[Việt Nam] Sừng Rượu Thề

Chương 7 : 7

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 21:27 10-09-2018

Đêm đã về khuya. Dòng sông đêm như rộng hẳn ra vì có biết bao nhiêu vì sao trời vỡ trên đầu những ngọn sóng hình như còn loang vết máu thể. Sương xuống nặng trên vai. Cuộc vui, vui mấy rồi cũng có lúc tàn. Cả khúc sông vừa mới náo nhiệt vang động tiếng trống chiêng, ồn ã tiếng hàng vạn người,bây giờ trở lên vắng lặng. Vì nhẽ ấy cái vắng lặng đầu tiên sau ngày hội bất ngờ lại thêm sâu thẳm. Ở hút chân trời xa chỉ còn thấy thoáng những bóng đuốc chập chờn lấm tấm từ trên sườn những dải núi xa mờ, như lẫn vào với trời cao. Ở đó bây giờ mới thực vào hội đó chính là bản doanh động Giáp ngày xưa,và là doanh trại của đạo quân Kép động hôm nay. Ở đó lúc này chắc hẳn rượu chảy ra tràn ngập như những dòng suối mùa nước lũ. Hình như trong hơi gió ướt đẫm sương đêm lướt nhẹ trên sông, như có mang theo một chút hơi men từ phía núi ấy, và âm vang tiếng nhạc cồng nhạc chiêng đệm theo bước chân nhảy múa vừa hùng tráng vừa tình tứ của vũ điệu khê động... Theo lời mời của những tù trưởng khê động dưới quyền của phò mã Thân Cảnh Phúc thì hàng ngàn hàng vạn người dưới xuôi lũ lượt kéo nhau lên trên đó dự đám cưới tưng bừng nhất tự cổ chí kim chưa bao giờ có. Đã ba lần chúa động Giáp thống suốt ba mươi sáu khê động trong vùng được kén làm phò mã... Cứ suýt soát hai mươi năm một lần. Lần đầu chúa động Giáp là Giáp Thừa Quý chưa chịu quy phụ triều đình, khi Thái Tổ mới dời đô ra đất Thăng Long, thấy chúa Hoa Lư ra Thăng Long, rời hang hùm ra giữa cánh đồng bằng trống trải, Giáp Thừa Quý ngồi trước vò rượu cần đã bảo với thủ hạ rằng: - Lâu nay là ta sợ con hổ nằm trong rừng thẳm, chứ đâu có sợ con hổ tham mồi chạy ra giữa nương lúa... Nay chúa động Hoa Lư đã về giữa vùng đất Đại La cũ của tướng Hán Cao Biền... Chẳng hoá ra là con cọp chạy về ăn dưa trong ruộng... Ta phải làm cho chúa động Hoa Lư khiếp sợ một phen... Các tù trưởng các khê động ha hả cười tán thưởng lời phát lệnh của người thủ lĩnh tù trưởng thiện chiến, người đã đưa những khê động rải rác ở vùng bán sơn địa này từ những bộ lạc yếu đuối rời rã lên địa vị một bộ lạc lớn có thanh thế khét tiếng khắp mọi miền. Lúc đó, lời nói của vị thủ lĩnh Giáp Thừa Quý đâu phải có ý khinh trọng gì, khi gọi vua đầu tiên của triều Lý là chúa động Hoa Lư. Trở lại thời gian của hơn một kỷ trước, lúc bấy giờ,Lý Công Uẩn đã nối nghiệp vua Lê Đại Hành dựng nước tuyên bố độc lập. Trước vua Lê là vua Đinh Tiên Hoàng cũng đã xưng đế hiệu... nhưng trên thực chất thi việc xưng đế hiệu là việc làm có tính chất riêng của bộ lạc phương nam này mà thôi. Một sứ quân mạnh nhẩt trong mưới hai sứ quân cắt cứ khắp các vùng trong dải đất này, nay đánh thắng tất cả, bắt tất cả thần phục. Rồi tự mình xưng đế, tự mình coi mình là vua. Nhưng phạm vi toả lệnh của ông hoàng đế lúc bấy giờ cũng chỉ bò quanh những vùng đất trong tầm tiếng chiêng của động Hoa Lư. Còn các vùng khác vẫn là những bộ lạc độc lập riêng rẽ và thần phục. Mỗi khi có việc binh đao thì gióng trống tập hợp quân quyền rồi kéo nhau đi đánh dẹp. Đánh dẹp xong thì quân động nào lại về động ấy. Tướng động nào lại về làm chúa động mình. Nể chúa động mạnh nhất thì xuân thu nhị kỳ kéo nhau mang trâu bò vàng bạc đến triều cống theo lệ các nước chư hầu thần phục hoàng đế vậy… Ở ta có khác hơn ít nhiều, là kỷ cương chưa định rõ, nên thần phục chỉ vì chúa động Hoa Lư mạnh nhất, và thần phục theo sức mạnh đoàn kết mà thôi. Đoàn kết để đánh lại kẻ thù chung. Nhưng khi Lý Công Uẩn quyết rời đô ra Thăng Long thì mọi việc khác hẳn. Những bộ tộc ở vùng đồng bằng nhận thấy ngay sức mạnh của nhà Lý nên thần phục nhanh chóng. Còn các bộ lạc miền thượng đạo thì vẫn coi nhà Lý chẳng khác gì chúa động Hoa Lư xưa. Nay chúa động mò xuống đông ở đồng bằng thì còn gì là sức mạnh nữa. Vốn có tinh thần thượng võ lại quen chinh chiến, chúa động Giáp lúc ấy là một chàng trai trẻ dũng mãnh, có tên là Giáp Thừa Quí, đã vì muốn thử sức chúa động Hoa Lư nên cất quân vượt qua mấy dòng sông về thành Thăng Long. Lúc bấy giờ thành Thăng Long chưa kịp xây dựng. Đền đài miếu mạo mới lợp tạm bằng gianh, mới dựng vội vàng bằng nứa. Nhưng khí thế của một quốc gia đang cần thống nhất đã rõ. Vì vậy mà quân động Giáp hùng mạnh vẫn không thể nào vượt qua được dòng sông Cái. Núng thế chúa động Giáp thúc trống thu quân rút về động. Không ngờ Lý Thái Tổ thân chinh dẫn đại quân đuổi theo đến tận sào huyệt, đánh thẳng vào Giáp động và bắt sống Giáp Thừa Quí. Tất cả dân trong ba sáu khê động đều lo lắng. Một tuần trăng sau, Lý Công Uẩn lại đưa quân lên động Giáp. Lần này, dân khê động sợ xanh mắt; họ cho rằng phen này chúa động Hoa Lư sẽ làm cỏ cả vùng khê động này,vì thế nhiều tù trưởng đã có ý đinh đưa động mình chạy dạt đến một vùng nào khác. Nhưng Lý Công Uẩn không trả thù, không đưa Giáp Thừa Quí về bằng xe tù đóng cũi mà cùng đi ngựa với nhau như hai thủ lĩnh. Không những thế, sau hai người còn có chiếc kiệu sơn son thiếp vàng. Vừa về động Giáp, thủ lĩnh Giáp Thừa Quí đã truyền cho tất cả các thủ lĩnh tù trưởng và ba mươi sáu khê động về hội, rồi xin cắt máy ăn thề thần phục Lý Công Uẩn… Không phải thần phục như thần phục một tù trưởng hùng mạnh, mà là thần phục một ông vua. Lý Công Uẩn không bắt tội Giáp Thừa Quí mà còn gả con gái cho, lại truyền cho phép đổi họ, từ họ Giáp thành họ Thân, vì từ nay, Thừa Quí là một vị thân vương của triều đình. Cái đám cưới của công chúa đầu tiên của xứ này tiễn dâu bằng gươm giáo, sặc mùi khói lửa. Hơn hai mươi năm sau đám cưới thứ hai đã mang một sắc thái khác. Con trai Thân Thừa Quí lên nối nghiệp cha làm chủ động Giáp kiêm chức châu mục Lạng Châu, thì nhà vua lại gọi gả công chúa Bình Dương. Đám cưới đó cô dâu công chúa ra đi tuy không phải mạo hiểm như lần theo vua cha phủ dụ buổi mới lập quốc, nhưng chưa đủ các thứ lễ nghi cần thiết cho một đám cưới của con vua. Lễ vu quy vẫn có cái gì xót xa mạo hiểm thân gái dặm trường. Hai lần ra đi cách nhau hai giáp của hai nàng công chúa bậc bà, bậc cô mở đường cho đám lễ vu quy rực rỡ ngày hôm nay… Lễ vu quy hôm nay không những là ngày hội của triều đình mà còn là ngày hội của vùng giáp động mênh mông và suốt cả vùng Lạng Châu trực thuộc. Đám cưới này có máu ăn thề trên dòng sông Như Nguyệt. Đám cưới này có gươm đao diễu vô giương oai như lễ ra quân của khắp vùng biên ải. Đám cưới này có lửa của ngàn vạn ngọn đuốc soi đường, lửa của những đám thui bò, nướng trâu, quay dê lợn… Ở nơi đây núi chập chờn lập loè muôn ngàn ánh đuốc lửa như sao sa kia đang vào lúc hội vui nhất của ngàn vạn con người. Còn ở nơi cầu quán của đạo lão tu tiên phái nam ngạn sông này trong bóng tối âm thầm chỉ có một mình vị Tiết chế tướng quân, giữ quyền tể chấp vương triều. Lệ tục của bản triều và nỗi lòng riêng ngăn ông tới nơi hội vui. Ông chưa thể về ngay kinh đô vì lên đây, ông còn mang một trách vụ nặng nề của triều đình. Đoàn chiến thuyền đón ông dưới bến sông để đưa ông đi kinh lý việc quân cơ đã cắm sào đỗ sẵn trên bến sông này. Nhưng ông không vội xuống thuyền, dù đấy là con thuyền Dực Long rộng lớn dành riêng cho tướng công Tiết chế. Ông muốn ngồi lại một mình trong ngôi nhà cầu quán của các pháp sư và tín đồ đạo Lão dựng lên cho khác bộ hành trên con đường qua bến sông này. Gió từ dưới sông thổi thốc qua những nhịp vì kèo nổi tiếp của cầu quán trống trải. Sương đêm tràn vào lạnh buốt… Vị tướng quân Tiết chế ngồi im lặng với nỗi lòng riêng của mình không thể chia sẻ cho bất cứ một ai. Người mà ông có thể chia sẻ nỗi lòng mình đã vĩnh viễn không còn nữa. Vì thế mà ông câm lặng hơn cả cái bóng. Ông biết rằng không phải tất cả trai gái đều kéo nhau lên tận vùng động Giáp lấp lánh đuốc hoa như sao sa kia để vui ngày hội đâu. Cái lệ đất này vào những dịp vui hiếm có này từ lâu ông đã biết được tường tận. Trai gái đất này vốn vẫn giữ phong lệ rất thuần phác từ ngàn xưa. Từ ngày các thứ đạo lý các thứ giáo phái tràn vào trong làng trong chạ có thêm bao nhiêu điều cấm kỵ. Nhưng cấm kỵ chỉ giữ được trong những chuyện thường ngày, nhưng trong dịp hội hè như hôm nay, tất cả những điều cấm kỵ đó trở nên vô nghĩa hết. Con người lại sống thuần phác hồn nhiên như buổi mới sơ khai. Trai gái gặp nhau họ hát giao duyên những câu hát mộc mạc, nếu họ ưa nhay, thì họ rủ nhau về nương dâu, luồn đồng mía, lẩn giữa rừng lim tự tình thoả thích… Trong đêm này, biết bao cặp trai gái đang tự tình trong bóng đêm huyền ảo bao phủ quanh đây… Đối với họ không cần phải vượt bao nhiêu độ đường đến cái nơi có rượu nồng dê béo mới mua nổi niềm vui. Họ chỉ cần có đôi có lứa bên nhau đã là ngày hội của tuổi xuân phơi phới rồi… Vì thế không khí và sương đêm bao quanh vai của vị Tiết chế ướt đẫm hương vị mùa xuân ân ái… Vị tướng quân thở dài, và cay đắng nhớ lại những ngày mình còn ở tuổi hoa niên phơi phới sức sống say mê… Đã ba mươi năm qua trong bóng đêm sóng sánh ánh sao này, Lý Thường Kiệt như vẫn còn nhìn thấy cái dáng đi dũng mãnh uyển chuyển của chàng trai phường Thái Hoà, họ Ngô tên Tuấn, vừa được phong chức kỵ mã vệ uý súng sính trong bộ áo giáp mới lĩnh trong kho. Lĩnh xong bộ giáp trụ mới tinh lấp lánh ánh thép, anh chàng kỵ mã hiệu uý, diện ngay lên người, và dắt con ngựa mới được phát ra khỏi tàu ngựa của trại quan. Cái chức kỵ mã hiệu uý là cái chức quan võ nhỏ nhất trong đội quân cưỡi ngựa của nhà vua. Một chức võ quan cuối cùng trong sổ ngạch võ, người giữ chức hiệu uý chỉ huy có một hiệu quân. Như thế anh chàng Ngô Tuấn được phong chức hiệu uý chỉ chỉ huy đúng có năm người lĩnh cưỡi ngựa. Nói cho đúng hơn, anh ta chỉ có quyền chỉ huy có bốn tên kỵ binh. Vì hiệu quân tính cả anh mới đủ năm người. Anh là hiệu uý, thì anh chỉ huy bốn người kia. Cái chức quan vô nhỏ nhoi ấy đối với người nào khác có lẽ là một điều tủi thân, nhưng với người con trai côi cút sinh ở phường Thái Hoà lại là điều vinh hạnh nhất. Dù sao anh cũng đã là võ quan, dù là chức võ quan nhỏ bé. Anh dắt ngựa đi vòng cấm thành, rồi nhảy lên ngựa thả nước kiệu đi qua các phường phố Thăng Long ngày ấy chỉ mới có mấy ngôi chùa và cung điện nhà vua được xây bằng gạch, lợp bằng ngói, còn tất cả nhà cửa phường phố mới dựng tạm bằng tranh tre nứa lá như một vườn làng, chạ lớn, chạ nhỏ tiếp chạ kia… Anh chàng kỵ mã hiệu uý vênh vang thả cương đi nước kiệu nhằm thẳng phường Thái Hoà. Anh nhằm về phái nhà người cậu của mình, người cậu lấy cô ruột mình là trumg phường một phường thợ gốm. Phường thợ gốm của cậu Tạ Đức ở sát ngay phường Thái Hoà. Ở đó khói lò nung gốm bốc lên nghi ngút. Kinh đô đang cần dựng đền đài, xây cung điện, lập chùa chiền, nên thợ gốm được trọng vọng. Anh chàng hiệu uý kỵ mã trẻ tuổi vừa lỏng buông cương ngựa vừa tưởng tượng ra cái cảnh sửng sốt của người cậu của mình khi thấy ngựa quan đi thẳng vào lò nung gốm. Chắc hẳn khi nhận ra chính đứa cháu mà cậu có công nuôi dạy, bù trì,, bây giờ đã trở thành một võ quan của quân cấm vệ chắc hẳn người cậu tốt bùng này nước mắt phải giàn giụa vì bồi hồi xúc động. Nhưng cái tính của cậu thì Ngô Tuấn biết lắm. Cậu sẽ chẳng bao giờ nhận mình đã cảm động phát khóc lên đâu. Nếu có ai nói lên điều đó thế nào cậu cũng vừa lau nước mắt vửa chửi theo kiểu tín đồ đạo phật: - Bá ngọ nhà mày, tao mà khóc à… Tại khói lò nung mù mịt cay cả mắt… thằng phó nhỏ đâu… thông lò hơi đi… khói thế này ai mà chịu nổi… Nghĩ đến cảnh tượng ấy, chàng trẻ tuổi cảm thấy lòng mình lâng lâng thanh thản. Chàng đúng là một chàng trai như mọi chàng trai của đất Thăng Long mới dựng nghiệp đế đô. Gốc gác quê chàng ở đâu chính chàng không biết. Chàng chỉ biết cha chàng đã theo Lý Công Uẩn về đây cắm đất dựng đô. Cha chàng là một võ quan giữ chức lang tướng. Họ Ngô, tên An Ngữ. Chức lang tướng trong quân không phải là chức võ tướng đáng kể gì nhưng trong buổi mới dựng nước, mới lập đô, một vị lang tướng cũng có chút ít vinh hoa. Vì thế vị lang tướng họ Ngô sau khi đã theo vua ra Thăng Long thì cưới một co gái người phường Thái Hào. Vào năm Thuận Thiên thứ mười, tức là vào năm thứ mười xây dựng mảnh đất thành Tống Bình và thành Đại La cũ thành kinh đô Thăng Long, thì hai vợ chồng vị lang tướng có đứa con trai đầu lòng. Vì lẽ ấy Ngô Tuấn là một chàng trai Thăng Long gốc. Sinh ở phường Thái Hoà. Phường Thái Hoà thủa ấy là một phường dệt gấm. Cậu bé Tuấn lớn lên bên gối mẹ, dưới cái dàn khung cửi ngày đêm lách tách tiếng thoi. Còn cha cậu thì cắp giáo theo vua đi hết cuộc chinh phạt này đến cuộc chinh phạt khác. Đời người lính thủa ấy mới gây nghiệp vất vả gian truân không thể kể sao cho xiết. Năm Tuấn vừa mới mười ba tuổi thì cha Tuấn cắp giáo đi tuần biên tại miền Thượng Châu. Việc đánh dẹp dân khê động gian truân, việc vỗ yên các tù trưởng ương ngạch vất vả, nước độc sơn lam chướng khí không dứt vì thế mà vị lang tướng cha của Tuấn mắc bệnh thời khó nặng, không thuốc men chạy chữa đã qua đời. Gửi nắm xương tàn nơi biên ải. Từ thửa nhỏ cậu bé Ngô Tuấn chỉ mơ ước được lớn lên theo vó ngựa của người cha tung hoành khắp giang sơn đất nước. Cậu vô cùng yêu quý cha. Vì thế mà khi nghe tin cha chết cậu khóc tưởng chừng cạn khô nước mắt. Khóc tưởng chừng tròng mắt không còn có đủ nước mắt mà khóc nữa, chỉ có máu ứa ra mà thôi. Thấy đứa cháu trai hiếu thảo, người dượng lấy cô ruột em cha Tuấn từ phường gốm gần sông Tô Lịch lên nhà tìm cách an ủi khuyên nhủ. Ông nói với cậu bé Tuấn rằng: - Dượng thương cháu, mới tí tuổi đầu đã mồ côi bố, lấy ai dạy dỗ chăm sóc nên người, lấy ai gây dựng cho thành sự nghiệp… Nay cháu về ở với dượng… dượng là trùmg phường. Phường làm gốm vào buổi dựng kinh đô, công việc nhiều, dân tứ chiếng đổ về đây mua đồ ăn thức dùng như trẩy hội, thì khói lò không bao giờ dứt cả. Cháu là đứa trẻ khôi ngô tuấn tú, lanh trí khéo tay, dượng sẽ chọn dạy nghề cho. Sau này giỏi nghề, hoặc chờ thay dượng lên làm trùm phường. Hoặc nối cần lập nghiệp riêng dượng giúp vốn sẻ phường, để cháu tự lập một phường thợ mới. Ở đời này, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, cháu ạ. Cậu bé Ngô Tuấn lắng nghe, rồi lắc đầu thưa rằng: - Xin trăm lần đội ơn cậu… nhưng cái chí của cháu không đặt trong ngọn lửa lò nung đất. - Nhưng mắt chát tinh cơ mà? - Mắt cháu tinh không phải để nhìn vào bàn xoay mà là để nhìn ra bốn cội, nhìn khắp càn khôn. - Tay cháu khéo cơ mà? - Tay cháu khéo là để luyện thế võ, cầm chuôi bảo kiếm nhấc ngọn trường thương, che cánh khiên rộng. - Chân cháu khoẻ có thể đạp bàn xoay suốt ngày không mỏi. - Chân cháu khoẻ là để đi khắp núi sông ra miền biên ải như cha cháu, xông pha chiến trận mở mang bờ cõi. Lập nghiệp phò vua, tạo dựng sự nghiệp… Ông cậu thở dài, biết là không lay chuyển được ý định sắt đã của đứa cháu mồ côi của mình. Ông lại lựa lời khuyên nhủ thêm. - Bây giờ cha cháu đã chết. Sẩy cha có chú, sảy mẹ bú dì… Nhưng nếp nhà ta vân theo tục xưa, giữ quyền ông cậu trong nhà và quyền người mẹ đối với con cái… Dượng vẫn giữ quyền bảo trợ của dượng đối với cháu. Cháu nghĩ thế nào? Cậu bé Ngô Tuấn cúi đầu: - Dạ thưa cậu, trăm lệ mới, không bằng một tục ngàn xưa. - Được, cháu đã hiểu như thế, để cậu lo cho cháu. Cháu đã mồ côi, thì mọi việc của cháu do cậu định đoạt. Bây giờ cháu không để cái chí vào học nghề thợ khéo để nối nghiệp cậu, thì cháu muốn học cái gì. Cậu làm ăn phát đạt dư dật có thể giúp cháu, chu cấp cho cháu học đến lúc thành tài. Cháu học chữ nhá. Các nhà nho đã bắt đầu mở trường dạy chữ thánh hiền trong kinh đô. Nghe nói học làu thông kinh sử sau này có thể làm quan văn đứng đầu lục bộ. Ngô Tuấn cúi đầu: - Vâng cháu xin cậu cho cháu đi học. - Thế cháu định học mười năm hay học lâu hơn nữa… - Không cháu chỉ học một năm thôi. - Sao, cậu nghe nói bể học của đạo thánh hiền mênh mông không cùng. Học một năm sao cho đến đầu đến đũa? - Cậu ạ, với cái trí của cháu, về văn chương từ phú thì chỉ cần học để nhận đủ mặt chữ. Viết được quân lệnh. Ký được tên dưới ấn phong hầu. Thế là đủ. Ông cậu Tạ Đức ngạc nhiên: - Cháu chỉ học một năm thì sau cháu làm gì… Sau một năm học chữ cháu mới lên mười bốn tuổi, hãy còn bé lắm. - Sau học chữ cháu sẽ xin đi học võ. Cháu muốn đi xa vạn dặm để lập công, để làm vẻ vang cho gia tộc, cho cha mẹ. Đó là sở nguyện. Tạ Đức khen đứa cháu mình có chí lớn. Từ đó chu cấp cho Ngô Tuấn ăn học. Học chữ đúng một năm, Tuấn tìm thầy học võ. Đêm đọc sách binh thư, ngày cưỡi ngựa, bắn cung, múa gươm, đánh thương, lăn khiên, lập doanh bày trận… Ngô Tuấn lớn lên nổi tiếng là chàng trai hào kiệt vũ dũng ở phường Thái Hoà. Ông Tạ Đức mến cháu hứa gả cô con gái rượu của mình cho cháu. Con gái Tạ Đức là nàng Thuần Khanh, xinh đẹp nhất trong các cô gái ở phía tây kinh thành ven bờ sông Tô Lịch. Cứ đến ngày phiên chợ sứ gốm, người kẻ chợ dân tứ chiếng kéo nhau lên chợ gốm bên sông Tô mua bán, không ai không kháo nhau vào xem cô con gái có hoa tay, lạ kỳ xinh đẹp. Cô ngồi nghiêm trang trên một cái sập gỗ, quanh cô là những chồng bát, chồng đĩa mộc, những bát hương, những bình hoa, những thạp, những âu mộc mới vặt từ đất phơi khô chứ chưa nung, chưa tráng men. Trước mặt cô là ống bút và những nghiên màu. Cô thoăn thoắt vẽ con cá vào đĩa, con gà vào thành bát, vẽ rồng trên bát hương, vẽ trúc tùng mai cúc trên những thành lạp… bàn tay của cô thon thả cứ như múa bông, và có phép bắt tất cả chim muông cầm thú cây cỏ hiện về trên những đồ sức đồ gốm quý mà cha cô sẽ nung trong lửa đỏ của lò gốm lò sứ. Trước khi có lời hứa hai trẻ đã bén hơi bén tiếng nhau rồi, nên khi được lời hứa gả Thuần Khanh, anh chàng Ngô Tuấn cảm thấy lòng mình phơi phới. Bây giờ đối với anh chỉ còn lập nghiệp nữa là anh quyết bảo mẹ sang xin cưới thôi. Cả Thuần Khanh cũng hết lòng mong mỏi ngày anh được coi là võ quan, như thế thì coi như cái chí lập thân đã thành tựu. Bây giờ, triều đình đã nhận anh vào quân ngũ, đã phong anh chức kỵ mã hiệu uý. Tuy cái chức quan này quả là quá nhỏ mọn, chỉ chỉ huy có bốn người kỵ mã khác mà thôi, nhưng không sao. Với chức quan này anh đã có thể xin cậu cho cưới Thuần Khanh về làm vợ, để Thuần Khanh phụng dưỡng mẹ già. Như lời hứa của Tạ Đức, không những gả Thuần Khanh, ông còn cho hai vợ chồng viên võ quan trẻ tuổi cả một cái lò gốm, dựng cho ngay tại chân ngọn đồi đất thấp ở cuối phường Thái Hoà, để cô con gái có hoa tay tiếp tục vẽ trên đồ sứ gốm làm giàu cho họ nhà chồng, nuôi chồng nuôi mẹ chồng, để chồng yên tâm trên con đường công danh trong chiến trận hào hùng như đã sở nguyện. Vì những lẽ ấy, có thể là chưa có một ai khi được phong một chức võ tướng nhỏ mọn mà lại vui như Ngô Tuấn. Ngô Tuấn thả nước kiệu nhằm thẳng phường Thái Hoà. Anh sẽ về qua nhà, khoe với mẹ và để cho cậu em là Ngô Hiển phải lác mắt một phen. Vì chuyện mẹ thấy con thành võ quan chắc mẹ vừa vui lại vừa buồn. Vui vì con đã khôn lớn, đã thành đạt, lại sắp được đến cữ cưới về một nàng dâu giỏi giang nết na, xinh đẹp. Nhưng buồn vì đứa con này lại giống bố từ đây sẽ lại phiêu bạt nơi biên thuỳ gian truân trận mạc, đi giữa hòn tên mũ đạn, rừng gươm bể giáo, cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Không một người mẹ nào, ngay cả người mẹ anh hùng lại muốn con mình vào nơi nguy hiểm, gian lao. Nếu mẹ đừng buồn thì hay biết bao nhiêu không? Mẹ phải hiểu cái chí của kẻ làm trai chứ. Ngô Tuấn nghĩ vậy và đã tính trước rằng, anh chỉ báo tin để mẹ mừng thôi, rồi anh phóng ngay ngựa xuống lò gốm bên sông Tô Lịch của cậu. Anh cứ tưởng như minh đã có mặt trước nàng Thuần Khanh duyên dáng đang ngồi trước núi các chén bát, đĩa hình, âu lư với trăm ngàn thứ chim muông cây cỏ rực rỡ. Anh đứng trước nàng, trên lưng chiến mã, trong bộ giáp trụ võ quan rực rỡ với vũ khí oai phong. Rồi anh giật cương cho con ngựa chiến nhảy qua những đống bát đĩa, bình men, bình gốm, bình sứ chồng đống dễ vỡ. Vó ngựa anh sẽ rất tài tình, nhưng tạo nên những giây khắc nguy hiểm làm cho nàng Thuần Khanh phải sợ xanh mắt và sau cái sợ phải phục tài cưỡi ngựa khét tiếng của anh. Nói giấu mọi người chứ, để làm được cái trò cưỡi ngựa nhảy giữa đống bát đĩa gốm này, anh chàng kỵ mã hiệu uý trẻ tuổi đã phải đút lót cho bác hoả đầu quân người xứ Đông Xá một quan tiền để bác cho mượn bát đĩa bếp, và đút lót cho viên giám năm quan (bằng cả một tuần trăng lương ăn võ quan) để hắn cho mượn ngựa ngoài giờ mà tập suốt. Nhưng chuyện tập tành ấy nào có ai biết đâu, chỉ biết bây giờ biểu diễn cái môn cưỡi ngựa nhãy nước kiệu qua những đống đồ dễ vỡ, anh sẽ làm cho cả cái phường gốm bên sông Tô Lịch phải phục anh sát đất. Mà người phục anh nhất có lẽ lại chính là người tình của anh, nang Thuần Khanh xinh đẹp… Và sau đó, chắc chắn ông Tạ Đức sẽ cho hai trẻ tự tình với nhau để bàn bạc đến một ngày cưới vui vẻ hạnh phúc. Ngô Tuấn mơ màng đến những phút tình tự êm đềm… Chiếc khên mây đan có kết bằng đồng thau vẫn đập bên mình ngựa ngay dưới chân anh. Như lời hứa của nàng Thuần Khanh, khi anh được phong chức, dù là cấp gì, thì nàng sẽ tự tay vẽ cho anh những hình ảnh đẹp nhất vào cái khiên trận, để anh tin là anh dù có xông pha nơi hòn đạn mũi tên, rừng gươm bể giáo thì vẫn có bàn tay nàng theo anh che chở và cầu mong anh chiến thắng trở về. Còn gì thơ mộng hơn cảnh những kẻ mê say nhau, chụm đầu nhau trong ngôi nhà lộng gió, nồng hơi đất nung từ các lò phả vàp, và cùng vẽ bức tranh hào hùng trên mặt chiếc khiên trận… Chỉ nghĩ như thế thôi, chàng kỵ mã hiệu uý Ngô Tuấn chỉ muốn con ngựa của mình mọc cánh bay thẳng đến nhà người tình… Nhưng chàng trai võ tướng vừa đến đầu phường Thái Hoà thì giật bắn mình vì tiếng kêu khóc và tiếng la hét inh ỏi. Người trong phường, người các nơi kéo ra đông như kiến cỏ. Anh lại thấy những xe những kiệu có khảm vẽ hình rồng. Như thế là kiệu xe mang biểu tượng của nhà vua. Là một võ quan có kỷ luật, trọng lệ quân, nên chàng kỵ mã hiệu uý vội nhảy xuống ngựa đứng dạt ra bên đường. Anh nghe tiếng bàn tán xôn xao của đám dân gian, quanh quán nước chè xanh, quanh tửu điếm… Ai đó nói bằng một giọng lỗ mãng: - Được kén vào hầu vua sướng bỏ mẹ, ăn trắng mặc trơn, còn tiếc cái nỗi gì mà khóc… Một người nào đó áng chừng là một nhà nho dằn nậm rượu cười ha hả: - Chuyện, đến cô dâu về nhà chồng còn khóc nữa là… Vì nhẽ ấy mới có câu rằng: cười như thầy khóa hỏng thi… khóc như thiếu nữ ngày đi lấy chồng… Dứt lời chàng ta tự cười một mình. Bởi vì lúc đó ở cái đất Thăng Long này chưa ai hiểu thế nào là thi cử, là hỏng thi. Việc học tuy đã vào đất Giao Chỉ này từ lâu, cách đây hơn mấy chục năm người ta đã dựng văn miếu, nhà vua mời thầy dạy hoàng tử trong quốc tử giám nhưng nào đã ai biết đến chuyện thi cử là gì. Còn cái việc nhà vua mở khoa tam giáo đồng nguyên cũng chỉ là việc tập hợp các nhà tu hành, các bậc chân tu, các bậc túc nho lại để khảo kinh khảo sách mà thôi. Còn con gái thời ấy có nơi còn giữ nguyên cả lệ tục nhà gái đi cưới chồng cho con, như thời trước cả ngàn năm Bắc thuộc, có nơi còn giữ nguyên phong tục cướp vợ, lại có nơi giữ tục bắt chồng, theo lệ nối dây… Vì thế con gái về nhà chồng mà khóc thì cũng là chuyện người dân Thăng Long hồi bấy giờ chưa thật quen lắm. Nhưng cái chuyện bắt cung nữ mới xảy ra một vài lần trong mấy chục năm thì dân gian đã từng biết. Và người ta khóc là phải. Từ ngày lập nghiệp nhà Lý đến nay, lần này là lần thứ ba các vua nhà Lý học các bậc hoàng đế Trung Hoa tuyển cung tần mỹ nữ nhập cung. Lần thứ nhất sau khi vua Lý Thái Tổ định đô. Đó là lần đầu tiên ở cái đất Giao Châu này có lệ tuyển cung tần mỹ nữ nhập cung. Trước đây tuy cũng đã có các triều như Bố Cái Đại Vương, Lý Nam Đế, Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… nhưng các triều này quy mô tổ chức triều đình còn rất đơn giản, chưa khác gì nhiều bộ máy gia đình của người thủ lĩnh những bộ lạc lớn, có nhiều bộ lạc chư hầu. Các chuyện về nội cung chưa đặt ra. Lúc ấy vua có thể lấy nhiều vợ, có vua lập đến bốn năm sáu hoàng hậu một lúc, và có nhiều vị nữ hầu, nhưng chưa nghĩ đến việc lập nội cung. Ngày ấy các chiều vua chưa dựa hẳn vào lý thuyết của đạo nho để lập thành quốc gia có vương triều vững mạnh. Vì lẽ ấy mà ngay cả hoàng hậu cũng có quyền tái giá ngang nhiên, được tất cả mọi người đương thời chấp nhận. Vì thế mà Thái hậu họ Dương, tên là Vân Nga, sau khi vua Đinh băng hà, có thể vì việc quân cơ mà kết duyên ngay với thập đạo tướng quân Lê Hoàn, truyền áo bào và ngôi báu để cùng nhau chống Tống. Thời ấy, cái đám cưới khi chưa hết hạn tang chế này, chẳng có gì là trái đạo lý cả. Không những thế mà còn có tác dụng đoàn kết phe của Thái hậu và phe võ tướng của Lê Hoàn thành một lực lượng thống nhất đủ sức phá quân xâm lược nhà Tống. Rõ ràng là cái đám cưới này không thể yên với các nhà nho. Vì thế về các đời sau, các nhà nho viết sử, đã không tiếc lời chê trách bà Thái hậu Dương Vân Nga thậm chí họ còn vứt tượng bà khỏi đền thờ và lăng miếu họ Đinh nữa. Nhưng chuyện đó là chuyện của đời sau, khi các thứ thuyết lý đạo nho đã ăn sâu vào đời sống tinh thần nước ta. Chứ thời ấy, mọi việc mới bắt đầu… Lý Công Uẩn bắt đầu lấy mẫu của các hoàng đế Trung Hoa để dựng đô lập triều, định quan chức và lập nội cung, kén cung tần mỹ nữ. Các bậc túc nho thì coi tất cả mọi việc như thế này là điềm hưng thịnh của đất nước. Vua phải có triều đình, có văn võ bá quan, có mở khoa thi kén người tài, có nội cung, có cấm thành mới đúng là vua của một vương quốc sánh ngang cùng các vua Đường, vua Tống. Chứ cứ ru rú sống trong động đá, với mấy bà vợ như mấy bà áp trại phu nhân, với đám tướng tá tuỳ tòng như các tay chân thì dù có mạnh mấy cũng vẫn chỉ là nước man di mọi rợ mà thôi. Những bậc đại nho chờ thời, ngồi trong tửu quán đàm luận việc này, nhưng anh chàng kỵ mã hiệu uý bỏ ngoài tai. Đối với anh lúc này, là chỉ mong sao cho cái đám rước mang nghị vệ của nhà vua đầy tiếng khóc và tiếng la hét kia mau mau đi hết đi, để anh tế ngựa về với mẹ rồi đến với người yêu. Anh là người lính chiến, việc của anh là cây thương ngọn kiếm, nơi của anh là chiến trường, anh quan tâm làm gì đến cái việc trong nội cung. Cái việc mấy chục năm mới lại diễn ra có một lần… Nhà vua có thể lấy mười vợ, hai mươi vợ, ba mươi vợ đó là quyền của nhà vua… Chẳng dính dáng gì đến anh cả, anh đã có nàng Thuần Khanh của anh rồi. Cậu anh và mẹ anh sẽ lo đám cưới cho hai đứa. Anh vẫn cứ lo việc binh nhung, vợ anh mang của hồi môn về cho anh một cái lò gốm. Với tài vẽ hoa khéo léo của vợ anh, gia đình anh sẽ trở thành một gia đình khá giả ở chốn kinh thành đô hội này. Ước mơ của đời làm trai của anh như thế còn gì đáng phiền trách nữa… Và những điều mơ ước đó đang sờ nắm thấy tận tay, nhưng anh đang sờ thanh gươm, đang nắm chiếc dây cương con chiến mã vậy. Đứng trước đám người hỗn độn đang xô đẩy nhau, anh tiếp tục mơ ước cái cuộc sống êm đềm nhưng hào hùng của một võ quan nhà nghề. Anh không thấy những chiếc kiệu buông rèm khí ở trong nức nở tiếng khóc gọi tên cha mẹ, gọi tên người tình. Anh cũng không thấy hàng ngàn thân nhân và người trong phường chen chúc nhau cố nhìn mặt những người con gái đẹp nhất nhà mình, cha mình, phường mình, họ mình lần cuối cùng… Vì đã vào chốn lãnh cung thì có mấy ai trở về mà gặp mặt được người thân. Vì thế đám tiễn đưa này có khác chi một đám ma đưa trước cho người sẽ chết mòn mỏi trong cung cấm… Vì mải nghĩ đến giấc mộng hạnh phúc của mình, chàng hiệu uý kỵ mã trẻ kia chẳng để ý gì đện mọi chuyện xung quanh, chẳng để ý đến hàng ngàn hàng trăm người gào khóc… Cuộc đời đang cười với chàng, chàng đâu có thì giờ để chia buồn cùng những giọt nước mắt… Nhưng chàng giật bắn mình vì có người giằng tay dây cương ngựa của chàng. Chàng lùi lại định bạt kiếm bằng một thế võ nhanh nhất, thần tốc nhất. Nhưng khi mắt chàng trừng lên nhìn kẻ giật cương ngựa của chàng, chàng giật bắn mình, vì không tin ở mắt mình nữa. Sao trước mắt mình lại chính là bà mẹ kính yêu đã từng ở vậy nuôi mình đang khóc vật vã. Việc gì mẹ phải khóc trong lúc này nhỉ? Mẹ goá chỉ có hai người con trai, anh và Hiến. Có đứa con gái nào để bị bắt vào lãnh cung đâu mà khóc. Nhưng nhìn bên cạnh anh thấy cậu Tạ Đức cũng nước mắt lưng tròng thì anh hiểu tất cả. Và chết lặng đi. Giọng cậu buồn da diết đầy nước mắt: - Tôi đã giục anh làm lễ cưới hỏi từ năm trước mà anh nào có nghe tôi, anh cứ xin được lập nghiệp đã rồi mới xin cưới… Thế là bây giờ thì anh mất vợ, tôi mất con… Con tôi vào lãnh cung sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa… Khổ thân tôi… Con ơi là con ơi… Người thanh niên vũ dũng ấy đã chết lặng và ngất đi trên tay mẹ giữa cái đám ma kỳ lạ đưa tiễn người sống… Từ đó chàng Ngô Tuấn như kẻ chán đời suốt ngày đắm mình trong rượu để quên sầu. Mấy lần bà mẹ thương con nói chuyện cưới một người vợ khác cho con, nhưng Ngô Tuấn gạt đi. Người cậu Tạ Đức cũng thương xót, đã có ý gả đứa con thứ, tên là Thuần Khiết cho nhưng chàng lắc đầu không thuận. Thuần Khiết em Thuần Khanh tuy không đẹp bằng chị, không duyên bằng chị, nhưng cũng hao hao vóc dáng, lại thuỳ mị nết na. Tạ Đức nghĩ, hay là cứ gán ghép vào thành gia thất, may ra cháu mình có nguôi nguôi được phần nào không. Vì lẽ ấy ông đã nhiều lần đưa nàng Thuần Khiết đến gặp Ngô Tuấn. Nhưng vừa thấy Thuần Khiết là chàng nổi điên lên. Một chứng điên lành thôi. Chỉ ôm mặt mà khóc không dứt. Không nói không rằng. Chỉ khi nào Thuần Khiết đi khỏi thì chàng mới dần dần tỉnh lại mà thôi không khóc nữa. Cả một năm dài chàng thương nhớ Thuần Khanh bao phen muốn cắt tóc đi tu, nhưng còn mẹ già nên đành thôi. Bao phen lại muốn theo những thuật sĩ đạo lão vào thâm sơn cùng cốc luyện thuốc tiên lánh hẳn việc đời, nhưng lại nghĩ đến đứa em chưa gây dựng lại phải gác lại cuộc viễn du. Chàng cứ thế uống rượu như hũ chìm. Trong cơn say chỉ biết gọi tên Thuần Khanh rồi ngất đi. Trong cơn mơ chàng chỉ mơ thấy hình bóng chập chờn của Thuần Khanh giữa rừng cây cỏ chim muông huyền ảo chính do bàn tay nàng vẽ ra… Thăng Long vào thời đang gây dựng ấy đã bắt đầu có phường ca kỹ và có những sòng bạc đánh bài chẵn lẻ gọi theo tiếng Triêu Châu là bài tái sửu. Chán đời chàng bỏ bê công danh vùi đầu vào cờ bạc thâu đêm suốt sáng, đi hát dưới xóm liền vả tuần trăng không về… Cửa nhà vì thế khánh kiệt. Bà mẹ thương con, buồn cho con, sinh bệnh mà chết. Năm ấy anh chàng hiệu uý kỵ mã phóng đãng mới có mười tám tuổi. Cái chết của bà mẹ làm chàng hoàn toàn tỉnh ngộ. Chàng tự tay lo liệu tang ma cho mẹ chu tất. Lo đủ mọi lễ tống táng. Trong lễ tiết tang ma, hễ việc gì anh cũng tự tay làm lấy để tỏ lòng ăn năn hiếu thảo, chuộc lại cái lỗi mình phóng đãng bê tha, làm mẹ đau buồn mà mất. Mẹ mất đoạn tang đầu chẵn một trăm ngày như tục cũ của đất này, chàng Ngô Tuấn tìm mọi cách xin cho em mình là Ngô Hiến, được hưởng tập ấm của cha nguyên là Sùng bang lang trung đã tử trận. Ngô Thường Hiến được bổ chức hiệu uý kinh binh. Sau đó, Ngô Tuấn lại sang nói với cậu Tạ Đức xin gả Thuần Khiết cho Thường Hiến. Cậu Tạ Đức vì thương cháu mà bằng lòng. Tuy đứng ra dựng vợ gả chồng cho em nhưng hôm cưới, Ngô Tuấn lánh mặt. Lo xong việc hiếu cho mẹ, thu xếp chuyện sự nghiệp gia thất cho em xong, Ngô Tuấn gọi Thường Hiến đến bên mà nói rằng: - Từ nay em phải thay anh giữ hương khói, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường… Nghiệp của cả dòng họ ta anh đành trao lại cậy em lo giúp… Bây giờ em là ngạch trưởng trong họ… Em để anh lạy em ba lạy… Nói rồi Ngô Tuấn quỳ xuống lạy em là Thường Hiến ba lạy. Thường Hiến hoảng hốt tưởng là phen này vì quá thương nhớ người tình mà Ngô Tuấn, anh mình sẽ quyên sinh. Nhưng điều lo lắng của Ngô Thường Hiến hoàn toàn không có căn cứ. Vì sau khi lo xong tang mẹ lo xong sự nghiệp cho em, lo xong chuyện hỉ gây dựng gia đình cho em xong, Ngô Tuấn trở lên nghiêm nghị đứng đắn vô cùng. Anh không hề nhấp môi uống rượu. Không hề lai vãng xuống các làng ca kỹ, cũng không hề động đến con bài lá bạc. Anh trở nên trầm lặng. Thường Hiến tưởng phen này anh thay đổi tính tình chắc anh sẽ lên chùa đi tu. Thường Hiến hỏi: - Anh đi tu chùa nào, hả anh… Anh phải cho em biết để khi có cháu, vợ chồng em còn phải bế cháu đến thăm anh. Ngô Tuấn lơ đãng hỏi ngược lại: - Ở chùa nào có phật thần thông nhất giúp anh gặp lại được người đã khuất… Thường Hiến tưởng anh nói thật bèn trả lời rằng: - Chùa thờ phật chỉ giúp mình lên cõi niết bàn mà thôi. Còn muốn gặp người đã khuất thì phải theo các thầy đạo lão có tài đánh đồng thiếp… Em nghe nói, người ta có tài dẫn hồn mình đi gặp người từ kiếp trước… Chẳng lẽ anh không nghe người ta đồn việc ấy ư? Ngô Tuấn vẫn trầm lắng, từ tốn thở dài: - Anh cũng đã nghe đồn… đã tìm đến những thầy đồng thiếp giỏi nhất kinh đô… Nhưng không ai giúp nổi anh… đưa hồn anh đi gặp một người đã khuất… đã khuất nhưng hãy còn sống giữa dương gian… sống cách ta chỉ một vài bức tường cao… mà ta không thể nào gặp mặt… không có cách nào gặp mặt, không có phép tiên nào giúp được ta gặp mặt… mà anh… anh chỉ còn có một lẽ sống duy nhất của anh, là làm sao được nhìn mặt nàng một lần, dù chỉ một lần mà thôi, nhìn một lần rồi đổi bằng cái chết anh cũng cam lòng… Người ta nói rằng cố gắng đợi, kiếp này đã lỡ thì kiếp khác sẽ gặp được nhau, nhưng anh làm sao mà chờ đợi được cho đến cái kiếp sau xa xôi ấy hả em… Anh quyết rồi… Thường Hiến khắc khoải hỏi anh: - Anh quyết thế nào… định liều chết phá cấm cung ư? Chàng trai Ngô Tuấn cười cay đắng: - Nếu phá được cấm cung mà được nhìn thấy mặt nàng, anh cũng phá… phá rồi chết để một lần được nhìn mặt nhau anh cũng xin cam lòng… Nhưng cấm thành nghiêm ngặt lắm, có chết cũng không thể nào phá nổi… Vì thế em đừng lo, anh không phá cấm thành để liên luỵ đến gia đình ta đâu… Anh đã quyết liều làm một việc đại bất hiếu, còn khủng khiếp hơn cả sự liều mình vào chỗ chết… Bây giờ em thay quyền anh giữ ngạch trưởng trong gia tộc, em phải tha tội cho anh… Thường Hiến không hiểu anh mình làm gì. Về sau nghe anh sung vào ngạch quân cấm vệ thì Thường Hiến mới vỡ lẽ rằng, để mong một lần gặp người thương phải giam trong chốn lãnh cung, người anh mình đã can đảm tự yểm, để sung vào ngạch thị vệ hoạn quan, là thứ quan hầu cận trong nội đình, trong cấm cung… Một lần chàng trai Ngô Tuấn ra đi mất hút trong vòng cung cấm kinh thành uy nghiêm vắng lặng, không liên lạc với họ hàng thân thích. Bước vào trong hậu cung, chàng trai Ngô Tuấn mới biết rằng đây không chỉ là một nơi giam giữ các cung tần mỹ nữ đơn giản mà nội cung chính là một thứ triều đình bí mật đầy quyền lực có sức áp chế cả triều đình bên ngoài, cai trị vương quốc, và không phải cứ vào được nội cung là có điều kiện gặp mặt người mình muốn gặp. Cái triều đình bí mật này cũng có ngạch bậc quan lại và có những cung viện hết sức phức tạp chặt chẽ. Có khi còn chặt chẽ hơn cả triều đình thật nữa. Vì thế tuy sung chức hoạn quan mà chàng trai Ngô Tuấn vẫn chưa được vào hầu chốn hậu cung của các cung nữ và các bà phi. Ở nơi mà Ngô Tuấn hy vọng được gặp nàng Thuần Khanh người tình xưa của mình. Vào ngạch hoạn quan, lại là kẻ vốn là ngạch võ quan xuất thân, có tài thao lược có võ nghệ cao hơn những hoạn quan yếu đuối trong nội cung nên chàng trai Ngô Tuấn nhanh chóng được phong chức Hoàng môn chí hậu. Một chức hoạn quan vào ngạch võ canh cửa cho nhà vua. Được vua gần gũi để mắt, lại là kẻ thông minh, có cái người đời không thể nào đoán được. Đó là cái trí làm quan thật to trong ngành hoạn quan để có thể có quyền vào được chốn lãnh cung sâu nhất, để một lần gặp mặt nàng Thuần Khanh. Điều này suốt mười hai năm không một ai có thể cậy răng bắt chàng hoạn quan vừa trẻ tuổi vừa có khuôn mặt đẹp như hoa lại vừa vũ dũng hơn đời, nói lấy một nửa lời. Chàng chỉ làm việc cần mẫn và tỏ hết lòng trung thành, vì lẽ ấy được nhà vua tin cậy và cất nhắc. Chỉ trong vòng đúng mười hai năm mà chàng đã nổi tiếng nội đình, từ một chức hoạn quan canh cửa, đã lên đến chức võ quan cao cấp vào bậc nhất trong cấm đình, chức Đô trí vệ cấm binh. Nhưng dù sao đối với vua Lý Thái Tông là nhà vua đã ra lệnh bắt nàng Thuần Khanh cùng hàng trăm cô gái đẹp khác trong dân dù giam vào cấm đình, anh chàng cấm vệ quân đô uý vẫn có một cảm giác thù hận xa cách. Vì thế mà anh không thật gần gũi nhà vua. Kíp khi vua Thái Tông băng hà, các cung nhân của tiên đế được giải phóng. Người đi coi thái miếu, lăng tẩm, giữ phần hương khói, người cắt tóc đi tu, người trở lại dân dã sống lại kiếp làm người khi tuổi xuân đã phai tàn. Mãi đến lúc chàng cấm vệ đô trí Ngô Tuấn mới nhận công vụ lọt được vào tận lãnh cung của nàng trinh nữ nguyên vẹn Thuần Khanh. Mười mấy năm trời bị giam trong cung nàng chưa một lần được nhà vua vời tới. Nàng mòn mỏi trong chốn cấm cung nhớ thương cuộc sống dân dã bình lặng, nhớ thương người tình đầu tiên và giấc mộng lứa đôi cái thủa xuân xanh… Và khi thấy chàng trai năm xưa đẩy cánh cửa cung cấm bước vào nàng đã suýt ngã ngất lịm đi, mặc dù nàng vẫn không quên đang có đại tang trong triều và dù sao mình cũng là vợ của vị vua quá cố. Nàng hốt hoảng hỏi Ngô Tuấn: - Trời ơi, thiếp đang tỉnh hay đang mơ đây… Đã bao nhiêu năm trường đằng đẵng thiếp mơ thấy chàng… chàng đến trong giấc mơ của thiếp… cười trong giấc mơ của thiếp… nắm tay trong giấc mơ của thiếp… rồi bỡn đùa mà biến mất khỏi giấc mơ của thiếp để thiếp hàng ngàn lần ngồi đối mặt với ngọn đèn mà tiếc ngẩn tiếc ngơ, chẳng làm sao ngủ được… Lần này chàng lại hiện lên để bỡn cợt hành hạ thiếp nữa ư… Chàng Ngô Tuấn lắc đầu mà khóc rằng: - Ta đã tìm nàng suốt hơn mười năm nay, mười năm chịu nhẫn nhục để một lần nhìn thấy mặt nàng… và giờ đây ta đã thấy nàng… đã thấy nàng. Và một điều may mắn, cũng là một câu chuyện trớ trêu, viên hoạn quan đô tri cấm vệ được phái đi đưa các cung nữ được tuyển chọn làm người gác lăng vua trọn kiếp. Trong số đó có cả nàng cung nữ Thuần Khanh. Hai người có điều kiện gặp nhau trọn vẹn, vì lúc đó chàng là chức quan cao nhất trong đoàn tống tiễn, còn nàng cũng đã được thả lỏng ít nhiều… Nhưng cái vui gặp gỡ ngắn ngủi qua mau. Khi chưa được mắt nhìn tận mắt, tay nắm tận tay, người ta cứ ao ước rằng chỉ cần được gặp nhau như thế là đủ lắm rồi, chẳng cần gì hơn nữa. Ngô Tuấn còn sẵn sàng đổi cái chết để có một lần mặt nhìn mặt tay cầm tay như thế mà thôi. Nàng Thuần Khanh hơn ba ngàn đêm trong nửa mơ nửa thức ao ước cũng chỉ thiết tha có vậy mà thôi, dù vì thế mà dao kề cổ nàng cũng cam chịu, thậm chí còn có thể mỉm cười nhìn đao phủ nữa, và nàng cho rằng mình đã được tại nguyện rồi… Nhưng bây giờ tay đã cầm trong tay, mặt đã nhìn tận mặt. Trong bóng đêm bí ẩn của lăng tẩm âm u nơi phần mộ của bậc đế vương, hai người tình cũ đã má kề má môi kề môi, tóc tơ sợi vấn sợi dài, giọt nước mắt rơi theo giọt nến hồng lạp như giọt máu thời gian phôi pha… Bây giờ họ đã có nhau, nhưng họ đã mất tất cả… mất cả những gì bình thường trong khát vọng cháy bỏng đôi lứa. Họ đạt được điều họ ao ước suốt mười năm, nhưng họ không thể nào bằng lòng với những điều mơ ước đó… Nhưng họ chẳng thể làm gì hơn… chẳng còn gì nữa… Ngọn lửa dục tình trong lòng giá lạnh của người cung nữ, và khát vọng đã mất của chàng võ sĩ năm xưa nay lại bùng lên thành bão… Chàng đô tri cấm quân hộ tống đoàn cung nữ đến coi lăng tự nhiên phát điên, một cơn điên khủng khiếp chưa từng thấy, chỉ những hoạn quan lão luyện mới lờ mờ đoán ra đôi chút căn nguyên… Cũng như việc thành lập cung cấm mới hình thành từ thời Lý với một quy mô như các triều đình phong kiến của Đường của Tống ở bên Trung Hoa, thì cũng từ đó ngạch hoạn quan cũng bắt đầu có vị trí ghê ghớm ở trong việc triều chính việc quốc sự… Và cái nghiệp hoạn quan mới nhập vào nước ta nên các chứng bệnh đặc biệt của các hoạn quan, người ta chưa có kinh nghiệm nhận biết căn nguyên. Nếu như vào những đời sau, khi hoạn quan thành một thứ nghề có một căn cứ lâu đời như ở các nước Trung Nguyên chắc chứng bệnh khủng khiếp của viên đô tri cấm quân kia chắc chẵn phải chữa bằng lưỡi gươm khắc nghiệt nhất và lệnh tru di tam tộc. Vì đó là một nguyên cớ phạm tội bất kính với tiền đế. Ở chốn lãnh cung lâu năm, cung nữ Thuần Khanh hiểu được cái lẽ chết của chốn cấm đình, nên tìm mọi cách cứu chữa căn bệnh điên kịch phát của chàng đô tri ở chốn lăng miếu âm u cô quạnh này. Nàng biết rằng câu chuyện bại lộ thì chắc chắn là không chỉ hai người đổi cái chết của riêng mình đã đủ, họ dám chết như thế lắm, nhưng luật lệ triều đình có thể dẫn đến tru di ba họ của cả hai nhà…Không thể làm cách nào khác nữa, nàng Thuần Khanh xin được hoả thiêu theo nhà vua… Đó là lệ hoả táng sống theo vua, mà thời ấy hãy còn giữ như một luật lệ tuy không bắt buộc tất cả mọi người. Trước khi lên dàn hoả thiêu, đêm trước cung nữ Thuần Khanh lẻn đến gặp viên đô tri cấm vệ quân vừa khóc vừa nói rằng: - Đôi ta đã có vương duyên, vương nợ với nhau, đã luỵ tình cùng nhau… cái tình đáng trọng… Thanh khí tương cầu… Những tưởng chỉ cần nhìn thấy mặt nhau là đủ thoả lòng mong nguyện từ mấy ngàn ngày khắc khoải ngóng trông… Nhưng chuyện đôi lứa đâu phải chỉ có ngồi mà nhìn nhau… Thiếp cảm thấy lòng chàng dám đạp qua cái điều khủng khiếp hơn cái chết để được gặp thiếp… Nhưng gặp nhau như thế này thì thà rằng đừng bao giờ gặp nhau thì còn hơn. Thà rằng cứ mộng tưởng chập chờn trong giấc mộng còn hơn… Thôi đành chàng đã mang cái lớn hơn cả cái chết, tự giết tất cả lạc thú ở đời để được nhìn mặt thiếp. Thiếp cảm cái tình lớn của chàng, thiếp cũng xin mang cái chết để tỏ lòng đền đáp. Chứ cứ sống trong cảnh này thì cả thiếp lẫn chàng đều phát điên lên rồi gây hoạ cho cả gia đình hai bên, cái hoạ tru di tam tộc mất… Trước khi chết, thiếp chỉ khuyên chàng một điều… một điều này thôi… chàng đừng nghĩ rằng chàng không còn gì, đành rằng chàng không còn lạc thú ở đời, đành rằng chàng không còn là một người con có hiếu, đành rằng chàng chẳng bao giờ có thể nối dõi tông đường, đành rằng chàng đã coi như tuyệt tự… Nhưng đời của kẻ làm trai không phải tất cả chỉ có chừng ấy… Mong chàng nghĩ lại đừng có liều mình cùng thiếp mà uổng chí lớn tài cao… Rồi ngọn lửa oan nghiệt thiêu cháy người con gái tài hoa trên dàn hoả thiêu dựng nơi lăng tẩm nhà Lý dành cho vua Thái Tông. Ngọn lửa khủng khiếp có cả mùi trầm hương lẫn mùi da thiệt của nàng trinh nữ về già cháy khét đã làm cho chàng võ quan nơi cấm đình Ngô Tuấn tỉnh ngộ. Chàng trở về kinh đô… Vua Thánh Tông nhận ra ngay con người có chí lớn trong chàng võ quan nơi cung cấm. Nhà vua phong cho chàng chức hành quân hiệu uý chuyên cho theo đi đánh giặc. Trong chiến trận khác với trong việc hầu hạ trong cung cấm, tài năng và cái khí nghiêng trời nghiêng đất của chàng càng nổi bật, được vua hết sức tin yêu. Năm thứ ba, thuộc niên hiệu thứ hai của vua, Thánh Tông tin cậy và ban cho viên hoạn quan này một đặc ân, một đặc ân hiếm có cho những hoạn quan, là giao cho hoạn quna trong nội cung ra làm chức Kinh phòng sứ khí vùng ngũ huyện Giang Ái Châu có loạn và dân các sách động Man Lào phản. Ngô Tuấn được tuỳ nghi hành sự. Chàng đã khéo phủ dụ, lại là người liêm khiết, ngoài khát vọng lập công chẳng còn một khát vọng nào khác, nên chuyên cần mưu trí gia ân gia uy, vì thế mà dân năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn sách động đều quy phục cả. Dân được yên, lại mang nhiều châu báu tôn cúng của dân về triều, nên chàng hoạn quan võ tướng nhà vua được đặc ân ban quốc tính, cải làm họ Lý. Từ ấy chàng Ngô Tuấn đầy bi kịch trong đời đã trở thành vị tướng quân Lý Thường Kiệt. Nhưng đến lúc ấy chàng vẫn chỉ là viên tướng được vua tin dùng và nổi tiếng trong nội cung mà thôi. Phải đợi đến trận chiến binh phục thành Đỗ Bàn bắt vua Chiêm, lấy cống ba châu Ma Linh, Địa Lý, Bố Chánh để mở rộng biên thuỳ về phía Nam chàng mới thành vị tướng thực sự của triều đình… Mệt mỏi và căng thẳng sau cuộc chính biến cung đình do chính mình bầy mưu sắp đặt, lại bước vào một kế hoạch thúc ước kết gắn các vùng sách động biên thuỳ, vị Tiết Chế tể chấp cảm thấy toàn thân rã rời bải hoải… Đâu đây trong gió đêm những cặp trai gái vùng thôn ổ hồn nhiên chơi hội kéo nhau tự tình trong ruộng dưa, bãi mía vườn dâu không biết sự có mặt của vị quan trong nhà cầu quán, cứ rúc rích cười hoài… Tiếng cười như làm rung rinh buốt lạnh thêm làn sương đêm vây bọc quanh đôi vai của con người ngày hôm nay phải gánh cả gánh nặng quốc gia, mà trong lòng mất hết mọi niềm say mê khao khát bình thường của con người trần tục… Vị Tiết Chế tướng quân tể chấp thở dài cay đắng… Hình bóng anh chàng kỵ mã hiệu uý cứ chập chờn trước mặt trong bóng đêm dày đặc bao phủ giữa trời đầy sao và cả hàng vạn đốm lửa ngày hội khác nào sao sa. Trời, cái anh võ quan cấp thấp nhất, trẻ tuổi và ngây thơ kia sao mà đẹp vậy… Vị tể tướng đầu triều kiêm giữ tất cả binh lực, của nhà nước lúc này ủ rũ ngồi trong bóng đêm này, sẵn sàng đánh đổi tất cả, để được trẻ lại, để được trở lại làm cái anh võ quan nhỏ bé kia… Đổi cả chức đứng đầu triều đình, đổi cả chức đứng đầu toàn bộ cấm binh, quân đồng bằng, quân khê động… Nhưng thời gian đã trôi đi… Cái gì đã mất đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa… cái anh chàng hiệu uý kia đã vĩnh viễn mất đi… cả cô gái vẽ chim muông hoa thú trên nền men gốm cũng đã chết mòn chết mỏi trong lãnh cung rồi cháy bừng lên trên dàn hoả thiêu trước lăng Thái Tông cạnh rừng Báng… Tất cả đã mòn mỏi… bây giờ đối với con người đang còng lưng trước màn sương lạnh của đêm chỉ còn gánh nặng của cả sự mất còn của non sông đè trên đôi vai mệt mỏi. Vị Tiết Chế tể chấp Lý Thường Kiệt khẽ rùng mình buông một tiếng thở dài… Lúc đó, anh chàng lái buôn miệng nồng hơi rượu giọng khê đặc của một kẻ say, lảo đảo bước tới gần vị Tể tướng đầu triều đang ngồi âm thầm trong căn nhà cầu quán đạo Lão trống trải. Giọng Lý Chăm vẫn giữ cách nói thân mật cợt nhả của lái buôn: - Bẩm Tể tướng, Tể tướng đã biết tin gì chưa? Một lái buôn thân tín của tôi từ bạc dịch trường Vĩnh Bình về đây cho hay rằng chính viên Tể tướng Vương An Thạch phải rút khỏi chính sự… Quyền Tể tướng đã rơi vào tay kẻ khác… Các bạc dịch trường được viên kinh lược sứ mới tên là Lưu Di cho nới mở bớt các lệnh cấm đoán khe khắt… Việc động binh về phía Nam thuỷ tạm hoãn… Tiết Chế tể chấp Lý Thường Kiệt gật đầu như tự nói với chính bản thân: - Việc này ta cũng đoán là tất sẽ đến… đến là may cho ta… cho ta thêm thời giờ mà phòng bị… Rồi Vương An Thạch sẽ trở lại tham chính… và ngọn lửa chiến tranh chẳng thể nào tránh khỏi… Ta biết chắc rằng, chẳng có cách nào tránh khỏi…
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang