[Dịch] Bạch Ngọc Điêu Long

Chương 8 : Chương tám Quyết định khó khăn (Thượng)

Người đăng: hoangtuden1979

Chân thành cám ơn Vo_Vong, bác Workman đã hỗ trợ dịch! Rất trân trọng cám ơn bác LuuLang đã bỏ công tra cứu, tìm được đoạn văn gốc của đoạn văn bị hư! Mọi người đều có lúc lưỡng lự, lưỡng lự tịnh không đáng sợ, đáng sợ ở chỗ sau khi lưỡng lự cân nhắc chán chê vẫn không thể đi đến lựa chọn, bởi vì một khi đã quyết định, sẽ không còn lưỡng lự, cứ thế mà làm theo lưa chọn của mình. Vô Kỵ cũng là con người, đương nhiên có lúc do dự, đặc biệt khi đến trước ngã ba đường này, chàng lại càng do dự hơn. Biết đi đường nào? Rẽ trái là đường tới Thượng Quan thành bảo, hiện do Quách Quan Quần trấn giữ. Rẽ phải là đường tới Bàn Long Cốc, hiện do Từ Cung phụ trách. Chính giữa là đường tới thành bảo của Tư Không Hiểu Phong. Theo lẽ thường, Vô Kỵ nên đi thẳng, bất quá, cái gọi là “lẽ thường”, lại là dựa trên tin tức Vệ Phượng Nương nghe lén được, đó là “lẽ thường” ư? Trong chuyện này có điều gì trá nguỵ không? Theo dự đoán của Vô Kỵ, mục tiêu tấn công thực sự của Đường Ngạo, chính là chỗ này. Dựa theo lộ trình, gần đây nhất là Bàn Long Cốc, nên theo suy đoán thông thường, Đường Ngạo nhất định sẽ công đả Bàn Long Cốc đầu tiên, đặc biệt là khi Vô Kỵ đã rời Đường Gia Bảo. Nhưng nhìn qua Đường Gia Bảo không hề có chút không khí chuẩn bị xuất binh, nếu như Đường Ngạo chuẩn bị viễn chinh, lẽ ra phải khởi hành sớm hơn chàng mới đúng chứ?!! Đương nhiên cũng có khả năng Đường Ngạo đã an bài trước đó, Đường Gia Bảo căn bản không cần đưa người của Đường Gia xuất trận, mà chỉ cần sai một đại tướng dưới quyền theo lệnh tấn công. Tuy nhiên Vô Kỵ căn bản không tin tưởng Đường Ngạo, thả người trước rồi mới tấn công sau là cái đạo lý gì vậy? Thêm nữa, một kẻ tinh ranh như hắn, sao có thể để Vệ Phượng Nương nghe trộm? Do đó, việc tấn công Tư Không thành bảo rất có thể là một cái bẫy, hắn muốn lừa Vô Kỵ. Vô Kỵ quyết định không đến Tư Không thành bảo nữa. Vậy thì đến Bàn Long Cốc sao? Phải chăng đây là cứ điểm bị tấn công đầu tiên? Vô Kỵ giục ngựa quay đầu sang phải, vừa đi được mấy bước, lại đột ngột dừng ngựa lại, bởi vì chàng đột nhiên nghĩ đến Thượng Quan Nhận. Bất luận Đường Ngạo tấn công cứ điểm nào, Thượng Quan Nhận tất sẽ tham gia, nên sẽ biết rõ mục tiêu tấn công. Chắc chắn ông ta sẽ tìm cách báo tin để nơi đó tích cực phòng vệ, dù khó khăn đến thế nào, chàng cũng tin chắc Thượng Quan Nhận cũng sẽ làm được. Điều nan giải nhất là, sau khi Thượng Quan Nhận đã báo tin, Đường Ngạo đến khi tấn công đột nhiên phát hiện ra đối phương đã chuẩn bị ứng phó từ trước, Đường Ngạo nhất định sẽ hoài nghi Thượng Quan Nhận, bởi vì trừ ông ta ra, không ai biết ý đồ của Đường Ngạo. Nếu có người bị Đại Phong Đường mua chuộc đi tiết lộ tin tức, Đường Ngạo nhất định sẽ phải tìm cho ra, mà ngoại trừ Thượng Quan Nhận thì còn ai có khả năng tiết lộ? Chàng quyết định không đi đâu cả, quyết định thất tung, quyết định không để người trong Đường Gia Bảo biết được chàng ở đâu. Như thế sẽ khiến Đường Ngạo cho rằng người báo tin là Triệu Vô Kỵ, nên các cứ điểm của Đại Phong Đường đều được phòng vệ cẩn mật. Như vậy Thượng Quan Nhận có thể thoát khỏi nghi ngờ. Thế nhưng, vạn nhất Thượng Quan Nhận không thông báo được thì sao? Vô Kỵ không lo ngại chuyện này, bởi vì đây là trận chiến khởi đầu cho cuộc chiến quyết định sinh tử tồn vong giữa Đại Phong Đường và Đường Gia, làm sao Thượng Quan Nhận có thể ngồi yên? Chàng quyết định không đi, chàng xem xét số lương thực mình mang theo, đại khái có thể đủ cho năm ngày, do đó chàng nhảy xuống, dắt ngựa đi vài bước, hướng lên phía đỉnh núi. * Về phía Thượng Quan Nhận, ông cũng có do dự, nhưng chỉ trong giây lát. Trên giang hồ, Thượng Quan Nhận không chỉ nổi tiếng bởi trí tuệ và võ công, mà còn bởi khả năng quyết đoán của mình. Do đó, về việc báo hay không báo cho Từ Cung của Bàn Long Cốc, ông chỉ đăm chiêu một lát, đã có quyết định. Ông và Đường Ngạo nói chuyện từ chiều, đến khi kết thúc thì đã hoàng hôn, mặt trời đang ở phía chính Tây, ông rời Hoa Viên, hướng về phía phố thị bước tới. Đến một tiệm mỳ, ông ngồi xuống, trong tiệm có sáu chiếc bàn, hiện đang là giờ cơm tối, tất cả các bàn đều có người ngồi, bàn của ông cũng không ngoại lệ. Ông gọi một bát mỳ thịt bò, nước đỏ lòm, cay xé lưỡi, cay đến mức vừa ăn vừa gạt mồ hôi. Ông ăn chậm rãi, mỗi sợi mỳ cơ hồ đều nhai thật kỹ rồi mới nuốt, do đó khi ông ăn xong bát mỳ, những người khách trước đều đã đi cả, chỉ có thêm một người khách mới ngồi ở bàn đối diện. Người khách mới này mặc một bộ quần áo màu xám, trên mặt râu ria xồm xoàm, bề ngoài trông thô hào, đến lúc ăn mỳ cũng có vẻ thô hào, chỉ vài ba quệt đã ăn xong một bát mỳ to tướng. Thượng Quan Nhận ăn xong, định đứng dậy trả tiền, nhìn thấy bộ dạng ăn uống của người áo xám, không kìm được ngoái lại nhìn ông chủ tiệm mỳ, lắc đầu mỉm cười, rồi bước đến đưa một ít bạc vụn cho chủ tiệm. Đúng lúc đó, người áo xám đột nhiên kêu lớn: “Không hay rồi!” Cả Thượng Quan Nhận và chủ tiệm cùng quay đầu nhìn gã. Chỉ thấy người áo xám hai tay lần mò khắp người, than: “Tôi quên mang tiền rồi!” Thượng Quan Nhận mỉm cười: “Vị nhân huynh này nhất định từ xa tới đây?” Người kia nói: “Đúng vậy, tôi định đến đây mua bán vải vóc, trú ở Duyệt Lai khách điếm, tiền bạc của tôi để lại chỗ khách điếm rồi, chẳng hay ông chủ có đồng ý cho tôi quay về lấy tiền không?” Chủ tiệm mỳ chưa kịp mở miệng, Thượng Quan Nhận đã nói: “Bất tất, để ta mời huynh”, nói xong, ông cầm một đĩnh bạc vụn đưa cho chủ quán. Sau đó, Thượng Quan Nhận bước đến chỗ người áo xám nói: “Ta thấy huynh cũng chưa vội quay về lữ quán. Sắp tiết Đoan Ngọ rồi, trên đường phố nhộn nhịp lắm, tiền của ta huynh cứ tạm cầm lấy mà đi chơi, ngày mai nếu không gặp ta, huynh cứ trả lại cho chủ tiệm này cũng được. Ta là khách quen ở đây.” Ông đặt một đĩnh nguyên bảo lớn vào tay người áo xám, mỉm cười với chủ tiệm, rồi quay đi. Người áo xám ngây người nhìn đĩnh bạc, cười khổ hỏi chủ tiệm: “Quả là người tốt. Ông ấy là đại phú hào của thị trấn này ư?” Chủ tiệm: “Không, ông ta là thượng khách của Đường Gia chúng tôi. Ông là người buôn bán, không nên biết thân phận của ông ta thì hơn, để khỏi phải một phen hoảng sợ.” Người áo xám quay đi, gật đầu: “Không biết cũng chẳng quan hệ gì, bất quá ngày mai tôi mời ông ta một bữa là được.” Chủ tiệm cho biết: “Ông ta không nhất định sẽ đến.” Người áo xám bình thản: “Cũng chẳng sao. Cùng lắm tôi sẽ để tiền lại chỗ ông là xong.” Chủ tiệm ca tụng: “Quả thật, ông là người rất biết cách làm việc.” Người áo xám giơ cao đĩnh bạc, nói với chủ tiệm mỳ: “Tôi phải đi tìm hoa, bắt bướm một chút, hẹn mai gặp lại. Nếu vận khí của ông quả thực tốt, nhất định ngày mai tôi sẽ tới ăn nữa.” Nói xong, người áo xám bước ra khỏi tiệm, đi về phía thị trấn. Ông ta cứ bước đi, tuy không ngoảnh đầu lại, nhưng vẫn cảm giác được có người bám sát phía sau, kỳ thực, ngay từ khi bước vào tiệm mỳ, ông ta đã cảm thấy có người theo dõi mình. Đường Gia cần chú ý tới bất kỳ người lạ nào xuất hiện trong Bảo. Người áo xám đã sớm biết, ngược lại, nếu không có người theo dõi, ông ta mới cần lo lắng. Do đó ông ta cố tình vào Lệ Xuân viện nổi tiếng, gọi một cô nương ra hầu rượu, hết một canh giờ mới trở ra, quay về khách điếm. Vào trong phòng, ông ta rút trong người ra vài đĩnh nguyên bảo và một ít bạc vụn. Hoá ra trong thắt lưng của ông ta đã có sẵn tiền. Ông nhặt đĩnh bạc của Thượng Quan Nhận lên, cầm chặt hai đầu đĩnh bạc, dụng lực bẻ một cái, đĩnh bạc liền tách thành hai nửa, từ bên trong rơi ra một cuộn giấy nhỏ cực mỏng. Ông ta nhặt cuộn giấy lên, nhưng không mở ra mà lại đi về phía hành lý của mình, mở một chiếc rương ra, nhấc lên một chiếc lồng trúc nhỏ, trong lồng có ba con bồ câu. Rồi ông ta mở cuộn giấy, hoá ra cuộn giấy này có tất cả ba tờ giấy nhỏ, được cuốn kỹ vào nhau. Người áo xám nhìn qua nội dung, sau đó buộc mỗi tờ giấy vào chân một con chim câu. Đây là đạo đức nghề nghiệp của ông ta, ông chuyên môn huấn luyện chim bồ câu bay đêm. Ngay từ đầu kế hoạch Bạch Ngọc Lão Hổ, ông đã cải trang thành nhiều thân phận khác nhau, cứ cách mười ngày lại đến nơi này một lần, mỗi lần đều đến tiệm này ăn mì, đây là lần đầu tiên ông ta nhận được mật thư. Ông ta họ Dị, tên Bách Kiểm, tinh thông thuật dị dung, là bạn chí cốt của Thượng Quan Nhận. Nhận sự uỷ thác của Thượng Quan Nhận, từ đầu năm nay ông thường xuyên qua lại Đường Gia Bảo, lần nào cũng mang theo ba con bồ câu có thể lập tức bay về Bàn Long Cốc, Thượng Quan thành bảo, Tư Không thành bảo. Dị Bách Kiểm buộc chặt tờ giấy, nhốt bồ câu vào lồng, bỏ vào bọc, đem tiền quay lại tiệm mỳ. Gặp chủ tiệm, Dị Bách Kiểm trao tiền cho ông ta và nói: “Số tiền này phiền ông đưa lại cho vị tiên sinh đã giúp trả tiền cho tôi ban nãy.” Chủ tiệm mỳ tươi cười nói: “Ngày mai cũng được mà, sao lại phải vội? Ông ta là khách quen ở đây, khách quan ngày mai đến, ăn một bát mỳ của tôi đã.” Dị Bách Kiểm đáp: “Sáng sớm mai tôi phải đi.” Chủ tiệm hơi ngạc nhiên: “Ô, chỉ ở đây mấy hôm thôi sao?” Nhìn số bạc trong tay, ông ta nói tiếp: “Chừng này nhiều quá.” Dị Bách Kiểm trả lời: “Đây là tôi biếu thêm ông, bởi tôi muốn phiền ông một chút.” Chủ tiệm tươi cười: “Phải chăng ông muốn ăn một bát hoành thánh lúc nửa đêm? Đó là món ruột của tôi.” Di Bách Kiểm cười nhẹ: “Tốt quá.” Ăn xong bát hoành thánh, Dị Bách Kiểm vui vẻ rời tiệm mỳ. Ông ta vui vẻ là vì nhận thấy người theo dõi mình đã bỏ đi. Ông biết chủ tiệm mỳ cũng là người chịu trách nhiệm giám sát những người lạ đến Đường Gia Bảo. Ông chỉ không biết chủ tiệm mỳ làm cách nào để báo cho người đó biết không cần theo dõi mình nữa. Đối với một người sáng sớm ngày mai đã rời đi, liệu đeo bám theo còn ích lợi gì nữa? Tuy nhiên Dị Bách Kiểm vẫn tuyệt không lộ vẻ gì khác lạ. Trong đêm tối, trên đường đi từ tiệm mỳ về khách điếm, xác định xung quanh không có ai lai vãng, Dị Bách Kiểm lấy từ trong bọc ra chiếc lồng bồ câu. Ba con bồ câu này đã trải qua thời gian dài huấn luyện, nằm bất động trong bọc của ông, cũng không hề kêu một tiếng, thảo nào Dị Bách Kiểm yên tâm mang chúng đi ăn khuya. Dị Bách Kiểm ôm bồ câu ra đặt xuống đất, ông không tung lên để chúng bay đi, bởi vì như thế sẽ khiến bồ câu vỗ cánh phát ra tiếng động, nếu có người nghe thấy thì thật là nguy hiểm. Sau khi ba con bồ câu đứng yên dưới đất, Dị Bách Kiếm rút trong bọc ra một chiếc túi nhỏ, ông thọc tay vào túi, lấy ra một nắm tựa như gạo, ném ra chỗ không người phía trước. Lũ bồ câu tựa như đã quen với động tác này, lập tức chạy về phía trước, vừa chạy vừa vỗ nhẹ cánh, sau đó bay lên, chầm chậm tan biến vào trong màn đêm. Dị Bách Kiểm ngưng thần lắng nghe, cũng chỉ nghe thấy tiếng lông vũ đập vào nhau rất khẽ. Ông mãn ý mỉm cười, đứng dậy bước về phía khách điếm. * Đường Ngạo vốn mọi thứ đều chắc chắn tỉ mỉ, hiện giờ lại đang đi lại trong phòng, xuất hiện bộ dạng do dự bất quyết. Hắn do dự bởi vì kế hoạch tưởng như hoàn mỹ vô khuyết của hắn đột nhiên xuất hiện một kẽ hở. Người gây nên kẽ hở đó chính là Triệu Vô Kỵ. Chiều nay, thám tử báo về, trên đường đến Bàn Long Cốc không hề thấy tung tích của Triệu Vô Kỵ. Đường Ngạo khi đó rất cao hứng, bởi vì có khả năng Triệu Vô Kỵ đã mắc mưu, đi thẳng đến Phong Bảo. Sau đó, một nhóm thám tử khác hồi báo, trên đường đến Thượng Quan thành bảo cũng không thấy bóng dáng Vô Kỵ đâu. Đường Ngạo lại càng cao hứng, bởi vì mọi thứ cho đến giờ đều diễn ra đúng như kế hoạch của hắn. Đường Ngạo ban đầu dự định dùng Vệ Phượng Nương làm mồi nhử, Vô Kỵ nhất định sẽ mắc bẫy, bởi vì tin tức tuyệt mật đó lại là do Vệ Phượng Nương nghe lén được. Đương nhiên ban đầu Triệu Vô Kỵ sẽ không tin, nhưng rồi chàng sẽ tiếp tục suy luận, với trí tuệ của Đường Gia, tất sẽ dùng mưu để khiến chàng hồ nghi, quyết định không đi Phong Bảo; vậy chắc chắn mục tiêu của Đường Gia chính là Phong Bảo, bởi vậy Vô Kỵ sẽ quyết định đến nơi này. Bây giờ cả hai đội thám báo đã báo tin trên đường đi Thượng Quan thành bảo và Bàn Long Cốc đều không thấy bóng dáng Triệu Vô Kỵ, như vậy Vô Kỵ đã khéo quá hoá vụng, thẳng đường đến Phong Bảo. Tuy nhiên, Đường Ngạo làm việc gì cũng luôn làm đến mức thập toàn thập mỹ, nên hắn quyết định đợi cả tin tức của thám tử từ Phong Bảo. Thám tử đã về, thông báo một tin khiến Đường Ngạo vô cùng kinh ngạc. Trên đường đi Phong Bảo cũng không hề thấy tung tích của Triệu Vô Kỵ. Vậy thì Vô Kỵ đi đâu? Đường Ngạo suy nghĩ rất lung, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Hắn đã đặt ra nhiều giả thuyết, kể cả Vô Kỵ không đi về ba địa điểm trên, thám tử của Đường Gia vẫn có thể truy tung nơi ẩn náu của chàng, kế hoạch vẫn có thể tiếp tục, nhưng nay Vô Kỵ đột nhiên thất tung, điều này đích thực khiến hắn vò đầu bứt tai không nghĩ ra nguyên nhân. Kỳ thực, dù Triệu Vô Kỵ có tới bất kỳ nơi nào trong ba cứ điểm trên của Đại Phong Đường, thì Đường Ngạo cũng không đến nỗi quá lo lắng, điều quan trọng là, hắn muốn thông qua nơi hạ lạc của Triệu Vô Kỵ để thăm dò mức độ trung thành của Thượng Quan Nhận. Thượng Quan Nhận đã biết trước hắn sẽ công đả Bàn Long Cốc, nếu Triệu Vô Kỵ đến Phong Bảo, hắn sẽ giả tấn công Bàn Long Cốc, nhưng mục tiêu thực sự lại là Thượng Quan Bảo. Dụng ý của việc giả công Bàn Long Cốc là nhằm xác minh xem cứ điểm này có chuẩn bị hay không. Nếu có, Thượng Quan Nhận ít nhiều không tránh khỏi bị hoài nghi; còn nếu không, Đường gia tiện thể triệt hạ Bàn Long Cốc một cách dễ dàng, Thượng Quan Nhận có thể tiếp tục được trọng dụng. Đấy là kế hoạch của Đường Ngạo. Hắn có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng Triệu Vô Kỵ lại đột nhiên thất tung. Đương nhiên, con cờ Vô Kỵ thực ra cũng không mấy quan trọng, kỳ thực hắn thả cho Vô Kỵ quay về là để tăng thêm hương vị cho chiến thắng. Nhưng việc Triệu Vô Kỵ thất tung, nếu không tác động lớn đến đại cục, thì ít nhất cũng ảnh hưởng đến việc đánh giá Thượng Quan Nhận, việc đánh giá lòng trung của Thượng Quan Nhận lại cũng không kém phần quan trọng. Sau khi do dự một hồi, hắn quyết định cứ theo kế hoạch cũ mà làm. Do đó, hắn ra lệnh chuẩn bị khoái mã, lại truyền lệnh khẩn cho tất cả các lộ nhân mã ở ngoại vi các cứ điểm của Đại Phong Đường, tất cả đều theo kế hoạch. Bất quá, Đường Ngạo vẫn là Đường Ngạo, tuy mọi thứ đều tiếp tục làm theo kế hoạch, nhưng mặt khác trong lòng đã tính toán một kế hoạch khác. Kế hoạch này không phải nhằm công đả Đại Phong Đường, mà nhằm đối phó với Thượng Quan Nhận. Hắn gọi Đường Hoa tới, phân phó y tiến hành tấn công Vệ Phượng Nương. Tất cả những sự việc trên đều xảy ra trong buổi chiều mùng Hai tháng Năm. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
www.tangthuvien.vn
 
Trở lên đầu trang