[Dịch] Kiếm Khấu Thiên Môn
Chương 1 : Ác tăng
Người đăng: Hoàng Oanh Hay Hát
Ngày đăng: 20:40 31-01-2018
.
Thủa xa xưa, lúc thần châu còn hỗn độn sơ khai, đục trong chưa rõ, người, yêu, tiên, ma cùng chung sống, phải qua mấy lần hạo kiếp tranh chấp, yêu ma mới chịu ẩn trốn nơi hoang dã, tiên gia thì ẩn cư núi rừng. Từ đó cuộc sống mới được coi như là thái bình yên ổn.
Chẳng qua những tháng ngày yên ổn chẳng kéo dài được bao lâu. Trong thời kỳ thái bình thịnh thế, không riêng gì vương hầu khanh tướng, ngay cả những bách tính bình thường cũng sợ hãi sinh lão bệnh tử, làn gió tầm tiên vấn đạo nơi đất thần châu giống như cỏ dại nơi sườn núi, cắt không hết mà đốt cũng không xong.
Trong những sự tích tầm tiên đó, có một công án tìm tiên cực lớn phát sinh ở nước Thiên Diễn thuộc châu Doanh, bởi vì có người nói bên ngoài Vân hải có tiên nhân, cho nên ngày đó Vân đế của nước Thiên Diễn mới sai người chế tạo thuyền to rồi đích thân ra ngoài biển. Có người bảo Vân đế tìm tiên không có kết quả, kết cục cùng với năm ngàn đồng nam đồng nữ bỏ mạng dưới biển sâu, nhưng cũng có người nói, Vân đế đã tìm được tiên phủ, tu luyện thành tiên nhân. Kết quả thực sự thế nào chẳng ai biết, mà chuyện không rõ thường kích thích ước mơ, cho nên nước Thiên Diễn là vùng đất tầm tiên vấn đạo cuồng nhiệt nhất nơi thần châu.
Không giống những vương gia, phú thương, những người xuất thân nông gia chỉ sau khi thu hoạch mùa màng, mới khăn gói mang lương khô thăm viếng danh sơn đại xuyên, tuy biết vô vọng nhưng trong lòng cũng không muốn từ bỏ cơ duyên của mình.
Phần lớn nông hộ đều bắt buộc phải cấy trồng, vì chỉ có mùa màng mới là nguồn để sinh sống nên việc tìm tiên với họ chỉ diễn ra một hai lần mà thôi, sau mấy lần vô vọng là họ đành bỏ cuộc hồi hương cày cấy. Nhưng mà cũng có ngoại lệ, ở một thôn hẻo lánh tên là Nhị Lang của nước Thiên Diễn, có một gia đình họ Lý, người cha là Lý Sơn Trúc mang con trai độc nhất của mình là Lý Vân Sinh tìm tiên tới tận mười năm.
Lý Sơn Trúc mặc dù xuất thân nông hộ, nhưng tổ tiên cũng đã từng huy hoàng, việc luân lạc đến mức này tất cả là vì một công án nghe hết sức hoang đường nhưng cũng hết sức thú vị.
Tổ tiên Lý Sơn Trúc vốn là phú thương, nhà có ruộng tốt ngàn khoảnh, ở các châu phủ lại có mấy trăm cửa hàng kinh doanh, tạm coi thuộc phe quyền quý. Tục truyền Lý gia từng dốc hết gia tài, đưa một người được cho là rất có tuệ căn vào tiên phủ, với tâm lý "một người đắc đạo gà chó thăng thiên", chẳng qua là chuyện tốt chưa thấy đâu, mà tai họa đã tìm tới cửa.
Năm đó mới qua nguyên tiêu, phòng lớn Lý gia lại có thêm một tân đinh là một bé trai mập mạp, Lý lão gia tử cao hứng vô cùng, bày mấy chục bàn tiệc lớn ăn mừng trong suốt ba ngày ba đêm, đồng thời tổ chức nhiều điểm bố thí tiền tài, thức ăn ở trong thành.
Đây vốn là một chuyện đáng mừng, nhưng trong một buổi chiều, có một tăng nhân vân du tứ phương với bộ mặt hung ác đột nhiên đi tới Lý gia, hắn dừng lại ngoài cửa một lúc lâu rồi mới mở miệng đòi gặp gia chủ Lý lão gia tử.
Lão gia tử vốn là người có tâm thiện, coi ác tăng như thượng khách, nhưng không ngờ sau khi ác tăng ăn cơm, uống trà ngon, liền lạnh lùng nhìn lão gia tử nói:
"Vốn muốn cho Lý gia cửa nát nhà tan, gà chó không tha, nhưng nể mặt bữa cơm này, ông dâng lên toàn bộ gia sản, ta có thể lưu lại cho Lý gia hương hỏa".
Lão gia tử vốn đã khoản đãi tăng nhân kia, không ngờ người ta không những không cảm kích mà còn mở mồm muốn Lý gia cửa nát nhà tan, lại còn phải phải dâng lên toàn bộ gia sản mới có thể lưu lại hương hỏa. Chuyện hoang đường thế này, mấy ai mà nhịn mãi cho được. May mà lão gia tử là một người tốt, không mở miệng mắng chửi tăng nhân là loài vong ân phụ nghĩa, không bằng heo chó, mà chỉ sai người đuổi tăng nhân ra ngoài.
Việc mà mọi người không ngờ tới chính là, đêm đó Lý lão gia đột nhiên chết bất đắc kỳ tử.
Ngày thứ hai, ác tăng lại đến, người của Lý gia trong cơn đau buồn, không thèm hỏi han gì đánh tăng nhân kia thừa sống thiếu chết, cho tới khi quan sai ngăn cản mới chịu bỏ qua.
Vậy mà tối hôm đó, con trai lớn của Lý gia cũng chết bất đắc kỳ tử.
Ngày thứ ba, ác tăng lại đến, người của Lý gia lại đuổi, tối đó, con trai thứ của Lý gia cũng chết bất đắc kỳ tử.
Liên tiếp bảy ngày, ngày nào ác tăng cũng tới, mỗi lần tới là tối đó Lý gia lại chết một người.
Ngày thứ tám, ác tăng không tới nữa, Lý gia không có người chết, thế nhưng sau đó, vốn Lý gia giàu có và đông đúc bắt đầu suy tàn. Mà quái dị hơn chính là, nam đinh của Lý gia ngày càng ít, lại không thể sống qua bốn mươi, truyền tới thế hệ của Lý Vân Sinh đã là đơn truyền ba đời.
Cha con Lý Vân Sinh năm nay rời nhà sớm hơn năm trước, thu phân qua là họ vội vàng thu thập hoa màu bán lấy tiền, bọn họ chuẩn bị đi một nơi cực xa, tới tận Tùng Tuyết lĩnh xem thế nào.
"Một trận mưa thu, một trận hàn".
Nơi cư trú của hai cha con hiện giờ là Tử Vân lĩnh, núi cao, gió to, mưa thu se lạnh, Lý Vân Sinh mặc quần áo không nhiều, mỗi một cơn gió thổi qua là thân hình của cậu nhóc lại run lên. Lúc này, cậu đang đứng trong lương đình, thỉnh thoảng móc trong túi một hạt đậu nành bỏ vào miệng nhai cho ấm.
Vạt áo dưới chân của cậu bị gió thổi bay phấp phới, vắt ngang qua một cái nón lá đặt bên cạnh mấy cái áo tơi. Đại khái có thể là do di truyền, cậu rất có năng khiếu làm thương nhân, ước đoán là trên Tử Vân lĩnh sẽ có mưa, bèn cùng cha mình là Lý Sơn Trúc chặt mấy cây trúc lớn trước cửa nhà, chẻ ra đan lại làm mấy chục cái nón lá, sau đó lấy một ít vỏ cây bện thành mười mấy cái áo tơi. Hơn nữa, hai người còn đem một số vật phẩm, đặc sản quê nhà ở phương nam mang lên phương bắc bán, do vậy cước phí đi đường không thiếu, thậm chí có lúc còn thừa ra khá nhiều, nếu tiết kiệm có thể để dành được mấy lượng bạc mang về quê, dự phòng cho năm sau.
Từ khi cậu thiếu niên gầy gò, mặt mũi đen thui này năm tuổi đã phải theo phụ thân ra ngoài, lúc đầu cậu không hiểu vì sao bố mình lại không quản ngại xa xôi ngàn dặm, tới những nơi rừng sâu núi thẳm, tìm tiên nhân trong mơ mộng hão huyền. Cậu chỉ muốn ở nhà chơi đùa với mấy cô cậu hàng xóm, nhưng sau khi bị bố đánh cho mấy đòn, đành ngoan ngoãn cùng đi. Tới thời điểm hiện tại, việc sau khi trời vào thu cùng bố mình ra ngoài đã là một phần trong cuộc sống của cậu.
Mặc dù năm nay mới chỉ mười hai tuổi, nhưng mà cho dù nhìn vóc người hay vẻ mặt, Lý Vân Sinh cũng không giống một đứa trẻ, nhất là khi người ngoài nhìn vào bộ lông mày kiếm trên trán của cậu, cảm thấy chúng toát lên anh khí bừng bừng.
Sắc trời dần tối, mưa cũng ngớt dần, Lý Vân Sinh ước lượng thời gian, đoán chừng bố mình cũng đã xuống núi, bèn lấy dây xâu áo tơi và nón lá lại với nhau, buộc thành hai bó, xóc vào hai đầu đòn gánh, chuẩn bị xuống núi.
Cậu mới cầm được đòn gánh lên thì thấy một bà lão chống một cái quải trượng bằng gỗ, di chuyển nhẹ nhàng lên núi. Lý Vân Sinh không bước tới đỡ nhưng cũng không quẩy đồ rời đi, mà buông đòn gánh ngồi xuống ghế dài trong lương đình, thỉnh thoảng nhìn bà lão một cái rồi quay đầu bỏ vào trong miệng một hạt đậu nành, đôi chân đầy vết xước do cây gai tạo nên đung đưa qua lại trên ghế.
"Cậu bé ơi."
Bà lão rốt cuộc đi vào trong lương đình, xoa xoa mồ hôi và nước mưa trên trán, bởi vì không mặc áo tơi, cũng không đội nón lá nên áo trên người bà lão ướt một mảng lớn.
"Con đường này có thể đi đến Tử Vân quan trên Vọng Long phong không cháu?"
Không biết có phải do lạnh hay không giọng nói của bà lão có chút khàn khàn.
"Có bà ơi."
Từ đầu đến cuối, Lý Vân Sinh không nhìn bà lão một lần nào, cứ tiếp tục ném đậu nành vào trong miệng, ánh mắt ngơ ngẩn nhìn theo những bậc thang phía về đỉnh núi.
Hỏi xong câu vừa rồi, bà lão không nói thêm gì nữa mà cầm khăn tay lau tóc.
"Về nhà, về nhà thôi... không tới nửa giờ nữa là trời sẽ tối, ngã xuống sẽ mất mạng."
Nhai xong hạt đậu nành cuối cùng, Lý Vân Sinh chống một tay xuống ghế nhảy xuống đất, miệng thì thào giống như tự nói với mình hoặc cố tình nói cho bà lão kia nghe thấy.
Nói xong cậu nhấc đòn gánh, từ từ bước theo bậc thang đá xuống núi.
Bà lão nhìn theo bóng lưng của Lý Vân Sinh xuống núi, cười mắng trẻ hoang không được dạy dỗ.
Thế nhưng khi nhìn vào trong lương đình, bà có chút kinh ngạc, hóa ra cậu nhóc kia đã đặt một chiếc áo tơi và một chiếc nón lá trên cái ghế, trên áo tơi còn có một túi đậu nành.
Bà lão hơi sững sờ, nghĩ tới cảnh lúc mình đến cũng là lúc cậu bé đã thu dọn xong đồ đạc, chuẩn bị về nhà, trong lòng hiểu ra là cậu nhóc này cố tình đợi mình lên núi nghỉ ngơi rồi mới về, cười nói:
"Hoá ra là một cậu bé trong nóng ngoài lạnh."
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện