[Việt Nam] Sừng Rượu Thề

Chương 11 : 11

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:29 10-09-2018

Dòng sông Như Nguyệt như một dải lụa mềm đã hiện ra ở cuối tầm nhìn con mắt. Một vài mái nhà chùa cong cong thấp thoáng sau những lũy tre ở phía bờ nam ngạn… Từ đó đến kinh đô Thăng Long chẳng còn bao xa nữa… Lý Thường Kiệt ghìm cương ngựa quay lại bảo phò mã Thân Cảnh Phúc: - Thế là ta đã về đến nơi rồi, phò mã và Công Chúa hãy quay lại động, kiểm lại tất cả các loại võ khí lương thảo thu được vào nhớ cất giấu thật sâu trong rừng, trong hang núi… Công chúa lo lắn hỏi: - Thưa tướng công Tiết chế, liệu quân Tống có tràn sang đất ta ngay không? Tiết chế Lý Thường Kiệt nheo mắt nhìn công chúa Thiên Thành. Không còn một chút bóng dáng nào của một nàng công chúa ẻo lả đài các chốn cung cấm kinh thành nữa rồi. Trước mặt ông là một bà áp trại phu nhân, cưỡi trên con ngựa bạch có bộ yên cương bạc, lục lạc vàng, ngang lưng mang kiếm lệnh cho chồng. Trên lưng vẫn dịu đứa con trai đầu lòng. Làm dâu động Kép thì dù bá chúa trại, chúa động vẫn phải địu con trên lưng và đi theo chồn chinh chiến… Nàng công chúa đã trải qua cả một cuộc viễn chinh khủng khiếp… Nàng lo lắng cuộc chiến tranh sẽ đổ ập xuống quê hương chồng mình, đổ ập vào Thăng Long yêu dấu. Một cuộc chiến tranh không thể nào tránh khỏi… Nhưng không thể nào tránh khỏi đâu có nghĩa là sẽ xảy ra ngay ngày một ngày hai. Lý Thường Kiệt lắc đầu: - Triều Tống có thể gõ một tiếng trống tụ được mười vạn, hai mươi vạn, ba mươi vạn binh… Nhưng gõ một tiếng trống thì cây lúa trên đồng cũng không thể sợ vì oai vua mà chín sớm hơn một ngày được… Toàn bộ binh lương Hoa Hạ tích tụ gần mười năm, thì phần ta lấy chia hết cho dân, phần ta chở bằng thuyền thồ bằng ngựa về đây, còn lại bao nhiêu ta đốt thành tro khói bay lên trời. Giờ nó muốn xuống đánh ta, nó phải chở gạo từ Hoa Trung, Hoa Bắc, đi cả ngàn dặm xuống Hoa Nam… Một phu thồ gánh năm yến gạo, đi một ngàn dặm đường xuống đến miền biên ải ăn hết bốn yến chín, còn lại một cân là may lắm… Bây giờ, Tống Thần Tông và Vương An Thạch muốn đánh ta ngay, thì cứ một lính chiến cầm giáo bước sang qua biên thùy vua Tống phải bắt năm mươi phu gánh gạo vận lương… Muốn có một vạn tên quân đánh ta, chúng phải kéo năm mươi vạn người chuyên chở… Tống Thần Tông muốn cắt quân ngay, còn Vương An Thạch càng muốn đánh ta càng sớm càng tốt… Nhưng chúng nó còn phải chờ… - Thưa tướng công Tiết chế, chúng phải chờ cái gì ạ? - Phải chờ hai hay ít ra ba mùa lúa nữa để biện được lương thảo ngay ở Hoa Hạ, nơi chỉ cần ba bốn phu vận lương là có thể nuôi được một tên lính chiến vác giáo sang đánh ta… Công chúa Thiên Thành bật cười: - Chờ thế quả cũng khi hơi lâu… - Tất nhiên là không chóng được… Nhưng cuộc chiến đấu khốc liệt vì thế mà càng không tránh khỏi… Phải biết lo từ bây giờ… Thôi phò mã và công chúa quay lại động đi… Có nhiều việc bề bộn đang chờ phò mã và công chúa đó… Trước mặt họ là dòng sông Như Nguyệt thơ mộng mở lối vào vùng đồng bằng màu mỡ và kinh thành Thăng Long mới tạo dựng. Sau lưng họ là lửa cháy ngút trời cả một vùng Hoa Hạ mênh mông. Trận san phẳng thàng Ung Châu làm cả triều đình Tống kinh hoàng. Các thành Tân Châu, Quế Châu, Quảng Châu, Quảng Nam tây lộ các quan tướng hồn siêu phách lạc kéo nhau bỏ chạy… Thế thắng không ngờ làm say máu các chiến sĩ Đại Việt… Lý Thường Kiệt phát đi các mệnh lệnh như thể sắp tiến thẳng đến Biện Kinh, nhưng rồi đột ngột rút quân trở về đất Đại Việt. Khi ấy hòa thượng Cần Giác thiền tông nằng nặc đòi theo quân trở về đất nước nhưng Lý Thường Kiệt lắc đầu: - Hòa thượng hãy cố mà quên là trên đời này có một tên lái buôn họ Lý tên Chăm đi. Như thế có lợi cho hòa thượng hơn… có lợi cho triều đình hơn… Ngươi phải ở lại đây… ta cấp cho ngươi tín phù để ngươi có thể liên lạc với các hòa thượng mà ta để lại trong vùng Hoa Hạ làm một công việc như nhà ngươi… An nguy của cơ đồ Đại Việt đều trông cậy vào tai mắt của các ngươi đó… Lý Chăm lại thành hòa thượng Cần Giác thiền tông và biến trong mảnh đất Hoa Hạ đầy khói lửa và hỗn loạn… Lý Thường Kiệt sai dùng tất cả ngựa chiến làm ngựa thồ để chở hết lương thảo và vũ khí cướp được. Sai quân lên bộ hành quân để lấy bốn trăm thuyền lớn của ta và hàng trăm thuyền Tống mà ta cướp được để chở mấy trăm vạn thạch thọc. Thóc gạo còn, Lý Thường Kiệt sai phát chẩn cho dân. Phát chẩn không hết thì đốt. Lửa khói không ngớt vần vũ trên bầu trời Hoa Hạ… Đến bây giờ sau lưng ông ở phía bên kia biên tái ngọn lửa vẫn còn bốc cao. Còn trước mặt ông là bầu trời trong xanh vào đầu mùa hạ của năm Bính Thìn (1076), trên nóc các cung điện của kinh thành Thăng Long chưa kịp lợp hết bằng ngói mà hãy còn lốm đốm những mái gianh mái rạ vàng ươm… Trên cái bầu trời xanh trong ấy, vị tướng vừa làm chấn động cả triều đình Đại Tống bằng một cuộc tấn công táo tợn bỗng thấy lòng mình lắng lại và đau tê tái… Mắt ông mờ đi vì hình như ông thấy trong bầu trời xanh mầu ngọc bích kia có một vệt khói hư không khi ẩn khi hiện… Vệt khói của trận hỏa thiêu bi thảm mang đi mối tình oan khuất của nàng Thuần Khanh chuyên nghề vẽ hoa trên men bát với hoa tay huyền diệu… Không một sử gia nào nhìn thấy giọt nước mắt ứa ra trên đôi mắt vốn oai nghiêm của vị dũng tướng Tiết chế oanh liệt dám mang một đạo quân nhỏ đánh thọc vào một đất nước mênh mông để phá tan từ trong trứng nước một mưu mô bành trướng… Nhưng lập xong một chiến tích oai hùng, ai cấm được người anh hùng chạnh nhớ đế nỗi niềm riêng, đến thân phận riêng của mình… Không ai cấm, nhưng không ai nhìn thấy giọt nước mắt ấy. Hoặc cố tình không nhìn thấy giọt nước mắt ấy. Vì thế mà nước mắt ứa trên mi vì những chuyện đắng cay riêng cho số phận mình của người anh hùng này không hoen trên những trang lịch sử… Vị Tiết chế tể chấp buông cương lỏng cho con ngựa cúi đầu xuống uống nước mát trên dòng sông Như Nguyệt… Và đâu đây ngân nga một tiếng chuông chùa lan trên mặt sóng và tắt lặng nơi bãi mía xa xanh…
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang