỷ Lan và quan thái úy Lý Thường Kiệt. Phe tể tướng và hoàng hậu đang vận động giành lấy toàn bộ binh quyền, đẩy Lý Thường Kiệt ra ngoài biên ải, ép Thái phi Ỷ Lan về lại Siêu Loại quê cũ và phải cắt tóc đi tu. Tin tức về việc tranh quyền giữa các phe trong triều Lý đã bị bọn thám tử là lái buôn người Hán lúc nhúc ra vào kinh thành Thăng Long biết được và mật tâu về kinh đô nhà Tống xin Vương An Thạch phát quân nam chinh, giành cái thế đục nước béo cò. Là một vị dũng tướng mưu lược có thừa, Lý Thường Kiệt thừa trí lực để đoán biết mối nguy cơ đang từng giờ từng phút đe dọa triều đình nhà Lý, ảnh hưởng đến sự an nguy mất còn của con dân nước Đại Việt. Bây giờ mà quân nhà Tống phát binh thì mối nguy hiểm như vực thẳm mở ra trước mặt. Trong triều quan chia làm hai phe, đang rình để tranh cướp quyền bính của nhau, quân mười sáu đạo cấm binh bị xé lẻ vì tể tướng Lý Đạo Thành sợ quân cấm vệ tập trung là mầm gây loạn. Khắp nơi các võ quan và quan trấn thủ ngơ ngác chưa biết theo ai. Giặc sang trong tình thế ấy thì làm sao có cách gì để huy động một đạo quân lớn cự địch. Nguy cơ mất nước đã hiện ra ngay sau một cuộc đại thắng rung động cả vòm trời nam này Trước mối nguy cơ to lớn ấy, Lý Thường Kiệt đã nghĩ đến chuyện dẹp bỏ mối thù trong để lo giặc nước. Ông hạ mình xin yết kiến tể tướng Lý Đạo Thành và xin vào hầu Thái hậu Thượng Dương. Nhưng cả hai cửa phủ đều đóng im ỉm trước mặt vị tướng đầy lòng yêu nước này. Phe của Thái hậu không chấp nhận một cuộc thương nghị nào vì sợ uy thế đang lên của vị thái úy vừa mang chiến thắng oanh liệt về cho đất nước, sợ lợi thế mẹ đẻ vua của Ỷ Lan nguyên phi. Phe của Thái hậu tiếp tục vận động những đạo cấm quân thuộc quyền mình nhằm ép Lý Thường Kiệt về hai châu Bố Chánh, Ma Linh xa xôi mới nhập vào bản đồ nước Việt xa cách hẳn việc triều chính, và đã đày nguyên phi Ỷ Lan về Siêu Loại, chỉ chờ ngày xuống lệnh bắt cắt tóc giam vào một ngôi chùa nào đó quanh vùng, một thứ ngục thất trá hình. Biết thương lượng không cứu vãn được nguy cơ, Tiết chế Lý Thường Kiệt hành động quyết đoán bằng một cuộc chính biến võ lực. Ông thu thập các vệ cấm quân trung thành với mình từ ngày mình còn là võ quan trong nội cung, kéo ngược lên bắc, đến Siêu Loại giải vây cho nguyên phi Ỷ Lan, rồi rước nguyên phi Thăng Long tiến thẳng đến kinh đô Thăng Long bằng một cuộc hành quân bất ngờ thần tốc. Tại đất Kinh Bắc, nguyên phi Ỷ Lan hạ chiếu chiêu tập các vệ sương quân. Chỉ trong một đêm cả kinh thành Thăng Long tràn ngập hai vạn quân từ miệt Kinh Bắc kéo về. Quân rải kín dòng sông, tràn vào tận thành nội. Đạo thủy binh từ miệt Hải Đông cũng ầm ầm giong buồn kéo lên. Là một văn chức đại nho, Tể tướng Lý Đạo Thành chỉ giỏi mưu mô trong màn trướng, trước bệ rồng chứ không lường trước cái thế thần tốc của kẻ từng nắm trọng binh lực toàn quốc trong tay như Tiết chế Lý Thường Kiệt. Vì lẽ ấy mà Thái sư đã bị vây hãm ngay trong phủ đệ của mình. Theo lệnh của Lý Thường Kiệt tất cả phủ đệ của các quan đều bị canh giữ nghiêm ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Lý Thường Kiệt lại dùng thân quân và quân thị vệ thân tín của mình tiến thẳng vào nội cung vây bắt thái hậu Thượng Dương. Xong đâu đấy, Lý Thường Kiệt mới đưa kiệu Thái phi Ỷ Lan vào trước sân rồng. Trông thấy vua Nhân Tông, Thái phi Ỷ Lan ôm mặt khóc thảm thiết: - Mẹ già đã mang nặng đẻ đau, rứt ruột rứt gan sinh ra con, lại khó nhọc nuôn con, bú mớm cho con nên người, mới có ngày nay. Bây giờ con lên ngôi cao, được hưởng phúc của tiên hoàng thì người khác giành mất chỗ của mẹ, con có biết mẹ bị người ta đầy ải thế nào không con? Nhân Tông lúc đó mới lên tám tuổi, vốn rất thương mẹ, nghe mẹ khóc lóc thảm thiết thì bất giác cũng khóc theo. Nhà vua bây giờ trở lại nguyên vẹn là cậu bé Càn Đức hiếu thảo. Cậu bối rối không biết làm cách nào để mẹ mình khỏi khóc thảm thiết. Biết vậy Thái úy Lý Thường Kiệt tâu rằng: - Bệ hạ cứ trao ấn cho mẹ đẻ là mẹ đẻ sẽ không còn phải khóc nữa… Nghe lời khuyên, hoàng tử Càn Đức vội lấy quả ấn vàng nặng năm cân mà cậu cứ phải vất vả đeo bên mình giao vào tay mẹ. Cầm quả ấn trong tay, lập tức như lời quan Thái úy, quả thật nguyên phi Ỷ Lan không khóc nữa. Bà bèn gạt nước mắt mà lấy giấy long ám trải ngay trên sân rồng, viết ngay chiếu chỉ của vua phong chức Tể chấp cho Lý Thường Kiệt. Viết chiếu phong chức Nhiếp chính Thái phi cho mình, rồi áp ấn trước và bảo con cầm bút ký vào. Muốn làm vui lòng mẹ, Nhân Tông ký ngay. Nhận chiếu chỉ sắc phong xong, Lý Thường Kiệt xin vua Nhân Tông hạ chiếu chỉ giáng chức nguyên tể tướng phụ chính Lý Đạo Thành xuống chức thị lang. Chiếu chỉ thảo chưa ráo mực đã có một đạo quan túc vệ trực sẵn để thi hành. Nhưng lúc đó, chính tể tướng Lý Thường Kiệt cũng không biết định địa phận lưu đày ở châu nào? Thấy Lý Thường Kiệt bối, Ỷ Lan nhắc một cach nghiêm khắc: - Oai thế của Đạo Thành ở đây lớn lắm, không thể để ông ta ở gần được… Lý Thường Kiệt do dự: - Nhưng không thể đày ông ta lên vùng khê động, vùng đó lúc này đang có biến. Bất cứ lúc nào người Tống cũng có thể động mã binh lấy cớ giúp vị lão thần mà tấn công ta. - Sao không đưa ông ta vào đúng cái chỗ mà ông ta đang có ý đày người tới - Đưa ông ta đến vùng đất mới từ Bố Chánh, Ma Linh đến châu Địa Lý ư… Như thế không được… Chúa Chiêm Thành biết ta có biến tất kéo quân ra cấu kết với Lý Đạo Thành… Thôi chỉ còn đất Hoan Diễn mênh mông là nơi giữ chân vị thị lang này, vừa là nơi Đạo Thành chưa tỏa được uy lực đến, vừa nằm sâu trong nội địa, kẻ ngoài biên không dễ dàng vào can thiệp được Và lời bàn đó thành chính lệnh. Một giờ sau đạo quân túc vệ đã đưa Lý Đạo Thành xuống thuyền giương buồm nhằm thẳng ra cửa bể rồi từ cửa bể lại đổ vào cửa Lạch. Cũng ngay lúc đó, cung Thượng Dương vốn là cung riêng của Thái hậu biến thành một thức ngục thất vàng son. Trong nhà ngục này giam thái hậu cùng bảy mươi hai người gồm các bà phi cùng cung tần thị nữ. Cuộc chính biến được khép lại chỉ trong vòng một ngày một đêm, nội trong vòng thành kín đáo của cung đình. Lý Thường Kiệt bằng lòng vì mọi việc xảy ra êm ả. Không một làn phải để tay rút gươm ra khỏi bao. Không có cảnh đầu rơi máu chảy. Ỷ Lan nhiếp chính hoàn thái phi cũng trút một hơi thở dài mãn nguyện, nắm trọn quyền bính nội cung trong tay. Nhưng mọi chuyện đã không êm ả thuận chiều như mong muốn của nguyên phi nhiếp chính mới. Tuy tể tướng bị đi đày, Thái hậu Thượng Dươn bị giam trong điện Thượng Dương, nhưng các quan chức vào tướng tá thuộc phe của hai người còn ở trong ngoài đo, trong thành ngoài các trấn. Khắp nơi nghe tiếng gươm khua giáo động. Hàng ngày thám bào của phủ Tiết chế đưa về những tin tức chẳng lành. Chỗ này anh em Thái hậu họ Dương đang lo chiêu tập binh mã dựng cờ dấy loạn, nơi kia những thuộc cấp cũ của tể tướng, những học trò cũ của vị đại nhô một lần đã làm tể tướng tại triều suốt mười tám năm, đang gấp rút liên lạc với nhai hợp quân kéo vào Hoan Diễn để cứu Lý Đạo Thành đưa về Thăng Long giành lại quyền nhiếp chính. Cả một vùng châu thổ sông Nhị Hà rung động như sắp nổi cơn động đất. Mây đen kéo kín kinh thành Thăng Long. Nguy cơ của một cuộc tranh chấp nội chiến nồi da nấu thịt tàn khốc tưởng chừng không thể nào tránh khỏi. Ngoài biên thùy phía bắc, các tù trưởng khê động liên tiếp bị các sứ giả của triều Tống đến thăm hỏi vừa đe dọa, vừa mua chuộc, vừa kiềm chế. Đã có một tù trưởng châu Đặc Ma trở giáo xin thuần phục nhà Tống. Nếu ở trong triều và vùng bản địa núng động thì các phên giậu biên thùy sẽ lung lay tan rã. Tấm áo phòng thủ sẽ rách nát. Là một võ tướng cầm quân, Lý Thường Kiệt biết rằng trong cái mớ bòng bong của chính sự này thì lòng người sẽ ly tán và các đạo quân vì thế tan rã, nếu tướng khâm sai kiểm hiệu của vùng Điền Quế chỉ cần nhanh trí mà liều mạng cất vài mươi ngàn quân điều động ngay trong hạt mình thôi thì cũng có thể dễ dàng tiến đến Thăng Long không gặp quá nhiều trở ngại. Và triều đình nhà Lý có nguy cơ bị tiêu diệt. Đất nước lại chìm vào bóng đêm của ngàn năm Bắc thuộc vừa mới qua khỏi. Nước ta lại biến thành quận huyện như người Tống mong muốn. Nguy cơ khủng khiếp đè nặng lên lòng người mẹ. Nguyên phi Ỷ Lan không còn nhớ mình là Thái hậu nhiếp chính nữa, chỉ còn nhớ mình là người mẹ như muôn vàn người mẹ khác. Và trước mặt bà, Càn Đức đâu phải là vua Nhân Tông, vị vua của triều Lý đương vị mà chỉ còn la một đứa con trai bé bỏng yếu đuối. Vì thế Ỷ Lan, con người vốn sắc nước quyền biến như thế mà lúc này cũng chỉ còn biết ôm con mà than khóc. Cậu bé Càn Đức không còn nhớ mình đã lên ngôi vua, nằm khoanh trong lòng mẹ sợ sệt cũng khóc theo. Lý Thường Kiệt từ dinh tiết chế chạy vào mang tin dữ khủng khiếp: Lý Đạo Thành trong châu Hoan đã lập đàn tế dựng bài vị của vua tiên đế Lý Thánh Tông. Đàn tràng sẽ kéo dài đủ bốn mươi chín ngày. Nghe tin này, một truyền mười, mười truyền trăm, nhân dân và hào kiệt khắp nơi lũ lượt rủ nhau vào Hoan Diễn để tế vị vua cũ. Ngay tại Thăng Long cũng đã có người rủ nhau mua thuyền để đến với đàn tế của Lý Đạo Thành. Và cũng ở Thăng Long đang truyền đi một bài hịch nghe đâu của chính Thượng Dương thái hậu. Bài hịch kể tội nguyên phi Ỷ Lan lung lạc ấu chúa, hạch tội hoạn quan Lý Thường Kiệt từ nội cung lo việc hầu hạ các bà phi tiến ra giữa triều đình khuynh đoạt xã tắc. Bài hich kêu gọi thần dân sĩ phu tráng đinh hướng về điện thờ vua Thánh Tông tiền đế do quan phụ chính Lý Đạo Thành lập nên… Nghe tin ấy, Ỷ Lan phu nhân càng rụng rời chân tay. Bà ôm chặt đứa con mới tám tuổi của mình mà khóc: - Trời ơi, tại sao bố con lại là một bậc vương quân… sao bố con không là một người nông phu nghèo hàn nơi quê mùa không ai biết đến… để mẹ con mình đỡ phải khổ như thế này… Sao mà tôi không cứ yên phận ở quê nhà, ngày ngày hái dâu nuôi tằm, đêm đêm kéo tơ dệt lụa, có phải con tôi chỉ cần lo bữa no bữa đói chứ đâu phải tranh chấp quyền bính sợ người ta chém giết mình như thế này? Lý Thường Kiệt nhắc Thái phi nhiếp chính: - Xin Thái phi đừng than tiếc cho những gì chính Thái phi đã từ bỏ đế bước vào cung điện này… Bây giờ đã quá muộn, có than tiếc cũng vô ích… Đã cưỡi lên lưng cọp dữ không thể nào xuống được nữa. Hối hận do dự chỉ chuốc lấy cái chết thảm khốc mà thôi. - Tình thế đến nỗi này thì làm sao tránh khỏi cái chết - Đúng là tình thế khốn cùng bi thảm nhất đã đến. Nhưng bây giờ khóc có ích gì… Nước mắt chỉ làm mở đi, dập tắt đi những đốm lửa hi vọng cuối cùng mà ta có thể nhìn thấy được. Xin Thái phi đừng có khóc than cho thân phận mình… - Ta chờ người ta đến giết cả hai mẹ con ta, làm sao ta không rơi lệ được… Con ơi, mẹ làm khổ con… Quan Tể chấp ơi liệu ta chịu chết thì họ có giết con trai ta không? Họ có tha chết cho con trai ta không? - Khi họ giam lệnh bà tại chùa Siêu Loại thì Thái hậu và Lý Đạo Thành quyết giữ nhà vua ở ngai đế, vì thế mà tôn ngài lên ngôi. Nhưng bây giờ khác rồi… Trong hoàng tộc còn có các hoàng thân con ngành thứ. Họ sẽ chọn một người khác lập ngôi vua và quyết tiêu diệt ta… Không để một ai sống sót, nếu như họ nắm lại được quyền bính… Chắc hẳn bây giờ kẻ ngồi trong nhà ngục vàng song, và kẻ đang ở Hoan Diễn lập đàn tế lễ đều hối hận rằng khi nắm thanh gươm báu trong tay không hạ xuống lấy ngay đầu kẻ kình địch với mình, gây hậu họa là cuộc chính biến từ Siêu Loại lan đến cung đình. - Như thế ta đành ngồi mà đợi chết hay sao? - Nếu lệnh bà cứ ngồi ôm hoàng đế mà khóc như thế nào thì đúng là lệnh bà đang đợi chết… Và lệnh bà không những muốn chết mà còn muốn giết cả hoàng đế nữa… muốn giết cả nhà Lý nữa… giết cả nước Đại Việt nữa… - Sao lại thế… ngôi báu không nằm trong tay con ta thì rơi vào tay một hoàng thân nhà Lý nào khác, sao lại mất được? Lý Thường Kiệt cười cay đắng: - Nói như lệnh bà mới nghĩ đến sự an nguy của mẹ con lệnh bà chứng chưa nghĩ đến xã tắc… Bởi vì sự an nguy của lệnh bà lúc này gắn liền với sự mất còn của triều đình, của non sông nên tôi buộc phải đưa vai gánh vác… Đời tôi chẳng còn gì nữa… Theo đạo thánh hiền những kẻ như tôi đã phạm vào tội đại bất hiếu, không thể có con nối dõi tông đường, nối dài mạch hương lửa thờ phụng tổ tiên thì có sống cũng bằng thừa… Sống tôi cũng chẳng còn cái vui thú của con người là hưởng hạnh phúc lứa đôi, vui với gia đình có con đàn cháu đống… Tôi là kẻ bây giờ thân phận chẳng còn gì, tước lộc vinh hoa cũng chẳng làm gì, một bước lên đoạn đầu đài hay một bước lui chân qui ẩn trong bóng từ bi cũng chẳng lấy gì làm trọng… Vì thế điều tôi lo chẳng phải là lo cho tôi, cho mạng sống của tôi mà là lo chung cho xã tắc… Nếu để phe Thái hậu Thượng Dương dấy binh thì nội chiến không thể tránh khỏi… mà trên biên thùy phía bắc Tể tướng Tống triều Vương An Thạch đã sẵn sàng giáp binh, mưu đồ bành trướng phương nam đã nung nấu từ biết bao năm nay, đây là một dịp tốt xua quân tràn xuống. Ta còn mải đánh nhau tranh giành ngôi vị thì một sớm một triều quân nhà Tống sẽ làm cỏ lăng miếu nơi Kinh Bắc rồi biến cả nước ta thành quận huyện như thời nhà Đường, nhà Nam Hán. Lúc ấy hỏi rằng triều Lý có còn không, hỏi rằng nước Đại Việt có còn không?... Nghe đến đây Thái phi Ỷ Lan rùng mình hốt hoảng: - Vậy theo ý ngươi bây giờ phải làm gì? Lý Thường Kiệt im lặng không giám nói thành lời, nhưng ngoảnh mặt về cung Thượng Dương, xòe bàn tay làm như một thanh bảo kiếm và chém mạnh trong không khí. Thái phi Ỷ Lan òa lên khóc: - Phải làm như thế ư… Ta sợ lắm… Ta sợ quỷ thần trừng phạt… Lý Thường Kiệt thở dài: - Tôi cũng sợ quỷ thần… Nhưng không phải vì kinh sợ quỷ thần mà quỷ thần cứu được ta khỏi chết, cứu được triều đình nhà Lý khỏi mất, cứu được nước Đại Việt khỏi tan… Ỷ Lan nguyên phi im lặng hồi lâu rồi vừa ôm chặt vua Càn Đức vào lòng như ôm một đứa trẻ nhỏ, khác nào một người mẹ bình thường ôm chặt lấy con, bảo vệ còn chống lại mọi kẻ thù có thể ám hại con mình, vừa rụt rè hỏi: - Phải chém tất cả ư… Lý Thường Kiệt lắc đầu: - Không thể chém… Chém tất sinh biến… - Phải thiêu cháy ư. - Không thể thiêu cháy… Thiêu cháy vẫn rõ bàn tay ta, tất sinh loạn nước… - Phải đầu độc cho chết tất cả ư… Lý Thường Kiệt quắc mắt hỏi: - Ai sẽ là chủ mưu đầu độc…Lệnh bà ư? Ỷ Lan phu nhân giật thót mình lắc đầu hoảng hốt… Lúc bấy giờ Lý Thường Kiệt mới chậm rãi nói: - Cả thiên hạ bây giờ đều nhìn về phía hai người là Thái hậu Thượng Dương và Tể tướng Cựu tể tướng thì ở xa, vị tất đã gây nổi họa cho ta. Mà bản chất của vị đại nho này vốn ưa nhu ghét cương, sẽ khó tự mình gây biến. Chỉ có thái hậu Thượng Dương là người quyền biến mà ở ngay kinh thành, trong vòng vây hãm của ta, hiện là đầu mối quy tụ của phe chống lại ta, mưu tính cướp lại quyền bính… Ta phải làm mất cái đầu mối ấy càng sớm giờ khắc nào càng bớt họa giờ khắc ấy… Nhưng không được để lộ ra cho mọi người biết rằng ta ra tay hành động. Chém đầu, thiêu cháy, hay đầu độc đều lộ cả… phải tìm một cách khác… - Người đã tìm ra cách nào thần diệu rồi chăng? Lý Thường Kiệt thở dài lắc đầu; - Thế thì làm thế nào bây giờ… - Làm thế nào ư… việc đến lúc phải làm không thể không xắn tay áo lên… không tìm ra muôn ngàn kế… Chỉ cần Lệnh bà gạt cho khô nước mắt nhi nữ thường tình và lo tính ngay bây giờ… Tôi tin là Lệnh bà vốn sắc sảo quyền biến, nhất định Lệnh bà sẽ tìm ra mưu chước lạ… Nghe lời khuyên của Lý Thường Kiệt, Thái hậu nhiếp chính Ỷ Lan đặt ông vua tí hon lên ngai vàng rồi lau khô nước mắt. Thế là ngay ngày hôm sau, có chiếu của vua Nhân Tông sức cho tất cả chùa chiền trong nước mở lễ cầu siêu thịnh độ cho bậc tiên đế vừa băng hà. Mười sáu đội quân cấm vệ phải mặc áo đại tang dàn khắp mọi phố phường quan ải cửa thành để đón rước dân khắp nơi về các chùa thỉnh kinh niệm phật… Một đàn chay lớn được thiết lập tại chùa Diên Hựu. Tin về việc nà vua đứng ra lập đàn chay cầu siêu cho tiên đế làm nức lòng dân trong nước. Lập tức người ta quên đi cái đàn chay và bài vị trái lẽ thường của một vị quan đặt ở mãi châu Hoan Diễn xa xôi. Hàng ngàn sư sãi khắp mọi nơi lũ lượt áo cà sa vàng trẩy kinh dự lễ. Các sư sãi lúc bấy giờ có uy tín tuyệt đối với thần dân một nước mới khai quốc và coi đạo Phật là quốc giáo. Đạo nho đã vào nước ta nhưng mới ảnh hưởng đến một lớp nho sĩ nhỏ bé. Vì thế mà bài vị tế thờ theo cách của đạo nho của vị đại nho cựu Tể tướng Lý Đạo Thành không có sức thu hút đối với thần dân nữa. Tiếng chuông ngân nga từ tháp chuông chùa trong kinh thành Thăng Long lan xa tận các miền trong nước. Đám lễ cầu siêu kết thúc bằng một đám rước huyền bí… Hàng trăm tấm lụa bạch rộng khổ được nối với nhau tạo thành một cái cầu dài vô tận căng trên đầu những người dự lễ. Đi trước đám rước là hàng trăm hòa thượng tay lần tràng hạt đọc kinh siêu độ. Hàng trăm hòa thượng nối theo sau tay chày tay mõ miệng niệm nam mô Phật như giữ nhịp trầm bổng huyền hoặc của lời kinh siêu độ ngân nga. Và theo sau đám rước của nhà sư là bài vị của của vị tiên đế đặt trên kiệu cửu long rực rỡ. Nối liền với kiệu là chiếc cầu tượng trưng bằng lụa bạch kéo dài vô tận… Có hàng ngàn thần dân tình nguyện đội cầu đưa hồn tiên đế về nơi cực lạc… Đám rước tôn giáo uy nghiêm và linh thiêng chưa từng có này bắt đầu từ chùa Diên Hựu. Ngôi chùa mà vua Lý Thánh Tông cho xây dựng theo hình tượng một tòa sen vươn lên trên mặt nước để ghi lại điềm sinh thái tử trong giấc mộng cầu tự trên đất Siêu Loại. Ngôi chùa này vừa là hình tượng của vua mới, vừa gắn liền với sự tôn nghiêm của nguyên phi Ỷ Lan. Từ đấy đám rước đi vòng thành Thăng Long ra bến Đông Bộ Đầu, rồi vòng lại đền Bạch Mã, vươn qua miếu Đồng Cổ rồi đi vòng đến tận cung Thượng Dương thái hậu. Đến trước cung Thượng Dương, Ỷ Lan nguyên phi ra lệnh lấy gỗ trầm hương dựn một dàn hỏa thiêu rất lớn. Những vòng cầu lụa bạch lập tức vòng quanh mấy lầm cả chu vi cung Thượng Dương lẫn dàn hỏa thiêu kỳ lạ kia. Hàng trăm vị hòa thượng lập tức quỳ trước dàn hỏa thiêu cầu nguyện tụng kinh siêu độ. Nhà vua cũng được người ta dẫn đến đây và bảo phải quỳ xuống trước dàn lửa. Lúc ấy Thái phi Ỷ Lan mặc đồ tang chế uy nghiêm bước trên dàn hỏa và quay về phía thần dân mà nói rằng: - Ta đã ăn chay nằm mộng tại chùa Diên Hựu mấy bữa nay. Đêm qua, đức tiên hàng hiện về báo mộng. Nét mặt ngài buồn rầu, ủ dột. Ta khóc lóc van nài người nhưng người chỉ lắc đầu không nói. Ta gạn hỏi mãi, người mới chỉ vào Càn Đức con trai của ta mà rằng: “Hoàng đế mới lên ngôi còn nhỏ dại, mà thù trong thì đầy, giặc ngoài lại lắm, trẫm lo lắng vô cùng… Nay trẫm đã lên cõi tiên, an phận an bề trẫm, chuyện trần gian giữ nghiệp đế cho dòng họ Lý, giữ gìn quốc thống cho nước Đại Việt ái phi phải thay trẫm cùng quan tể chấp gắng lo chu toàn. Đừng để cho kẻ thù ngoại bang lấn lướt, đừng để mất từng ngọn cỏ, từng thước đất của non sông gấm vóc mà tổ tiên để lại… Có như thế trẫm mới được mỉm cười nơi chín suối…” Ta đã rập đầu hứa với đức tiên hoàng là thịt nát xương ta cũng không dám sai lời cố mệnh. Ta lại hoi ở noi chốn non bồn nước nhược người thiếu thốn gì khồn… Người thở dài mà rằng: “Khi ta còn làm vua hạ giới, trong triều ngoài nội kiệu tía võng vàng, ngựa xe dìu dặt… Nay ta về đường mây khuất nẻo cõi tịch diệt vắng không… Nhìn bên hữu không thấy bóng Thái hậu của ta đâu, nhìn bên tả không thấy bóng thái phi của ta đâu. Các tiệp dư các cung tần mỹ nữ ta yêu dấu đều vắng bóng… làm ta thương nhớ không thể nào nguôi được… Nay thái phi bận lo cho Càn Đức con ta ngồi vững trên ngai vàng trị nước, ta đành hẹn đến một ngày nào hội ngộ, chứ còn Hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ của ta đi đâu hết cả”… Nghĩ mà thương nỗi cô quạnh của tiên đế, ta không thể cầm được nước mắt… Ta xin được theo hầu ngài… Bởi chưng lòng dạ người ta như đáy bể sâu không ai dò nổi nên ta không thể thay cho người khác mà trả lời thay bệ hạ được… Ta chỉ trả lời cho ta thôi… Ta xin được quyên sinh theo hầu bệ hạ dưới suối vàng… Nhưng tiền đế nhìn ta lưu luyến mà tay chỉ vào Càn Đức có ý gửi gắm rồi tự nhiên nước mặt trào ra. Không nói nên lời… Rồi tiếng chuông chùa đánh hồi siêu độ đổ dồn làm tan giấc mộng… Ta bành hoàng trước một nỗi phân vân một đằng thì con thơ nhỏ dại phải gánh vác xã tắc non sông, một đằng thì tiên quân cô quả bơ vơ dưới suối vàng không người hầu hạ vui vầy… Việc hạ giới ta nghĩ là thiếu bàn tay ta thì đã có các quan đại thần, có thần dân tăm họ ra tay giúp giập con ta đứng vững ở ngôi cao giữ lời cố mệnh của tiền đế… Còn ở dưới suối vàng hỗn mang co quạnh, đức tiền đế ta thiếu ta thì trước sau còn có ai nữa. Vì thế chí ta đã quyết… Ta lập dàn hỏa này để xin được đi theo theo tiên đế… Con ơi, con hãy cầm ngọn đuốc kia châm vào những cây trầm hương khô nỏ của dàn hỏa này, để mẹ không phụ lời của cha con… Vì cha con bảo mẹ phải sống để lo cho con. Nhưng con đã đủ trí tự cường làm một bậc quan văn võ, thần dân trăm họ giúp giập… Con hãy để mẹ già đi theo tiền đế hầu hạ tiền đế để người khỏi cô quạnh nơi suối vàng… Chao ơi làm đấng quân vương, khi sống thì cung này lầu nọ, điện thấp tòa cao, ai cũng muốn làm hoàng hậu, ai cũng tranh được gần kề bên gối… Giờ chết đi những kẻ tranh giành kia đâu cả. Để người bơ vơ cô quả thương tâm vô cùng trong thế giới u minh… Càn Đức con ơi, con phải tự tay châm dàn hỏa thiêu này, để mẹ được về hầu hạ tiên đế cha con mà không bị cha con quở trách vì dám không nghe lời cố mệnh cố sống mà nâng đỡ con… Con ơi, con hãy châm ngọn đuốc kia vào dàn hỏa thiêu này.. Bớ văn võ bá quan, bớ thần dân thiên hạ, ta đã gửi xã tắc của tiền đế vào tay con ta, ta gửi con ta vào tay các người… Ta tin ở lòng trung của các người… Các người đừng phụ lòng ta để ta được sánh bên đức tiền đế mỉm cười nơi chín suối… Kìa Càn Đức con ơi, hãy đốt dàn hỏa thiêu thiêu thân xác vô hồn của mẹ để mẹ sớm được hầu đức đế quân… Càng về cuối giọng của Thái phi Ỷ Lan càng run lên… Tấm áo đại tang càng bay trong hương khói mờ mịt… Tiếng khóc huyền bí trước bóng tối âm thầm của cung Thượng Dương… Đến lúc ấy trong bộ võ phục tang chế đặc biệt quan Tể chấp Lý Thường Kiệt, oai nghiêm nâng cao ngọn đuốc bùng bùng lửa cháy tiến lại dân cho Càn Đức và tâu rằng: - Theo ý nguyện của Thái phi, bệ hạ hãy cầm ngọn đuốc này khai hỏa cho dàn hỏa thiêu… Để người được về hầu đức tiên đế… Tay cậu bé run run đỡ lấy ngọn đuốc… Từ trên dàn hỏa cao Ỷ Lan Nguyên phi nhiếp chính mắt đăm đăm nhìn ngọn đuốc trong tay đứa con mình. Nếu ai tinh mắt sẽ thấy bà run rẩy trong tấm áo đại tang bay lồng lộng trong gió. Lúc này vị hoàng đế mới tám tuổi run rẩy với bó đuốc trong tay… Thấy cậu bé bị kích động đến tận cùng thì Lý Thường Kiệt ghé tai nhà vua nhỏ tuổi và giục rằng: - Bệ hạ châm lửa đốt chết mẹ bệ hạ đi…kìa… Câu nhắc nhở có vẻ lạnh lùng bề ngoài ấy có tác dụng biến vị vua thành một đứa trẻ nhỏ thương yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn cả ngai vàng, hơn cả những truyện thần tiên ma quái về cõi u minh, hơn cả người cha đã khuất… Cậu bé bỗng khóc thét lên một tiếng, vứt ngọn đuốc xuống dưới chân và cắm đầu lao về phía dàn hỏa, cứ thế leo lên các bậc thang của dàn hỏa. Các bậc lên dàn hỏa hình như làm sẵn để cho lúc này nên từng bậc một đều rất ngắn rất thấp, hết sức vừa tầm chân của vị vua mới lên tám tuổi. Nên chỉ trong thoáng chốc là nhà vua nhỏ tuổi đã chạy lên tới đỉnh cao nhất của dàn hỏa thiêu và ôm chầm lấy Ỷ Lan Thái phi và thét lên một tiếng mà tất cả các đứa trẻ con biết yêu thương mẹ vào tuổi đó đều thét lên khi người mẹ kính yêu nhất đời của mình gặp nạn. Tiếng thét: “Mẹ ơi, mẹ ở lại với con…” vang lên tha thiết trong không khí trang nghiêm huyền bí… Đó là tiếng nói của một vị vua nên tiếng nói đó là chính lệnh… Đến lúc ấy vị Tể chấp dũng tướng Lý Thường Kiệt mới toát mồ hôi suốt dọc xương sống trong lớp áo chiến báo tang chế. Như một kẻ phải leo ngược một ngọn dốc cao khắc nghiệt, khi leo đến tận đỉnh cao, tự nhiên thấy chân tay bủn rủn rời rã… Lý Thường Kiệt ngã khụy xuống, và trút một hơi thở thật dài như trút được một gánh nặng khủng khiếp… Nhưng hàng ngàn hàng vạn người có mặt trước dàn hỏa thiêu này đều bận ngẩng đầu nhìn hình ảnh rực rỡ nhất của tình mẹ con, của bậc quân vương của họ trên đỉnh cao dàn hỏa thiêu… Đội quân nhạc cung đình đã sắp sẵn để chờ đợi dịp này dội tiếng trống đồng oai nghiêm… Chỉ có một người hiểu tất cả mọi điều. Người đó đang ngồi lặng đi trong bóng tối của cung Thượng Dương. Người đó là Hoàng thái hậu họ Dương. Thái hậu nghiến răng tuyệt vọng: - Thế là giờ chết của ta đã điểm, giờ chết của bảy mươi hai cung tần mỹ nữ, nguyên phi, tiệp dư bị giam cùng ta trong cung lầu Thượng Dương này đã điểm… Một bà tiệp dư hoảng hốt thốt lên rằng: - Chẳng lẽ lại như thế… Chẳng lẽ sau lễ trọng như thế này họ lại giết chúng ta ư, thưa Hoàng thái hậu… - Họ không cần phải ra tay giết chúng ta… không cần phải phóng hỏa, không cần phải động tay đao kiếm… không cần phải gửi vuông lụa để bắt chúng ta thắt cổ, không cần phải gửi bảy mươi hai bát thuốc độc cho các ngươi và một bát thuốc độc cho ta… - Thế thì làm sao chúng ta chịu chết được? Thái hậu Thượng Dương cười lạnh: - Tự ta phải chết… - Trời ơi sao lại thảm khốc đến như vậy… - Ừ thì đúng là thảm khốc… Nhưng thảm khốc thì biết mà làm sao biết được cách để tránh cái chết thảm khốc này… Tại ta… tại ta cả thôi mà các ngươi bị vạ lây… Cái chết mà ta định dành cho Ỷ Lan Nguyên phi trong chùa Siêu Loại mà ta chưa kịp mang ra thi hành thì Ỷ Lan mang đến cho ta ngay trong cung Thượng Dương này. Ỷ Lan đã dám bước qua cái chết của dàn hỏa thiêu để tìm cái sống, tìm đến với quyền hành… Còn ta thì tìm đến với cái sống, tìm đến với quyền hành thì cuối cùng ta lại gặp một cái chết ở chính nơi đây… Mọi chuyện đã muộn quá trồi không còn phương cứu vãn. - Nhưng chẳng lẽ ta cứ bó tay chịu chết hay sao? Thái hậu Thượng Dương nghiến răng: - Bây giờ ta ở vào cái thế không chết không thể được nữa rồi… Tự tìm lấy cái chết thì giữ lại được chút thanh danh. Không tự tìm lấy cái chết thì bị người đời nguyền rủa… Vì kể như cái án tử đã được thi hành cùng dàn hỏa thiêu không bao giờ cháy lên thành ngọn lửa kia… Ta không ngờ ta đã thua chí một con đàn bà hái dâu xuất thân từ đám thôn dã và một tên hoạn quan lập nghiệp từ việc giữ mấy cái váy của các thị nữ cung phi. Than ôi mệnh ta đến đây là hết… Trời đã hại ta rồi… Ngày hôm sau viên đô tri cấm vệ quân Long Dực lo việc canh giữ cung Thượng Dương đến khấu đầu trước dinh quan Tể chấp báo cáo việc chẳng lành: - Kính bẩm tướng quân, ngay sáng hôm nay khi thần dẫn quân vào cung Thượng Dương, thần thấy sặc mùi tử khí… Thần hoảng hốt chạy thẳng vào chính điện thì trời ơi… trước bài vị của đức tiên đế, thái hậu Thượng Dương và tất cả bảy mươi hai cung tần mỹ đều mặc áo đại tang và đã chết cứng từ lúc nào… Lý Thường Kiệt vẻ vặt trầm ngâm, phất tay: - Khỏi cần nói dài dòng… điều này ta đã biết… Bớ ba quân thừa lệnh của Lệnh bà nhiếp chính, cử khinh kị truyền tin cho tất cả các đình chùa làm lễ cầu siêu cho đức Thái hậu và các bà phi đã quyên sinh thác theo đức tiên đế như ý nguyện của ngài… Viên tướng đô tri cấm vệ quân Long Dực ngạc nhiên hơn khi viết là những điều chuẩn bị cho lễ cầu siêu này đã sẵn sàng… Lễ cầu kinh siêu độ cho bà Hoàng thái hậu và bảy mươi hai bà phi được cử hành trọng thể trong các đền chùa khắp trong cõi. Lệnh bà nhiếp chính Ỷ Lan Thái phi thân đứng ra cùng nhà vua Nhân Tông trẻ tuổi lập đàn tế lễ và rước linh cữu các bà phi và Thái hậu về vùng đất Kinh Bắc nơi có lăng tẩm thái miếu của triều đình nhà Lý… Khi tiếng chuông lễ cầu siêu ngân nga vang đến đất Hoan Châu thì cựu tể tướng Lý Đạo Thành nay bị giáng xuống cấp thị lang, giữ chức Tả gián nghị đại phu đang xây viện Địa Tạng để tô tượng phật và thờ vị tiên đế Lý Thánh Tông. Tiếng chuông làm bủn rủn lòng vị đại phu còn mang trong lòng ngọn lửa hưng phục. Từ khi nghe thấy tiếng chuông cầu siêu ấy, vị lão thần gần hai mươi năm giữ ngôi tể tướng cảm thấy như đó là tiếng chuông siêu độ dành cho mình. Ông ta bèn đuổi hết thợ thổ mộc đang xây viện Địa Tạng về, và ngồi nhập thiền giữa đám gạch đá ngổn ngang đang xây dở… Tiếng chuông ngân nga siêu độ vượt hết chùa này đến chùa khác vang tới tận dải biên thùy phía bắc xa xôi. Nơi đó những đạo quân Tống đang rục rịch sắm sửa vũ khí, lương thảo, sửa sang giáp mã để bất ngờ tràn sang, bỗng dưng được lệnh bãi binh chờ thời… Người ta bảo rằng tiếng chuông ấy đã đến tận Biện Kinh nhà Tống… Và nghe được tiếng chuông ấy tể tướng Vương An Thạch ngao ngán thở dài xuống lệnh bãi chức của viên tướng coi việc phương nam là Thẩm Khởi… Chẳng biết lời đồn đó thực hư thế nào, nhưng việc tiến binh xuống phía nam có bị đình lại thật… Đình lại chứ không phải là bãi bỏ. Cái chí của viên tể tướng trẻ họ Vương vẫn là bành trướng đất đai để lấy cái động bên ngoài giữ cái tĩnh nơi đế đô đầy sóng gió. Lệnh đóng của biên thùy cài then cửa ải được vội vã truyền đi khắp miền Hoa Hạ… Việc lớn của cả quốc gia Đại Tống ảnh hưởng đến ngay một đoàn ngựa thồ nhỏ bé. Hình tích của gã lái buôn kẻ Cời người Giao Chỉ dần dần bị lộ… Lệnh truy nã đuổi theo làn bụi lốc theo vó sắt của đoàn ngựa thồ và đã bay tới viên quan coi việc của động Cổ Vạn… Đến vào lúc đoàn ngựa thồ vừa đi khuất nẻo đèo xa và đám đọng đinh, thổ đinh đã được lệnh giải tán. Chính lúc viên đô bảo giáp đang cắn thử xem những nén vàng của tên lái buôn Lý Chăm là vàng thật hay vàng giả… Viên đô bảo giáp động Cổ Vạn nhìn đám thuộc tướng của mình mà ngao ngán. Cứ như trước đây, chưa có cái lệnh thực hiện tân pháp của tể tướng Vương An Thạch thì khi có động sự như thế này, y chỉ cần vỗ gươm, thét lên một tiếng là có ngy cả một đạo quân rầm rập lên ngựa. Vì trước đây, triều đình phải cấp lương thảo để các quan cai trị động Cổ Vạn và các động khác nuôi một đội quân khá đông đảo. Đông đến mức các quan tướng có thể điều đi chăn ngựa, chăn dê, cày cấy cho mình vẫn hãy còn thừa. Bây giờ, thực hành tân pháp lính ở trong dân, nên nơi cửa quan này chỉ còn vài mươi tên tuần phiên cắt lượt… Với đám lính còm nhom này làm sao áp đảo được đoàn ngựa thồ đông tới gần một trăm con và đoàn người hành tung bí mật năm sáu mươi người trong đó còn có những tráng sĩ động Giáp khét tiếng dũng mãnh… Bây giờ muốn có quân lại phải phóng lửa lên đài phong hỏa… Viên đô bảo lại phóng mắt nhìn theo con đường mà đoàn ngựa thồ của thương nhân Lý Chăm vừa đi qua, vừa tự nhủ rằng: - Mày đã nằm trong đất Trung Nguyên này là mày đã nằm trong một tấm lưới lớn, đó là thiên la địa võng trùng điệp của vùng Hoa Hạ… Ta để mày chui vào cái rọ là bạc dịch trường Giang Đông… Quân đâu, sai quân khinh kị đi thu thập các nhà, các hộ thổ đinh nhận nuôi ngựa bảo mã, trung tập ngay cho ta một cơ kị binh. Một khắc nữa ta sẽ lên đương bao vây khu vực bạc dịch trường Giang Đông… Còn mi… Viên đô bảo giáp Cổ Vạn quay về phía tên lính thám mã và truyền lệnh rằng: - Mi hãy đi đường tắt xuyên rừng, ngay đêm nay phải đến thành Khâm Châu báo cho quan trấn thủ trong thành biết để rải đạo thủy quân khóa kín cửa sông… Tên lính thám mã chắp tay dạ một tiếng rồi chạy như bay ra tàu ngựa của quán đường; chọn một con ngựa khỏe nhất và nhảy lên phóng. Con ngựa phóng nhanh như một mũi tên bắn xuyên vào con đường tắt che lấp giữ rừng núi hiểm trở của vùng đất Hoa Hạ… Xong xuôi đâu đấy viên đô bảo giáp động Cổ Vạn lại thét gia nhân dưới trướng: - Bay đâu, ngay bêy giờ các ngươi phải đóng cho ta một cái cũi lớn. Chính tay ta sẽ bắt nhốt tên khách thương Giao Chỉ vào đó và điệu lên thành Quế để lĩnh thưởng. Khu vực động Cổ Vạn lại một lần nữa rung động, những tên kỵ binh bảo mã từ khắp các bản xa gần đã lục tục giáp trụ sẵn sàng phóng như bay đến trước cửa quán xá… Cái bẫy nguy hiểm đã bắt đầu giương kên, nhưng người khách thương gốc gác từ đất Kẻ Cời vẫn chưa hay biết một chút gì về sự nguy hiểm đang rình rập mình từng bước. Anh cahngf vẫn ngồi ngất ngưởng theo cái lối xếp chân bằng tròn cố hữu trên lưng con ngựa Chàm cao lớn, và ôm cái bong bóng trâu óc ách những rượu… Cái cần rượu chẳng một lúc nào rời khỏi miệng anh ta… Trước mặt anh ta và đoàn ngựa thồ là bạc dịch trường Giang Đông của thành Khâm Châu, một chốn giao thương lớn nhất Hoa hạ của các lái buôn đủ các vương quốc quanh vùng…
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang